Khánh Duy
Stalin từng hỏi mỉa mai: “Liệu Giáo hoàng có bao nhiêu binh đoàn? Chúa chỉ đứng về phe của những binh đoàn lớn mạnh mà thôi” - Stalin đã ngộ nhận về ảnh hưởng to lớn của “sức mạnh mềm”.
Không chỉ Stalin, rất nhiều chính trị gia và học giả trên thế giới từng không coi trọng ảnh hưởng của sức mạnh mềm cho tới khi GS. Joseph Nye khơi nguồn và hệ thống hóa lý thuyết này trong cuốn sách "Sức mạnh mềm - các phương thức để thành công trong chính trị quốc tế".
Stalin hỏi câu hỏi ấy trong thế chiến II khi nghe nói rằng Giáo hoàng thời đó chống lại các chính sách của ông. Lịch sử nửa thế kỷ sau đã chứng minh Stalin đã sai, dù không có trong tay một binh sỹ, Giáo hoàng John Paul II người Ba Lan đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ xã hội kiểu Stalin ở Ba Lan. Mô hình Stalin sụp đổ ở Nga và các nước Đông Âu nhưng nhà thờ Thiên chúa giáo vẫn thịnh trị.
Cuốn sách đã không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng mà còn làm sáng tỏ nhiều ngộ nhận khác về sức mạnh mềm và ảnh hưởng của nó.
Ngộ nhận 1: Ảnh hưởng bằng "sức mạnh mềm" là "âm mưu" của phương Tây
Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tự chuyển đổi của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sang mô hình tư bản chủ nghĩa Tây Âu. Nhiều ý kiến cho rằng phương Tây đã dùng những "thủ đoạn" và "âm mưu thâm độc" để truyền bá văn hóa và tư tưởng tự do của họ khiến Đông Âu sụp đổ. Và đến giờ, Mỹ vẫn tiếp tục những âm mưu "diễn biến hòa bình" như vậy với những quốc gia còn chưa đi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ.
Sự thực là Mỹ có nhiều "sức mạnh mềm" từ phim Hollywood, văn hóa Pop, giải Nobel, nền giáo dục, hệ giá trị tự do, dân chủ... Sức mạnh đó có sức hấp dẫn đặc biệt và là một nguyên nhân khiến các nước khác tự chuyển đổi để hướng về.
GS Nye viết: "Trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nó đã bị xuyên thủng bởi truyền hình và phim ảnh. Những người cầm búa và đẩy xe ủi đã không làm thế nếu trong nhiều năm trước, họ không bị ảnh hưởng mạnh bởi những hình ảnh về một nền văn hóa đại chúng phương Tây".
Tuy vậy, không phải tất cả đều là ý đồ của chính quyền phương Tây, ngược lại, rất nhiều nguồn lực quan trọng của sức mạnh mềm "hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, và ảnh hưởng của chúng phụ thuộc nhiều vào sự chấp nhận của đối tượng".
Ví dụ nền văn hóa nhạc Pop của Mỹ mang đậm phong cách "tự do, cởi mở, năng động, cá nhân, đa dạng..." ảnh hưởng mạnh đến tâm lý giới trẻ toàn thế giới. Hay những bộ phim Hollywood trong đó nhân vật viện đến luật sư để bảo vệ quyền lợi "có thể hiệu quả hơn nhiều so với những diễn văn của Đại sứ Mỹ về tầm quan trọng của pháp quyền".
Tuy vậy, chính phủ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát nhạc Pop hay phim Hollywood. Sự phát triển của chúng là tự thân, và người dân các quốc gia khác cũng chấp thuận chúng một cách tự nguyện. Đó là sức hấp dẫn tự nhiên của những hệ tư tưởng hợp lý.
Ngộ nhận 2: Soft power của nước Mỹ là "giả tạo"
Nước Mỹ trong nhiều giai đoạn lịch sử đã tự phá hủy "sức mạnh mềm" của mình. Những giá trị Mỹ như tự do, dân chủ, nhân quyền, cởi mở... bị coi là những lời rao giảng giả tạo khi chính quyền Mỹ tham chiến ở Việt Nam, xâm lược Iraq, đánh Afghanistan, xây dựng nhà tù Abu Ghraib...
GS. Nye chỉ rõ ranh giới cần thiết để có những nhìn nhận hợp lý. Theo ông, sức mạnh mềm của một quốc gia là sự hợp nhất của ba thành tố: văn hóa, hệ giá trị và những chính sách.
Những động thái bào mòn sức mạnh mềm của Mỹ như trên chủ yếu xuất phát từ những chính sách sai lầm của chính quyền Mỹ trong mỗi giai đoạn. Nước Mỹ phải tự chuộc lỗi và lấy lại hình ảnh của mình bằng những chính sách mới. Nhưng không vì thế mà nhầm lẫn giữa chính sách và hai yếu tố còn lại là văn hóa và hệ giá trị.
GS Nye viết: "Trong thập kỷ 1970, thời chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ đã tự đánh mất sức hấp dẫn của mình ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng qua thời gian với những chính sách thay đổi, Hoa Kỳ đã tìm được cách hồi phục lại được sức mạnh mềm. Điều đó có thể lặp lại trong giai đoạn này".
Chính sách luôn thay đổi nhưng hệ giá trị Mỹ là trường tồn và văn hóa nước Mỹ có những điểm hấp dẫn đặc biệt với các quốc gia khác. Không phải ngẫu nhiên khi Hồ Chí Minh đưa những giá trị độc lập, tự do của các nhà sáng lập ra nước Mỹ vào bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Việt Nam.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il chắc chắn không thích chính sách của Mỹ nhưng ông lại là một người nghiện phim Hollywood. Vì thế, không thể và không nên vì những chính sách "ông lớn" của chính quyền Mỹ mà phủ nhận toàn bộ những giá trị trong tư tưởng và văn hóa Mỹ.
Ngộ nhận 3: "Sức mạnh mềm" không hiệu quả do khác biệt văn hóa
[Sức mạnh mềm (soft power) được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng tới thực thể khác thông qua sức hấp dẫn và hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc. Sức mạnh mềm của một quốc gia xuất phát từ văn hóa, hệ giá trị và chính sách.]
Một ngộ nhận khá phổ biến khác là không thể du nhập những giá trị "mềm" từ phương Tây do sự khác biệt và không đồng nhất về lịch sử hay văn hóa.
GS. Nye thừa nhận nếu văn hóa có nhiều tương đồng thì sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau bằng sức mạnh mềm sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ, sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu chắc chắn ít hơn nhiều so với giữa Mỹ và các nước Trung Đông. Châu Âu sẽ dễ tiếp nhận giá trị "mềm" từ Mỹ hơn Trung Đông.
Tuy vậy, GS Nye viết: "Mặt khác, sự khác biệt văn hóa không ngăn chặn dân chủ bén rễ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cho dù với Hàn Quốc phải chậm hơn bốn thập kỷ. Dân chủ cũng thành công ở những quốc gia Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ hay Bangladesh. Rào cản văn hóa không cao tới mức không thể vượt qua nổi".
Trong sáng, đơn giản và lôi cuốn là đặc trưng trong cách lập luận của GS. Joseph Nye. Ông đã giúp người đọc xóa bỏ bức màn ngộ nhận về tầm ảnh hưởng của sức mạnh mềm.
Cho tới nay, tính hợp lý trong học thuyết của GS. Joseph Nye vẫn chưa bị thách thức. Chỉ có điều, không ít người đã tự hỏi liệu "sức mạnh mềm" của Nye có ngược với nhà tư tưởng chính trị lừng danh thời Phục hưng Machiavelli. Ông này luôn coi trọng "sức mạnh cứng" của đấng quân vương và cho rằng bậc quân vương tốt hơn hết là nên làm cho người khác sợ hơn là làm cho họ yêu.
Joseph Nye đã đáp lại thật hóm hỉnh ngộ nhận ấy trong một bài báo trên tờ The South China Morning Post năm 2008: "Nhưng chúng ta thi thoảng đã quên mất rằng đối lập với yêu không phải là sợ mà là ghét. Machiavelli cũng đã nói rõ rằng bị ghét là điều mà đấng quân vương nào cũng nên tránh..."
Khánh Duy