Mittwoch, 5. Mai 2010

Dịch heo tai xanh nguy cơ bùng phát tại Miền Bắc

Nam Nguyên, RFA

2010-05-04 - Dịch heo tai xanh đã lan ra 12 tỉnh bao gồm Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn và Nghệ An.

Heo bệnh được mang đi thiêu hủy

Cho đến ngày 3/5 số heo nhiễm virút tai xanh hơn 40 ngàn con, số tiêu hủy khoảng 15 ngàn con. Virus heo tai xanh không lây cho người, nhưng heo bị bệnh tai xanh thường nhiễm nhiều bệnh thứ phát nguy hiểm mà con người cần đề phòng. Nam Nguyên phỏng vấn TS Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng dịch tễ Cục Thú Y Việt Nam. Trước hết TS Kỳ cảnh giác người tiêu dùng:

Tình hình đã được kiểm soát

TS Văn Đăng Kỳ: Vừa rồi, trong số lợn bị dịch tai xanh vừa rồi có 4 trường hợp bị liên cầu khuẩn, tỷ lệ này không là nhiều và đã từng xảy ra năm 2007. Lợn có rất nhiều bệnh, trong đó liên cầu khuẩn đã xuất hiện ở Việt Nam. Nếu lợn bị bệnh tai xanh ghép với bệnh liên cầu khuẩn thì rõ ràng có thể lây lan cho người, tuy nhiên không phải số lớn tỷ lệ chừng 1-2% ổ dịch thôi. Chúng tôi khuyến cáo người dân ăn thịt lợn phải nấu chín. Còn lợn bị bệnh tai xanh chữa một thời gian nếu bệnh nặng đều phải tiêu hủy, cho nên việc này nếu có chỉ là xác suất rất nhỏ.

Nam Nguyên: Vi rút dịch tai xanh hiện nay có biến đổi so với các đợt trước hay không?

TS Văn Đăng Kỳ: Vẫn như thế thôi, theo tôi về dịch tễ học tôi nghĩ rằng nó như một qui luật nó quay lại, nhưng đa số quay lại ở những ổ dịch cũ.

Các hố tiêu huỷ lợn bệnh

Nam Nguyên: Khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam, có thể ngăn chặn không cho lây lan toàn quốc hay không?

TS Văn Đăng Kỳ: Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông Thôn đã họp hội nghị với chủ tịch các tỉnh có dịch ở Hải Dương, triển khai 3 đoàn đi kiểm tra, ngoài ra còn các đoàn của Cục Thú Y chỉ đạo phòng chống dịch. Hiện nay tình hình dịch đã kiểm soát được, theo báo cáo thì dịch đã lui, mức độ vi rút lây lan không lớn, trong 6 tỉnh trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng dịch thì hôm 2/5 chỉ có thêm 2 ổ dịch mới dịch đã dừng lại không phát tán thêm

Các biện pháp đối phó

Nam Nguyên: Việc chích ngừa theo phản ánh là không đạt hiệu quả cao, phải chăng các nhà chuyên môn đã biết trước điều này?

TS Văn Đăng Kỳ: Từ trước tới nay có chỉ đạo là những “bệnh đỏ” của lợn phải tiêm phòng tỷ lệ cao, khi bệnh tai xanh phát ra thì sẽ không trầm trọng thêm. Trong những năm gần đây Bộ NN-PTNT đã quyết liệt chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh thành phố phải tiêm phòng tốt các bệnh đỏ để có thể giảm thiểu bệnh tai xanh. Năm 2009 vừa rồi bệnh giảm nhiều, có thời gian 5-6 tháng hoàn toàn không có dịch xảy ra.

Thời điểm hiện nay, tức là sau Tết tháng 3 tháng 4 thời tiết thay đổi, điều kiện sức khỏe của gia súc giảm sút thì bệnh trỗi dậy. Các biện pháp phòng chống ở các tỉnh đầu tiên có dịch đã không triển khai quyết liệt ngay từ đầu nên đã lây lan, nhất là người dân không biết về sự hỗ trợ của chính phủ nên đã bán “chạy” với giá rất rẻ.
Nhờ chu trình phòg dịch nghiêm ngặt, các trại chăn nuôi lớn tại vùng dịch “tai xanh” Tiền Hải (Thái Bình) hiện vẫn an toàn. Photo courtesy Viện Chăn Nuôi website

Sau hội nghị vấn đề thông tin tuyên truyền được nâng cao, tình trạng bán chạy giảm, người dân tin tưởng để thú y chữa trị, không phải chữa bệnh tai xanh mà chữa các bệnh thứ phát thì sẽ giảm vấn đề tiêu hủy. Tiêu hủy tuy là cách nhanh nhất nhưng lại ảnh hưởng môi trường. Năm nay tiêu hủy chỉ độ 1/3 số lợn mắc bệnh.

Nam Nguyên: mức đền bù tiêu hủy có đáp ứng mong muốn của người dân hay không, mà họ vẫn bán “chạy” ?

TS Văn Đăng Kỳ: Do người dân không biết thôi, chứ đền bù rất có lợi, giá đền bù của chính phủ rất cao. Thực tế đền bù theo mức của chính phủ làm cho người dân tăng cường báo cáo để xin tiêu hủy, chuyện này rất thiệt hại. Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương chỉ đền bù 70% giá trị thị trường thôi. Như thế sẽ trung thực hơn về số gia súc cần phải tiêu hủy. Chính sách nhà nước đền 25.000đ/kg là quá cao trong khi giá thị trường chỉ có 21.000đ, lợn có bệnh khác họ cũng báo cáo để xin tiêu hủy gây thiệt hại lớn. Cán bộ cơ sở chúng tôi đã tư vấn Bộ NN-PTNT về vấn đề này và các tỉnh đã thực hiện phương án đền bù như thế.

Nam Nguyên: Tình trạng thiếu nhân viên thú y, kỷ luật cán bộ và ý thức người dân có tốt hơn những năm trước hay không?

TS Văn Đăng Kỳ: Qua các đợt dịch cúm gia cầm rồi dịch tai xanh, chính quyền cơ sở các địa phương đã quan tâm. Nhiều tỉnh đã có chế độ chính sách cho thú y cơ sở, cán bộ chi cục trưởng được một định xuất 650.000đ/ tháng, năm tới sẽ tăng lên 740.000đ. Thý y viên được 0,3 tới 0,5 định xuất, như thế đã có sự đãi ngộ. Công tác giám sát dịch bệnh, thú y cơ sở đã nắm được dịch bệnh và phản ứng nên các loại dịch bệnh hầu như đã kiểm soát được. Như cúm gia cầm xảy ra trong thời gian rất ngắn, người ta thực hiện qui trình SOP (tác nghiệp chuẩn), vấn đề giám sát điều tra ổ dịch tôi thấy là đã khá hơn.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Văn Đăng Kỳ.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Blue-ear-pig-disease-spreading-in-North-Vietnam-05042010071403.html