Công an Việt Nam đang đánh "hội đồng" một thanh niên
Theo luật pháp nước ngoài, khi bị bắt nghi can đều được bảo đảm an toàn tính mạng, danh dự và nhân phẩm. Không ai được kết tội họ hoặc làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân họ khi Tòa chưa kết án.
Tại cơ quan tố tụng, họ có luật sư chứng kiến việc hỏi cung và giám sát quá trình điều tra nhằm ngăn chặn việc lạm dụng vũ lực, tra tấn nghi can…
Đấy là chuyện ở nước ngoài.
Còn ở VN thì sao? Chưa có bất cứ một công dân nào khi bị bắt được bảo đảm về danh dự, nhân thân… điển hình là họ sẽ bị báo chí đưa tin kết tội trước khi điều tra kết thúc và Tòa tuyên án, hình ảnh của họ sẽ đưa biêu riếu khắp mặt báo cách hết sức vô tư.
Trong quá trình xét hỏi, điều tra, cơ quan công an làm việc hầu như tự tung tự tác, không có bất cứ ai có thể chứng kiến, giám sát.
Dù luật có đề cập đến vấn đề luật sư bảo vệ nghi can, nhưng lại thòng thêm một câu “Nếu được cơ quan điều tra đồng ý” (Sic). Đây là điều hết sức hài hước của Luật pháp Việt Nam. Bởi ai cũng thừa biết chẳng đời nào cơ quan điều tra đồng ý chuyện đó.
Nếu cơ quan điều tra đồng ý cho luật sư giám sát quá trình hỏi cung, điều tra thì làm sao có thể điều tra như ở VN? Đó là sự coi rẻ tính mạng của người dân. Tại cơ quan điều tra, họ mặc sức thi thố nhiều cách thức để nạn nhân khai theo ý họ.
Chính vì thế, ở VN chúng ta, lượng người chết tại nhà tạm giữ với những chứng cứ lãng nhách càng ngày càng nhiều. Hầu hết đều được đổ cho là “tự tử” mà không có bất cứ sự chứng minh khách quan nào. Cũng không ai chịu trách nhiệm về những cái chết đó, bởi ai đi điều tra công an?
Nhân dân đặt câu hỏi: Tại sao những người này lại ngu dốt không tự sát ở đâu mà lại chạy vào cơ quan công an để tự sát với những lý do lãng nhách như “hút thuốc lá để tự sát”?
Những vụ việc mà báo chí “lề phải” đưa tin sau đây chứng minh điều này:
- Tự sát tại nhà tạm giữ của công an huyện vì bị tố cáo hiếp dâm: “Rạng sáng 15/6, Nguyễn Công Thành (trú Hoa Thủy, Lệ Thủy) đã dùng áo treo cổ tự vẫn trong phòng vệ sinh nhà tạm giữ của Công an huyện Bố Trạch”.
- Nghi can hiếp dâm chết trong nhà tạm giữ: “Khoảng 7 giờ ngày 23 - 12, tại một căn phòng của Ban công an xã Bom Bo (huyện Bù Đăng), người ta phát hiện anh Nguyễn Văn Long (SN1969, hộ khẩu thường trú xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) đang tạm trú tại thôn 10, xã Bom Bo đã bị chết. Tôi mang cơm và áo cho anh ấy, rồi mấy anh công an bắt đi ra khỏi phòng ngay. Tôi chờ ở ngoài, 21 giờ, một anh công an bảo tôi đi mua chai nước cho chồng tôi. Mang nước vào, thấy chồng tôi bị nhốt trong phòng. Anh Long gọi tôi: “Sát vô đây anh nói, về uống thuốc đi” (vì tôi đang bị bệnh). Anh ấy còn nói bị đánh. Sáng hôm sau, khi tôi đến Ban công an xã, anh Tự nói “Nó hút thuốc (lá) tự vẫn chết rồi”. Tôi nhìn thấy anh ấy nằm cứng đơ, hai tay đưa lên phía trên đầu..."
- Chết tại nhà giam giữ của cơ quan công an: “5h30 ngày 30/4, tại buồng tạm giữ, cơ quan công an phát hiện anh Nguyễn Đức Hậu, SN 1972, tại Lạng Giang, Bắc Giang đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Hậu bị ngạt bởi treo cổ”.
- Một người chết trong nhà tạm giữ: “Một cán bộ Công an H.Hóc Môn (TP.HCM) hôm qua 2.9 xác nhận với PV Thanh Niên, Trần Đình Huy (24 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) đã chết tại nhà tạm giữ của công an huyện chiều 31.8. Trước đó, Huy lấy trộm xe máy tại ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn thì bị người dân phát hiện bắt quả tang, giao công an. Sau đó, Huy được chuyển đến nhà tạm giữ của công an huyện để điều tra. Chiều cùng ngày, công an phát hiện Huy treo cổ chết tại buồng giam”.
- Một người chết tại nhà tạm giữ công an huyện: “Sáng 9/5, cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương đã khám nghiệm tử thi ông Lữ Văn Thành, 32 tuổi. Kết quả khám nghiệm cho thấy ông Thành bị chấn thương ở não dẫn đến tử vong. Ngoài ra còn bị gãy bốn xương sườn và có nhiều dấu vết bầm tím. Bà Lữ Thị Thùy Dương (chị ông Thành) cho biết tối 8/5, công an đã yêu cầu mổ tử thi nhưng gia đình không đồng ý vì thấy ông Thành có dấu hiệu bị đánh đập”
- Một người bị bắt giữ chết tại trụ sở công an huyện: Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Quang (mẹ nạn nhân), chiều 8/8/2008, Long bị Công an huyện Vĩnh Lộc bắt vì liên quan đến tiêm chích, mua bán ma túy và bị tạm giữ tại trụ sở công an huyện. Khoảng 20h ngày 11/8, một số công an đến gia đình mời người nhà đến trụ sở công an và thông báo Long đã thắt cổ tự tử, chết lúc 15h30 phút cùng ngày, xác của Long đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lộc. “Tại sao con tôi tự thắt cổ chết tại phòng giam mà người nhà lại không được thông báo khi thi thể của Long còn ở hiện trường? Vì sao phải chuyển xác Long sang bệnh viện trước khi báo cho gia đình chúng tôi” – bà Quang bức xúc.
- Một lái tàu chết tại trại giam công an huyện: Một công nhân Xí nghiệp đầu máy Vinh sau 8 ngày bị tạm giam tại công an huyện Vụ Bản, Nam Định đột ngột tử vong. Trước cái chết đầy uẩn khúc, một số người thân của nạn nhân nghi ngờ sự việc có sự "tác động" của cơ quan công an.
- Một học sinh chết trong trụ sở công an huyện: Chiều 24/3, thi thể một học sinh lớp 12 đã được thân nhân mang đặt trước trụ sở Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) với yêu cầu cơ quan công an làm rõ nguyên nhân cái chết của em. Chỉ vài tiếng trước đó, học sinh này đã được triệu tập đến trụ sở công an huyện.
- Chết tại trụ sở công an xã: Nguyễn Văn Toàn sinh năm 1966, thường trú ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tạm trú ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Phản ứng của gia đình nạn nhân lên đến đỉnh điểm khi mới tờ mờ sáng ngày 11/8, họ dùng ô tô đưa xác nạn nhân đến trụ sở UBND xã Long Thành Trung yêu cầu làm rõ vì sao người thân của họ bị chết tại trụ sở Công an xã Long Thành Trung. Gia đình nói rằng họ nghi ngờ anh Toàn bị đánh chết và treo cổ chỉ là hiện trường giả. Theo họ, trên thi thể của anh Toàn có nhiều vết bầm rất đáng nghi ngờ. Mẹ, vợ và anh chị em nạn nhân Toàn bức xúc cho rằng khi phát hiện anh Toàn chết, Công an xã Long Thành Trung đã tự ý đưa xác nạn nhân đi mổ xẻ mà không khám nghiệm, lập biên bản hiện trường.
- Dân phòng đánh chết người ở trụ sở công an: “Nạn nhân là ông Nguyễn Thanh Phong (55 tuổi, tạm trú tại 25 Đô Lương, phường 11). 15h ngày 4/11, ông Phong say rượu gây mất trật tự. Công an và dân phòng phường 11 tới khống chế đưa ông Phong lên ôtô về trụ sở công an. Chiều cùng ngày, một giờ sau khi được thả về nhà, ông Phong có dấu hiệu bị hôn mê. Sáng 5/11, ông Phong chết do chấn thương sọ não, đầu có nhiều vết nứt. Công an phường 11 cho biết, ông Phong bị ngã khi ngồi ghế nhựa. Nhưng, kết quả điều tra của Công an tỉnh cho thấy, Nở đã đánh ông Phong.
- Cần làm sáng tỏ cái chết của một thanh niên: “Chị Nguyễn Thị Hồng Đào (chị ruột Phong) trình bày: “Khoảng 11h trưa 8/8, Phong và Phương (gần nhà) có cãi nhau về chuyện tiền cá độ bóng đá. Sau đó mẹ của Phương nói sẽ mời công an đến làm việc với Phong. Khoảng 12h thì có 4 công an xã Tân Dương đến (trong đó có một người tên Vũ, Phó trưởng công an xã) “mời” Phong về trụ sở làm việc. Khoảng 13h mẹ tôi lên công an xã nhưng không thấy Phong đâu, một vài công an xã kêu mẹ tôi về và nói là Phong đang được răn đe, giáo dục trong phòng tạm giữ. Đến 15h cũng không thấy Phong về, tôi lên trụ sở thì được một công an xã tên Duy cho biết là một lát nữa sẽ thả Phong về”. Tuy nhiên đến 17h thì một người bên văn phòng Đảng ủy xã đến nhà mời ông Tài (cậu Phong) lên UBND xã có chuyện gấp. Khi ông Tài đến nơi thì xã báo tin Phong đã thắt cổ chết trong phòng tạm giữ. Lúc này công an xã mới nói là Phong chết vào lúc 14h30”.
Chỉ cần lướt qua một vòng trên mạng, người ta có thể tìm ra hàng loạt vụ việc như vậy… và tất cả vụ việc đều chìm xuồng.
Công dân khi đã rơi vào tay công an thì mặc nhiên được coi là tội phạm, với hệ thống pháp luật “công an trị” hiện tại thì khả năng cái chết có thể dẫn đến với công dân là điều hoàn toàn có thể xảy ra, được thông báo là tự tử và tất cả lại chìm xuồng thì việc các nghi can nhận tội là điều không khó hiểu.
Người Hà Nội 2
http://nuvuongcongly.net/index.php?option=com_content&view=article&id=409:vi-sao-nguoi-dan-thuong-nhan-toi-tai-cong-an&catid=85:cong-ly-l-phi&Itemid=267