Donnerstag, 18. Februar 2010

Nhật Bản vượt qua Trung Quốc, lại trở thành chủ nợ số một của Mỹ

Thanh Thủy, RFI

17/02/2010 - "Nhật Bản lại trở thành chủ nợ số một của Hoa Kỳ". Đây là hàng tựa lớn trên phụ trang kinh tế của Le Figaro. Ở bên dưới hàng tiểu tựa nói rõ là Nhật Bản đã qua mặt Trung Quốc với tư cách là quốc gia nắm giữ nhiều công trái nhất của Ngân khố Mỹ.

Mở đầu bài báo Le Figaro không quên nhắc lại là mỗi khi có một cuộc đọ sức với Hoa Kỳ, Trung Quốc lại tự hào là quốc gia tài trợ cho sự thâm thủng ngân sách Nhà nước Hoa Kỳ và đến nay những dịp như vậy không phải là ít. Thế nhưng từ ngày hôm qua và lần đầu tiên từ tháng chín 1988, không phải Trung Quốc mà là Nhật Bản đang nắm giữ nhiều trái phiếu nhất của Hoa Kỳ.

Theo các con số của bộ Tài chính Mỹ ở Washington, vào cuối tháng 12 năm 2009 các chủ nợ Nhật Bản, tư nhân cũng như Nhà nước, nắm giữ trong tay 768,8 tỷ đôla công trái của Ngân khố Mỹ, nghĩa là tăng 1,5% so với tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, số công trái mà Trung Quốc, không kể Hồng Kông, cất giữ là 755,4 tỷ đôla, tức giảm đi 4,3% so với tháng trước.

Nước chủ nợ thứ ba của Hoa Kỳ là Anh quốc đứng xa đằng sau với hơn 300 tỷ đôla. Đối với Le Figaro, sự kiện nêu trên chứng minh là mặc dù đang trải qua khủng hoảng, Tokyo vẫn tiếp tục gia tăng món nợ của Nhà nước Mỹ và không lo ngại bị tác động tài chính. Ngược lại, cũng sự kiện này cho thấy rõ ràng là Bắc Kinh muốn giữ một khoảng cách đối với Washington.

Trung Quốc muốn đầu tư vào nơi khác

Đến tháng 5 năm 2009, Trung Quốc còn có trong tay hơn 800 tỷ đôla tiền nợ của Nhà nước Mỹ. Nhưng đến cuối tháng 6, con số này xuống còn hơn 776 tỷ đôla và tiếp tục tụt giảm. Theo một kinh tế gia, thuộc hãng tin Bloomberg ở New York, « rõ ràng là Trung Quốc tìm những nơi khác ngoài Hoa Kỳ để đầu tư ».

Đây cũng là hình thức để người Trung Quốc nói với người Mỹ rằng họ có cách để cưỡng lại trước sức ép của Washington, vốn thường hay tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới và cố tình giữ đồng nhân dân tệ ở mức thấp để giành được thị phần ở nước ngoài.

Tờ Le Figaro nhắc lại là trong tháng trước bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã lạnh lùng trả lời cho Hoa Kỳ rằng một đồng nhân dân tệ được ổn định về mặt trị giá mới có thể giúp cho nền kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng và Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề hối suất « một cách có kiểm soát và từng bước một, dựa trên cung và cầu của thị trường ».

Nói tóm lại, qua việc hạn chế mua công trái của Ngân khố Mỹ, Trung Quốc muốn gửi đến Hoa Kỳ một tín hiệu rõ rệt vào lúc mà Bắc Kinh nhất quyết tự kiểm soát việc định giá đồng tiền quốc gia.