Samstag, 1. Mai 2010

Nghĩ về một sự thật

Hồ Phú Bông

Những ngày vừa qua không ít người đã viết về cách giải quyết giữa hai vị chỉ huy chiến trường Nam-Bắc của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khi kết thúc cuộc nội chiến, điều mà người Việt Nam thường chế giễu là “dân hợp chủng có khác”! Trong lúc đó, người Việt Nam, tự hào là đồng chủng, và hơn 110 năm sau theo đà văn minh nhân loại (!), lại không học hỏi được từ lịch sử nên đã giải quyết hoàn toàn ngược lại khi kết thúc, cũng là cuộc nội chiến của đất nước mình. Vì thế bây giờ, đã 35 năm sau ngày 30-4-1975, vẫn còn phải kêu gọi hòa giải, hòa hợp!

Việc “hòa giải hòa hợp” chỉ thể hiện qua ngôn ngữ không thôi thì không thể được xem như là phương pháp từ trong hiện thực. Ngược lại, vì đã có quá nhiều ngôn ngữ đã và đang sử dụng mang ngữ nghĩa không phù hợp với thực chất, nên bị nghi ngờ có mưu đồ hơn là thực tế, vì trước đó, thời gian đã chứng minh loại ngôn ngữ đã dùng chỉ là những cái vỏ bọc ngoài của những việc làm ngược lại!

Ngôn ngữ đầu tiên đánh mạnh vào tiềm thức của người miền Nam là thông cáo “10 ngày tập trung cải tạo” để biến thành hàng chục năm dài bị đói khát, hành hạ đối với những người trót tin về tính “khoan hồng nhân đạo” của nhà nước. Rồi kêu gọi “đi kinh tế mới, để người thân đang bị tập trung cải tạo, được sớm cho về đoàn tụ”, khiến người Sài Gòn mất nhà cửa và lên rừng vất vơ vất vưởng rất nhiều năm. Sau đó đến “đánh tư sản mại bản” làm khốn đốn dân tình cả miền Nam. Tiếp theo là cái gọi là “đổi mới” từ năm 1986 cho đến bây giờ! Hầu hết những danh xưng được dùng trong ngoặc kép bên trên đều gây ấn tượng rất mạnh trong tâm thức người miền Nam!

Thử phân tích, chỉ 2 chữ sau cùng trong các ngoặc kép đó, đó là 2 chữ “đổi mới”. Đối với người miền Nam có phải là “đổi mới” hay không? Xin thưa, không! Vì kinh tế của miền Nam từ trước đã là kinh tế tư bản. Cho nên không có lý do gì khi từ kinh tế tư bản, bị đánh sụp toàn bộ để theo kinh tế xã hội chủ nghĩa, và kết quả là cả nước rơi vào tình trạng dở sống dở chết, nên cuối cùng lại quay lại “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện tại! Có “đổi mới” chăng là dòng chữ dài lòng thòng nhưng thực chất chỉ là kinh tế tư bản sơ khai! Nông dân và công nhân đang trong cảnh cùng quẫn để cho một ít tư bản đỏ phất lên gấp mấy tư bản nước ngoài mà XHCN cái gì?

Do đó, là người Việt Nam, ai cũng muốn hóa giải tình trạng bế tắc tình cảm trong lòng dân tộc nhưng chưa thể có kết quả, chỉ vì tệ nạn ngôn ngữ suông!

Cho nên muốn hòa hợp hòa giải, trước tiên, phải phát xuất từ tấm lòng! Những nạn nhân của một thời hỗn mang, sai trật, phải được trả lại cho đúng với vị trí lịch sử. Phải xác nhận là câu nói của ông Võ Văn Kiệt “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn” là sự thật. Sự thật này phải giải quyết bằng tấm lòng mới có thể giải quyết tận gốc. Thiện chí để giải quyết không phải là “mua thời gian” cho lớp người trực tiếp liên hệ đến chiến tranh tàn lụi và thay đổi lịch sử trong cái nhìn của lớp người trẻ!

Công nhận sự thật thì cơ may hòa giải hòa hợp mới có thể tiến triển.

30-4-2010