Đại Dương
Trong bối cảnh bị 58% dân Mỹ cho rằng Hoa Kỳ do Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ lãnh đạo đang đi trật đường rầy so với 37% tin đúng hướng nên Thông điệp Liên bang đầu tiên của chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã ra sức lau chùi bộ mặt nhem nhuốc.
Thông điệp nêu ra 22 vấn đề đang tranh cãi đã phơi bày 2 điểm chính:
(1) Vì thiếu kinh nghiệm Hành pháp nên Tổng thống Obama tung ra nhiều kế hoạch, chương trình cùng một lúc vượt quá khả năng thưc hiện và giám sát khiến cho tình hình ngày càng rối rắm.
(2) Nhằm khỏa lấp những khuyết điểm hoặc sai lầm, Tổng thống Obama cố gắng hướng dư luận vào tương lai để quên đi thực tại đầy khó khăn.
Cách điều hành của Tổng thống Obama được 49% dân Mỹ ủng hộ (giảm 20% so với lúc mới nhậm chức) so với 46% chống. Quốc hội chỉ được 26% ủng hộ so với 66% chống.
Cử tri Mỹ đã biểu lộ sự bất mãn đối với Tổng thống Obama và Quốc hội đa số Dân Chủ làm cho phe cầm quyền mất 2 ghế Thống đốc ở Virginia và New Jersey vào tháng 12/2009 cùng với chiếc ghế Thượng Nghị sĩ Massachusetts hôm 19/01/2010.
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Obama cố biện minh cho những kế hoạch đã và đang tiến hành, đồng thời, kết tội phe Cộng Hòa không chịu hợp tác. Cố hùng biện, Obama càng để lộ sự sai lầm trong việc chọn lựa ưu tiên chiến lược.
Obama cao giọng “Trung Quốc, Đức, Ấn Độ không đứng bất động để đóng vai trò hạng nhì mà đặt tầm quan trọng vào toán và khoa học, xây dựng hạ tầng, đầu tư nghiêm chỉnh vào lĩnh vực năng lượng sạch bởi vì họ cần việc làm”.
Bắc Kinh tập trung tân trang nhà máy để sẵn sàng xuất cảng ồ ạt khi nền kinh tế thế giới hồi phục; cải thiện việc sử dụng năng lượng có hiệu quả, song song với các đầu tư về khai thác, vận chuyển nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản khắp thế giới để phục vụ cho cổ máy sản xuất thế giới. Đức lo cải thiện tình trạng xuất cảng máy móc vào các nền kinh tế đang phát triển. Ấn Độ tập trung khai thác thị trường nội địa và sản xuất loại ô tô nhỏ, rẻ đáp ứng nhu cầu các thị trường đang phát triển.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đặt ưu tiên cải tổ y tế lên hàng đầu tạo ra cuộc tranh cãi dai dẵng khiến cho Hành pháp lẫn Lập pháp không còn thì giờ dồn nỗ lực lo cứu nguy nền kinh tế.
Hơn 59% người Mỹ chống lại việc tung tiền cứu trợ các ngân hàng vì chỉ có 22% tín nhiệm tính lương thiện và đạo đức của các chủ nhà băng. Obama cho rằng sự cứu nguy đã chống đỡ hệ thống ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế, nhưng, không nhìn nhận trách nhiệm giám sát lỏng lẻo đã làm cho tiền thuế của dân trở thành tiền thưởng cho nhân viên cao cấp trong ngân hàng. Tệ trạng này đã không xảy ra nghiêm trọng tại các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Kế hoạch kích thích kinh tế 787 tỉ USD được Tổng thống ký vào tháng 2/2009 đã có 59% dân Mỹ đồng ý vì Obama hứa tạo ra 4 triệu công việc. Nhưng, thất nghiệp lên tới 15 triệu người nên bây giờ 57% người Mỹ cho rằng kế hoạch không có hiệu quả hoặc làm cho nền kinh tế tệ hơn.
Chính phủ Obama bơm trên 30 tỉ USD vào hai hãng sản xuất ô tô, nhưng, GM Motor và Chrysler vẫn khai phá sản. Hãng Ford Motor từ chối nhận tiền kích thích vẫn đứng vững và phát triển. Quả thật, thị trường tự do hữu hiệu hơn bị kiểm soát.
Chính quyền Obama ít bận tâm đến tình trạng thất nghiệp cao, sự phục hồi kinh tế mong manh, thâm thủng ngân sách năm 2009 lên tới 1.4 ngàn-tỉ USD và công nợ trên 12,000 tỉ, an ninh quốc gia bị đe dọa nên cử tri đã phản đối bằng lá phiếu khiến Tòa Bạch Ốc và đảng Dân chủ cố tìm biện pháp chữa cháy.
Thông điệp cam kết năm 2010 sẽ tập trung tạo ra công ăn việc làm bằng cách tung ra Kế hoạch kích thích kinh tế thứ hai trị giá 175 tỉ USD và lấy 30 tỉ thu nợ từ ngân hàng để cung ứng cho các nhà băng cộng đồng nên bị 65% người Mỹ chống đối. Chỉ có 9% người Mỹ tin sẽ kiếm được job thơm lúc này. Viện Gallup cho biết kể từ khi Obama lên cầm quyền thì job không tăng trưởng.
Obama muốn thực hiện kế hoạch bảo hiểm y tế bằng hình thức “Dân chủ Tập quyền” vì Hành pháp và Lập pháp đều trong tay đảng Dân Chủ. Hạ viện cũng như Thượng viện có thể thông qua Dự luật theo nghị trình của Tổng thống mà không cần bất cứ lá phiếu đối lập nào.
Đảng Dân Chủ và Tổng thống Obama hăm hở tiến vào giai đoạn chót của Dự luật chung của lưỡng viện Quốc hội bất chấp sự e ngại bị tăng giá và chính quyền xía vào quá nhiều nên 55% dân Mỹ muốn bỏ Dự luật hiện tại để khởi sự một kế hoạch mới.
Nhằm trấn an sự lo lắng của 58% dân chúng đối với thâm thủng ngân sách, Tổng thống Obama đề nghị sẽ ngưng chi tiêu ở một số lĩnh vực không tối cần thiết trong 3 năm kể từ 2011. Nhưng, tổng số đề nghị tiết kiệm chỉ chiếm 1% số thâm hụt. Obama lùi thời hạn áp dụng đến 2011 để không gây trở ngại cho Dự luật Bảo hiểm Y tế đang được thúc giục hoàn tất hầu làm di sản cho Tổng thống.
Đường lối “ngoại giao thông minh” của Chính quyền Obama hoàn toàn phá sản vì Bắc Kinh vẫn tự tung, tự tác, tiếp tục lấn át Hoa Thịnh Đốn ở các lĩnh vực nóng bỏng nhất, Đông Kinh (Tokyo) tìm cách xa rời Mỹ, Hán Thành muốn tự quyết định vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Ba nền kinh tế lớn ở Đông Á đang vận động thành lập Cộng đồng Châu Á.
Iran, Bắc Hàn gia tăng khiêu khích và tiếp tục thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân với sự bao che, bênh vực công khai hoặc kín đáo của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.
Hiệp ước Hòa bình Israel và Palestine ngày càng xa vời và tăng thêm thù địch. Trung Đông đang chạy đua vũ trang quyết liệt.
Hiệp ước Tài giảm Vũ khí Chiến lược START-1 hết hạn vào 31/01/2009 vẫn chưa có Thỏa ước thay thế vì Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn còn tranh cãi mặc dù Tổng thống Obama đã đơn phương ngưng Kế hoạch Lá chắn Hỏa tiễn tại Đông Âu.
Ứng viên Obama hứa chấm dứt tình trạng đảng tranh ở Hoa Thịnh Đốn, nhưng, khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống thì áp dụng kiểu “dân chủ tập quyền” để Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đa số Dân Chủ dàn xếp các Dự luật. Lời hứa cho truyền hình trực tiếp các buổi thảo luận về Dự luật Bảo hiểm Y tế trên kênh C-SPAN đã bị lãng quên. Tổng thống Obama và lãnh tụ Quốc hội thuộc phe Dân Chủ đã họp kín với các tập đoàn dược phẩm, bệnh viện, nghiệp đoàn liên quan đến kế hoạch Bảo hiểm Y tế. Vì thế, niềm tin vào tinh thần hòa giải đảng phái của Tổng thống Obama giảm từ 80% xuống 60% vào tháng 9/2009.
Trong Thông điệp Liên Bang, Tổng thống Obama lại hứa sẽ gặp mặt các nhà lãnh đạo Lập pháp lưỡng đảng hàng tháng. Nhưng, buổi tiếp xúc với các Dân biểu Cộng Hòa hôm 29/01/2010 vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu hòa giải thực sự.
Lời hứa hái sao trên trời có thể làm cho ứng viên chiếm được địa vị mong muốn. Nhưng, không thực hiện được lời hứa sẽ bị cử tri trừng phạt thẳng tay.