Lữ Giang
Những lời tuyên bố của Thiền sư Nhất Hạnh trong thời gian gần đây cho chúng ta thấy rõ hơn chiến lược và chiến thuật mà ông đang xử dụng để tiến tới thống lãnh Phật Giáo Việt Nam và thống lãnh đất nước. Đây là chiến lược và chiến thuật hoàn toàn khác với chiến lược và chiến thuật đã được các nhóm Phật Giáo đấu tranh áp dụng từ năm 1963 đến nay. Biết rất rõ tham vọng của Thiền sư Nhất Hạnh, nhà cầm quyền CSVN đã xử dụng ông như một lá bài để xoá sổ GHPGVNTN, nhưng “sứ mạng” bất thành, nhà cầm quyền đã trục xuất Pháp Môn Làng Mai ra khỏi Việt Nam.
Trước khi nói đến chiến lược và chiến thuật của Thiền sư Nhất Hạnh, chúng tôi xin trình bày lại một cách khái quát về mục tiêu và chủ trương của các nhóm Phật Giáo đấu tranh từ năm 1963 đến nay và các chiến lược và chiến thuật đã được xử dụng.
MỤC TIÊU VÀ CHỦ TRƯƠNG
Dù theo chiến lược hay chiến thuật nào, mục tiêu và chủ trương của các nhóm Phật Giáo đấu tranh đều gióng nhau.
Trong cuốn “Les Forces Politiques au Sud Vietnam depuis les Accords de Genève” (Các lực lượng chính trị ở Nam Việt Nam từ sau các hiệp định Genève), bà Trần Hoài Trân, Giáo Sư Đại Học Luật Khoa Saigon, cho biết “giấc mơ của nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang là giấc mơ một nước Việt Nam trung lập, độc lập và theo Phật Giáo, trong một Đông Nam Á trung lập và Phật Giáo.”
Thích Trí Quang và một nhóm Phật Giáo cực đoan cho rằng Phật Giáo tạo nên và bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam, và trong hiện tại Phật Giáo đang nắm đa số nên Phật Giáo phải nắm quyền cai trị đất nước. Về sau, quan điểm và chủ trương này đã được đưa vào Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI ngày 21.2.2001 của Giáo Hội GHPGVNTN, thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang
Nhiều người tin rằng Thông Điệp này do Thiền sư Thích Trí Siêu, tức Lê Mạnh Thát, soạn thảo vì nội dung gióng như những quan niệm, chủ trương và tài liệu mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra. Đây là một bức Thông Điệp sặc mùi chính trị, đả kích các nền văn minh và các tôn giáo khác (nhưng không đả kích chế độ cộng sản) để đưa Phật Giáo lên địa vị độc tôn.
Thông điệp nói: không có đạo Phật thì ngày nay “cái tên ‘người Việt’ chỉ tồn tại trong sử sách Trung Quốc”, và trong hai cuộc chiến vừa qua, “Phật giáo là pháo đài bảo vệ văn hóa dân tộc và trong chiến tranh ý thức hệ, tự lãnh nhận vai trò hóa giải hận thù”. Và “Phật Giáo Việt Nam ý thức rõ lực lượng và sứ mạng lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại”.
Khi khẳng định như vậy Giáo Hội Ấn Quang quên rằng lịch sử Việt Nam đã kéo dài trên 4.000 năm trong khi Phật giáo chỉ mới du nhập vào Việt Nam vào đầu công nguyên, như vậy 2.000 năm trước khi Phật giáo chưa du nhập vào Việt Nam, ai bảo vệ văn hóa và độc lập của dân tộc? Sau đó, trong suốt “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai muơi năm nội chiến từng ngày”, Phật Giáo đi đâu?
Thiền sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra những tài liệu (sai lầm) để khẳng định rằng thời kỳ An Dương Vương là không có, không có cuộc xâm lược của Triệu Đà cũng như không có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất kể từ cuộc xâm lược của Triệu Đà cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Theo ông, nước Văn Lang của các vua Hùng kéo dài cho đến năm 43 sau Công nguyên!
Việc sửa lại lịch sử này nhắm chứng minh: Phật Giáo đã du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, vì thế Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo!
Thiền sư Lê Mạnh Thát còn đưa ra “Lục Độ Tập Kinh” và khẳng định rằng tập kinh này là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt (tiếng Việt nào?) chứ không phải từ bản tiếng Phạn. “Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI” đã trích dẫn câu sau đây trong “Lục Độ Tập Kinh” để xác định các tăng sĩ Phật Giáo phải nhảy ra làm chính trị để cứu nước, cứu đời: "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than".
VẤN ĐỀ THỐNG LÃNH PHẬT GIÁO
Muốn đạt mục tiêu trên, công việc trước tiên là phải thống lãnh Phật Giáo trên cả nước để có sức mạnh.
Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cộng sản về tôn giáo vận xuất phát từ khối Ấn Quang, rất tôn sùng Thích Trí Quang, cho biết quan niệm của Thích Trí Quang về một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như sau:
"Về mặt TỔ CHỨC, thống nhất Phật giáo Việt Nam tức là Phật giáo Việt Nam chỉ có một tổ chức có tư cách pháp nhân ở trong nước và quan hệ với quốc tế. Tổ chức Phật giáo đó có hệ thống thông suốt từ Trung ương đến địa phương cơ sở. Tất cả chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo duy nhất của Trung ương. Các hệ phái được quyền giữ phương tiện tu hành riêng, nhưng phải nằm trong và chịu sự lãnh đạo chung của tổ chức.”
Nhưng khác với Thiên Chúa Giáo, Đức Phật Tích Ca và các kinh điển của Phật Giáo không hề nói đến việc thành lập giáo hội, mà chỉ đề cập đến các phương pháp tu tập. Phật Giáo có đến 84.000 pháp môn, mỗi pháp môn tu tập theo một phương thức riêng nên không thể hình thành một giáo hội bao gồm tất cả các pháp môn này được. Ngay tại Tây Tạng, nơi giáo phái Lạt-ma (Lamaism) được Trung Quốc cho nắm cả thế quyền lẫn giáo quyền từ năm 1653, cũng chưa hề tuyên bố thành lập Giáo Hội Lạt-ma. Một số môn phái Phật Giáo khác như Hồng Giáo, Bạch Giáo, Thánh Giáo, Hoa Giáo... đã không chấp nhận sự thống lãnh của Lạt-ma giáo và tiếp tục sinh hoạt riêng.
Vì nhu cầu chính trị, các nhà Phật Giáo đấu tranh Việt Nam đã quyết định thành lập một giáo hội Phật Giáo không dựa vào một kinh điển hay giới luật nào của Phật Giáo, nên quan niệm về một Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất đã đưa đến nhiều tranh luận và tan vỡ.
Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, 11 Giáo Phái và Hội Đoàn Phật Giáo đã họp tại Chùa Xá Lợi ngày 4.1.1964 và biểu quyết một Bản Hiến Chương thành lập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, đưa ra những quy định nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia. Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1963, Hòa Thượng Tâm Châu cho biết:
“Hiến Chương, do Thượng Tọa Trí Quang chủ trương, chủ trương xóa bỏ các Giáo Phái, Hội Đoàn, giám hộ các chùa, thu nạp Tăng Ni, Phật tử vào trong khuôn khổ Giáo Hội của mình và đặt dưới sự điều hành của Viện Hóa Đạo gồm 12 nhân vật mà thôi. Do đó, khi Hòa Thượng đảm nhận trọng trách thực hiện Hiến Chương thì Thượng Tọa Giới Nghiêm, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam viết thư mạt sát thậm tệ và quyết định không gia nhập. Các vị Thủ Lãnh của các Giáo Phái, Hội Đoàn khác không chịu xóa bỏ, trực diện chỉ trích hai chữ "Thống Nhất" và cho là "Nhất Thống". Các vị rút ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”
Mặc dầu biết rõ Hiến Chương của GHPGVNTN nằm trên và nằm ngoài luật pháp quốc gia, để lấy lòng Phật Giáo, Tướng Nguyễn Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng kiêm Thủ Tướng, đã ký Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 phê chuẩn Hiến Chương này. Tuy nhiên, sau những tranh chấp nghiêm trọng và đẩm màu trong nội bộ, GHPGVNTN đã bể thành Giáo Hội Ấn Quang và Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự. Chính phủ đã ban hành Sắc Luật số 023/67 ngày 18.7.1967 chuẩn y Hiến Chương mới ngày 14.3.1967 của Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và thu hồi Hiến Chương của Giáo Hội Ấn Quang khiến Giáo Hội này phải hoạt động ngoài vòng luật pháp. Hiến Chương mà GHPGVNTN đang xử dụng không có căn bản pháp lý nào, dù của VNCH, của CSVN hay của Mỹ.
Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, GHPGVNTN tưởng mình “có công với cách mạng”, đã tổ chức “Mừng Giải Phóng” và “Sinh Nhật Bác Hồ” rồi phái Hòa Thượng Đôn Hậu ra Bắc gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ Trưởng Văn Hóa, xin thống nhất Phật Giáo Việt Nam với ý đồ muốn lãnh đạo Phật Giáo toàn quốc. Nhưng ông Hiếu biết rõ âm mưu của nhóm này nên nói: “Thống nhất Phật Giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật Giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật Giáo phản động!”
Khi âm mưu bị thất bại, Giáo Hội Ấn Quang quay lại chống chính quyền. Nhà cầm quyền liền thuyết phục các cấp lãnh đạo của Giáo Hội Ấn Quang hợp với Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (miền Bắc) thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước ngày 4.11.1981. Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo này tuyên tố: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) là Giáo Hội Phật Giáo duy nhất đại diện cho Phật Giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”.
Như vậy là quan niệm thống lãnh Phật Giáo của Thích Trí Quang đã trở thành căn bản của Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Nhưng Giáo Hội này chỉ tồn tại dựa vào cường quyền, nên khi cường quyền sụp đổ, giáo hội cũng tan rã.
CHIẾN THUẬT ÁP DỤNG
1.- Chiến thuật Pháp Nạn
Chiến thuật cơ bản được xử dụng ngay từ đầu là “chiến thuật Pháp nạn”, tức dùng “Pháp nạn” để tạo biến loạn rồi lật đổ hay cướp chính quyền. Bằng chiến thuật này, các nhà lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh đã áp dụng phương thức mà Karl Marx đã đưa ra là “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” (The ends justify the means), tức có thể xử dụng bất cứ phương tiện nào, miễn là đạt được kết quả thì thôi. Trong chiến thuật này, VỌNG NGỮ và kích động lòng hận thù Thiên Chúa Giáo được khai thác tối đa. Ngay trong 5 nguyện vọng đầu tiên của Phật Giáo cũng chứa đầy vọng ngữ. Các nhà Phật Giáo đấu tranh đã xử dụng bạo lực đối với các thành phần không theo họ hay chống lại họ. Điển hình nhất là vụ đốt hai trại định cư Thanh Bồ và Đức Lợi ở Đà Nẵng, vụ đốt Tòa Thị Chính Đà Nẵng, vụ lập Quân Đoàn Vạn Hạnh do Thượng Toạ Thích Minh Chiếu, Thiếu tá Trưởng Phòng Tuyên úy Vùng 1, quân khu 1 làm Tư lênh và đặt Tổng Hành Dinh tại chùa Phổ Đà, cho đi bắt các nhân viên chính quyền, các viên chức lãnh đạo VNQDĐ, các viên chức công giáo... về giam giữ và tra tấn, v.v. Các nhà lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh không phải chỉ bất khoan dung đối với Thiên Chúa Giáo và những người chống lại sự lộng hành của họ, mà còn bất khoan dung với cả những chư tăng bất đồng chính kiến trong nội bộ. Chúng ta hãy nghe Hoà Thượng Thích Tâm Châu kể lại trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1963:
“Tôi về tới Việt Nam Quốc Tự, bước chân vào cửa văn phòng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của tôi thì có một biểu ngữ nền vàng chữ đỏ ghi: "MUỐN QUẦN CHÚNG TUÂN THEO KỶ LUẬT THÌ PHẢI THEO QUẦN CHÚNG". Tôi vào tới bàn giấy của tôi thì có một đĩa máu, một con dao và một huyết thư: YÊU CẦU CÁC THƯỢNG TỌA TRONG VIỆN HÓA ĐẠO, KHÔNG ĐƯỢC THEO THƯỢNG TỌA TÂM CHÂU". Tôi định lên chánh điện Việt Nam Quốc Tự lễ Phật, tại đây có mấy các vị Tăng thanh niên không cho tôi vào chánh điện Việt Nam Quốc Tự và hăm dọa, ai muốn vào chùa hãy bước qua xác chết của họ...”
Bằng “chiến thuật Pháp nạn” các nhà tranh đấu Phật Giáo tìm cách gây rối cho đến khi cướp được chính quyền mới thôi. Theo báo cáo của Đại Sứ Cabot Lodge, “Phật Giáo như là một nguồn có thể gây nguy hiểm cho chính phủ. Đặc biệt, ông nghĩ rằng Thích Trí Quang, người lãnh đạo Phật Giáo, là một người có tiềm năng gây rối (a potential trouble maker).” Ông ta nghĩ rằng đã lật đổ được một chính phủ, ông ta cũng có thể làm như thế để chống chính phủ kế tiếp. (FRUSS 1964 – 1968, Volum I, tr. 304 – 305, Document 147).
Cao điểm của chiết thuật này là năm 1966, khi Phật Giáo quyết định tạo bạo loạn để cướp chính quyền. Tuy nhiên, sau năm 1963, chiến thuật này chỉ đem lại thất bại vì không có sự lèo lái của CIA.
Tính từ 1963 đến 1975, các nhà đấu tranh Phật Giáo đã cho thực hiện tất cả 31 vụ tự thiêu. Sau 30.4.1975 cũng đã có 22 vụ tự thiêu để chống lại nhà cấm quyền cộng sản. Nhưng ngoài “ngọn đuốc Quảng Đức” do CIA đốt, các “ngọn đuốc” khác chẳng có tác dụng gì.
Hiện nay, những người chủ trương dùng bạo lực và bất khoan dung không còn bạo động được nữa, họ chỉ còn “đánh phèng la”. Từ năm 1963 đến nay. “Phèng la” vốn được coi là võ khí chính của những người theo “Binh pháp Pháp Nạn”. Nhìn lên trang nhà queme.net, chúng ta thấy chứa đựng gần như toàn là “Phèng la”.
2.- Chiến thuật trá hàng Việt Cộng
Sau khi bị Quân Lực VNCH đánh bại vào năm 1966, Thích Trí Quang và nhóm lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh đã đi với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với sự tin tưởng rằng có thể dùng Cộng Sản để buộc Mỹ rút lui và loại bỏ Thiên Chúa Giáo, sau đó dùng Phật Giáo để “hoá giải” Cộng Sản, nhưng Đỗ Mậu cho rằng đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Đỗ Mậu viết:
“Sai lầm chiến lược thứ hai của Thích Trí Quang là nhận định chủ quan về đường lối và chính sách của Cộng sản Hà Nội, Trí Quang nghĩ rằng Ki-tô giáo nguy hiểm hơn Cộng Sản và Phật Giáo đủ khả năng đương đầu với Cộng sản sau khi ngoại cường triệt thoái,” (Tâm Thư 1995, tr. 178).
Đỗ Mậu đã nhận định về sự thất bại của Giáo Hội Ấn Quang trong việc chống cộng như sau:
“Như đã nói, cuộc đấu tranh của Hòa thượng Huyền Quang ở trong nước sau cuộc biểu tình 24.5.1993, chỉ còn như ngọn đèn le lói để rồi coi như hoàn toàn thất bại. Thiếu lãnh đạo, thiếu kế hoạch, thiếu hậu thuẫn Phật tử, và quần chúng nói chung, lại thiếu cả sự đồng thuận của các vị sư già tên tuổi, để lộ thế yếu kém giúp cho nhà nước thêm thế thượng phong, cuộc đấu tranh càng gây thêm chia rẻ trong hàng ngũ Tăng sư và Phật tử trong nước, cuộc đấu tranh chỉ làm lợi cho Thiên chúa giáo và Tin Lành, v.v... Hòa Thượng Huyền Quang mang tâm sự cô đơn, một con chim bị gãy cánh chỉ còn biết mong đợi sự trợ giúp, sự tiếp tay của Phật giáo hải ngoại nữa mà thôi. Nhưng, như tôi đã nói trên kia, Phật giáo hải ngoại cũng không làm gì được hơn...” Tâm Thư 1995, tr. 123 – 124)
Đỗ Mậu viết tiếp:
“Không thể tưởng tượng được thái độ của qúy thầy. Đấu tranh với một đối tượng gồm toàn hạng người sừng sỏ, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng đầy mình, lại có đầy đủ phương tiện mà qúy thầy đấu tranh một cách khơi khơi. Người thức giả thấy phong cách đấu tranh của qúy thầy không khỏi ái ngại cho tương lai của Phật Giáo và ái ngại cho qúy thầy quá ngây thơ, thành ra chính quý thầy đã hại Phật Giáo.” (Tâm Thư 1995, tr. 186)
Vậy giải pháp đề nghị như thế nào? Trong cuộc phỏng vấn cò mồi của Nguyễn Văn Hòa, Đỗ Mậu nói:
“Nếu tôi được gặp quý Thầy như Quảng Độ và Thầy Huyền Quang, tôi muốn nhắc nhở với mấy Thầy là đất nước phải qua giai đoạn Phật Giáo với chính phủ phải bắt tay nhau. Gia Tô chính là kẻ thù chung...”
Để tiếp ứng với Đỗ Mậu, trong buổi nói chuyện về “Nhân Quyền Cho Việt Nam” tại tại thành phố Westminster vào chiều 8.1.1995, Trần Quang Thuận cho biết có người từ Việt Nam mới về đã đưa ra một nhận định “rất độc đáo” như thế này:
“Cái hiểm họa mà Phật Giáo mắc phải trước đây và có thể cả sau này, thật sự không phải là Cộng Sản mà là Thiên Chúa Giáo. Ông nói Phật Giáo với bản chất hiền lành như thế đó không làm sao có thể ngăn chận được cái sự xâm nhập của Thiên Chúa Giáo. Chỉ có Cộng Sản làm được việc đó không mà thôi. Như vậy đó, tại sao các ông lại chống chính quyền, chống Cộng Sản ở bên đó. Chính Cộng Sản đã tiếp tay cho các ông làm những chuyện như vậy.”
Vì thấy “chiến thuật Pháp nạn” chẳng những không đem lại kết quả mong muốn mà còn gây nhiều tổn thương cho Phật Giáo, nhóm Thân Hữu Già Lam đã chủ trương dùng “chiến thuật trá hàng Việt Cộng” để xâm chiếm dần Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước và biến nó thành GHPGVNTN khi tình thế cho phép. Thiền sư Lê Mạnh Thát là người đầu tiên xung phong trá hàng để được nhà cầm quyền cho đi làm “văn hóa và hoằng pháp”. Ông đã đi kiếm tài liệu để chứng minh rằng Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo và các tăng sĩ phải ra nắm chính quyền như đã nói trên. Những việc làm này không hề cho Hòa Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ biết, nên Giáo Chỉ số 9 đã được ban hành để điều chỉnh lại hàng ngũ.
Các tài liệu do Thiền sư Lê Mạnh Thát công bố đã để lộ cho nhà cầm quyền cộng sản nhận ra ông là loại Phật Giáo cực đoan hàng đầu và chỉ trá hàng, nên dùng ông để tổ chức lễ Vesak tại Hà Nội năm 2008 rồi sau đó loại bỏ. Những thành phần khác thuộc nhóm “trá hàng” như Cao Huy Thuần (ở Pháp), Hồng Quang, v.v. cũng không được dung nạp nữa.
Hiện nay, nhà cầm quyền đã đào tạo được một hệ thống sư quốc doanh có đủ trình độ văn hóa, Phật pháp và nghiệp vụ, nên chuyện trá hàng để chiếm Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước là chuyện khó thực hiện được.
Sau khi bị khai trừ, nhóm Thân Hữu Già Lam (lúc đầu gồm có Thích Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích Quảng Liên và Thích Nhật Từ) thành lập ra nhóm Về Nguồn. Nhóm này khẳng định rằng đất nước ta và dân tộc ta đã từng được đạo Phật giáo hóa và Về Nguồn là trở về với Phật Giáo là dân tộc và dân tộc là Phật Giáo.
Nhóm Về Nguồn đã lập ra Đoàn Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại và Đoàn Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại đẻ ra Giáo Hội Phật Giáo Liên Châu, tách rời ra khỏi GHPGVNTH của Hòa Thượng Quảng Độ.
CON ĐƯỜNG THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
Trước ngày 31.12.2009 là hạn chót nhóm Tăng thân Làng Mai ở Lâm Đồng được lệnh phải ra đi, ngày 30.12.2009 Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gởi đến các Tăng thân này một lá thư, trong đó ngoài phần phủ dụ các Tăng thân bị trục xuất, Thiền sư đã để lộ cho mọi người thấy chiến lược và chiến thuật mà ông đang áp dụng để thống lãnh Phật Giáo ở trong nước.
Khác với các Tăng sĩ đấu tranh khác, Thiền sư Nhất Hạnh không chủ trương dùng các biện pháp hành chánh và bạo lực để thống lãnh Phật Giáo Việt Nam, ông khai sinh ra “Pháp môn Tiếp Hiện”, thường được gọi là “Pháp Môn Làng Mai” để thực hiện mục tiêu này. Ông nói với các Tăng thân bị trục xuất:
“Truyền thống của chúng ta là phải đi như một dòng sông, không thể nào đi như một giọt nước."
“Giọt nước đi một mình thì trên đường về biển cả sẽ bị bốc hơi nửa chừng và không bao giờ tới biển. Trong chúng ta ai lại không thuộc bài hát “Xin nguyện làm dòng sông, không làm hạt nước nhỏ” của sư chị Hoa Nghiêm? Bởi vậy cho nên Tăng thân bị giải tán là tai nạn lớn nhất cho người tu.”
Ông hy vọng với hạt mầm gieo được ở Lâm Đồng, ông sẽ làm cho Pháp Môn Làng Mai lan ra cả nước, 400 thành 800, 800 thành 1.600... Chúng tôi gọi đó là “Chiến thuật vết dầu loang”.
Mặc dầu lúc nào cũng lên giọng đạo đức, ông cũng chủ trương áp dụng phương châm của Karl Marx là “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Chuyện ông dùng vọng ngữ để phản chiến và việc ông nhận “sứ mạng” của nhà cầm quyền đi tìm cách xóa sổ GHPGVNTN chứng tỏ ông đã bám chặt phương châm này.
Ông nói với các Tăng thân rằng chủ trương của Pháp môn Làng Mai là xử dụng phương pháp của Mahatma Gandhi, đó là phương pháp đối kháng bất bạo động. Ông nhắc lại lời của Mahatma Gandhi:
“Đối kháng bất bạo động là một sức mạnh tâm linh, một sức mạnh không có gì so sánh nổi. Sức mạnh của nó vượt lên trên cả sức mạnh của quân đội và vũ khí. Đó không phải là khí giới của kẻ yếu đâu.”
Thiền sư Nhất Hạnh đã kết luận bức tâm thư của ông như sau:
“Chúng ta đã có con đường, chúng ta đã có niềm tin, chúng ta đã có nhau như một Tăng thân thì chúng ta không cần phải lo lắng nữa. Nói như sư chú Pháp Đại: “Chúng con biết ngoài việc tu tập thì chúng con không cần phải lo lắng gì thêm. Chúng con nguyện sẽ tu tập tốt hơn để không phụ lòng thầy tổ.” Nghe các con nói những câu như thế, thầy biết là thầy đang có niềm tin nơi các con.”
Chúng ta đã chứng kiến trong tiến trình đấu tranh của Phật Giáo, khi khẩu hiệu “Cần Lao Thiên Chúa Giáo tái xuất giang hồ” được hô to, các Tăng thân hiền hòa trở thành dao găm lựu đạn ngay. Do đó, nhận định nói trên của Thiền sư Nhất Hạnh là có căn cứ.
Phải công nhận rằng trong các Tăng sĩ cao cấp của Phật Giáo Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh là người thấy rõ thời cuộc nhất, có tư tưởng sâu sắc nhất. Ông hiểu rằng “thời đại chiến tranh lạnh” đã qua, không thể tiếp tục áp dụng “chiến thuật Pháp nạn” nữa. Bây giờ là “thời đại diễn biến hoà bình”, phải dùng phương pháp khác. Tuy nhiên, khi đánh xì phé mà con tẩy đã bị lộ, rất khó mà ăn ai được.
Điều đáng buồn cười là trong khi nhiều tăng sĩ Phật Giáo đang tìm cách đưa cuộc đấu tranh của Phật Giáo ra khỏi “chiến thuật Pháp nạn”, một số tín hữu Công Giáo chống cộng lại hô hào dùng chiến thuật đó, nhất là “Phèng la”, để lật đổ cộng sản!
Để kết luận, chúng tôi xin nhắc lại lời khuyến cáo của Thiền sư Dhammananda:
“Khi tôn giáo bị sử dụng để gia tăng thế lực chính trị, thì tôn giáo sẽ phải hy sinh các lý tưởng đạo đức cao quý và trở nên mất gốc, nhượng bộ cho các thế lực chính trị trong thế gian.”
Ngày 23.2.2010
Lữ Giang