Donnerstag, 18. Februar 2010
12 đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh
Gia Minh, RFA
2010-02-17 - Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người lâu nay luôn có những góp ý cho nhà cầm quyền Việt Nam, hôm ba mươi Tết vừa rồi đưa ra những đề nghị cụ thể nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010 này.
Thông cáo báo chí phát đi từ Làng Mai tại Pháp hôm ngày 13 tháng 2 vừa qua, tức ngày 30 Tết Âm Lịch, nêu rõ quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về việc thủ đô Hà Nội mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm nay.
Về giáo dục đạo đức
Những điểm chính trong thông cáo báo chí được rút ra từ buổi ‘Pháp Thoại Đêm Giao Thừa - Sư Ông Bình Thơ’, qua đó Thiền sư Thích Nhất Hạnh lên tiếng kêu gọi cần phải sống tinh thần của những vị sáng lập kinh thành Thăng Long một ngàn năm trước.
Theo ông tinh thần đó là tinh thần ‘vô trụ, vô úy, và bất nhị’ của Thiền sư Vạn Hạnh, người thầy của vua Lý Thái Tổ; vị vua đầu Nhà Lý người cho dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra 12 đề nghị cụ thể như phải có những cải tổ về vấn đề giáo dục đạo đức trong nước.
Thứ nhất, lập trường đại học lấy tên Vạn Hạnh, gồm đủ các phân khoa có khuynh hướng xiển dương tinh thần ‘vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng, bất nhị’ của Thiền sư Vạn Hạnh. Các phân viện được mở đồng thời ở các thành phố lớn khác ở trong nước. Thứ hai, thiết lập giờ đạo đức học, công dân giáo dục ở mọi cấp bậc giáo dục; đào tạo giáo sư đạo đức học các cấp trong các phân khoa sư phạm và đạo đức học.
Học và dạy đạo đức học truyền thống, đạo đức học toàn cầu và đạo đức học ứng dụng để ngăn ngừa và đối phó các tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, ly dị, tự tử, ma túy, đĩ điếm, tham nhũng và lạm quyền, thành lập các khu phố và khu ấp đạo đức gương mẫu.
Về chính trị và tôn giáo
Vị thiền sư cũng kêu gọi ân xá cho những tù nhân chính trị, những người lên tiếng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo cho Việt Nam:
Thứ năm, ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có những người có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên - đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số nạn nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự giám sát, bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn đưa ra những biện pháp cụ thể để bảo vệ một môi trường không bị ô nhiễm qua các hoạt động như ăn chay, không sử dụng túi nylon, ngày không đi xe máy, không hút thuốc, không uống rượu…
Thiền sư cũng kêu gọi tổ chức những cuộc tu tập để chuyển hóa bạo lực:
Thứ 12, tổ chức các khoá tu cho dân chúng tại Việt Nam và cho các thiền sinh từ ngoại quốc về phương pháp chuyển hóa bạo động, xây dựng tình huynh đệ theo tinh thần ‘bất nhị và vô trụ’ của thiền sư Vạn Hạnh.
Nếu những chương trình hành động kể trên mà các ngành hành pháp và lập pháp trong nước không muốn hoặc chưa muốn thực hiện, thì dân chúng có thể tự tổ chức bắt đầu thực hiện; bắt đầu bằng giới Phật tử và cộng tác với các giới khác, trong đó có các giới tôn giáo và nhân bản.
Đây không phải là lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra những đề nghị được cho là ‘thẳng thắn’ đối với những nhà lãnh đạo Việt Nam. Hồi năm 2007, trong lần về nước thứ hai tại cuộc gặp chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Phủ chủ tịch ở Hà Nội, theo lời Sư cô Thích nữ Chân Không Nghiêm là một đệ tử thân cận nhất của Sư Ông Thích Nhất Hạnh cũng có mặt tại cuộc gặp với chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra nhiều đề nghị với người đứng đầu Nhà Nước Việt Nam. Trong đó có một số đề nghị như đổi tên Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như phải bỏ Công an Tôn giáo…
Sau khi xảy ra vụ việc tại Tu viện Bát Nhã, huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng nơi có gần 400 tăng sinh trẻ tu tập theo Pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều nhận định cho rằng chính những đường lối khác biệt của Sư Ông đối với chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định nhất quyết xóa sổ Bát Nhã Làng Mai ở Lâm Đồng.
Vào ngày chủ nhật mưa gió 27 tháng 9 năm ngoái, những nhóm người lạ mặt đến dùng bạo lực cưỡng bức gần 400 tăng sinh rời khỏi tu viện. Số đó được thượng tọa Thích Thái Thuận trụ trì Chùa Phước Huệ, cũng ở Bảo Lộc, Lâm Đồng cho tá túc; nhưng rồi vị trụ trì này bị địa phương gây áp lực, cũng bằng biện pháp dùng những thành phần bất minh đến phá phách và cơ quan địa phương tuyên truyền, đến nỗi vị trụ trì phải gạt nước mắt thuận với biện pháp của chính quyền buộc tất cả những tăng sinh tá túc tại đó ra đi trước ngày 31 tháng 12 năm ngoái.
12 đề nghị:
1. Lập trường Đại Học Vạn Hạnh xiển dương tinh thần vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng và bất nhị…
2. Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục…
3. Triệu tập đại hội các truyền thống tôn giáo và nhân bản để thảo luận về một nền đạo đức toàn cầu,…
4. Thành lập hội đồng nhân sĩ đạo hạnh tại thôn ấp và khu phố,…
5. Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, …
6. Miễn thuế và tha thuế cho những người không nhà cửa,…
7. Mỗi ngày chủ nhật chỉ sử dụng xe đạp, xe thồ, xe ngựa, đi bộ,…
8. Lập thêm các quán cơm chay ở thủ đô và các thành phố lớn…
9. Yểm trợ công nghệ sử dụng ánh sáng mặt trời…
10. Chấm dứt sản xuất và sử dụng bao ni lông và chén bát ni lông, nhựa…
11. Triệu tập đại hội Phật Giáo,... để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập...
12. Tổ chức các khóa tu về phương pháp chuyển hóa bạo động...