Freitag, 14. Mai 2010

Vấn đề Y đức tại Việt Nam

Khoa Diễm, RFA

2010-05-13-Ngày nay, đôi khi địa vị xã hội cũng được nhìn nhận qua lăng kính đồng tiền, thì liệu những người được ví “lương y như từ mẫu” có thấy được sự cao cả trong nghề họ đã chọn hay không?
Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội. Photo courtesy of e-city.vn
5,7% bác sĩ vi phạm y đức

Ngày 11/5 vừa qua, ĐH Y Hà Nội đã chính thức ra mắt bộ môn Y đức và Y Xã hội học cho khoa Y tế Cộng đồng sau khi một nghiên cứu gần đây cho thấy thực trạng nhận thức và thực hành y đức tại các bệnh viện trong nước đang dần xuống dốc.

Cuộc nghiên cứu này do các bác sĩ trong nước thực hiện cùng các chuyên gia đến từ ĐH Columbia của Mỹ, nhằm mục đích thuyết minh cho việc thành lập bộ môn riêng về Y đức và Y Xã hội học cho sinh viên.

Trong tổng số 700 bác sĩ tham gia nghiên cứu thì có tới 5,7% bác sĩ có biểu hiện thường xuyên vi phạm y đức. Những hành vi này chủ yếu là gây khó khăn cho bệnh nhân, gợi ý và nhận tiền của bệnh nhân, kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng tiền huê hồng, móc ngoặc hoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư.

Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, GS Nguyễn Đức Hinh cho rằng sự vận hành của y đức chưa theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường và việc thành lập bộ môn Y đức là một bước tiến theo đúng hướng.
Bệnh viện Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi (hình minh họa). Photo courtesy of goctretho.vn GS

Hinh cho biết thêm, Y đức đã và đang được dạy trong các trường nhưng chưa đúng. Qua các cuộc khảo sát thì những lớp Y đức hiện nay chỉ dạy về lịch sử ngành Y và 12 điều y đức nhưng không có những ví dụ và thực hành sát với thực tế.

Trưởng Khoa Y tế Cộng đồng của ĐH Y Hà Nội, GS-TS Trương Việt Dũng cho biết, các sinh viên ngành Y không có kiến thức về xã hội học vì chưa bao giờ được dạy trong trường. Ngoài kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, các sinh viên không nhận thêm được sự chỉ bảo, dạy dỗ nào về việc học hiểu tâm lý bệnh nhân, không có khả năng tư vấn bệnh lý. Nếu bộ môn Y đức và Y Xã hội học có thể giúp sinh viên hiểu được tâm lý bệnh nhân cũng như kiến thức xã hội thì sẽ chăm sóc người bệnh một cách hữu hiệu hơn.

Cần dạy đạo đức nghề nghiệp

Khi trao đổi với với Bác sĩ Đỗ Thị Hạ Kỳ qua điện thoại, với tư cách cá nhân, về vấn đề Y đức tại Việt Nam, bác sĩ cho biết bà tin rằng những người bác sĩ đang theo đuổi ngành Y là những người có đạo đức tốt. Bà nói:

“Tại vì là ngành y nên mới gọi là y đức chứ nếu các ngành nghề đều được học về đạo đức của việc hành nghề thì tôi nghĩ đều là tốt hết. Cái gì nghiên về đạo đức thì có nghĩa nó đều làm cho bề mặt con người đối với con người tốt hơn. Trước giờ trong xã hội và ngay cả bản thân những người bác sĩ thì họ nghĩ họ đang làm một công việc cao cả đến tính mạng, cứu sống bệnh nhân cho nên họ có quyền thế này thế nọ.


Cái đó là suy nghĩ hồi xưa thôi nhưng đối với suy nghĩ hiện nay về thời buổi kinh tế bây giờ, bệnh nhân không phải đơn thuần là một đối tượng như vậy mà bệnh nhân được coi là một khách hàng. Tất cả các bệnh viện hiện nay thì điều coi trọng khách hàng của mình thì cũng giống như kinh doanh. Ngoài cái việc được coi trọng vì đó là bệnh nhân thì đây là cái nghề có liên quan đến tính mệnh nên y đức được đặt ra.


Ngày xưa ngành Y và ngành giáo là hai ngành đặc biệt cho nên ngày xưa người ta bảo rằng vào ngành Y, ngành giáo là chấp nhận lương thấp tại vì anh đã chọn cái ngành đặc biệt đươc xã hội tôn trọng nhưng mà hiện nay khi kể về mặt tôn trọng hai ngành này không nhiều cho nên tôi nghĩ là quan niệm coi bệnh nhân là khách hàng thì nó hay hơn. Cho dù có học môn đạo đức hay không, phần lớn những người theo ngành Y là những người có đạo đức, cái đó là chắc chắn. Thực ra cái môn đạo đức có học hay không học thì người vào ngành Y cũng có đạo đức vì nếu không có đạo đức thì họ sẽ không tồn tại với ngành Y được.”

Bệnh viện Từ Dũ ở TPHCM (hình minh họa). Photo courtesy of tcvietnam.com

Qua cuộc nói chuyện với người dân về bác sĩ họ thường đến, chị Dung, hiện sống tại TPHCM cho biết chị không tin tưởng lắm về Y đức của các bác sĩ hiện nay. Chị kể về trường hợp chị gặp gần đây nhất:

“Hôm trước Chị đi khám bệnh BS, chích một lần thuốc và thuốc uống 2 tuần là 500 ngàn. Nhưng thuốc không có bao bì, không ở trong vỉ, vì sợ mình sẽ ra ngoài mua rẻ hơn, chỉ có một loại là có hộp. Rồi khi hết thuốc Chị mới ra ngoài mua, thì trong số thuốc mà BS bán cho Chị thì có 1 loại có hộp và Chị cầm hộp ra ngoài mua thì 1vỉ 10 viên chỉ có 14 ngàn. Như vậy tính ra trong hai tuần thì 1 loại thuốc của Chị chỉ 45 ngàn vì toàn là thuốc nội. Vậy là ông BS đó lời gấp đôi. BS chỉ đưa số thứ tự chứ không đưa toa thuốc để mang về vì sợ Chị ra ngoài mua. BS đã lấy tiền mắc mà đưa toàn thuốc nội, đúng là không có y đức, người nghèo thì làm sao chịu nỗi. Nhưng thật sự thì cũng tùy BS, có người cũng rất tốt và có y đức.”

Ngành Y là ngành được xã hội tôn trọng một phần là do chuyên môn nhưng phần khác cũng vì những người hành nghề làm công việc rất đáng quý là giúp đỡ những bệnh nhân. Tuy nhiên, đôi khi vì vấn đề kinh tế hay một lý do nào đó mà sự yêu nghề cũng như lòng yêu người trong công cuộc giúp đỡ người khác phần nào bị quên lãng.

Y đức của các bác sĩ cũng là mối quan tâm của người dân vì họ là những người tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ. ĐH Y Hà Nội đang bắt đầu cho một giai đọan mới trong ngành Y khi họ quan tâm nhiều hơn đến Y đức của các bác sĩ để sau này nhiều người dân sẽ được bác sĩ của họ chăm sóc một cách hiệu quả hơn.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Medical-ethics-in-vietnam-KDiem-05132010224518.html