Dienstag, 9. Februar 2010

Hai sức mạnh tương phản

Nguyễn Ðạt Thịnh
Sức mạnh thứ nhất mà tôi muốn đề cập trong bài báo này, là cái nồi chaudière (xúp de) dầy dặn làm bằng chất thép già, cứng cáp, có khả năng chịu sức ép rất cao, và sức mạnh thứ nhì là hơi nước mạnh tuyệt vời bị giữ kín trong nồi. Phiá dưới là ngọn lửa phừng phừng làm nước mỗi lúc một sôi hơn.

Hai thế kỷ trước loài người đã tìm được bí quyết làm chủ hai sức mạnh tương phản này, phối hợp chúng thành sức đẩy, tạo ra những vòng luân chuyển làm lăn bánh xe, kéo đoàn xe lửa trên đường rầy, hay làm quay những cánh chân vịt lớn, đẩy những con tầu kềnh càng xê dịch, đưa hàng ngàn tấn hàng hóa từ nơi này đến nơi khác, tạo phúc lợi cho nhân loại.

Là sức mạnh kỹ nghệ, nhưng hơi nước cũng có thể nổ tung gây nhiều tàn phá nếu thiếu những cái soupape (xú báp) an toàn, mở ra, đóng vào đúng lúc, trên nồi xúp de bị bít kín.

Cái nồi chaudière trong con tầu Việt Nam hiện nay là chế độ độc đảng, độc tài của Việt Cộng, và hơi nước là sức phẫn uất của toàn dân đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, và nguy cơ nổ tung là sự vụng về của anh kỹ sư Việt Cộng, bít kín mọi xú báp an toàn.

Từ những cái xú báp Nguyễn Văn Lý, Lê thị Công Nhân, vài năm trước đến cái xúp báp mới bị hàn kín khi chúng đưa 4 chiến sĩ tự do --quý ông Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long-- ra tòa lãnh án tù dài hạn.

Phiên tòa diễn ra ngày 20 tháng Giêng năm nay; năm ngoái, ngọn lửa tự do đun nồi xúp de nhân quyền thêm sôi qua việc 6 chiến sĩ dân chủ khác –nhà giáo Nguyễn Thượng Long, ông Vi Ðức Hồi, thượng tọa Thích Thiện Minh, cô Phạm Thanh Nghiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, và ông Trần Anh Kim, đoạt giải nhân quyền của tổ chức HRW.

Những người đoạt giải không hề có một số phận tốt hơn những người ra tòa lãnh án tù dài hạn. May hay không may, ra tòa hay được giải thưởng nhân quyền, họ cũng gặp nhau trong hỏa lò cộng sản.

Một điểm giống nhau nữa là tất cả những bị can và những người được vinh danh đó đều hiền lành, đạo đức, có học, và có thái độ bình thản chấp nhận gông cùm, tù tội, hãnh diện như được dân tộc tuyên dương.

Ba người đầu tiên –ông Long, ông Hồi, và thượng tọa Thích thiện Minh -- đang bị giam lỏng trong quy chế quản thúc tại gia, và 3 người sau cùng –cô Nghiên, ông Hải, và ông Kim –đã bị giam thật sự, hai người đã có án từ trước, cô Nghiên vừa ra tòa, lãnh án 4 năm tù.

Không ai tiên đoán được sự ngã ngũ của cuộc đọ sức giữa Việt Cộng một bên và các chiến sĩ tự do bên kia; bên Việt Cộng quyết liệt đàn áp, bên các chiến sĩ tự do bình thản vào tù. Nhưng mọi người, kể cả những tên chánh án Việt Cộng, cũng biết lao tù không răn đe mà chỉ thúc đẩy thêm nhiều chiến sĩ tự do khác, ngày một đông hơn, cang cường hơn, oai hùng đứng lên.

Anh Phan Bảo Lâm, cư dân Thành Hồ viết thư hỏi đài BBC, cơ quan truyền thông đã phổ biến danh sách những người đoạt giải Hellman/Hammett của tổ chức Human Rights Watch, HRW, “Sao chỉ trao giải cho có 6 người thế? Người bất đồng chính kiến bị bắt, đã bị xử hay chưa bị xử, còn nhiều lắm. Ai cũng xứng đáng cả.”

Anh Lâm là một trong những tảng than đá, những gốc củi lớn, đang hừng hực cháy, nấu sôi sức mạnh bất bạo động của những vị anh hùng nhân quyền, khiến con số những chiến sĩ tự do được nhân lên hàng trăm ngàn lần; không chỉ một mình anh, mà rất nhiều người Việt Nam đang nghĩ như anh, tin tưởng như anh là những người xứng đáng được vinh danh còn nhiều lắm; HRW không vinh danh hết nổi, mặc dù họ đã vinh danh 6 người Việt Nam trong danh sách toàn thế giới chỉ có 37 người. Một tỉ lệ khá cao.

Việt Cộng cũng đồng cảnh với HRW: chúng không đàn áp xuể.

Một độc giả khác của BBC, anh, hay cô, ký tên là abc, cư dân tỉnh Ðồng Nai viết: “Chúng ta nên trân quý những gì mà những người được giải (và cả những người tranh đấu khác) đã và đang làm. Trước đây, để xóa bỏ chế độ thực dân thối nát, đã có rất nhiều người Việt Nam yêu nước bị bắt bớ, giam cầm, thậm chí bị giết, bị thủ tiêu.

“Vào thời điểm đó và ngay cả bây giờ, hành động của họ giống như "lấy trứng chọi với đá" nhưng họ vẫn làm, vì họ mong rằng một ngày nào, chế độ thối nát đó sẽ được thay thế không phải bằng một chế độ khác.”

Một trong những người được giải, ông Nguyễn Thượng Long, cựu giáo viên trung học, đang bị quản chế tại gia, nói với đài BBC rằng ông chỉ biết ông được giải thưởng năm nay (2009) nhờ đọc tin trên mạng internet.

Ông nói cho đến ngày 14 tháng Mười 2009, ông vẫn chưa nhận được liên lạc trực tiếp của HRW.

Ông nói thêm: “Tôi rất ngỡ ngàng. Bên cạnh vinh dự cho cá nhân tôi, đây còn là phần thưởng cho cả một cộng đồng tranh đấu.” Ông nói mà không sợ những trừng phạt hậu quả sẽ đến.

Một người khác được giải, cô Phạm Thanh Nghiên, bị bắt từ tháng Chín 2008, bị tạm giam tại Hải Phòng, và vừa lãnh án.

Nói với BBC, bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu cô Phạm Thanh Nghiên, cho biết từ khi con bà bị bắt, đến khi bị kết án bà không được thăm nuôi lần nào, mà “chỉ được tiếp tế, gửi quà bánh”. Thiếu thăm nom, không được nhìn mặt con, nhưng bà Lợi vẫn khăng khăng nói: “Con gái tôi vô tội.”

Không chỉ riêng cô Nghiên anh thư, mà bà Lợi, mẹ cô, cũng sắt đá, kiên cường. Bà kể thư từ của con từ trong tù gửi ra, được nhân viên công an mang đến nhà, nhưng “họ chỉ đọc cho tôi nghe, tôi xin lại lá thư thì họ không cho”.

Thân mẫu cô Phạm Thanh Nghiên cho biết nếu được gặp mặt con gái, bà sẽ thông báo cho con biết ngay về giải thưởng. Cô Nghiên hay bà Lợi là hiện thân cho tình quê hương, và ngọn lửa nung nấu cho mối tình đó sôi sục. Hay cả hai cùng là hai sức mạnh tuyệt với đó?

Trong khi đó, ông Vi Đức Hồi, cựu đảng viên Cộng sản, nói rằng "còn nhiều người khác xứng đáng được giải"; ý ông muốn nói là xứng đáng hơn ông. Ông Hồi nói tiếp, “Tôi tham gia phong trào dân chủ mới đây, chưa đóng góp gì nhiều. Có lẽ vì tôi là người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, đã phải chịu nhiều áp lực cho cả bản thân và gia đình, vì thế họ (HRW) đã ưu ái dành cho tôi phần thưởng.”

Anh, hay cô, Bình Minh, cũng một cư dân Thành Hồ, viết: “Cám ơn tổ chức theo dõi nhân quyền HRW đã quan tâm đến những người dũng cảm.

“Ít ra đây cũng là một chút ủi an, đền bù cho những gì họ đã hy sinh, mất mát khi dám đứng lên và đấu tranh cho quyền con người trong lúc hầu hết người dân chỉ dám nghĩ nhưng không dám làm như vậy.”

Chỉ viết thư tán đồng việc làm của những chiến sĩ nhân quyền, Bình Minh cũng đã tiếp tay với cuộc đấu tranh chung rồi.

Anh Hoàng Việt, một cư dân khác tại Thành Hồ, viết: “Tôi vừa nhận được tin tức về giải thưởng nhân quyền. Hàng triệu người Việt Nam cũng vừa nhận được tin này. Và đây là một vinh dự lớn lao cho chúng ta, những người dám dấn thân đòi hỏi nhân quyền giữa một chế độ độc tài cộng sản với tất cả công cụ chuyên chính vô sản vĩ đại nhất, tốn kém nhất, từ con chó nghiệp vụ đến chú công an, từ bộ máy tuyên truyền đến các lao tù, từ tờ hộ khẩu cho tới bản lệnh giải phóng mặt bằng giao mảnh đất ông cha để lại cùng với mồ mả cho đám tư bản đỏ kinh tài làm giầu cho tụi cán bộ, đảng viên.

“Trong số 37 người đại diện cho toàn thế giới có tới 6 người Việt Nam. Tỷ lệ này quá lớn nói lên tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tồi tệ cỡ nào, và cũng nói lên ý chí mạnh mẽ của người Việt Nam bất khuất tới cỡ nào trước mọi hung tàn.

“Nhưng rồi có người lại hỏi tại sao kinh tế đi lên mà con người đi xuống, và rồi để tự trả lời là tại đất nước đang được điều hành bởi nhóm người nói ngọng: Họ không thể nói rõ được hai chữ Tổ Quốc, và không thể định nghĩa nhà nước pháp quyền vì đã quen ngọng thành ra "pháp quyền xã hội chủ nghĩa".- Thảo nào Phan Bảo Lâm tìm mãi không ra thứ nhà nước này.”

Blogger Điếu Cày, 57 tuổi, hiện đang thi hành án tù hai năm rưỡi vì tội trốn thuế. Thượng tọa Thích Thiện Minh, 56 tuổi, đã ngồi tù 26 năm từ 1976-2005 vì chống đối nhà nước. HRW nói hiện ông vẫn bị quản chế, giống nhà giáo Nguyễn Thượng Long và ông Vi Đức Hồi. Ông Hồi giải thích rằng ông bị quản chế từ đầu năm 2007, sau khi bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản vì ông viết nhiều bài chỉ trích Ðảng.

Vi Đức Hồi nói: “Bao giờ cũng có một công an viên ở ngoài cửa, theo dõi khách đến nhà, xem tôi đi đâu, gặp ai.


"Bình thường, họ không làm khó gì tôi. Chỉ khi đất nước có những sự kiện đặc biệt ví dụ Quốc khánh, hay có đoàn khách nước ngoài, họ gắt gao hơn."

Ông Hồi nói trước khi diễn ra các vụ xử chín người bất đồng chính kiến mới đây, ông được triệu tập lên cơ quan công an làm việc trong những ngày diễn ra các phiên xử.

Ông nói thêm việc nhận giải khiến ông thấy "trách nhiệm của mình nặng nề hơn".

"Để ngang tầm với phần thưởng, tôi phải tự mình cố gắng nhiều hơn để đóng góp cho phong trào dân chủ" ông Hồi nói.

Ông Nguyễn Thượng Long cũng quan niệm tương tự:

"Đây là vinh dự cho những người dấn thân vì lý tưởng. Phong trào dân chủ dù gặp khó khăn nhưng sớm muộn, những gì nhân loại văn minh được hưởng, nhân dân Việt Nam cũng sẽ được hưởng," ông Long nói.

Ðứng bên ngoài nồi xúp de, ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Clinton, cũng lên tiếng làm lửa nấu cho hơi nước bên trong tạo sức ép mạnh hơn: "Chúng tôi đã công khai phản đối việc bắt giữ, kết tội và cầm tù không chỉ các blogger ở Việt Nam, mà cả một số nhà sư Phật giáo và những người bị sách nhiễu.

"Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ... nâng cao mức sống của người dân. Và nhà nước không nên lo ngại những bình luận trong nước. Tôi muốn thấy có thêm các cuộc tranh luận của chính quyền với những người họ không đồng ý."

Bà nói bà "hy vọng Việt Nam sẽ đi theo hướng đó, vì tôi nghĩ nó thích hợp với tiến bộ kinh tế mà chúng tôi chứng kiến tại Việt Nam mấy năm qua."

Bà Clinton không ý thức được là cuộc thảo luận về tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay đang được đặt dưới 3 góc nhìn khác nhau: trong góc nhìn thứ nhất, góc nhìn bàng quang của những chính khách vô can như bà, tình hình chính trị Việt Nam là những điều nên bàn, nên công khai thảo luận để tìm lối thoát hợp lý nhất, trong góc nhìn thứ nhì, góc nhìn chủ quan của những chiến sĩ dân chủ đang đấu tranh cho tự do và nhân quyền thì vấn đề chính trị tại Việt Nam là vấn đề phải được thảo luận đến nơi, đến chốn, và nếu cần, phải thay đổi; góc nhìn cuối cùng là góc nhìn của Việt Cộng, chúng thấy thảo luận về chính trị là điều tối kỵ, tối nguy hiểm, vì chúng sẽ đuối lý ngay trong vòng đầu.

Chúng ngăn cấm blog, mạng, báo chí tư nhân là để trốn thảo luận chính trị. Và bế tắc này khiến chúng hình sự hóa mọi khác biệt quan điểm, chỉ cần nghĩ khác chúng thôi, cũng đủ là tội đại hình.

Chúng không thể thay đổi, dù cái nồi xúp de chúng siết quá chặt, bưng bít quá kín sắp nổ tung.