Mittwoch, 17. Februar 2010

Sức mạnh dân tộc

Trần Khải

Việt Nam làm ăn ra sao, và nên làm những gì để “dân giàu nước mạnh” đây? Đó là câu hỏi từng người nên tự hỏi mình trước vậy. Rồi sau đó mới nên hỏi, "sức mạnh dân tộc nằm ở đâu…”

Sức mạnh của một dân tộc nằm ở đâu? Có phải thuộc về một nhóm người lãnh đạo chuyên chế? Hay từ một nhà nước được bầu lên bằng lá phiếu dân chủ phổ thông? Hay từ nền kinh tế tự do và nền giáo dục khai phóng? Hay từ các thần tượng lịch sử? Đó là điều cần phải ngẫm nghĩ, để tìm một cách nối tay nhau để xây dựng sức mạnh dân tộc, để giữ gìn đất nước trong tình hình Trung Quốc lấn đất lấn biển và triều đình chuyên chế Hà Nội ngày càng nhu nhược với Bắc phương và ngày càng hung hãn với trí thức quốc nội.

Báo New York Times hôm 12-1-2010 có bài viết nhan đề “The Tel Aviv Cluster” của David Brooks, nêu lên hiện tượng dân tộc Do Thái và quốc gia Israel. Quá trình xây dựng quốc gia Israel chỉ chưa tới một thế kỷ, nhưng đã đưa dân tộc Do Thái - những người cũng tự hào về lịch sử nhiều ngàn năm như chúng ta, nhưng đau đớn vì phân tán, ly cách khắp thế giới qua nhiều ngàn năm - tới một vị trí hùng mạnh, giưã chung quanh là các hung hiểm thù nghịch.

Tác giả Brooks viết ngay ở hai đoạn văn đầu:

“Dân Do Thái (Jews) là một nhóm nổi tiếng về thành đạt. Họ chiếm 0.2% dân số thế giới, nhưng chiếm tới 54% số nhà vô địch thế giới về môn cờ vua (chess), chiếm tới 27% số nhà khoa học thắng giải Nobel Vật Lý, và chiếm tới 31% số người có giải Nobel Y Khoa.


“Dân Do Thái chiếm 2% dân số Hoa Kỳ, nhưng chiếm 21% số thành phần ban đại diện sinh viên các trường Ivy League (người dịch chú thích: Ivy League là 8 đaị học nổi tiếng thành đạt truyền thống ở Mỹ, gồm Brown University, Columbia University, Cornell University, Dartmouth College, Harvard University, Princeton University, the University of Pennsylvania, và Yale University), chiếm 26% số người được vinh danh bởi Kennedy Center, chiếm 37% số đạo diễn thắng giải Oscar, chiếm 38% số người trên danh sách các nhà từ thiện hàng đầu trên tạp chí Business Week, và chiếm 51% số người thắng giảỉ báo chí Pulitzer Prize về sách không-tiểu-thuyết (nonfiction).”

Làm thế nào để giải thích về hiện tượng dân tộc Do Thái thành tựu như thế? Tất nhiên là có nhiều giải thích, nhưng cũng tất nhiên là không phải nhà phân tích nào cũng đồng ý với nhau về nguyên do. Và cũng nên ghi nhận: không chắc gì bài học Do Thái có thể áp dụng được cho dân tộc Việt Nam, nhất là khi đất nước đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng vì tình hình triều đình Hà Nội khắc nghiệt với dân mình, và vì quân Bắc Phương vừa chơi trò hải tặc trên biển và cường hào trên đất.

Theo Brooks, có điều đáng ghi nhận, theo Brooks, là tác giả Steven L. Pease, trong tác phẩm biên khảo The Golden Age of Jewish Achievement, có liệt kê một số giải thích về thành đạt của dân Do Thái. Theo đó, hầu hết đồng ý rằng, tôn giáo Do Thái khuyến khích tin tưởng vào sự tiến bộ và trách nhiệm cá nhân. Nghĩa là, không phảỉ vô thần, và cũng không có chuyện trách nhiệm tập thể như kiểu nhà nước Hà Nội hiện nay.

Thêm nữa, Do Thái Giáo chủ yếu khuyến khích học, chứ không dựa vào nghi lễ cúng kiếng. Nghĩa là, nhấn mạnh về trí tuệ, chứ không phải nghi lễ phù phép kiểu “ơn Trời” hay gì khác để cứ ngồi mà cầu nguyện.

Nếu nói rằng học, tức là trí tuệ, thì truyền thống Việt Nam là hiếu học. Nhưng đây phảỉ là học thật, chứ không phảỉ học dỏm, học để câu cơm, tìm cái ghế tốt. Câu hỏi này cần nêu nghi ngờ về các văn bằng Tiến Sĩ của các Bộ Trưởng Hà Nội, những người không thấy có công trình phát minh hay nghiên cứu nào, nhưng lại giỏi nghi lễ “cúng Cụ” mỗi khi tuyên xưng đức tin vào tư tưởng của ông Hồ Chí Minh.

Điều đáng suy nghĩ nữa: khi dân tộc Do Thái còn lưu vong khắp thế giới, họ không đoàn kết chặt chẽ, như khi tụ về một quốc gia có tên là Israel hiện nay. Nghĩa là, khi họ về được vùng đất Trung Đông, với giữa trùng trùng hung hiểm, họ mới có sự đoàn kết chặt chẽ, bất kể rằng họ theo chế độ đa đảng, và bất kể rằng họ vẫn chỉ trích nhau, với tất cả những bất đồng và phẫn nộ rất trần gian của từng người.

Thế nên, thủ đô Tel Aviv đã trở thành một trong những tụ điểm kinh doanh tiên tiến nhất của thế giới. Theo Brooks, Israel có nhiều công ty kỹ thuật cao tân lập tính trên trung bình đầu dân số hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Có nghĩa là, dân Do Thái lập công ty kinh doanh về kỹ thuật cao ở mật độ dầy đặc nhất thế giới. Israel, do vậy, đứng đầu thế giới về chi phí dân sự cho mục tiêu nghiên cứu và phát triển tính bình quân trên đầu người.

Thêm nữa, Israel chỉ thứ nhì sau Mỹ về số lượng công ty có tên trên thị trường Nasdaq. Israel, với 7 triệu dân, đã thu hút vốn đầu tư nhiều bằng cả Pháp và Đức cộng lại.

Vậy rồi Việt Nam làm ăn ra sao, và nên làm những gì để “dân giàu nước mạnh” đây? Đó là câu hỏi từng người nên tự hỏi mình trước vậy. Rồi sau đó mới nên hỏi, sức mạnh dân tộc nằm ở đâu.

Trần Khải
© Thông Luận 2010