Hải Hà
Truyền thống Thái Bình
Thái Bình là giáo phận có số giáo dân đông đảo, kiên vững đức tin dù trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo nhất.
Ngay từ thời Giám mục tiên khởi của Giáo phận là Dominico Maria Đinh Đức Trụ, (1908-1960-1982 ) Giáo phận Thái Bình nổi tiếng là một Giáo phận vững vàng về lòng tin và mạnh mẽ đức mến.
Năm 1954, trước làn sóng nhiều linh mục bỏ chạy vào Nam trước thảm họa cộng sản, Linh mục Đinh Đức Trụ tình nguyện ở lại với giáo phận Thái Bình và được Đức cha Santos Ubierna (Ninh) đương nhiệm Giám mục Thái Bình trao phó trách nhiệm điều khiển giáo phận trong hoàn cảnh giáo phận không có Giám mục, từ giữa năm 1954.
Nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ hiện vẫn còn truyền lại trong giáo dân và nhân dân Thái Bình về thời kỳ này với lòng tự hào và luyến tiếc.
Đặc biệt, người ta khâm phục sự nhìn xa, trông rộng của Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ trước thảm họa cộng sản. Ngài đã hướng dẫn giáo dân sống đúng đường lối tin mừng, cảnh giác trước những hậu quả xấu xa của phong trào như “hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp”… mà nhà nước buộc mọi người phải nghe theo để rồi sụp đổ và đưa đất nước vào đói nghèo.
Một vài giai thoại đáng nhớ về Đức Giám mục Dominico Maria Đinh Đức Trụ còn được kể lại như sau: “Thời cộng sản còn hoành hành khát máu, để đi viếng thăm mục vụ các xứ đạo, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ, giám mục chính toà địa phận Thái Bình, thường phải giả dạng để qua mặt công an cộng sản mới đến được các xứ đạo. Khi thì ngài đóng vai ông bố bế con thơ, có bà mẹ lẽo đẽo theo sau. Có lần, ngài cải trang thành người lái lợn: cũng áo nâu sồng, “quần xắn móng lợn”, nón lá bung vành… khệ nệ khiêng một con lợn …
Qua đồn công an ngài tấp vào nghỉ, đặt lợn xuống cạnh đồn, thở hổn hển, lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhãi chảy, lấy nón quạt cho đỡ mệt và xin nước uống, lại còn nói chuyện khôi hài khiến công an không nghi ngờ, vì Đức cha có dáng dấp nông dân, chứ không đạo mạo trắng trẻo như người học thức.
Để phục vụ dân Chúa, người mục tử khôn ngoan không quản ngại đóng vai một ông lái lợn, can đảm đi qua hang sói, để đến được với đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình.
Trong 22 năm trách nhiệm chủ chăn, Ngài đã tỏ ra là một vị chủ chăn khôn ngoan và sáng suốt trong quyết định, bình dân và hiền từ trong tiếp xúc, đạo đức và hy sinh”.
Giáo dân Thái Bình nói riêng, nhân dân Thái Bình nói chung có truyền thống quật cường và bất khuất không chấp nhận sự bạo ngược của chính quyền. Những cuộc nổi dậy của nhân dân toàn tỉnh Thái Bình những năm 1996-1997 vẫn còn dư âm đến hôm nay làm cho nhà cầm quyền mỗi lần nhớ đến vẫn tay đập, chân run.
Sự kiện hôm nay
Gần đây, sự kiện ngày 2/5/2009, giáo dân Giáo phận Thái Bình hành hương Đức mẹ Thái Hà đã bị các cấp cầm quyền, công an ngăn cản ráo riết và trắng trợn bất chấp luật pháp đã cho giáo dân nhận ra bộ mặt nhân nghĩa giả trá của họ.
Ngay cả Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang cũng phải “trốn đi từ tối hôm trước” và khi đến Thái Hà còn có người sợ bị ngăn chặn.
Nhiều giáo dân bị ngăn chặn trở lại nhà không được đến hành hương Đức Mẹ Thái Hà để lĩnh ơn Đại xá đã hết sức phẫn uất trước thái độ trắng trợn của nhà cầm quyền.
Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang đã gửi “Thư ngỏ” về việc này, nhưng đến nay vẫn mọi chuyện rơi vào sự im lặng như đá ném ao bèo. Dường như nhà cầm quyền đã “điếc” trước những lời này hoặc cố tỏ ra thái độ coi thường ý kiến của Giám mục Thái Bình hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều giáo dân, nhất là các đội kèn nữ, các đội trống… bất chấp khó khăn, vượt qua nguy hiểm về bằng được bên Mẹ Thái Hà với niềm khao khát và niềm vui khôn tả.
Những tấm gương đó đã được các linh mục kịp thời động viên và khen ngợi, giáo dân hết sức phấn chấn.
Ngày 13/5/2009, nhân ngày lễ Mẹ Fatima tại Giáo xứ Cổ Việt, linh mục Dominico Đặng Văn Cầu – Tổng Đại diện của Giáo phận - đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi cản trở tự do đi lại và hoạt động tín ngưỡng của nhà cầm quyền Việt Nam tại Hà Nội và Thái Bình trước mặt đầy đủ các quan chức từ xã đến huyện. Ngài đã đặc biệt khen ngợi và bày tỏ sự cảm phục đối với lòng can đảm của giáo dân Thái Bình, đặc biệt là chị em đội kèn nữ Giáo xứ An Lạc, Cam Châu.
Thái Bình là Giáo phận có nhiều giáo xứ tổ chức các đội kèn nam, nữ và các đội trống rất phong phú. Đặc biệt, giáo xứ Hoàng Xá có chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam hiện nay, chiếc trống này đã vang lên hồi trống cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hòa bình mở đầu năm 2009.
Nhà cầm quyền đã cho công an các huyện Vũ Thư, Thái Thụy, một mặt sách nhiễu các giáo dân, làm khó dễ cho họ, đặc biệt là chị em đội kèn nữ Cam Châu, An Lạc khi đi hành hương… mặt khác cho cán bộ văn hóa đến các giáo xứ có các đội kèn, trống, các đội văn nghệ… mời và vận động các đội tập luyện văn nghệ tham gia hội diễn văn nghệ tại Huyện Vũ Thư ngày 17/5/2009 để chào mừng ngày 19/5 – sinh nhật Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt ở đây, là họ chỉ mời các đội văn nghệ, kèn trống của các giáo xứ Công giáo, không có bất cứ đội văn nghệ nào bên ngoài tham dự “hội diễn” này.
Đây là một kế khá thâm hiểm, nhà cầm quyền không muốn những tiềng kèn, tiếng trống này vang lên những lời ca ngợi Thiên Chúa và Mẹ Maria, trái lại, dùng nó để ca ngợi, sùng bái một cá nhân được thần thánh hóa, nhằm lừa bịp mọi người.
Nếu sự kiện này được tổ chức trót lọt, báo chí, truyền hình nhà nước được dịp tung hô các đội kèn, đội trống các xứ đạo đã vang lên ca ngợi ơn đảng, ơn bác để làm gương cho các xứ khác noi theo mà quên đi nhiệm vụ của họ là chỉ thờ phượng Thiên Chúa.
Một điều hết sức thú vị, là tất cả những đội kèn, đội trống trước đây nếu được chính quyền ưu ái, thì đã hết sức cảm động và cảm ơn. Họ đã đi hành hương vất vả, tự túc kinh phí và bị ngăn chặn nhưng vẫn hăng hái và hăm hở tìm cách đi bằng được, nay được nhà nước kêu mời, cấp kinh phí và ưu ái nhiều mặt.
Nhưng lần này, tất cả các giáo xứ như An Lạc, Bồng Tiên, Cổ Việt, An Châu, Đông A, Trung Đồng, Trại Gạo, Kính Danh, Truyền Tin, An Lão, Văn Lâm, Đức Long, Đội Trạch, Hoàng Xá… đều nhất loạt không tham gia hội diễn này.
Vì vậy hội diễn đã không thể diễn ra. Như vậy, vở diễn đã bị cháy rất ngoạn mục.
Đây là sự bất ngờ và làm choáng váng nhà cầm quyền trước sự bày tỏ thái độ của giáo dân Thái Bình qua những việc làm bất nhân và bất chấp luật pháp của họ với giáo dân vừa qua. Thậm chí, có những giáo xứ còn nói thẳng vào mặt nhà cầm quyền: “Trống kèn của chúng tôi sắm ra để thờ phượng Thiên Chúa, tại sao chúng tôi đi hành hương Thái Hà thì bị ngăn cản từ trung ương đến địa phương một cách bất hợp pháp, nay các ông lại bày trò mời chúng tôi biểu diễn ca ngợi ông Hồ của các ông với mục đích gì”?
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của giáo dân, nhà cầm quyền đã buộc phải muối mặt khi hội diễn không thể diễn ra theo thâm ý của họ.
Đây là một bài học mà giáo dân Thái Bình đã dạy cho nhà cầm quyền vốn quen thói áp đặt và ngang ngược ngăn cản bất hợp pháp quyền của công dân.
Đây cũng là bài học của giáo dân bày tỏ thái độ của mình cho nhiều người chưa hiểu hoặc vẫn có thái độ nhu nhược, hèn nhát, thỏa hiệp với những âm mưu, những thủ đoạn đê hèn của nhà cầm quyền cộng sản với Giáo dân, Giáo hội.
Ngày 19/5/2009
Hải Hà
Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=67330