Freitag, 14. Mai 2010

Lúa gạo ế, giá xuất khẩu rớt mạnh

Nam Nguyên, RFA

2010-04-30-Đầu ra xuất khẩu mặt hàng gạo Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhà nhập khẩu trả mức giá thấp nhất trong vòng vài năm qua. Nếu tình trạng này tiếp diễn, cả doanh nghiệp lẫn nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nông dân đang gặt lúa vụ Đông Xuân 2010 ở ĐBSCL. Photo By Bay Van Tran

Xuất khẩu sẽ lỗ nặng

Mạng lúa gạo quốc tế Riceonline trong bảng báo giá ngày 26/4 ghi nhận: gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn 340 USD/tấn, gạo 25% còn 320USD/tấn. Thông tin trong nước trích nguồn các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra con số thấp hơn 10 USD, theo đó gạo 5% chỉ được khách hàng nước ngoài trả giá 330 USD/tấn. Mức giá này được mô tả là giảm khá sâu từ 100-140 USD/tấn so với mức giá trong tháng 2 và 3 đầu năm.

Với giá này doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng thương mại sẽ lỗ nặng, nếu họ mua gạo nguyên liệu từ 5.500đ-5.700đ/kg để tương đương giá lúa tối thiểu 4.000đ/kg. Theo bản tin ngày 26/4 của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA giá gạo thành phẩm 5% không bao bì khoảng 6.600.000/tấn tương đương 350 USD/tấn. Đây mới là giá gạo chưa có các chi phí khác, như vô bao, vận chuyển, bốc vác và tiền lời của doanh nghiệp, mà đã cao hơn giá nhà nhập khẩu trả. Do vậy trong quí 2 hiện nay, VFA không phân bổ các hợp đồng thương mại mà chỉ thực hiện các hợp đồng chính phủ. Nếu doanh nghiệp đã mua gạo với giá nông dân có lãi 30%, thì họ sẽ không xuất bán được, phải lưu kho.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long kể khổ vì nhiều người không bán được lúa với giá có lãi 30%, cho dù bán hết lúa cũng không theo kịp mức tăng vật giá:

“Chính phủ đang tăng lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, lý do tăng là để bù vào vật giá tăng. Nhưng đối người nông dân, nhà nước chẳng có tăng được cái gì hết. Trong khi giá lúa bây giờ càng ngày càng xuống, có những người làm lúa ra bán không được để tại nhà luôn. Nếu bán không được để thêm vài tháng nữa thì lúa đó bị hư, người nông dân gánh hậu quả chứ ai sẽ chịu. Đó là thực tế trứơc mắt mà mình thấy.”
Suốt lúa vụ Đông Xuân 2010 ở ĐBSCL. Photo By Bay Van Tran.

Lúa gạo sẽ ứ đọng

Các chuyên viên thị trường ước tính, đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc vụ Đông Xuân với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa tương đương 5 triệu tấn gạo hàng hóa, cho dù VFA có hoàn tất thu mua 1 triệu 500 ngàn tấn gạo thì lúa gạo sẽ vẫn bị ứ đọng. VFA ra giá mua gạo tạm trữ phải bảo đảm giá lúa khô không thấp hơn 4.000đ/kg, cũng như giá sàn gạo 5% xuất khẩu không được dưới 400USD/tấn.

Việc chính phủ hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất cho VFA thực hiện mua tạm trữ gạo được xem như 1 nỗ lực đáng chú ý. TS Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nhận định:

“Sau thời gian có nhiều ý kiến và tranh luận về vai trò Hiệp Hội, việc chính phủ ra quyết định tạm trữ lúa gạo là một quyết tâm rất lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực, cũng như đảm bảo thu nhập của người dân. Đây cũng là một cách thực hiện nghị quyết tam nông.”

Fact box
- Việt Nam có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa.
- 216 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
- Năm 2009: xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA, tổ chức điều phối hoạt động xuất khẩu gạo của cả nước cho biết từ 1/1 tới ngày 22/4 các doanh nghiệp đã xuất khẩu tổng cộng khoảng 1.600.000 tấn gạo. Như vậy cho tới nay các doanh nghiệp vẫn chưa xuất hết lượng gạo 1.900.000 tấn tồn kho của năm ngoái chuyển sang. Các kho chứa hiện đã đầy ắp gạo vụ đông xuân, trong đó có 1 triệu tấn gạo mà các thành viên VFA mua tạm trữ và được hỗ trợ nguồn vốn. Một khi đầu ra xuất khẩu không được khai thông, đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nguy cơ ứ đọng lúa và rớt giá, nhất là từ đây đến cuối năm khu vực này còn hai vụ lúa nữa là hè thu và thu đông.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Rice-export-prices-bottom-out-companies-and-farmers-worry-NNguyen-04302010224209.html