Samstag, 15. Mai 2010

Nền ngoại giao phúc âm

Vũ Văn An

Một khóa học giúp các nhà ngoại giao hiểu rõ hơn “hành động nhân bản hóa” của Tòa Thánh trong lãnh vực quốc tế sự vụ và việc làm cách nào Tòa Thánh có thể đưa ra một nền “ngoại giao phúc âm” chân thực và đúng nghĩa đang được tổ chức tại Rôma. Đây là khóa thứ tư, chủ yếu do Quỹ Grêgôriô và Viện Jacques Maritain Quốc Tế đứng ra tổ chức, dành cho các nhà ngoại giao của Châu Mỹ Latinh. Các khóa trước dành cho các nhà ngoại giao của Trung Đông, Châu Phi và Châu Á.
Khóa học kéo dài 12 ngày, bắt đầu ở Rôma và sau đó tại Turin, nhằm mục đích trình bày các cam kết tôn giáo và ngoại giao của Tòa Thánh, cũng như các cam kết về xã hội và nhân đạo của Tòa này nhằm phát huy hòa bình, bảo vệ sáng thế và cổ vũ nhân quyền.

Các nhà ngoại giao rất hăng hái tham gia khóa học này từ lúc nó bắt đầu vào năm 2006, vì cho rằng khóa học này đã trám được một khỏang trống quan trọng. Họ cho biết, tại nhiều chính phủ trên hế giới, kiến thức về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh khá nghèo nàn, thường chỉ quanh quẩn chung quanh các hoạt động ngoại giao đa phương của Tòa Thánh tại các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc ở New York và Geneva.

Luis Felipe de Seixas Corréa, đại sứ Brazil bên cạnh Tòa Thánh, cho hay: “hiện tượng hành động qua lại giữa tôn giáo và nền chính trị quốc tế là một trong các thực tại lớn lao nhất ngày nay. Nhưng hành động ấy ít được biết tới một cách rõ ràng tại các chính phủ ở Châu Mỹ La Tinh. Ngày nay, mối liên hệ này đã trở nên ít hiển nhiên hơn là lúc có những nguyên nhân tranh chấp, nhưng nó vẫn còn nhiều liên hệ”.

Giống nhiều đồng nghiệp, ông tin rằng vì nhiều quốc gia hiện đang chú trọng tới các giá trị đạo đức, tức các giá trị vốn dính liền với các niềm tin và thực hành tôn giáo, cho nên, điều “rất quan trọng” là các nhà ngoại giao phải nhậy cảm đối với các vấn đề ấy khi chúng được diễn đạt thành chính sách quốc gia. Theo ông, tất cả đều góp phần hoàn thành mục tiêu của hành động ngoại giao: tìm “hội tụ” cho các vấn đề chính sách.

Nhiều quốc gia tại Châu Mỹ La Tinh sẽ bắt đầu cử hành lễ kỷ niệm 200 năm độc lập vào năm nay, nên một phần của khóa học năm 2010 đã được dành để khảo sát việc phát triển Đạo Công Giáo tại Châu Mỹ La Tinh, bất kể đó là việc khai sinh ra các đảng dân chủ Kitô Giáo, việc tôn trọng tự do hay tầm quan trọng của nhân quyền.

Và bất chấp một vài phần tử bài giáo sĩ trong các chế độ thiên tả, phần lớn Châu Mỹ La Tinh vẫn rất kính trọng Giáo Hội. Héctor Federico Ling Altamirano, đại sứ Mexico bên cạnh Tòa Thánh, nói rằng: “Ngày nay, Châu Mỹ La Tinh kỳ vọng rằng Giáo Hội có mặt trong vai trò tiếp tục là thế giá tinh thần. Thực thế, Châu Mỹ La Tinh coi thế giá tinh thần là nguyên nhân chính thức tạo ra xã hội và là nguyên động lực trước hết của việc phụng sự ích chung”.

Như nhiều người biết rõ, Giáo Hội Công Giáo đang phải đương đầu với việc gia tăng ảnh hưởng của các giáo hội tin lành tại Châu Mỹ La Tinh, nhất là tại Brazil. Nhưng Đại Sứ Seixas Corréa tin rằng các cộng đồng tôn giáo này đang lôi cuốn nhiều người, nhất là giới trẻ, không phải vì họ đem tới điều gì tốt hơn về phương diện thiêng liêng, mà “chỉ vì họ có những chủ trương phóng túng hơn khi đương đầu với các vấn đề liên hệ tới kiểm soát sinh đẻ”.

Các chính phủ Châu Mỹ La Tinh hoan nghinh khuynh hướng của Đức Bênêđícô XVI nghiêng về các vấn đề công bình xã hội và ưu tiên chọn người nghèo, mà ta có thể diễn dịch thành lời mời gọi các chính trị gia bảo vệ sự sống và gia đình. Dù biết ngài phê phán thần học giải phóng, xét chung, các chính phủ này hoan nghinh việc Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới các chủ đề xã hội, lời kêu gọi phải có đạo đức trong kinh tế, và biết chăm sóc sáng thế -- tất cả đều đã được trình bày trong thông điệp “Bác Ái trong Chân Lý”, và tất cả đều cùng đồng thanh đồng khí với nền văn hóa và chính trị của Châu Mỹ La Tinh.

Linh mục dòng tên Franco Imoda, chủ tịch Qũy Grêgôriô, nhận định rằng tại Châu Mỹ La Tinh và nhiều nơi khác, hiện có nhiều “thách đố lớn lao” đòi phải có các nhà tân lãnh tụ với cái nhìn mới mẻ. Ngài cho hay: khóa học này không có tham vọng giải đáp mọi thách đố đó, nhưng Giáo Hội “như người mang sứ điệp siêu việt phổ quát, một sứ điệp đụng tới tính trung tâm của nhân vị, ‘phải’ có một sứ điệp trong phạm vi này. Tôi tin rằng những ai tiếp cận với chúng tôi phải nhìn nhận rằng chúng tôi có sứ điệp đó. Vatican và Tòa Thánh không có các ‘sư đoàn’ như Stalin nói, nhưng chúng tôi có sứ điệp hy vọng dành cho toàn thể nhân loại”.

Các vấn đề muôn thuở

Lên tiếng trong buổi đầu tiên của khóa học tại Đại Học Grêgôriana ở Rôma ngày 10 tháng 4, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran hùng hồn nói tới tầm quan trọng của tôn giáo trong chính trị và quốc tế sự vụ. Vị chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn này cho hay: “Ta đang sống trong một thế giới nghịch thường. Xã hội Pháp tự hào về tính thế tục hóa của mình nhưng không bao giờ nói nhiều về tôn giáo”. Theo ngài, tôn giáo là “chiều kích không thể tránh né trong hiện sinh con người” và thờ phương cũng cần thiết cho con người y như sinh hoạt kinh tế.

Trích dẫn sử gia Arnold Toynbee, ngài nhận định rằng: “Không từng có một nền văn minh vĩ đại nào mà lại không có tôn giáo”; các sự tích thần thoại, các nghi lễ, các đền thờ và tượng ảnh suốt trong lịch sử làm chứng rằng con người từ bản chất vốn “có tôn giáo”. Ngài bảo: “chính con người đã hỏi chính mình và người khác những câu hỏi dứt khoát, luôn đi tìm lý lẽ tối hậu cho cuộc hiện sinh của mình”.

Vị hồng y người Pháp nói tiếp: vì các lý do đó, hạn chế tự do tôn giáo là hạ giá con người và không biết gì tới lịch sử. Ngài bảo: “bạn có thể tách biệt giáo hội và nhà nước, nhưng bạn không thể tách biệt tôn giáo khỏi xã hội”.

Đức Hồng Y Tauran, một nguyên “bộ trưởng ngoại giao” của Tòa Thánh, người đã từng đại diện Vatican tại Lebanon, ghi nhận những điều tốt đẹp mà Giáo Hội có thể rút tỉa từ thế giới ngày nay, nhưng cũng nhấn mạnh rằng chính trị và Giáo Hội là những thực thể tự lập. Tự lập vốn là một quan niệm quan trọng trong chủ nghĩa thế tục, nó nhìn nhận tính trung lập đúng nghĩa trong các vấn đề tôn giáo, không buộc ai phải tin, cũng không cấm ai tin. Ngài liệt kê 3 phạm vi quan trọng trong đó, tôn giáo góp phần vào phúc lợi của xã hội dân sự: tương đối hóa chính trị, đề nghị các giải đáp cho ý nghĩa cuộc đời mà các định chế khác không thể đề nghị, soi sáng và củng cố ích chung vì tôn giáo có sức mạnh lên khuôn cộng đoàn và qua đó đóng góp vào việc gắn bó xã hội. Ấy thế nhưng, theo ngài, các chính sách (của xã hội dân sự) rất thường khi đã trở thành một thứ tôn giáo thế tục, dẫn tới chủ nghĩa bất khoan dung. Ngài nhắc để các nhà ngoại giao đang hiện diện nhớ rằng: chính trị vốn chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích, chỉ thiết yếu bao lâu nó giúp các điều khác trở thành khả thể. Ngài nhớ lại chủ nghĩa Cộng Sản đã chính trị hóa mọi vấn đề như thế nào mà không thấy rằng các giá trị như chân lý, cái đẹp, tình liên đới, việc làm và tình yêu mới cung cấp được “những điểm qui chiếu để hướng dẫn hành động chính trị. Mà các giá trị ấy vốn là các giá trị được tôn giáo cổ vũ phát huy".

Ngài cho hay một số tôn giáo quả có xâm lấn lãnh vực công, nhưng chỉ có Kitô Giáo là “nhìn nhận tính thế tục của xã hội”. Cả Phúc Âm lẫn học thuyết xã hội của Giáo Hội đều không “đưa ra những mô thức tiền chế nào cho xã hội” và, theo ngài, hiện có “phạm vi dành cho một hình thức trung gian nào đó, nhưng rõ ràng là người Công Giáo không thể cộng tác vào việc tạo ra các đạo luật đi ngược lại mạc khải Thiên Chúa và bản tính nhân loại” (ngài khuyên ta đọc lại tài liệu năm 2003 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc tham gia sinh hoạt chính trị của người Công Giáo).

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y Tauran đã trích lời của Napoléon. Dù là người chủ trương bất khả ngộ và bài giáo sĩ, vị hoàng đế này cũng đã nhìn nhận tầm quan trọng của tôn giáo, trong một diễn văn bất ngờ với hàng giáo sĩ Milan vào ngày 5 tháng 6 năm 1800: “Không ai được coi là công chính và đức hạnh nếu không biết mình từ đâu tới và mình đi đâu. Lý trí mà thôi không đủ cho mục đích này: không có tôn giáo, con người sẽ bước đi trong bóng tối và chỉ có Đạo Công Giáo mới đem lại cho anh ta ánh sáng và sự chắc chắn liên quan đến khởi thủy và cùng đích của anh ta”.

Vũ Văn An
 
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/80202.htm