(Phóng sự đặc biệt – Bài 2)
Cách đây 80 năm, ngày 10-02-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chính sức mạnh của dân tộc mình đứng lên Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại hàng ngàn đảng viên ưu tú đã bị bắt và bị đày đi côn đảo... Trong đó có một vùng côn đảo xa xôi tận Nam Mỹ gọi là Guyane thuộc Pháp đã lưu đày biệt xứ 325 chiến sĩ Yên Bái và những anh hùng dân tộc này đã vĩnh viễn nằm xuống chốn rừng sâu Amazone. Nhân dịp 80 năm tưởng niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ (1930-2010) Phái đoàn VNQDĐ đã thể hiện tưởng niệm Tổng Khởi Nghĩa một cách cụ thể bằng cách đến Guyane, Nam Mỹ để dựng bia tưởng niệm 525 anh hùng dân tộc, trong đó có 325 anh hùng VNQDĐ đã bị lưu đày biệt xứ và vĩnh viễn nằm lại nơi đây....Mời quý vị đọc 5 bài phóng sự đặc biệt của trang nhà http://www.vietquoc.org
Tìm tung tích chiến sĩ yêu nước bị lưu đày biệt xứ đến Guyane, Nam Mỹ cách đây 79 năm.
Tập dày trong cái hộp đen là 1 trong 6 tập hồ sơ người tù yêu nước của nhà lao An Nam, Guyane - có thể nói đây là "gia phả" của nhà lao An Nam.
Ngày thứ Tư (27/01) đến Thư Khố Cayenne (Archives Departementtales) để tìm lại hồ sơ của những nhà yêu nước bị lãng quên, cám ơn chị Quý An đã một lần tiên phong đến đây phải mất hai ngày với sự giúp đỡ của người bạn trong thư khố mới biết được số hồ sơ của cuốn “gia phả” Nhà Lao An Nam, nhờ sự quen biết trước nên việc tìm tài liệu các người tù Nhà Lao An Nam được thuận lợi. Trời đất! khi 6 cuốn “gia phả” nhà tù An Nam mang ra, tôi ngạc nhiên làm sao mỗi cuốn với bề dày hơn nữa gang tay, lớn gần nữa mặt bàn, những trang giấy đã nhàu nát, nhân viên thư khố cẩn thận o bế như một báu vật, lại còn dặn dò chúng tôi rằng “đây là tư liệu quý giá còn sót lại và chỉ có lưu trữ nơi đây xin quý vị hãy rất cẩn thận”. Giá gì mà ngày xưa chế độ thực dân chỉ dành một phần ngàn sự quý giá đối với tù nhân như ông nhân viên thư khố quý giá cuốn “gia phả” này thì các cụ đỡ khổ biết mấy!
Chúng tôi trình bày với họ đây là hồ sơ của đảng viên VNQDĐ, những người yêu nước đã chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam, chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới để tìm lại tung tích đồng chí (camrade) của mình để cung cấp tin tức cho gia đình họ và để tưởng nhớ những người yêu nước mà 79 năm qua đã bị bỏ quên, việc làm của chúng tôi là việc làm nhân đạo không khác gì đi tìm kiếm những người mất tích MIA (Missing in Action) ở bên Mỹ...những lời trao đổi đầy cảm thông nên họ đã bằng lòng cho chụp lại tất cả những tư liệu để đem về nghiên cứu với điều kiện chụp không có flash vì sợ ánh sáng làm hư những trang hồ sơ đã mục nát...cho nên một người chụp thì phải có một người cầm tấm bìa dày để che ánh sáng flash của máy chụp hình phóng ra.
Những cuốn hồ sơ được cất kỷ trong thư khố, đựng trong một cái hộp màu đen chắc chắn và có dây buộc chặt, bên ngoài có số ghi L'ININI E.S.P (les Etablissements Penitentiaires Speciaux du Territoire de L'Inini – Nhà tù đặc biệt vùng đất L’Inini) nhưng không có phụ đề gì cả, trong đó toàn bộ hồ sơ của Nhà Lao An Nam chứa toàn họ Việt Nam: Lê, Lý, Nguyễn, Trần, Phan v.v... mỗi hồ sơ mang một số riêng chứa 8 trang giấy, như vậy là phái đoàn phải chụp gần 525x8 = 4200 tấm hình. Trong hồ sơ có ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, bí danh (nếu có), tên cha mẹ, vợ con (nếu có), ngày bị bắt, nơi bị bắt, lý do bị bắt, ngày bị đày ải, ngày phóng thích, và ở trang số 2 là cả một chuỗi dài gian khổ với những chứng tích lưu đày...tất cả hồ sơ đều viết bằng tay với đủ màu mực đen, xanh, đỏ, tím...tuyệt đối không có đánh máy, có chăng chỉ là phần bổ túc về những năm sau này trên những trang giấy rời.Tất cả phái đoàn làm việc cực lực và lật từng trang giấy rất cẩn trọng, mỗi cuốn hồ sơ này khi đưa lên bàn có nhân viên thư khố đứng canh giữ. Bụng nghĩ thầm mà buồn cười, ngày các chiến sĩ cách mạng còn sống thì bị cai quản trong tù ngục, khi chết hồ sơ của họ cũng bị nhân viên thư khố canh gác. Trong phòng chụp mọi người phải tôn trọng luật lệ thư khố là phải giữ im lặng tối đa...nhưng chúng tôi cầm lòng không đậu, quên mất luật lệ cất lên tiếng “oh!” với hai dòng lệ tuôn trào khi thấy hồ sơ mang số 219, số tù 5737, của Nguyễn Đức Trạch bí danh Sư Trạch, sinh năm 1889 tại làng Quang Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, 42 tuổi....Sư trạch là một nhà sư xuất gia giỏi võ, thấy cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược, người tạm rời chốn tu hành tình nguyện làm hộ vệ cho đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt ngày 22/02/1930 từ đó mất tích không biết đi về đâu?! Thì ra, hôm nay NGƯỜI (viết hoa) đã bị lưu đày và bỏ mình trong Ngục Thất An Nam tại rừng Ínini, Guyane của rặng Amazone. Cảm tưởng mọi người lúc đó rất xúc động không thể nào tả được...
Đây hồ sơ mang số 219 của Nguyễn Đức Trạch tự Sư Trạch
Trong lúc chụp hình nhìn lướt qua thì thấy có hồ sơ bị Pháp bắt từ năm 1916, chắc đây là người của Cuộc Khởi Nghĩa Yên Thế của cụ Đề Thám, hoặc của Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu, thỉnh thoảng thấy hồ sơ bị bắt ở trong Nam từ 1910 chắc trong lực lượng kháng chiến của cụ Thủ Khoa Huân. Còn lại phần đông nếu không muốn nói là hầu hết là các chiến sĩ VNQDĐ bị bắt trong vụ ám sát tên mộ phu Bazin và trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái 10-02-1930...chúng tôi sẽ lần lượt đưa từng hồ sơ một lên website http://www.vietquoc.org và các cơ quan truyền thông công cộng trong và ngoài nước để thông báo thân nhân có thể tìm đến nơi an nghĩ lấy đất về thờ hoặc thăm viếng cầu nguyện. Sáu cái máy ảnh làm việc liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, đã đến giờ đóng cửa nhưng thấy thiện tâm của phái đoàn nên nhân viên thư khố thông cảm cho thêm giờ để chụp hết toàn bộ hồ sơ.
Hồ sơ 210 của nhà yêu nước Nguyễn Đắc Bằng tức Giáo Bằng chỉ huy phó Mặt Trận Lâm Thao-Hưng Hóa trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930, trốn ngục thất An Nam cùng với các đồng chí như Cai Rủ, Quế,Thống, Giám (Bắc), Chứ (Nghệ An), Hoạt (Quảng Nam) đều bị mất tích trong rừng Amazone (photo QA 27-01-2010)
Rời thư khố lúc 2:30 chiều, ghé vào nhà hàng người Tàu để ăn cho đỡ đói, mọi người mệt lã vì đói, qua các dãy phố đều thấy người Tàu bán hàng mới biết là bước chân con cháu Đại Hán ở đâu cũng bon chen xâm lược đầy dẫy!
Theo chương trình thì trên đường trở về phải vào tiệm bán đồ xây dựng mua xi-măng để đổ cột bia tưởng niệm, đến đây mới biết xứ “khỉ ho cò gáy” này lại vật giá quá đắt đỏ, một bao xi-măng 5kg bên Mỹ bán chừng $2 USD tại Home Depot mà ở đây bán đến gần 7 Euro ($11.42 USD), không những vật liệu xây cất mà mọi thứ đều rất đắt, sau này tìm hiểu mới biết xứ Guyane này cái gì cũng nhập từ nước Pháp vào cho nên giá còn cao hơn ở Paris rất nhiều.
(Tiếp bài 3: Nơi đặt chân đầu tiên của những anh hùng Yên Bái bị lưu đày đến Guyane, Nam Mỹ)