Dienstag, 11. Mai 2010

A Thousand Tears Falling - Ngàn Giọt Lệ Rơi

Việt Luận phỏng vấn bà Đặng Mỹ Dung, tác giả “Ngàn Giọt Lệ Rơi”

Bà Đặng Mỹ Dung – YungKrall, tác giả cuốn Ngàn giọt lệ rơi

Lời toà soạn: Cuộc chiến Bắc Nam kéo dài hơn 20 năm đã làm cho hầu hết những gia đình VN đều phải chịu cảnh con xa cha, vợ xa chồng, gây ra những mất mát quá lớn về cả vật chất lẫn tinh thần và sau cuộc chiến chấm dứt vẫn còn để lại biết bao vết thương, thù hận, lòng người chia cắt... kéo dài đến hôm nay.

Gia đình chị Đặng Mỹ Dung là một trường hợp khá tiêu biểu của những gia đình ở miền nam VN. Sau 1954, cha chị tập kết ra Bắc, còn chị em chị cùng mẹ ở lại trong Nam được nuôi dưỡng trong môi trường biết quý trọng giá trị của tự do và hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa CS. Chị lập gia đình với một sĩ quan cao cấp người Mỹ và rời khỏi VN trước ngày mất nước. Sau 1975, cha chị là Đặng Quang Minh lúc đó là đại sứ của CSVN tại Moscow gặp lại gia đình lần đầu sau hơn 20 năm chia cắt tại Paris. CSVN nghĩ là có thể dùng lợi dụng chị qua tình cảm cha con để xây dựng một mạng lưới gián điệp tại Hoa Kỳ. Chị Đặng Mỹ Dung hành xử trong trong cương vị là một công dân Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ quê hương thứ hai. Chính chị đã giúp cơ quan tình báo Mỹ phá vỡ mạn lưới gián điệp của CSVN tại Mỹ.

Tất cả những chi tiết đó và cuộc đời của mình đều được chị kể lại trong cuốn tự truyện “Ngàn Giọt Lệ Rơi” sẽ xuất bản bằng tiếng Việt trong năm nay.

Nhân dịp chị Đặng Mỹ Dung qua Úc để thăm bạn bè và thăm lại những người từng là trẻ mồ côi trong Cô Nhi Viện Minh Trí tại Sàigòn trước đây và hiện đang sống tại Úc, Việt Luận có buổi tâm tình với chị hầu có thể giúp cho độc giả biết thêm về người phụ nữ bản lãnh này

Việt Luận (VL): Tuổi thơ ấu của chị trải qua gần 10 năm trong mật khu chống Pháp, chị có thể nói thêm về tuổi thơ của mình được không?

Chị Đặng Mỹ Dung (ĐMD): Tôi sanh ra trong một gia đình đi làm cách mạng chống thực dân Pháp. Hai người anh và một người em trai của má tôi là bạn thân của ba tôi thuở còn đi học, gia đình bên nội các chú các bác đều là Việt Minh. Cuối năm 1939 đàn ông trong đại gia đình của chúng tôi bị Tây bắt đày ra Côn Đảo, đến năm 1945 cùng với muôn ngàn người tù khác ba tôi được trả tự do. Năm 1946 tôi ra đời tại tỉnh lỵ Cần Thơ nhưng chưa đầy một tuổi thì ba tôi dẫn vợ con vô vùng giải phóng.

Tôi rất thích khi VL hỏi đến tuổi thơ của tôi, bởi vì nó như một cuốn film trắng đen vẫn còn mới trong tâm khảm của tôi, nó vẫn còn linh động, vẫn còn âm thanh quen thuộc dù đã qua 50 năm rồi. Hình ảnh trong tuổi thơ của tôi là những năm tản cư, chạy giặc, bom đạn trên máy bay củaTây từ trên máy bay bắn xuống nhưng tôi nhớ hoài mỗi lần Tây bắn xong người trong làng xúm tìm nhau coi ai còn ai chết. Người sống tiếp tục đấu tranh không có ai bỏ cuộc. Được nuôi dưỡng trong cái nôi cách mạng, tiếng hát ru em là những chịi hùng ca nặng tình nhà, tình dân tộc. Gương sáng là những người yêu nước ở mọi từng lớp trong xã hội Việt Nam sánh vai nhau phục vụ cho một lý tưởng. Họ vào trong vùng giải phóng từ thành thị đến thôn quê, họ là những người dân chày, những anh nông dân, những thiếu nữ tóc còn xanh. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư, thầy giáo. Có người du học bên Pháp vừa về tới Việt Nam là đi thẳng vô trong khu theo cách mạng, có người thoát ly gia đình bỏ lại mẹ già, cha bịnh mà đi theo cách mạng chống thực dân Pháp. Anh chị em chúng tôi là những người bạn tí hon của các anh các chị bộ đội và cán bộ, khi họ nhớ nhà, nhớ bữa cơm gia đình họ tìm đến với chúng tôi.

Tôi còn nhớ những buổi chiều vàng thật đẹp trên sông trước cửa nhà tôi, anh em tôi ngồi nghe má kể chuyện đời xưa, còn ba tôi thì chờ đêm tối không trăng kể chuyện ma.

Lúc tôi lên 9 tưổi, Việt Minh thắng trận, Tây về Tây. Đất nước thanh bình chỉ được một thời gian ngắn, nhưng hoà bình trong nhà tôi chỉ được có mấy tháng thôi vì ba tôi cho vợ con biết Hiệp Định Geneve đã ký, còn nhỏ quá tôi chỉ biết cái tên xa lạ đó nhưng không biết Geneve ở đâu, chỉ biết ở đó đã định đoạt cho cảnh phân ly của gia đình tôi. Ba tôi đi tập kết ra Bắc, má tôi và 6 chị em ở lại miền Nam.

Tôi may mắn được nuôi dưỡng trong cái nôi cách mạng để lớn lên tôi biết yêu nước, may mắn hơn nửa là được làm công dân ở miền Nam để tôi có tự do yêu nước với người dân. Nếu má tôi không can đảm nuôi con một mình thì chúng tôi sẽ thành những dụng cụ yêu nước cho CSVN rồi.

VL: Sau khi ba chị tập kết ra Bắc vào năm 1954 yếu tố nào đã nung đúc chị có một tinh thần chống cộng rõ ràng, chớ không giống như phần đông những gia đình có cha theo Cộng sản khác?

ĐMD: Má tôi làm vợ của một nhà cách mạng chống Pháp, dù không có gia nhập hội Phụ Nữ như những người vợ cách mạng khác nhưng má tôi sát cánh bên chồng, bên con cho nên má tôi hiểu khi Việt Minh ló đuôi Cộng Sản. Anh chị em chúng tôi lớn lên với thăng trầm của đất nước, qua tình yêu nước của ba tôi mà anh chị em chúng tôi biết yêu nước. Sau khi ba tôi đi tập kết chúng tôi tản cư về ở với ông ngoại chị ngoại, ông lại là người yêu nước thuần túy hơn, ông chống Cộng Sản, ông chống Hồ Chí Minh, nhưng ông yêu thương những người con, người rể của ông, nhờ ông ngoại cho tôi thấy phân biệt rõ ràng nầy mà tôi không đi lạc đường mà tôi vẫn không thấy mình tội lỗi khi tôi từ chối không nối gót ba tôi.

VL: Làm sao chị tạo được mối quan hệ với những nhân viên ngoại giao và gián điệp của CSVN sau năm 1975? Và chị có thể kể lại cho độc giả biết về vụ án Trương Đình Hùng có liên hệ trực tiếp đến chị?

ĐMD: Tháng 5 năm 1975, ba tôi trở về miền Nam trong chiến thắng của Hà Nội nhưng cá nhân của ông là chiến bại vì vợ con sợ Cộng sản quá nên đã bỏ chạy qua Mỹ trước đó 2 tuần. Trời thương gia đình tôi cho nên đưa đẩy cho ba má tôi gặp nhau trên nước Pháp do ông Lê Duẩn bạn chí thân của ba tôi đứng sau lưng giúp đở. Trong bộ Ngoại Giao của Hà Nội lúc đó ai cũng biết là ông Lê Duẩn tin tưởng ba tôi lắm. Được biết trong lịch sử của đảng Cộng Sản ba tôi là đảng viên lần đầu được nhà nước cho phép gặp vợ con ở nước ngoài, cho nên khi tôi gặp ba tôi ở Paris thì nhũng cán bộ của hai toà đại sứ Hà Nội và MTGPMN đều đón tiếp con gái của ba tôi một cách nồng nhiệt. Phải thành thật mà nói có những đồng chí của ba tôi cũng ở cùng hoàn cảnh xa vợ xa con suốt thời kỳ chiến tranh cho nên họ hết lòng giúp cho cuộc hội ngộ nầy trọn vẹn cho ba má tôi và tôi. Nhưng khi tới Paris, gặp một vài ông cán bộ tình báo thì mới biết họ đã làm “home work” kỹ càng về tôi, biết chồng tôi là sĩ quan tình báo của Hải Quân Mỹ làm việc tại Ngũ Giác Đài, là phi công của Hải Quân, họ muốn làm thân với tôi vì con mồi lớn kia cùng một lúc Hà Nội bắt đầu củng cố lại nội bộ của Việt Kiều Yêu Nước. Bất đắc dĩ tôi nhận lời làm tai mắt cho ông chủ tịch của Việt Kiều Yêu Nước, trụ sở tại Paris. Trùm gián điệp Cộng Sản Việt Nam cũng cho tôi công tác để móc nối với gián điệp của họ ở Mỹ.

Mọi liên hệ giữa tôi và cán bộ Cộng Sản Việt Nam tại Paris, Mỹ và các nước khác đều được báo cáo vói CIA trong những báo cáo tôi trình lên cho sở nầy.

Nói tóm lại, nhân viên Bộ Ngoại Giao và gián điệp của CSVN lợi dụng con của ba tôi chớ tôi không có rình nhà họ trước.

Vụ án của Trương Đình Hùng đã có nhiều báo chí, sách vở nói đến, trong A Thousand Tears Falling tôi cũng có ghi chép lại những chi tiết từ ngày đầu tôi được tình báo CSVN giới thiệu tôi với Trương Đình Hùng cho đến ngày ông ấy bị FBI bắt.

VL: Xin lỗi cho hỏi một câu riêng tư: Sau khi giúp chính phủ Mỹ phá vỡ được mạng lưới gián điệp lớn CSVN tại Mỹ, thì mối liên hệ giữa chị và cha chị ra sao? Chị có bao giờ thuyết phục ba chị bỏ lý tưởng cộng sản?

ĐMD: Cộng sản chia đôi đất nước, làm cho con xa cha, vợ xa chồng, chúng tôi không được lớn lên bên cạnh ba tôi, rồi khi ba tôi gìa yếu chúng tôi cũng không được chăm sóc ông, nhưng gia đình tôi được cái phước là dù xa nhau trên 20 năm nhưng chúng tôi thương yêu nhau, kính trọng nhau trong tinh thần của những người Việt Nam yêu nước. Một khi anh yêu nước thật sự, hành động và việc làm của anh nói lên tình yêu đó. Ba tôi biết tôi yêu nước, ba tôi biết tôi không chấp nhận sự có mặt của Cộng Sản tại miền nam Việt Nam. Chúng tôi vẫn yêu thương kính trọng nhau sau khi biết tôi giúp cơ quan tình báo Mỹ phá vỡ mạng lưới gián điệp của CSVN tại Mỹ.

Sau 30 tháng 4 năm 75 tôi được gặp ba tôi ba lần, lần nào tôi cũng nói khéo khuyên ba tôi hưu trí tìm một quốc gia nào khác ở dưỡng gìà với má tôi, dĩ nhiên không phải là tỵ nạn Cộng Sản ở nước Mỹ. Ba lần tôi mời ba tôi ở lại, ba lần tôi làm cho ba tôi thất vọng vô cùng, vì ba tôi cho đó là một ý nghĩ vô cùng ích kỷ. Ông muốn tiếp tục phục vụ đất nước và dân tộc dù biết Đảng của ông đã phản bội ông rồi.

Tình cha con của chúng tôi không sứt mẻ, chỉ buồn cho gia đình tôi là ngày ba tôi qua đời, CSVN không cho chúng tôi về dự đám tang. Gia đình bên ngoại “đánh dây thép” cho chúng tôi biết tin ba tôi qua đời.

VL: Yếu tố nào đã thúc đẩy chị viết tác phẩm “Ngàn Giọt Lệ Rơi”?

ĐMD: Câu chuyện của những người đi tập kết đâu có giấy mực nào ghi chép hết. Phần tôi, tôi viết để thế hệ con cháu của tôi nó biết gia đình Việt Nam của nó, hy vọng như vậy. Tôi viết để ghi ơn ông chị cha mẹ anh chị em của tôi và những người đi qua trong đời tôi đã giúp cho tôi thành người. Trăm ngàn gia đình có thân nhân đi tập kết cũng muốn kể lại khoảng đời nầy của họ, nhưng phần đông không viết được vì họ đang ở tại Việt Nam, có những người sống ở hải ngoại nhưng họ không dám ra mặt sợ thân nhân của họ bị phiền phức với nhà nước ở Việt Nam. Lần cuối cùng gặp ba tôi ở Luân Đôn, tôi có cho ba tôi biết là mấy chục năm qua tôi viết nhựt ký, ba tôi có vẻ ưu tư rồi khuyên tôi nên viết thành sách cho con cháu trong gia đình biết về tổ tiên ông chị của chúng nó.

Tôi nhớ hoài câu nói ngắn ngủi nhưng thành thật vô cùng của một đảng viên Cộng Sản: “Con viết dùm cho ba, hoàn cảnh chưa cho phép những người như ba viết hồi ký, chỉ có chánh phủ mới được viết hồi ký thôi con à.”

VL: Được biết chị đang dịch tác phẩm này sang tiếng Việt, xin chị cho biết khi nào thì hoàn thành?

ĐMD: Tôi cám ơn chồng con, bè bạn và VL đã hỏi thăm tới đứa con tinh thần của tôi. Cho phép tôi trả lời rất dài dòng để tất cả biết tại sao 10 năm sau khi bản Anh ngữ A Thousand Tears Falling xuất bản rồi mà tôi chưa hoàn thành bản Việt ngữ. VL là người thứ mấy chục hỏi tôi câu nầy, nhưng VL là người đầu tiên tôi trả lời rõ ràng. Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con, nó lớn nhanh quá làm cho tôi luống cuống, viết lại quyển sách nầy bằng Việt ngữ cũng gần giống như nhìn con tôi trưởng thành, đủ lông đủ cánh nó bay đi. Nó là một đứa con tuyệt vời của vợ chồng tôi, khi nó trưởng thành nó có bổn phận với đời, với xã hội của nó. Cũng như con của tôi, cuốn sách nầy sẽ được vô nhà in, được đến tới tay của đọc giả xa gần, cho tôi bồng bế nó cho đến cuối năm nay.

VL: Trong đời chị, chị đã làm được nhiều “chuyện lớn”, nhưng điều gì làm chị hãnh diện nhất và chị có điều gì hối tiếc không?

ĐMD: Chuyện lớn nhứt là có con, thương con và được nó thương lại. Điều tôi mong ước thầm kính nhứt nhưng ít khi nào nhắc đến trước công chúng đó là được cùng với ba tôi viết một quyển sách. Thôi thì kiếp sau vậy.

---------------------------------
Dự án phim "Ngàn Giọt Lệ Rơi"

Giao Chỉ


Lời nói đầu:
Ða số hồi ký của các nhân vật lịch sử Việt Nam thường viết về thời gian trước tháng tư 75, và thiếu vắng tác phẩm của phụ nữ. Nhưng bút ký về cuộc đời bà Mỹ Dung đã viết về một giai đoạn chính từ sau tháng tư 75. Phải chờ giải mật năm 1995 tức là 20 năm sau tác phẩm bằng Anh ngữ “A Thousand Tears Falling..” mới được xuất bản. Ngay khi tác phẩm ra đời, báo chí và các nhà điểm sách Hoa Kỳ đã không tiếc lời khen ngợi. Nhiều độc giả Việt Nam cũng đã mua và đọc nguyên tác Anh Ngữ. Nhưng đa số vẫn còn mong có cơ hội đọc bản Việt ngữ của một câu chuyện thực hết sức bi thương và hấp dẫn. Vào lúc 1 giờ chiều ngày chủ nhật 16 tháng 5-2010 bộ sách lịch sử cả Anh và Việt ngữ sẽ ra mắt San Jose. Dân Sinh Media sẽ tổ chức tại hội trường của quận hạt Santa Clara số 90 W. Hedding, San Jose. Như vậy là chúng ta phải chờ đợi 20 năm để đọc bản Anh ngữ. Rồi chờ thêm 15 năm mới có bản tiếng Việt. Sau này không biết bao giờ câu chuyện này sẽ được dựng thành phim. Trong khi chờ đợi, xin vui lòng dành cho chúng tôi cơ hội giãi bầy về việc thảo luận cho Ngàn Giọt Lệ Rơi trên con đường đi lên màn ảnh,... sau này.

Ngàn Giọt Lệ Rơi

Sau 30 năm chiến tranh Việt Nam đã có nhiều hoàn cảnh éo le trong đời sống. Cuộc binh đao giữa hai miền Nam Bắc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đưa đến cảnh gia đình chia cắt. Câu chuyện được ghi lại lần này là một nhà chia đôi ngả. Cha và con trai theo miền Bắc. Mẹ và 5 con theo miền Nam. Câu chuyện thật và đầy đủ tình tiết để dựng nên một cuốn phim làm di sản cho đời sau. Phim ảnh Hoa Kỳ thường hay phỏng theo các cuốn tiểu thuyết hoặc ký sự dựa theo chuyện có thật đã xảy ra. Nếu người Việt chúng ta làm một cuốn phim tại hải ngoại để có thị trường phải là phim nói Anh ngữ, có cái vai Mỹ Việt, tình tiết éo le, hấp dẫn, pha chút màu sắc điệp viên với các giây phút lo sợ kịch tính. Ðồng thời có những lúc vai chính phải ray rứt nội tâm. Màn ảnh chiếu gần, diễn tả bằng nét mặt.

Sự lựa chọn giữa lý tưởng và bổn phận của các vai chính làm cho chuyện phim đóng mở, lôi cuốn khán giả. Nội dung cần có cơ hội để lấy ngoại cảnh từ Việt Nam, Nhật Bản, Hạ Uy Di, Hoa kỳ và Âu châu. Vai chính đi từ những phân cảnh của gia đình Việt Nam trong chiến tranh đến các buổi tiếp tân của ngoại giao đoàn tại các quốc gia Tây phương. Từ các phòng ăn tráng lệ tại các câu lạc bộ sĩ quan Hoa Kỳ cho đến các chiến khu ở rừng già Nam Bộ. Từ văn phòng của bộ ngoại giao chính phủ (Không dùng từ này) Việt Nam đến cơ sở tình báo của hải quân trong Ngũ Giác Ðài. Một chuyện phim như thế mà phỏng theo một câu chuyện hồi ký có thực thì vô cùng lý thú. Có thể tìm thấy không? Trên thực tế chuyện này đã xảy ra.

Chúng ta có thể tìm được câu chuyện tình tiết như vậy với nội dung bao gồm cuộc chiến Quốc Cộng giữa Việt Nam với Việt Nam. Giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Câu chuyện gián điệp thực sự xảy ra đã được kể trong cuốn hồi ký của một phụ nữ.

Người đàn bà viết cuốn sách này tên là Ðặng Mỹ Dung và cuốn sách có tựa đề là Ngàn Giọt Lệ Rơi. Nguyên tác Anh ngữ là A Thousand Tears Falling. Bà Yung Krall sáng tác theo thể tự truyện dựa vào cuộc đời của cha mẹ rồi đến chính cuộc đời của tác giả. Tất cả mọi danh tính đều giữ nguyên như là một sử liệu. Dựa theo tác phẩm Anh ngữ, chúng tôi viết bản phác họa cho một cuốn phim tương lai của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Ðây là phim truyện về một người chủ gia đình theo kháng chiến rồi đi tập kết 54 trở thành nhân viên cao cấp trong chính phủ (Không dùng từ này). Người vợ ở lại miền Nam trong vùng quốc gia rồi di tản qua Hoa Kỳ. Bà đã từ chối không về sống với chồng ở Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, con cái mỗi người theo một ngả. Tiếp theo cuộc chiến Quốc Cộng tiếp tục bàn giao cho thế hệ thứ hai. Tác giả là con gái trong gia đình đã thành hôn với một sĩ quan hải quân Mỹ. Trong hoàn cảnh éo le, cô gái đã trở thành gián điệp nhị trùng. Một bên là cha ruột, một bên là chồng. Ðứng giữa hai phe thù nghịch nhưng tác giả thực sự làm việc cho phía Hoa Kỳ. Ðã góp phần phá vỡ âm mưu của Hà Nội lúc đó đang tìm cách cài người vào bộ ngoại giao tại Hoa Thịnh Ðốn.

Chuyện thật đã xảy ra tại Mỹ vào cuối thập niên 70. Trong chiến tranh Việt Nam, phe quốc gia và đồng minh Hoa Kỳ thường bị phía (Không dùng từ này) cài người nằm thật sâu vào các cơ quan của ta, nhưng phe ta chưa hề có được những đòn gián điệp đáng kể lừa được đối phương. Câu chuyện Ngàn Giọt Lệ Rơi là một biệt lệ đặc biệt cần được biết đến, cần được nhắc lại và cần được đóng thành phim. Cảm khích với nội dung của tác phẩm, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị sau đây là câu chuyện về một cuốn phim tương lai, nhân dịp 35 năm sau kể từ tháng 4-1975.

Phác hoạ chuyện phim Ngàn Giọt Lệ Rơi

“A thousand Tears Falling” bắt đầu từ ngoại cảnh tại Nhật Bản. Thời gian lúc đó là tháng 6-1975, không gian là tại phòng tiếp tân của đại khách sạn Nhật Bản tại Ðông Kinh. Tại đây, một hội nghị quốc tế giữa các nước Ðông Nam Á đang diễn ra. Ông Ðặng Quang Minh là trưởng phái đoàn của nước (Không dùng từ này) Việt Nam vừa chiến thắng Sài Gòn 2 tháng trước, đến dự hội nghị với niềm tự hào và được sự lưu ý của báo chí thế giới. Tuy nhiên, cũng vào chiều hôm đó tại Ðông Kinh, người cán bộ cao cấp của phe (Không dùng từ này) gặp lại con gái sau 23 năm xa cách. Từ hình ảnh trong đại sảnh của khách sạn quốc tế tại Tokyo, phía trước treo cờ các nước dự hội nghị, có cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh vị trưởng phái đoàn rạng rỡ tươi cười mở đầu cuốn phim để tiếp đến hình ảnh hồi tưởng thời kỳ trongchiến khu với cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Ông Minh sinh năm 1909 tại Vĩnh Long, đi theo Kháng Chiến và trở thành nhân viên cao cấp của Mặt Trận. Năm 1954, ông dẫn con trai lớn 17 tuổi là Ðặng Văn Khôi ra Bắc. Vợ ông Minh là bà Trần Thị Phàm và 5 con nhỏ ở lại miền Nam. Khi chia tay hẹn 2 năm trở lại nhưng thật sự phải hơn 20 năm sau người (Không dùng từ này) mới vào được Sài Gòn thì lúc đó đã biết bao nhiêu vật đổi sao rời. Người con trưởng theo bố ra Bắc đã trở thành sĩ quan của quân đội nhân dân được gửi đi Nga học về hỏa tiễn phòng không năm 1968. Ðến năm 1975, ông Minh trong khi vẫn một lòng trung thành với chế độ và trở nên cán bộ cao cấp ngành ngoại giao thì người con trưởng Ðặng Văn Khôi có thái độ chống chiến tranh nên đã bị sa thải khỏi quân đội miền Bắc.

Tại miền Nam, người con trai thứ của ông bà là Ðặng Hải Vân, lúc ông tập kết chỉ có 5 tuổi sau này đã trở thành phi công của Không Quân Việt nam Cộng Hòa. Nhưng không may Hải Vân đã bị thiệt mạng trong một phi vụ bay huấn luyện tại Hoa Kỳ lúc 21 tuổi. Chị Ðặng Mỹ Dung là con thứ tư của ông bà đã thành hôn với đại úy phi công của Hải Quân Hoa Kỳ tại Sài Gòn và năm 75 gia đình chị đang sống tại Hawaii.

Cuộc sống thơ mộng và bình yên của ông Krall và bà Mỹ Dung hoàn toàn thay đổi từ tháng 4-1975.

Cũng vào tháng 4-1975, lúc đó cha của bà Dung là ông Minh đang làm đại sứ (Không dùng từ này) Hà Nội tại Nga Sô, mẹ của bà và đứa em út thì kẹt ở Sài Gòn. Với bao năm xa cách, với quan niệm về cuộc sống khác biệt, bà Phàm vợ ông Minh không hề có ý muốn ở lại Sài Gòn để chờ đoàn tụ với chồng. Ðặng Mỹ Dung từ Hạ Uy Di liền yêu cầu thiếu tá Krall tìm cách về Sài Gòn đón gia đình bà mẹ qua Mỹ. Khi ông Krall qua Sài Gòn đã lâu mà chưa có tin tức gì. Tại Hawaii, bà Ðặng Mỹ Dung lo sợ đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại cầu cứu với đề đốc Gaylor, tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng. Lời nói chỉ vắn tắt báo cáo chuyện chồng bà về Sài Gòn để lo cứu gia đình sao chưa thấy qua, nhưng bà nói thêm một tin tức động trời, bà là con gái của đại sứ (Không dùng từ này) Việt Nam tại Mạc Tư Khoa.

Lập tức guồng máy quân báo của Hải Quân Hoa Kỳ chuyển động và cả FBI lẫn CIA nhập cuộc. Hệ thống tình báo Mỹ ghi nhận ngay đây là một đầu mối vô cùng quan trọng mà tại sao lâu nay không ai biết. Ngay cả lúc hồ sơ thành hôn của vị sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ cũng không ai lưu ý đến mối liên hệ huyết tộc của cô dâu nước Mỹ có đầu mối Hà Nội. Họ cứ tưởng đây chỉ là cô gái thuần túy Sài Gòn. Tiếp theo khi chuyến bay chở mẹ và em gái út của Ðặng Mỹ Dung ra khỏi Việt Nam do CIA Sài Gòn trực tiếp sắp đặt thì một khế ước bất thành văn đã bắt đầu. Mỹ Dung nợ khối tình báo Mỹ một yêu cầu. Cuộc đời điệp viên khởi sự. Khi bà Minh đã yên ổn tại Hoa Kỳ thì hơn 60 ngày sau Mỹ Dung dắt con nhỏ qua Nhật Bản thăm thân phụ đã hơn 20 năm xa cách. Guồng máy tình báo của thế giới tự do mở chiến dịch để Con Chim Xanh với Ngàn Giọt Lệ lên đường công tác.

Sơ lược chuyện phim

Bây giờ xin mời khán giả trở lại Ðông Kinh của tháng 6-1976. Cánh cửa phòng họp riêng của đại sảnh Tokyo hé mở, một cán bộ ngoại giao của Hà Nội bước vào trình với thủ trưởng Ðặng Quang Minh: “Thưa đồng chí thủ trưởng, bà Việt kiều ở Mỹ và đứa con lai đã có hẹn xin vào gặp.” Ông Minh vẫn còn đang ngồi xem hồ sơ hội nghị, nói mà không nhìn lên: “Ðây là đại diện Hội Việt Kiều Yêu Nước đến để động viên và mừng đất nước thống nhất. Ðồng chí mời vào đi.” Ðặng Mỹ Dung bước vào cùng con gái nhỏ nép một bên.

Hơn 20 năm qua, lúc thân phụ ra đi, cô là đứa bé con. Giờ đây, đứa cháu ngoại lai Mỹ xinh đẹp mắt mở to nhìn người đàn ông xa lạ mà e ngại. Cuộc gặp gỡ riêng tư nhưng hết sức khách sáo. Cả cha con đều phải đóng kịch dù rằng trong lòng như lửa đốt. Trước khi chia tay, ông Minh nói nhỏ với con gái là sẽ thu xếp để gặp lại người vợ cũ là bà Phàm đã hiện di tản qua Hoa Kỳ.

Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 6-1975, cuộc đấu tranh chiến tranh chính trị, tình báo và ngoại giao giữa hai cha con bắt đầu. Một bên là Việt Nam (Không dùng từ này) đã thống nhất và một bên là guồng máy tình báo Hoa Kỳ. Cả hai bên đều tìm cách mua chuộc lẫn nhau. Cuốn phim Ngàn Giọt Lệ Rơi thực sự sẽ có cả hàng trăm phân cảnh hết sức độc đáo để dàn dựng.

Chiến tranh tình báo

Thủ trưởng Ðặng Quang Minh về báo cáo lên bộ chính trị và được Lê Duẩn đồng ý cho phép qua Paris gặp lại vợ con. Ông dự trù sẽ thuyết phục để đưa vợ con trở về Hà Nội dưới hình thức chiến thắng ngoại giao sau khi tuyên bố là gia đình ông ở Sài Gòn đã bị Hoa Kỳ áp đảo bắt phải di tản. Hà Nội chắc chắn một lần nữa sẽ đạt được một thành tích đánh bại Hoa Kỳ trên diễn đàn dư luận quốc tế. Phía Hoa Kỳ, Hoa Thịnh Ðốn đã cho phép CIA giúp đỡ hai mẹ con bà Minh qua Pháp để bắt nhịp cầu làm việc trực tiếp với tòa đại sứ (Không dùng từ này) Việt Nam tại Paris. Tình báo Mỹ chấp nhận nhập cuộc.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chính trị giữa (không dùng từ này) và Hoa Kỳ đã trở thành một mối xung đột và mâu thuẫn trong nội bộ gia đình họ Ðặng, vượt ra khỏi tầm tay của những thế lực đằng sau từ cả hai bên. Ông Minh hết lòng thuyết phục bà vợ tao khang trở về với một đất nước nay đã thanh bình, độc lập, thống nhất và hoàn toàn chiến thắng. Ông thề thốt lấy cả cuộc đời ra để bảo đảm cho sự an toàn của bà và người con út cùng đi với bà.Nhưng bà Minh vẫn còn dè đặt và sau cùng quyết định ở lại Hoa Kỳ. Một quyết định sáng suốt mà sau này bà vẫn cho là hết sức may mắn.

Trong thời gian đó, phe (Không dùng từ này) hết lòng chiều chuộng móc nối với Ðặng Mỹ Dung với hy vọng cô sẽ thuyết phục bà mẹ. Và hơn nữa, dù bà Minh chưa muốn về Hà Nội nhưng Mỹ Dung với ảnh hưởng sẵn có trong quân đội Mỹ, có thể dễ dàng trở thành một nguồn tin đáng giá và tốt nhất là cô chuyển hộ các tài liệu trên đường hàng không từ Hoa Thịnh Ðốn qua Paris. Con Chim Xanh của Ngàn Giọt Lệ Rơi luôn luôn sẵn sàng hợp tác như là một người cảm tình với phe chiến thắng mà thân phụ của cô cũng góp phần.

Dần dân Mỹ Dung gián tiếp trở thành một phụ nữ Việt Nam yêu nước kết hôn với người Mỹ những vẫn hồn nhiên đóng góp công tác cho chính phủ Hà Nội và các tổ chức thân Cộng. Cũng vào thời điểm đó, sinh viên thân cộng Trương Ðình Hùng là con của luật sư Trương Ðình Dzu đang hoạt động cho tình báo (Không dùng từ này). Hùng du học Mỹ trước 1975 và tiếp tục ở lại Hoa Kỳ móc nối lấy tin tức từ bộ ngoại giao. Hùng rất tin tưởng ở sự thân hữu chặt chẽ của Mỹ Dung với Hà Nội và tòa đại sứ (Không dùng từ này) Việt Nam tại Pháp.

Ronald Humphrey là nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được phép đọc tài liệu tối mật. Lúc còn ở Việt Nam, Humphrey lấy cháu gái Võ Thị Ðịnh, một nữ cán bộ quân sự của Giải Phóng Miền Nam. Hà Nội đưa điều kiện nếu Ronald muốn cho phép đem vợ qua Mỹ phải lấy hồ sơ mật của bộ ngoại giao Mỹ trao cho Trương Ðình Hùng. Hùng nhờ Ðặng Mỹ Dung chuyển tài liệu cho (Không dùng từ này) qua tòa đại sứ Việt Nam tại Paris Tài liệu Humphrey đưa ra qua tay Hùng đến Mỹ Dung thì CIA đổi thành tài liệu giả để chuyển qua Pháp.

Khi chính phủ Hoa Kỳ quyết định truy tố Trương Ðình Hùng và Humphrey thì cần có Mỹ Dung ra làm nhân chứng. Nếu như thế là cuộc đời gián điệp sẽ chấm dứt và đồng thời bà Dung phải chấp nhận mọi rủi ro thách đố về sau. Ðây là một quyết định khó khăn đối với một phụ nữ. Lần đưa mẹ ra khỏi Việt Nam, Mỹ Dung đã phải trả giá bằng cách bước vào con đường chông gai của nữ điệp viên. Lần này lại thêm một thử thách mới.

Sau cùng Mỹ Dung yêu cầu chính phủ Mỹ phải cam kết đưa cha và anh bà được vào Mỹ, trước khi phiên tòa bắt đầu. Việc này sẽ được thu xếp trước khi vụ gián điệp tại bộ ngoại giao được chuyển qua tòa án. Hồ sơ cam kết mật đưa lên tổng thống Carter xin chấp thuận. Guồng máy tình báo Hoa Kỳ lại mở chiến dịch mới.

Bà Mỹ Dung viết thư cho Lê Duẩn, tổng bí thư của dảng (Không dùng từ này) Việt Nam và Nguyễn Duy Trinh bộ trưởng ngoại giao Hà Nội xin cho cha là Ðăng Quang Minh qua London gặp gia đình vợ con vì bà Minh bị bệnh nan y có thể chết. Giáng Sinh năm 1977, Hà Nội chấp thuận cho ông Minh xuất ngoại. Trong hai tuần lễ sống bên cha, cả hai chị em bà Mỹ Dung thuyết phục ông Minh đi Mỹ nhưng không thành công. Cuộc tranh luận, phân giải trong gia tộc với nghĩa phu thê, và tình cha con của một gia đình Quốc Cộng đã kéo dài suốt mùa Giáng Sinh tại thủ đô sương mù London năm 1977. Ông Minh đã dành cả cuộc đời đi theo con đường của ông, đêm nằm trằn trọc cùng phòng với đứa cháu ngoại thân yêu.



Bà Minh suốt thời gian nghe con gái và chồng tranh luận mệt nhoài nên đã nói những lời sau cùng trước khi chia tay đôi ngả. Bà yêu cầu chồng và các con chấm dứt tranh luận, cãi cọ qua lại về chính trị, về chủ thuyết, và tương lai. Hãy ngồi với nhau lần cuối trong tình huyết tộc rồi đường ai nấy đi.Cuộc chia tay của hai phe đấu tranh chiến tranh chính trị trong một gia đình bây giờ chỉ còn toàn nước mắt của “Ngàn giọt lệ rơi.”

Sau cuộc họp mặt Giáng Sinh lịch sử 1977 của gia đình họ Ðặng, Hoa Kỳ quyết định đưa vụ án ra ánh sáng. Chính phủ Mỹ truy tố Trương Ðình Hùng và Ronald Humphrey mỗi người bị tù 15 năm. Cả hệ thống ngoại giao của (không dùng từ này) Hà Nội bị lung lay, rung động từ đại sứ Ðinh Bá Thi tại Liên Hiệp Quốc cho đến đại sứ Ðặng Văn Sung tại Paris.

Câu chuyện gián điệp nữ Ðặng Mỹ Dung được viết lại thành ký sự bằng Anh ngữ nhưng CIA đã yêu cầu bỏ đi gần 200 trang trước khi in

Về sau ông Ðặng Quang Minh sống độc thân tại Hà Nội, thỉnh thoảng đi thăm mộ con trai là thiếu úy Ðặng Hải Vân của KQVNCH tại miền Nam. Ông mất năm 1986, hưởng thọ được 77 tuổi. Ðặng Văn Khôi, người con trai lớn theo ông tập kết ra Bắc có đến chào cha trước khi vượt biên, Ðoàn tụ với mẹ và các em ở miền Ðông Hoa Kỳ. Từ một sĩ quan của đơn vị phòng không quân đội nhân dân đã du học bên Nga, nay ông trở thành người tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ông sống độc thân, cho đến khi bà mẹ mất, rồi ông cũng qua đời mấy năm sau. Dù theo cha đi tập kết 1954, đi học bên Nga, sĩ quan của đơn vị phòng không tên lửa, nhưng ông không chịu vô đảng. Sau cùng ông chết theo mẹ trên miền dất tự do. Bà Minh sống với vợ chồng con gái là Ðặng Mỹ Dung. Khi được tin chồng chết, bà không muốn về chịu tang dưới nghi lễ của đảng (Không dùng từ này). Một lòng kiên quyết, bà muốn để cho chồng đi trọn con đường ông lựa chọn. Ông chết trong lòng đất quê hương, nơi có mộ phần con trai út của ông là sĩ quan miền Nam. Bà Minh qua đời khi nước Mỹ bước vào thế kỷ thứ 21. Có thể ngày nay ông bà đã cùng những người con trai phục vụ cho hai miền đất nước đang đoàn tụ ở một nơi không còn khác biệt về ý thức hệ.

Cuốn sách A Thousand Tears Falling hiện được một số giáo sư Hoa Kỳ dùng để dạy cho các trường trung học. Tác phẩm Ngàn Giọt Lệ Rơi sẽ được đến tay độc giả Bắc California cùng với chương trình 35 năm nhìn lại tại San Jose vào tháng 5-2010. Còn cuốn phim A Thousand Tears Falling của Giao Chỉ thì đang dự thảo. Cũng mới chỉ là một ý kiến mà thôi. Chỉ sợ rằng để lâu quá thời gian sẽ làm cho nước mắt đã khô hết cả mất rồi. Nhưng dù lâu hay mau, câu chuyện Ngàn Giọt Lệ Rơi sẽ rất xứng đáng để quay thành phim. Và hàng triệu giọt nước mắt sẽ chan hòa rạp hát. Vì vậy chúng tôi xin kể lại chuyện này nhân dịp tháng 4-2010, ba mươi lăm năm sau. [GC, 2010]