Nguyễn Hưng Quốc
Văn hoá Việt Nam hiện nay, theo tôi, là một thứ văn hoá chụp giựt.
Trong tiếng Việt, chữ chụp giựt thật hay. Trong hai từ tố, chụp và giựt, giựt quan trọng hơn, đóng vai trò trung tâm. Chụp giựt giống giựt (hay giật) ở chỗ: giằng lấy cái gì đó từ trong tay người khác một cách chóng vánh và mạnh mẽ. Nhưng ngoài hai sắc thái chóng vánh và mạnh mẽ, có khi một cách thô bạo ấy, chụp giựt còn hai sắc thái khác mà chữ giựt đứng một mình không có: sự tham lam và nhếch nhác. Tham lam? Thì cũng dễ hiểu: trong chụp giựt có hàm ý giành giựt. Nhưng còn nhếch nhác? Tôi nghĩ sắc thái nhếch nhác ấy chủ yếu xuất phát từ chữ chụp.
Chụp thường chỉ động tác từ trên xuống dưới. Điều đó có nghĩa là vật thể được/bị chụp giựt phần lớn nằm dưới thấp. Từ thấp về vị trí đến thấp về giá trị: Điều người ta chụp giựt thường là những món lợi nho nhỏ. Đây là sự khác biệt giữa hai chữ giành giựt và chụp giựt: Trong chữ chụp giựt có chút gì như bỉ thử. Bởi vậy, trong khi chụp hay giựt chỉ là những động tác, thuần tuý là những động tác, chụp giựt lại là một động tác mang ý nghĩa đạo đức. Bao giờ nó cũng xuất phát từ một động cơ mang tính cá nhân, ít nhiều chà đạp lên những nguyên tắc cơ bản về sự công bằng và tinh thần tập thể.
Cần lưu ý: giựt là biến âm của giật. Nhưng người ta thường nói chụp giựt chứ ít nói chụp giật. Điều này cho thấy gốc gác của chụp giựt có lẽ xuất phát từ miền Nam. Trong các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản ở miền Bắc, từ cuốn của Văn Tân đến cuốn của Hoàng Phê đều không có chụp giựt hay chụp giật. Chỉ có Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị xuất bản tại Sài Gòn năm 1967 mới có. Có, nhưng có lẽ lúc ấy chữ chụp giựt chưa phổ biến lắm nên nó mới vắng mặt ngay trong một cuốn từ điển được soạn một cách rất công phu và đầy đủ như cuốn của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ.
Xuất phát từ miền Nam nhưng chữ chụp giựt chỉ trở thành thông dụng những năm gần đây. Không những thông dụng, theo tôi, nó còn rất tiêu biểu: nó phản ánh được một cách sống, cách ứng xử và cách suy nghĩ của đa số người Việt Nam. Nó trở thành một thứ văn hoá: văn hoá chụp giựt.
Thấy rõ nhất là trong cách làm ăn buôn bán. Làm ăn mà không nghĩ đến những cái lợi lâu dài, không cần xây dựng và bảo vệ uy tín là một thứ văn hoá kinh doanh chụp giựt. Nói thách để lừa những người nhẹ dạ, bán hàng giả để lừa những người khờ khạo, dùng ngay cả những hoá chất mang nhiều độc tố chết người để chế biến thực phẩm miễn kiếm lợi ngay tức khắc là những kiểu làm ăn chụp giựt.
Trong chính trị cũng có những kiểu chụp giựt tương tự. Khi các chính sách không gắn liền với chiến lược lâu dài, chỉ nhắm mục đích củng cố quyền lực và mang lại lợi nhuận tức thời cho bản thân mình là chụp giựt.
Giáo dục cũng chụp giựt. Dạy mà bất cần chất lượng, chỉ chăm chăm chạy theo các chỉ tiêu hình thức chủ nghĩa do cấp trên đặt ra; học mà không cần kiến thức hay kỹ năng, chỉ cần có bằng cấp là những sự chụp giựt. Quản lý giáo dục theo lợi nhuận, tự bản chất, cũng là chụp giựt.
Về phương diện xã hội, ở đâu cũng thấy cảnh chụp giựt. Người này lừa người nọ; mọi người chèn ép nhau bất cứ khi nào có thể.
Nhưng thảm hại và nguy hiểm nhất là chụp giựt về phương diện văn hoá, ngay cả trong văn học nghệ thuật. Để ý mà xem, từ một hai thập niên trở lại đây, ở Việt Nam càng ngày càng hiếm những công trình nghiên cứu công phu và có chiều sâu.
Hầu hết các cuốn sách gọi là nghiên cứu, phê bình, tiểu luận đều hình thành từ sự tập hợp những bài báo ngăn ngắn, nho nhỏ viết cho các tờ báo ngày: Mỗi cuốn sách như một mẹt hàng xén tạp nham và dễ dãi. Nhiều nhất là các tuyển tập kiểu cuộc đời và tác phẩm hay tác phẩm và dư luận, ở đó, những người gọi là biên tập chỉ làm mỗi một việc là gom góp một cách cẩu thả các bài báo rải rác khắp nơi lại thành một cuốn sách. Những người tương đối có tài và có tiếng hơn một chút thì xé lẻ các tác phẩm của mình thành nhiều cuốn sách khác nhau; mỗi cuốn sách là sự lặp lại một phần, có khi là phần lớn, từ các cuốn sách khác. Bởi vậy có người khoe khoang là có nhiều đầu sách nhưng tác phẩm họ thực sự viết lại rất ít.
Viết ít và viết dối nhưng người ta lại bỏ thật nhiều công sức cho khâu quảng cáo và tiếp thị. Thành ra nhiều cuốn sách gây dư luận thật ồn ào nhưng chất lượng thì lại cực kỳ mỏng manh, không có chút giá trị khám phá gì cả.
Tại sao văn hoá chụp giựt lại phổ biến ở khắp nơi như vậy? Tại sao, mặc dù chữ chụp giựt đã có từ lâu, ít nhất là từ thập niên1960 ở miền Nam, và mặc dù hiện tượng chụp giựt có lẽ thời nào cũng có, kể cả thời xa xưa, bây giờ chụp giựt mới trở thành yếu tố thống lĩnh trong văn hoá và triết lý sống của người Việt? Điều kiện chính trị xã hội nào làm cho văn hoá chụp giựt nẩy nở nhanh chóng như vậy?
Theo tôi, có lẽ có ba nguyên nhân chính: tính chất chuyển tiếp từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường; tình trạng thiếu kỷ cương và sự thiếu niềm tin vào tương lai.
Sự chuyển tiếp từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác tạo ra những kẽ hở, ở đó, cơ hội mang lại lợi nhuận không nằm ở tài năng, sự tháo vát hay cần cù mà chủ yếu ở điều kiện chính trị và xã hội: chức vụ càng lớn thì kiếm tiền càng dễ, quyền lực càng nhiều thì lại càng giàu có. Ngoài ra, vì xã hội thiếu kỷ cương, từ luật pháp đến đạo đức, nên người ta mới càng dễ chụp giựt. Lại thiếu niềm tin vào tương lai nên ai cũng hối hả chụp giựt. Chụp giựt được chút nào hay chút ấy. Tương lai xa ư? Mặc kệ. Miễn là có lợi ngay bây giờ. Ngay lúc này. Trước mắt.
Người Việt Nam thường chưa bao giờ nổi tiếng về tính nghĩ xa. Với văn hoá chụp giựt, cái tính nghĩ xa ấy lại càng trở thành xa vời hơn nữa.
Trong ít nhất hơn một thập niên vừa qua, nhiều trường đại học tại Úc thường cấp học bổng cho các cán bộ giảng dạy tại Việt Nam sang du học. Thường là học bổng bán phần, tức là chỉ miễn học phí còn mọi sinh hoạt khác thì tự lo liệu lấy. Nhưng như thế cũng đã là nhiều. Tiền học của cấp hậu đại học ít nhất cũng mười mấy, hai chục ngàn đô-la một năm. Như vậy 2 năm cho chương trình Thạc sĩ là khoảng từ 30 đến 40 ngàn; 3 hay 4 năm cho chương trình Tiến sĩ là khoảng từ 50 đến 80 ngàn. Đâu phải ít? Vậy mà, theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều người từ chối. Lý do? Một số người nói với tôi, đại khái: “Ví dụ, qua Úc du học trong vòng 4 năm để lấy được bằng Tiến sĩ, tuy được miễn tiền học, nhưng phải tốn tiến ăn ở ít nhất 5,7 chục ngàn đô. Nếu chịu khó đi làm bán thời thì cũng tạm xoay xở được. Trong khi đó, nếu ở lại Việt Nam, học bậy bạ ở đâu đó, sau bốn năm, người ta cũng có thể lấy được một cái bằng nội địa, bên cạnh đó, người ta vẫn có thể làm việc, dạy học và đầu tư, có thể kiếm được cả mấy chục ngàn đô-la một năm. Đằng nào lợi hơn?”
Dĩ nhiên làm như thế là lợi hơn. Về kinh tế. Nhưng về chất lượng giáo dục thì sao? Và sự nghiệp nghiên cứu về lâu về dài nữa? Đối với những vấn đề ấy, hầu như ai cũng biết. Chẳng cần gì phải bàn cãi cả. Biết, nhưng từ từ... tính sau. Trước mắt, là làm sao có cái nhà thật đẹp. Vậy thôi.
Tôi cũng xin nói thêm: Tôi chỉ nêu lên sự kiện nhưng không hề chê trách các bạn đồng nghiệp ấy. Họ tính toán như vậy cũng phải. Cuộc sống như thế, họ phải chọn lựa những gì tốt nhất cho họ và gia đình của họ. Họ phải chụp giựt. Dù sao, cách chụp giựt của họ cũng là cách chụp giựt lương thiện nhất. So với tất cả các hình thức nhan nhản khác trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: khi mọi người, kể cả giới trí thức lương thiện, đều chụp giựt như vậy, tương lai của đất nước chắc là mù mịt lắm.
Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/a-19-2010-01-28-voa38-82966647.html