Sonntag, 9. Mai 2010

Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố tại Washington: Stalin là tên giết người!

Tháng Tư 15, 2010
Hãng Thông tấn PAP – Lê Diễn Đức dịch

“Các sĩ quan Ba Lan bị sát hại ở Katyn năm 1940, đã bị giết theo lệnh của chính quyền Liên Xô, trong đó có Joseph Stalin” – Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình tiếng Anh, “Russia Today“.

Các nhà sử học Ba Lan và các chính trị gia xem tuyên bố này như là một bước tiến tới sự thật về sự kiện cách đây 70 năm. Cuộc phỏng vấn được ghi âm trong phòng thu của đài truyền hình “Russia Today” tại Washington, nơi Tổng thống Nga Medvedev tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân và nội dung của nó cũng đã được đăng trên trang Web của Kremlin.

Stalin – Tên giết người

- “Nếu nói về Stalin và những người làm việc theo chỉ đạo của ông ta, tức là những người lãnh đạo của Liên Xô bấy giờ, thì họ đã thực hiện tội ác giết người. Điều này dễ hiểu và rõ ràng cho tất cả. Họ đã gây tội ác chống lại chính nhân dân của mình trước hết, và trong phạm trù nào đó đối với lịch sử” – Medvedev nói.

Tổng thống Medvedev không đồng ý với ý kiến cho rằng, ở Nga đang có một sự phục hưng chủ nghĩa Stalin. Ngoài ra ông phản đối sự so sánh nước Nga với Liên Xô. – “Có những người thích Stalin và mọi thứ liên đới với ông ta. Thượng đế sẽ phán xét họ. Nhưng trong xã hội trong sự đánh giá Stalin và khoảng thời gian đó, không có sự thay đổi nào được thực hiện” – Tổng thống Nga nhận định.

- “Nga không phải là Liên Xô và đứng đầu nhà nước Nga là những người mà tôi hy vọng, khác hẳn với Stalin và cộng sự của ông ta” – Medvedev nhấn mạnh..

Thảm kịch cho trật tự thế giới

Tổng thống Nga lại một lần nữa tuyên bố rằng, bi kịch tại sân bay Smolensk là “một thảm kịch nghiêm trọng với dân tộc Ba Lan, không những với các gia đình nạn nhân, mà còn là với trật tự thế giới”“Khi tổng thống chết trong vụ tai nạn, cùng với một phần quan trọng các nhà lãnh đạo, đó là thử thách lớn cho công chúng, cũng như cho quan hệ quốc tế” – Ông nhấn mạnh.

Dmitry Medvedev khẳng định rằng, “chính vì như vậy đã có sự phản ứng của toàn bộ cộng đồng thế giới và của xã hội Nga và đối với thảm kịch này” – “Đây là một tai nạn đau buồn. Có một cái gì đó bí ẩn. Nhưng có những lý do hợp lý, mà phải điều tra và giải thích những gì xảy ra. Vì vậy, nó rất quan trọng” – Ông nói.

Kết thúc chủ nghĩa toàn trị không tên

Theo Giáo sư Ba Lan Jerzy Pomianowski, những lời nói của Tổng thống Nga là “một bước hướng tới sự thật” – “Tuyên bố của Tổng thống Medvedev là một sự phát triển tư tưởng của Thủ tướng Putin, người thừa nhận nhưng đã không đề cập đến tên Stalin, mà nói rằng, tội lỗi về thảm sát Katyn thuộc về Bộ Chính trị Xô viết” – Sử gia cho biết.

- “Những ghi nhận này cho thấy rằng, việc giải trình và làm rõ các tội ác của Stalin và Liên Xô đối với các vụ thảm sát sĩ quan Ba Lan tại Katyn và những nơi khác mà chúng ta vẫn chưa được biết đến, là sự xác nhận các vụ giết người không phải là của một “chủ nghĩa toàn trị” trừu tượng nào đó, mà cụ thể, Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô” – Giáo sư Pomianowski nhấn mạnh.

- “Điều này có nghĩa rằng người Nga đang đi xa hơn về hướng giải thích một vấn đề nhạy cảm mà các nhà sử học, chính trị gia và các nhà lãnh đạo của chúng ta đã phải chiến đấu rất lâu dài. Tôi vui mừng, vì những lời của Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev đã không phải là bước lùi, mà thêm một bước về phía trước, chắc chắn sẽ giúp chúng ta đối thoại trong các vấn đề hết sức quan trọng về kinh tế cũng như chính trị” – Giáo sư kết luận.

Việc chuyển đổi ý thức

- “Các nhà lãnh đạo Nga đã nói bấy nhiêu nhưng sẽ bao nhiêu cho phép chuyển đổi nhận thức của xã hội Nga. Có vẻ như nhận thức này đang chuyển đổi nhanh chóng trước mắt của chúng ta” – Phó Trưởng Ban đối ngoại quốc hội Ba Lan Robert Tyszkiewicz nhận xét.

- “Các nhà chức trách Nga đang chịu áp lực từ công chúng Nga muốn biết sự thật về Katyn. (…) Tôi nghĩ rằng, Medvedev cảm thấy không còn có thể phủ nhận sự thật về Katyn được nữa” – Ông nói.

Theo ông Tyszkiewicz, sự kiện bi thảm gây nên cái chết của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski trong tai nạn máy bay gần Smolensk, đã làm vang lên tiếng nói đòi công khai lịch sử về cuộc thảm sát Katyn ở Nga. – “Chắc chắn sự hy sinh của giới ưu tú Ba Lan trong thảm kịch này không phải là vô ích” – Ông kết luận.

Mở khóa bi kịch?

- “Tôi hy vọng rằng, các nhà chức trách Nga sẽ mở khóa thảm kịch lớn này sau tai nạn máy bay của tổng thống gần Smolensk ” – Dân biểu quốc hội Ba Lan Karol Karski nói sau khi nghe Medvedev phát biểu.

Khi được hỏi, nên chăng những lời của Tổng thống Nga phải được phát ra từ Thủ tướng Vladimir Putin trong buổi lễ tại Katyn với sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (hôm 7/04, hai ngày trước khi tai nạn xảy ra), ông Karski nói: “Chúng ta cần vui mừng trước những điều tốt đẹp và không cần nhấn mạnh tại sao những điều tốt đẹp đó lại không xảy ra sớm hơn”.

Theo ông Karski, Tổng thống Medvedev nói “lớn và rõ ràng” về cái điều mà từ lâu mọi người đã biết và chính quyền Nga và cũng như Liên Xô đã nói tới. – “Thực tế là cuộc thảm sát Katyn được thực hiện bởi Stalin, đã được Liên Xô xác nhận vài tháng trước khi sụp đổ. Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng đã cho biết. Yeltsin đã cung cấp một số tài liệu liên quan đến vụ thảm sát Katyn” – Vị dân biểu nói.


TT Nga Medvedev: Tội ác cộng sản không bao giờ hết thời hiệu pháp lý!

07/05/2010

Vụ thảm sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan bởi Stalin và an ninh Liên Xô tại rừng Katyn năm 1940 đã bị bóp méo lịch sử – Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói tại cuộc phỏng vấn nhật báo Nga “Izvestia” trong ngày thứ 6, 7/05/2010.Tổng thống Nga mô tả vụ thảm sát ở Katyn là “một trang rất đen tối của lịch sử”. “Đồng thời là một trang đen tối mà trong đó người ta đã nói sai sự thật

Hôm nay tôi đã kiểm tra nó – với sự nghiêm túc của mình đã thảo luận ai là người đưa ra quyết định thảm sát các sĩ quan Ba Lan” – Ông nói.

Theo ông Medvedev, đã xảy ra như vậy bới vì “chủ đề này đã được đặt trong một vị trí hoàn toàn sai trái”. “Đây là trường hợp làm sai lệch lịch sử. Không phải chỉ những người sống ở nước ngoài cho phép mà bản thân chúng ta cũng để cho lịch sử bị bóp méo” – ông nhấn mạnh.

“Sự thật cuối cùng phải được mang lại cho nhân dân của chúng ta và công chúng nước ngoài quan tâm đến việc này” – Người đứng đầu điện Kremlin tuyên bố.

Liên Xô, chế độ độc tài toàn trị

Cách đây mấy năm, trong tham vọng phục hồi đế chế Xô Viết, khi giữ chức tổng thống, Vladimir Putin đã từng tuyên bố rất mị dân rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là một trong những bi kịch lớn nhất trong thế kỷ XX.

Thế nhưng, với thời gian, chúng ta thấy Kremlin đang dần dần thay đổi quan điểm của mình trước nhiều vần đề lịch sử, đặc biệt từ năm 2008 từ lúc Dmitry Medvedev lên làm Tổng thống.

Trên báo Nga “Izvestia” Medvedev đã xác định rõ ràng bản chất của Liên Xô: “Chế độ trị vì ở Liên Xô không thể được xác định bằng cách khác hơn là một chế độ độc tài toàn trị”.

Những phát biểu của Tổng thống Medvedev chắc chắn sẽ gây sốc với rất nhiều người Nga và cả nhiều người Việt Nam khác còn ảo tưởng vì bị dối trá, vẫn hoài niệm về một nước Liên Xô hùng cường, một xã hội tốt đẹp, biểu tượng của thiên đường cộng sản trong quá khứ. Medvedev nói:

“Thật không may, đây là một chế độ đàn áp các quyền cơ bản và tự do và không chỉ đối với người dân của chính mình”.

Không phải chỉ người dân của khối Xô Viết mà nhân dân của tất cả các nước nằm trong khối cộng sản cũng đã gần nửa thế kỷ chịu chung một số phận tương tự.

“Đây là tôi cũng muốn nói các nước xã hội chủ nghĩa khác. Điều này không thể bị xóa khỏi lịch sử” – Medvedev nhấn mạnh.

Tội phạm giết người không hết thời hiệu

Vào tháng 3/2010 vừa qua, Viện công tố quân sự Nga trong phúc trình trả lời Toà án Nhân quyền châu Âu ở Stasbourg về đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại của thân nhân những nạn nhân Ba Lan trong vụ thảm sát Katyn, khẳng định rằng, vụ thảm sát xảy ra từ năm 1940 đã hết thời hiệu pháp lý và nước Nga ngày hôm nay không thể chịu trách nhiệm cho một chính thể trong thời gian trên.

Tuyên bố hôm nay của Medvedev đã ngược lại hoàn toàn với lập trường của chính phủ Nga trước đó.

- Nếu ngày hôm nay, nhắm mắt trước các tội ác này, thì trong tương lai những tội ác như vậy có thể lặp lại – muốn hay không, ở dạng này hay dạng khác, ở các nước khác nhau. Vì vậy, mặc dù điều này diễn tả tuy gay gắt, nhưng tội ác như vậy là không bao giờ hết thời hiệu. Những kẻ gây ra chúng sẽ phải chịu trách nhiệm, bất kể đã xảy ra cách đây bao nhiêu năm nay – Medvedev nói.

- Đối với những tội phạm như vậy không có thời hiệu – bất kể người gây ra nó là ai. Đây là vấn đề của trách nhiệm đạo đức cho các thế hệ tương lai của chúng ta – ông nói.

Ngày mai, thứ Bảy, 8/05, Chủ tịch quốc hội kiêm Tổng thống tạm thời của Ba Lan, ông B. Komorowski, sẽ qua Moscow gặp Tổng thống Nga Medvedev và tham dự Lễ 65 chiến thắng phát xít Đức trên Quảng trường Đỏ. Ông cũng sẽ mời Tổng thống Nga thăm chính thức Ba Lan.

Trong đội duyệt binh của binh lính nước chủ nhà và các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (thuộc Liên Xô cũ – SIS) lần đầu tiên trong lịch sử của lễ kỷ niệm này tại Nga có sự tham gia của binh sĩ các nước đồng minh chống phát xít: Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Ba Lan.

Cần nhấn mạnh rằng, trong lễ kỷ niệm 60 năm vào năm 2005, công trạng chiến đấu chống phát xít và sự hy sinh của hàng trăm ngàn chiến sĩ Ba Lan trên khắp các mặt trận Âu, Phi lúc bây giờ đã không được Putin nhắc tới một câu.

Rõ ràng, từ khi xảy ra tai nạn máy bay tại rừng Katyn hôm 10/04/2010 làm chết vợ chồng Tổng thống Ba Lan và 94 người khác của đoàn tháp tùng, phía Nga đã liên tiếp có những thiện chí với Ba Lan trong cố gắng hoà hợp, hoà giải và đoàn kết dân tộc giữa hai nước.

Cần nhắc lại rằng, vì khói bụi núi lửa tại châu Âu, hầu hết các nguyên thủ quốc gia đều huỷ bỏ chương trình bay sang tham dự lễ tang Tổng thống Lech Kaczynski trong ngày 18/04, nhưng Tổng thống Nga vẫn bất chấp nguy hiểm, đã tới Ba Lan bằng máy bay và bay tầm thấp dưới 10 ngàn mét. Nghĩa cử này của Dmitry Medvedev đã được người Ba Lan rất xúc động và cảm phục.

Bài học từ lịch sử

Từ quan hệ giữa Ba Lan, một nước nhỏ và nước Nga, một cường quốc láng giềng, hai nước đã trải qua những bi kịch lịch sử và Ba Lan trong suốt nhiều thế kỷ đã luôn phải chịu sự xâm lược hoặc sức ép của Nga, chúng ta thấy rằng, khi và chỉ khi một nước nhỏ có thể chế chính trị dân chủ tự do, có nền kinh tế phát triển, là thành viên của cộng đồng các quốc gia dân chủ, thì mới có tiếng nói trọng lượng, khả năng giữ được chủ quyền và được các nước lớn cư xử bình đằng và tôn trọng.

Một nước nhỏ, độc tài, toàn trị như Việt Nam khó bao giờ được những cường quốc dân chủ tin cậy, có quan hệ đồng minh thật lòng và chơi hết mình. Trong khi đó, để giữ vững chế độ, Đảng Cộng sản Việt Nam lại còn cam chịu cúi đầu hèn hạ trước mọi sự bức hiếp, lấn lướt của lãnh đạo Bắc Kinh. Làm sao trong hoàn cảnh như thế nước Việt Nam có thể giữ được chủ quyền!

Mặt khác, từ vụ thảm sát Katyn cách đây 70 năm, những cuộc đối đầu bên bỉ và khó khăn của dân tộc Ba Lan trên con đường công khai hoá sự thật, và cùng với nhận định hôm nay của Tổng thống Nga Medvedev, người Việt chúng ta, trước hết là các nhà sử học, phải có trách nhiệm lột trần các tội ác mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra và đưa chúng ra ánh sáng công lý, chưa phải hôm nay thì trong tương lai.

Trước sinh mạng của hàng trăm ngàn người vô tội bị giết oan trong Cải cách Ruộng đất, hàng ngàn người bị thảm sát tập thể trong Tết Mậu Thân 1968, hàng ngàn (hoặc hàng chục ngàn?) người chết vì bị lừa gạt trong chiến dịch bán bãi lấy vàng/vượt biên bán chính thức, v.v… Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận tội ác của mình, không hề có ý định thành tâm xin lỗi nhân dân, mà ngược lại, bao che, bưng bít và đàn áp thẳng tay những ai đi tìm sự thật.

Những điều mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang làm hoàn toàn giống các đảng cộng sản anh em của họ một thời trong khối xã hội chủ nghĩa. Nhưng sự thật có thể giấu giếm nhưng không bao giờ có thể xoá bỏ nó khỏi lịch sử! ■

Nguồn tin tham khảo: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 7/05/2010.
http://ledienduc.wordpress.com/