64 Liệt sĩ ngã xuống ngày 14/03/1988 ở Trường Sa, vong hồn của họ biết rõ quân giặc giết họ là bọn giặc nước nào.
Người Việt Nam còn sống chắc đều biết nước đó là nước nào.
Thế nhưng theo bản tin của Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam thì vào ngày 09/05/2010, tại đảo Trường Sa, bản diễn văn đọc tại lễ tưởng niệm 64 vị Liệt sĩ này chỉ nói một cách mập mờ rằng đó là "lực lượng quân sự nước ngoài".
Đọc lại thật kỹ từ trên xuống dưới cũng không thấy bản tin này chỉ ra quân giặc ấy là của nước nào mà chỉ thấy các cụm từ "nước ngoài" (được đặt trong ngoặc kép) xuất hiện 4 lần trong bài viết:
- lực lượng quân sự “nước ngoài” đã ngang nhiên chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
- quân đội “nước ngoài” ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta.
- các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến Hải quân “nước ngoài”
- “Với toan tính và tham vọng thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của “nước ngoài”, Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên.
Đọc xong bài viết tôi thực sự cảm thấy hoang mang và tự nghi hoặc rằng liệu vào cái ngày lịch sử 14/3/1988, tại quần đảo Trường Sa ấy đã có bao nhiêu quốc gia tham gia cuộc chiến giành Trường sa?
Tôi hỏi một số bạn bè và truy tìm trên internet về sự kiện này thì được biết rằng 64 vị Liệt sĩ ấy đã hy sinh khi chiến đấu với quân Trung Quốc.
Người Ba Lan giờ đây đã rõ ai đã giết đồng bào của họ trong vụ thảm sát Katyn. Chính Tổng thống Nga Medvedev cũng không né tránh sự thật này trước người Ba Lan.
Vậy thì liệu cái "nước nào" ấy có thể là một nghi vấn lịch sử khiến cho bài báo "chính thống" này lại phải dùng từ một cách thận trọng đến như vậy hay không?
Nếu đây thực sự là một nghi vấn lịch sử thì tôi xin nhường lời bàn luận lại cho các chuyên gia về lịch sử.
Còn nếu sự thật là 64 Liệt sĩ của dân tộc Việt Nam bị giết bởi quân giặc Trung Quốc, thì cách lấp liếm mập mờ của buổi lễ tưởng niệm này là một nỗi đau đớn và sỉ nhục ghê gớm đến chính các vị Liệt sĩ ấy. Các Liệt sĩ biết rõ là khi ấy họ đang chiến đấu với ai để bảo vệ tổ quốc của mình và vong hồn của họ luôn luôn biết rằng họ đã bị ai giết hại. Lẽ nào người còn sống là đồng đội của họ lại phải nói lấp liếm rằng đó là bọn giặc của một nước ngoài nào đó chưa xác định được.
Ai có thể hình dung rằng trong lễ tưởng niệm những nạn nhân Hiroshima và Nagasaki thì người Nhật nói với vong hồn người chết rằng họ bị một nước ngoài mơ hồ nào đó giết hại hay không?
Sự việc này thực sự nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ bởi hồn dân tộc Việt nam đang bị vấy bẩn bằng một vết nhục mới. Tôi đang liên tưởng về tính liên quan đến một sự kiện còn nóng hổi từ một bài báo khác mà trang Boxitvn đã đưa lên với một cái tựa rất đau đớn là "Những kiểu đưa tin không làm sao rửa hết nhục".
Anhbasg
Để có thể bình tĩnh và khách quan hơn, xin các bạn đọc lại thật kỹ bản tin này (nguyên bản):
http://vovnews.vn/Home/Tuong-niem-cac-chien-sy-hy-sinh-tai-quan-dao-Truong-Sa/0105/143339.vov
................................................
Tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa
(VOV) – Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính thắp những nén hương thơm, tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống nhằm bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc
Trong chuyến công tác của Đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Thủ đô Hà Nội và Quân chủng Hải quân do bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn ra thăm, kiểm tra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ngày 9/5, đoàn đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988 ở Trường Sa.
Trong diễn văn đọc tại Lễ tưởng niệm, Thượng tá Trịnh Lương Vượng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn M46, vùng D Hải quân nhấn mạnh: Với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, lực lượng quân sự “nước ngoài” đã ngang nhiên chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với phương châm “không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển”. Bất chấp lẽ phải, quân đội “nước ngoài” ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta.
Trong trận chiến đấu đó, 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, đến nay còn nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại với biển khơi. Trong cuộc chiến không cân sức đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125; Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 và nhiều anh hùng liệt sỹ như: Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ, Đại úy Vũ Phi Trừ – Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ, Thiếu uý Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng Đảo Gạc Ma – trước sự tấn công của kẻ thù, đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng".
Cách đây 22 năm, ngày 14/3/1988, tại vùng biển này, các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến Hải quân “nước ngoài” để bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
“Với toan tính và tham vọng thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của “nước ngoài”, Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên Biển Đông”- Thượng tá Trịnh Lương Vượng nói.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội và lãnh đạo quân chủng Hải quân đã dành 1 phút tưởng niệm, cùng nhau thắp những nén hương thơm và thả vòng hoa tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh trên quần đảo này./.
Mạnh Hùng-Việt Cường
Nguồn: http://anhbasg.multiply.com/journal/item/1879