Ánh Nguyệt, RFI
Một trong những đề tài được báo Pháp khai thác là đồng nhân dân tệ, tuy dưới những cách đề cập khác nhau. Báo Les Echos nhấn mạnh tới sự kiện đồng yuan tăng giá mạnh nhất từ một năm nay. Trung Quốc đã ngưng định giá lại đồng tiền quốc gia vào tháng 7/2008 nhằm mục đích duy trì sức cạnh tranh trên trường thương mại quốc tế trong thời kỳ khủng hoảng. Trong khi đó chủ đề trang kinh tế của Le Monde hôm nay xoay quanh sức mạnh của đồng yuan đối với Hoa Kỳ và tất cả những quốc gia hay khu vực mà Trung Quốc ký kết hiệp ước trao đổi mậu dịch tự do.
''Đồng yuan của Trung Quốc, một vũ khí của cuộc chiến tranh kinh tế" : đây là chủ đề của trang kinh tế nhật báo Le Monde đề ngày hôm nay. Theo Le Monde, Trung Quốc, trung tâm sản xuất của địa cầu, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng là một người khổng lồ về tài chính với quỹ dự trữ ngọai tệ lên đến 2.400 tỷ đô la. Trong lúc đó, đồng yuan lại không thể chuyển đổi và nhà nước giữ quyền kiểm soát trao đổi ngọai tệ và chỉ đạo chặt chẽ trị giá đồng tiền quốc gia.
Mặc dù phân tích vấn đề theo nhiều cách nhìn khác nhau nhưng các chuyên viên cùng đồng ý là đồng nhân dân tệ Trung Quốc bị hạ phân nửa giá so với đồng đô la Mỹ. Để duy trì một đồng yuan yếu và giữ lợi thế cạnh tranh Bắc Kinh đã thu mua ồ ạt các công trái phiếu thanh tóan bằng đô la, giữ vai trò quan trọng đối với sức gia tăng tín dụng và thâm thủng của Mỹ. Theo một số nhà phân tích, vào quý hai tới đây, Trung Quốc có thể định lại dần tỷ giá đồng yuan. Điều này tác động tiêu cực trên sức cạnh tranh của Trung Quốc nhưng bù lại có thể giúp Bắc Kinh tạo thêm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tăng mạnh và nhanh tỷ giá đồng yuan sẽ làm giảm khối dự trữ ngọai tệ bằng đô la của Trung Quốc. Một đồng yuan tăng giá cũng gây thiệt hại trước hết cho các mặt hàng xuất khẩu rất nhạy với giá cả như hàng may mặc, đồ chơi. Do đó Trung Quốc sẽ không vội vã và theo kinh tế gia Marc Touati được Le Monde trích dẫn, trong khỏang 10 năm nữa Trung Quốc có thể sẽ mở cửa hệ thống tài chính, mở cửa biên giới, cho phép đồng yuan được chuyển đổi tự do. Khi ấy, đồng yuan sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với đồng đô la, có thể tạo ra khủng hỏang lớn tại Hoa Kỳ.
Hiện giờ mối quan hệ yuan-đô la đang tạo ra trên thực tế một khu vực tiền tệ bất cân đối và đầy tranh chấp gây trở ngại cho các quốc gia đối tác. Nếu Trung Quốc cải thiện chế độ tỷ giá, thả nổi đồng nhân dân tệ, tình hình vừa nói sẽ thay đổi rõ rệt.
Đồng yuan đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại Trung Quốc
Giá nhân công Trung Quốc rẻ, giá đồng yuan thấp có lợi cho các công ty ngọai quốc đã chiếm 56% mức xuất khẩu năm 2009 tại nước này. Ngược lại các nước có công ty hợp tác họat động với Trung Quốc lại bất lợi.
Theo kinh tế gia Antoine Brunet, khi tại Mỹ có đến phân nửa các sản phẩm bày bán trong hệ thống cửa hàng tiêu dùng Wal-Mart là hàng hóa đến từ Trung Quốc, khi công ty Apple cho chế tạo các lọai máy iPod và iPhone tại Trung Quốc thì điều đó đã đi ngược lại với quyền lợi của nền kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên trên cán cân lợi ích kinh tế, phần lời của Wal-Mart và Apple tăng lên, nghịch chiều với nước Mỹ.
Đồng yuan là một lợi khí của Trung Quốc trong chính sách kinh tế đối ngọai. Những hiệp ước mậu dịch ký kết với Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia, Bêlarus ; Indonesia và Achentina năm 2009 cho phép các nước này sử dụng đồng nhân dân tệ trong các vụ mua bán.
Như vậy sau khi đồng tiền Trung Quốc được phép sử dụng goài nước, tại Lào, Việt Nam, Mông Cổ và Nga từ năm 2003, trong vòng 5 năm, các hợp đồng ký kết bằng đồng yuan đã tăng thêm và chiếm 30% khối trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN .
Tuy nhiên theo Le Monde, vai trò quốc tế của đồng yuan liên tục nâng cao có một hậu quả nghịch lý, nó đẩy đồng nhân dân tệ lên cao, và đồng đô la do ít người mua đã bị hạ xuống. Đồng yuan càng tăng giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc càng phải mua thêm công trái phiếu của Mỹ để tránh phải định giá lại đồng tiền quốc gia. Như vậy, theo đúng lý lẽ Trung Quốc phải chấp nhận tăng giá đồng yuan và cuối cùng chấp nhận tiền này có khả năng chuyển đổi.