Nguyễn Giang - BBCVietnamese.com
Tuần qua tập đoàn Apple cho ra mắt iPad trong đợt sản phẩm điện toán thứ tư, sau hệ điều hành Macintosh, máy nghe nhạc iPod, điện thoại vi tính iPhone, vốn đã lần lượt làm thay đổi lối sống của hàng triệu người trên toàn cầu.
Cũng trong những ngày qua, dư âm vụ Google muốn rút khỏi Trung Quốc và Hoa Kỳ lên án Bắc Kinh chặn mạng vì lý do chính trị vẫn không dứt.
Hai việc này, cùng liên quan đến tương lai của Internet và hàng trăm triệu dân mạng, khiến tôi nghĩ đến hai thứ quả.
Đầu tiên là Quả Táo, tên của hãng Apple, mà người Trung Quốc cũng gọi là Pingguo Gongsi (công ty Táo), và bên kia là Quả Đấm.
Quả Táo tìm cách hoàn thiện, nâng cao chức năng của những thứ đã có và bằng quá trình tích hợp công nghệ và dịch vụ (convergence), cho ra lò những ứng dụng ai cũng thích.
Hàng của Apple nổi tiếng là đẹp, vừa toát lên vẻ hiện đại, kỹ nghệ cao, vừa tiện dụng.
Nhưng như báo The Economist ra ở Anh viết, Apple thành công nhờ triết lý tạo ra các cộng đồng người dùng, mà ta gọi là dân chơi cũng đúng, xung quanh các sản phẩm tân kỳ của họ.
Này nhé, nối mạng qua iPhone, tải nhạc qua iPod không chỉ là động tác công nghệ thuần tuý mà qua đó, bạn trở thành một thành viên của cả một cộng đồng đặc thù.
Ẩn đằng sau sức quyến rũ của iPhone hay iPad tới đây là sức mạnh của Internet.
Các nhà nghiên cứu Internet đã xác định ba đặc tính xã hội của mạng World Wide Web, thể hiện qua sự tiếp cận (access), tham dự (participation), và mở rộng quyền lực (empowerment).
Apple, hay bất cứ dịch vụ mạng nào, kể cả báo chí, truyền thông, đem lại cho người dùng ba thứ đó thì sẽ có cơ hội thành công.
Hiển nhiên, trong kinh doanh thuần tuý, 'empowerment' chỉ có hàm ý cho người dùng thêm các quyền lợi, như nâng đẳng cấp khách hàng, ưu tiên mua các ứng dụng nhỏ (apps), hoặc cho họ quyền làm chủ 'không gian riêng' trên mạng.
Nhưng với các hình thức sự dụng mạng khác thì cả ba tính năng nêu trên cũng là một sinh hoạt dân chủ.
Đây là chỗ triết lý Quả Táo khác hẳn với lối hành xử Quả Đấm.
Vì các nguyên tắc vận hành của mạng Internet đều hướng tới một cộng đồng mở, bình đẳng nên các hệ thống chính trị 'sợ mạng' tung hacker vào cản phá hoặc dùng 'người thật việc thật' đến thu máy, bắt dân mạng.
Nặng tay nhất trong nhóm Quả Đấm phải kể đến Iran nhưng nhẹ cân hơn thì còn có một số chính thể khác nữa.
Nhưng họ sợ mạng không phải vì lo việc lưu truyền thông tin, mà còn vì lý do thâm sâu hơn.
Theo một nghiên cứu về nước Nga ngày nay thì ngoài xã hội sự tin tưởng lẫn nhau giữa các công dân Nga không cao lắm vì hệ quả của thời Liên Xô, nhưng với người trẻ dùng Internet lại khác.
Internet cho họ cơ hội giao lưu bình đẳng hơn, vượt qua các rào cản ngoài đời như khác biệt về tiền bạc, quyền lực, tuổi tác.
Bạn nào dùng Facebook hay giao du trong mạng chắc biết rằng các cộng đồng mạng thường có luật chơi rõ ràng, bình đẳng, tin tưởng nhau và cởi mở hơn ngoài đời.
Chính những thành tố dân chủ và tự do cá nhân trong tinh thần cộng đồng này khiến mọi chế độ Quả Đấm ngại mạng Internet.
Trở lại với triết lý Quả Táo.
Một lần nữa cần nhắc rằng hãng Apple đã biết điều chỉnh, sửa sai sau đợt tung một số sản phẩm kém ăn khách (Apple Newton, Mac Cube, Apple Lisa…)
Vì quan sát văn hóa mạng nhiều, chắc Apple hiểu một tính chất nữa của Internet, như Yochai Benkler viết, chính là tính tự phản xạ (self-reflective).
Làm gì dở, viết gì sai trên mạng chỉ vài phút sau có người chỉ cho bạn biết ngay, với điều kiện bạn cởi mở, thành thật với chính mình và các thành viên cộng đồng.
Tôi đoán những người ưa hành xử kiểu Quả Đấm có thể vào Internet để làm ăn, và chọc phá nhưng không tham gia các cộng đồng lành mạnh nên không nhận được những lời khuyên quý báu.
Thật tiếc cho họ không biết được vị ngọt của táo từ những tình bạn đó.