Tú Gàn
Năm 1893, sau khi Cao Thắng bị bắn trọng thương và qua đời ở Thanh Chương, Nghệ An, cụ Phan Đình Phùng lui quân về đóng ở núi Đại Hàm thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một vùng rất hiểm trở. Phía trước là một cánh đồng, có thể nhìn về tỉnh lỵ Hà Tỉnh. Đằng sau là rừng rậm, có đường mòn thông qua Lào. Quanh núi Đại Hàm có nhiều hóc núi và khe suối, bờ khe nào cũng phủ đầy lau, những người lạ khó tìm đường vào và khi đã vào rồi, rất khó tìm đường ra.
Lúc đó trong núi Đại Hàm cũng xuất hiện một nhân vật kỳ lạ, có tên là Bạch Xỉ. Tên thật của nhân vật này là Đoàn Đức Mậu, người quê ở Quảng Bình, sau ra ở Hà Tỉnh. Có người kể rằng ông được bố mẹ sinh ra ở chùa Bạch Xỉ nên đã lấy tên chùa đặt cho ông. Nhưng người khác cho biết Đoàn Đức Mậu mượn hai chữ “Bạch Xỉ” trong sấm Trạng Trình làm biệt hiệu của mình để nói với dân chúng rằng khi ông xuất hiện thì mọi nơi đều thái bình. Câu sấm đó như sau: “Bạch Xỉ sinh, thiên hạ bình”.
Trước đây, Bạch Xỉ ở trong đảng Văn Thân. Năm 1885 ông cũng khởi binh chống Pháp. Ông là người có học thức khá cao, nhưng chủ trương không dùng vũ khí mà dùng pháp thuật để đánh bại địch. Ông chỉ phát cho quân binh hai thứ: một cái quạt và một cái gậy. Ông hướng dẫn quân binh rằng khi lâm trận, chỉ cần dùng quạt làm cho địch mê man, sau đó dùng gậy đánh chết.
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Bạch Xỉ tự coi mình là người được trời phái đến để thay thế. Đi đâu ông cũng đem 28 quân hầu. Ông gọi 28 quân này là Nhị Thập Bát Tú, còn ông là Tử Vi Tinh. Nhị Thập Bát Tú có nhiệm vụ theo hầu Tử Vi Tinh. Năm Giáp Ngọ (1894) ông thành lập Nhân Thập Hội. Tên hội chiết từ chữ Ngọ trong chữ Hán, có nghĩa là tới năm đó, vận số Thiên Tử của ông đã tới. Ông tự xưng là Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Văn Lượng. Khi gởi hịch cho quân sĩ hay dân chúng, ông thường ký tên là Hoàng Đế Văn Lượng, nhưng khi viết thư riêng, ông ký tên là Nhiễu Long tiều tử.
Một hôm, ông đến thầy bói Dư ở hạt Hương Phổ trong hạt Dương Khê để xem số. Thầy bói Dư là một thầy bói nổi tiếng trong vùng, nói một trăm điều không sai một điều. Sau khi gieo quẻ, thầy bói dư bảo ông rằng năm 30 tuổi lấy vợ rất tốt. Nghe thế, ông liền ứng khẩu làm bài thơ:
Nằm chẳng ngủ, ăn chẳng ngon,
Khăng khăng đêm ngày dạ sắt son.
Đã nghĩ một mình nên lấy vợ,
Nhưng thương muôn họ hết là con.
Thấy ông phản ứng nhanh lẹ và khẩu khí như thế, dân chúng càng phục ông.
Sau khi xưng hoàng đế, ông kéo 28 quân hầu xuống núi đi đánh đồn Phố. Chỉ có 29 người vây xung quanh đồn Phố, cầm quạt phe phẩy, mà lính trong đồn không dám ra và cũng không dám bắn. Sau vụ này, dân trong vùng đều tin ông có pháp thuật, số người quy phục ông ngày càng đông, trong đó có cả các quân sĩ của cụ Phan Đình Phùng. Những người chỉ huy như Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận... cũng theo ông.
Với cụ Phan Đình Phùng, Bạch Xỉ cũng rất phục, nhưng coi cụ như bậc đàn em, không bao giờ chịu đi theo cụ.
Vào năm Quý Tỵ (1892), Bạch Xỉ có sai người đem tặng cụ Phan Đình Phùng hai cái ngáng bằng ngà để ngáng võng, kèm theo một bài thơ như sau:
Của gọi là,
Đôi ngáng ngà,
Năm hết Tết đến gởi làm quà.
Mừng em sức khỏe,
Lo việc nước nhà.
Cụ Phan Đình Phùng không chấp trách chuyện này, nhưng cụ sợ tà thuật của Bạch Xỉ có thể làm loạn binh, vì một số tướng sĩ và quân binh của cụ cũng hâm mộ Bạch Xỉ, do đó cụ quyết định mở cuộc hành quân bắt Bạch Xỉ mà giết đi. Sau khi cho người đi thăm dò trong núi Đại Hàm, cụ biết nơi Bạch Xỉ đang đóng đô, nên mở cuộc hành quân đến bao vây. Nhưng lạ thay, khi quân đến đó thì không tìm thấy ai cả, mà chỉ thấy năm bảy căn nhà mới làm xong. Giữa căn nhà lớn nhất, có treo một cái bảng sơn son ghi những chữ vàng như sau:
Xẻ giữa rừng xanh nổi nóc nhà,
Mà cho bốn biển ngưỡng trông ta.
Khoan thai rủ áo ngồi vui vẻ,
Nào khác đến Nghiêu những mấy tòa.
Hai bên cái bảng này có treo hai câu đối:
Vận hội nửa ngàn may gặp đỏ.
Công danh bốn biển kém ai đâu.
Thì ra Bạch Xỉ hay tin cụ Phan sẽ cho quân đến vây bắt nên đã bỏ đi nơi khác rồi. Người ta đồn rằng Bạch Xỉ biết cả nhâm độn, bấm quẻ là biết trước được việc xẩy ra. Cụ Phan Đình Phùng mở nhiều cuộc hành quân khác để lùng bắt, những vẫn không bắt được, mặc dầu Bạch Xỉ chỉ ở quanh quẩn chung quanh vùng núi Vụ Quang và Đại Hàm, nơi cụ đang đóng quân.
Năm Bính Thân (1896), Bạch Xỉ đem quân xuống núi vào nhà dân lưu trú. Ông lên cơn sốt rét rất nặng. Có người dân làng biết đó là Hoàng Đế Văn Lượng, đã đi báo cho Pháp biết. Pháp đem quân tới bắt ông về giam ở lao xá Nghệ An. Ông qua đời khi đang bị giam.
Có người hỏi chúng tôi rằng những người vớ vẫn như Đào Minh Quân hay Nguyễn Hữu Chánh, tự xưng là Thủ Tướng, Tư Lệnh Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương, Tư Lệnh Chiến Dịch Hòa Bình... thế mà vẫn có người theo, kể cả các cấp bộ trưởng và tướng lãnh VNCH. Nguyễn Hữu Chánh còn tệ hơn, đã từng về Việt Nam xin job của Việt Cộng kiếm ăn. Năm 1998, Nguyễn Hữu Chánh mở "Đại Hội tại Biên Thùy Đông Dương" ở Thái Lan kể từ ngày 30.4.1998 để tập trung các thành phần chống đối còn lại ở Thái Lan và Cam-bốt cho Công An Việt Cộng hốt sạch và đưa về Việt Nam xét xử.
Lúc đó, Việt Cộng đã gởi đến Nam Cali các tên sau đây để lập kế hoạch và chỉ huy Nguyễn Hữu Chánh thực hiện:
- Hoàng Việt Cương, cán bộ tình báo nằm vùng ở Canada, chỉ huy tổng quát và giao tiếp bên ngoài.
- Trung Tá Phạm Văn Quảng (nay là Thiếu tướng), dưới biệt hiệu là Bảo Sơn, thuộc Tổng Cục Tình Báo, chỉ đạo bên trong.
- Thiếu Tá Bùi Văn Súy thuộc Bộ Công An,
- Nguyễn Công Bằng với tên giả là Lê Chí Thức, Phát ngôn viên của chính phủ Nguyễn Hữu Chánh, một cán bộ tình báo nằm vùng ở Mỹ, hiện ở Texas và là Chủ Tịch Đảng Vì Dân, một đảng chống Cộng cò mồi của Việt Cộng như Nguyễn Sỹ Bình, Trưởng Ban Thường Vụ Đảng Dân Chủ ở San José.
Nguyễn Hữu Chánh còn bảo "bộ sậu" của Chính Phủ Việt Nam Tự Do vào Tòa Đại Sứ Việt Cộng ở Thái Lan xin Visa về Việt Nam “tiếp thu chính quyền”. Các cựu bộ trưởng, tướng lãnh và viên chức cao cấp của VNCH đi theo Chánh đã xếp hàng ở Tòa Đại Sứ Việt Cộng, nhưng may nhờ có người thương hại đên báo cho biết: "Các ông mà về bên đó sẽ bị bắt hết!" Đám hàng thần lơ láo mới tĩnh ngộ và vội bay về Mỹ!
Khi vụ “Đại Hội Biên tại Thùy Đông Dương” đang được tiến hành, chúng tôi có báo cho cơ quan an ninh Mỹ biết, nhưng họ nói họ đã có người theo dõi rồi! Trong vụ Lê Công Định cũng như thế.
Sau khi thuê Nguyễn Hữu Chánh làm xong công tác và trả tiền (bằng một tàu hàng từ Việt Nam đến Long Beach cho Nguyễn Hữu Chánh bán lấy tiền), FBI chỉ khuyến cáo Hoàng Việt Cương, Trung Tá Quảng và Thiếu Tá Súy không được trở lại Hoa Kỳ nếu không có phép!
Chúng tôi đang giữ hàng chục hình ảnh và tài liệu về "Đại Hội tại Biên Thùy Đông Dương" của Nguyễn Hữu Chánh do Hoàng Việt Cương chỉ huy. Chờ khi nào có một vụ kiện Nguyễn Hữu Chánh, chúng tôi sẽ trao các hình ảnh và tài liệu này cho luật sư đối phương để “làm depositon” (lấy lời khai) Nguyễn Hữu Chánh và những người liên hệ, mọi chuyện sẽ được đưa ra ánh sáng.
Tuy nhiên, nếu đọc câu chuyện Hoàng Đế Văn Lượng chúng tôi vừa kể lại trên, đọc giả có thể hiểu được phần nào tại sao nhiều người đã “mê” Nguyễn Hữu Chánh như thế. Nguyễn Hữu Chánh không có bùa quạt mo, nhưng có “bùa chống Cộng”. Biết rõ sự thù hận Cộng Sản đang dâng cao lên tới tóc ở nhiều người trong cộng đồng người Việt hải ngoại, những người này đang lấy “chống Cộng” làm tín ngưỡng và lẽ sống trong cuộc đời, nên Nguyễn Hữu Chánh đã đưa lá “bùa chống cộng” ra câu khách và đã trúng mánh.
Nếu một số tướng sĩ và quân binh của cụ Phan Đình Phùng còn bỏ cụ đi theo Văn Lượng vì mấy cái tài vớ vẩn của Văn Lượng thì các tướng của ta như Nguyễn Khánh, Linh Quang Viên, Tôn Thất Đính, Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Văn Toàn... đi theo Nguyễn Hữu Chánh là chuyện không lạ. Một người như cụ Phan Đình Phùng mà cũng phải điên đầu về lớp người “mê tín” một cách điên rồ này.
Có lần chúng tôi hỏi “Thủ Tướng” Đào Minh Quân về các hoạt động của Nguyễn Hữu Chánh, Đào Minh Quân trả lời rất hách: “Con hơn cha là nhà có phúc”! Thì ra Nguyễn Hữu Chánh trước đây là đệ tử của Đào Minh Quân!
Nhưng Đào Minh Quân chớ coi thường Nguyễn Hữu Chánh. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, Nguyễn Hữu Chánh lại huy động 17.000 Liên Quân Kháng Chiến đang đóng ở “Biên Thùy Đông Dương” đi “giải phóng” Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn quân này sẽ nhảy xuống Hoàng Sa và Trường Sa bằng diều để tránh rada của Trung Quốc phát hiện. Cuộc đổ bộ này chắc chắn sẽ “thắng lợi vẽ vang” vì súng thần công, đại bác hay súng AK… của Trung Quốc sẽ không thể sát hại “liên quân kháng chiến” của Nguyễn Hữu Chánh được, vì đó là âm binh!
Nếu trong mùa xuân này, với những “thắng lợi vẻ vang”, Nguyễn Hữu Chánh lên đài phát thanh và đài truyền hình ngâm bài thơ:
"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh Trung Quốc,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!"
Đào Minh Quân sẽ ăn nói như thế nào?
Xuân Canh Dần (2010)