NDĐT - Những va chạm mới xảy ra trong mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang làm cho bầu không khí quốc tế bị căng thẳng.
Nhiều người lo ngại tình hình thế giới sẽ có những biến chuyển bất lợi cho hoà bình và phồn vinh kinh tế.
Trung Quốc cho rằng quan hệ hai nước căng thẳng là do Mỹ gây ra. Cuối năm ngoái, Mỹ tăng mức thuế đánh vào thép ống dùng trong công nghiệp dầu khí do Trung Quốc sản xuất, sau đó Mỹ quyết định bán 6,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, một việc Trung Quốc coi là xâm phạm chủ quyền của họ; mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama lại dự kiến gặp Đạt-lai Lạt-ma nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngoài ra Mỹ còn yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh nâng tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ và bảo đảm tự do sử dụng mạng Internet...
Mâu thuẫn, cọ sát lợi ích kinh tế, chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc là chuyện thường xuyên xảy ra, có điều lần này Trung Quốc phản ứng dữ dội chưa từng thấy. Vì sao lại như vậy? Dư luận Trung Quốc đang hăng hái bàn thảo vấn đề này. Dưới đây là một số tình hình tổng hợp từ những thông tin trên báo chí Trung Quốc.
Trung Quốc cao giọng
Sau khi giành được những thành tựu tăng trưởng kinh tế vượt bậc, Trung Quốc ngày càng có tiếng nói lớn hơn, tự tin hơn trên vũ đài quốc tế. Những phát biểu đầy ấn tượng của lãnh đạo Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế gần đây cho thấy điều đó. Nếu trước kia Trung Quốc kiên trì đường lối “Thao quang dưỡng hối” (tạm dịch: vờ ngu giả dại, ẩn giấu tài năng chờ thời cơ) do ông Đặng Tiểu Bình nêu ra thì từ thập niên thứ hai thế kỷ XXI này họ công khai nói mình đã lớn mạnh, có quyền ăn quyền nói. Xin nêu hai thí dụ.
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 46 khai mạc tối 5-2 với sự có mặt của khoảng 300 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao các nước, là một sự kiện quốc tế quan trọng. Báo Tài chính quốc tế (Trung Quốc) trích lời giám đốc Viên nghiên cứu chính sách ngoại giao Đức nói: Việc Hội nghị An ninh Munich phá lệ mời đoàn Trung Quốc đọc diễn văn khai mạc rõ ràng là một tín hiệu cho thấy “Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá mà tính chất quan trọng của Trung Quốc đã được nâng cao rất nhiều.”
Trang web Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) đưa tin nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor ngày 5-2 viết: tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì với thái độ thẳng thắn chưa từng thấy đã công khai tuyên bố Trung Quốc đang trở nên ngày một lớn mạnh trên vũ đài quốc tế. Bài nói của ông về sự tranh chấp giữa Mỹ với Trung Quốc trên các vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tự do trên mạng Internet, hối suất đồng Nhân Dân Tệ và chính sách khí hậu tại Hội nghị Copenhagen đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông nói: việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm luật quốc tế và Trung Quốc “có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để đáp trả.
Một nhà ngoại giao Đức phát biểu cảm tưởng: “Từ xưa tới nay tôi chưa bao giờ thấy quan chức Trung Quốc nào công khai nói "Đúng thế, chúng tôi rất lớn mạnh!" Đây là một thông điệp quá tự tin, khác trước và nó có nghĩa là chúng ta sẽ nhanh chóng được thấy Trung Quốc sẽ áp dụng các chính sách khác trước.”
Ông Dương kiên trì cho rằng Trung Quốc vừa là nước phát triển vừa cũng là nước đang phát triển, nước này đang tìm một “giải pháp các bên cùng thắng” (win-win solutions) và chuẩn bị “chia xẻ trách nhiệm lớn hơn” trên vũ đài thế giới. Ông nói năm ngoái Trung Quốc đã phát huy tác dụng lớn giúp toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Gary Smith Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Berlin nói: diễn văn của ông Dương Khiết Trì để lại ấn tượng sâu sắc cho những người ở đây, “Người châu Âu luôn lo ngại thời khắc này ... Họ luôn lo ngại Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy”.
Ngay trong ngày khai mạc hội nghị An ninh Munich, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với các sản phẩm từ thịt gà nhập khẩu của Mỹ, với các mức từ 43,1 đến 105,4%. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngưng các trao đổi quân sự với Mỹ, như chuyến thăm đã định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào cuối năm nay sẽ bị gác lại cùng với các cuộc đàm phán giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước; các công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan sẽ phải đối mặt với “các lệnh trừng phạt tương ứng”. Dự kiến chính phủ Mỹ cũng cần chuẩn bị tinh thần đón nhận thái độ không hợp tác của Trung Quốc trên những vấn đề quốc tế gai góc nóng bỏng đang làm Mỹ đau đầu như vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên v.v...
Báo Người Australia (The Australian) ngày 5-2 đăng bài “Trung Quốc biết cách chinh phục phương Tây”, trong đó có viết: Cuối tuần trước hôm khai mạc Diễn đàn kinh tế Davos (từ 27 tới 31-1) Thống đốc Ngân hàng Đức Josef Ackermann nói với phóng viên hãng thông tấn Bloomberg là “Trung Quốc không muốn bàn về vấn đề Google”. Thế là vấn đề này lập tức bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự của Diễn đàn Davos. Một nhà lãnh đạo Diễn đàn giải thích: Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường trưởng đoàn Trung Quốc dự Diễn đàn này có nói riêng với ban tổ chức Diễn đàn là họ cần phải tôn trọng quyết định của Bắc Kinh. Rốt cuộc ban tổ chức Diễn đàn đã chiều theo ý kiến của ông Lý, vì họ thấy rõ việc mời nhà lãnh đạo Trung Quốc dự Diễn đàn là rất quan trọng.
Mọi người đều biết vấn đề đại gia công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google doạ rút ra khỏi thị trường Trung Quốc với lý do bị tin tặc nước này tấn công đang làm Trung Quốc đau đầu. Việc chính phủ Trung Quốc từ chối yêu cầu của bà Hillary Clinton đòi điều tra lời cáo buộc đó đã ngầm cho thấy thế lực nào đứng sau các tin tặc này. Thế mà Diễn đàn Davos lại tránh đề cập tới chuyện đau đầu ấy, đây quả là một thắng lợi của Bắc Kinh.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao nhất thế giới suốt hơn 30 năm qua đã đưa nước này nhảy lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu, với GDP suýt soát bằng 1/3 GDP của Mỹ và GDP bình quân đầu người đạt 3700 USD. Sự thực ai cũng thấy rõ này đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng Trung Quốc-Mỹ.
Lawrence Summers Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama nói: Sự kiện lớn nhất trong 25 năm qua không phải là khủng hoảng tài chính, cũng không phải là sự sụp đổ bức tường Berlin mà là sự kiện một số quốc gia trên thế giới nhanh chóng trở nên giàu có. người Trung Quốc dùng chưa tới 30 năm đã nhẹ nhàng tiến lên xã hội tiêu dùng, trong khi để làm điều đó châu Âu mất cả nửa thế kỷ, nước Mỹ mất 60 năm.
Phải chăng là vẫn giơ cao đánh khẽ?
Trang mạng Tin tức Tham khảo của Trung Quốc trích dẫn tin đăng trên tuần báo Mỹ Newsweek như sau: Trong bài Nỗi phiền muộn tăng dần: Sự thật về mối quan hệ Trung-Mỹ (Growing Pains: The truth about Sino-U.S. relations), nhà chính luận nổi tiếng Fareed Zakaria viết: cho dù mối quan hệ Trung-Mỹ gần đây xuất hiện các tạp âm nhưng hiện thực vẫn không đổi: hai quốc gia đều có đầy đủ lý do để hợp tác với nhau. Các lý do ấy nảy sinh trong gần 20 năm nay, hai bên dường như đều nhận thức được. Trước quyết định của Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc kịch liệt phản đối, nhưng chủ yếu vẫn là tư thế có tính tượng trưng. Lần này, đe doạ mạnh nhất từ phía Trung Quốc chẳng qua là sẽ “trả đũa” một số công ty Mỹ có dự phần bán số vũ khí nói trên, sự đe doạ này rất có thể nhằm vào những công ty như Raytheon, luôn là nhà cung cấp vũ khí cho Đài Loan, cho nên họ đã bỏ thị trường Trung Quốc. Rất có thể Bắc Kinh sẽ không trừng phạt Boeing, General Electric và United Technologies là 3 đại gia có dự thương vụ nói trên. Tương tự, chính phủ Trung Quốc sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy Obama tiếp Đạt-lai Lạt-ma. Mấy năm qua, các Tổng thống Mỹ đều tiếp ông này; hơn nữa Tổng thống Obama đã trực tiếp nói trước với nhà lãnh đạo Trung Quốc là ông sẽ gặp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.
Về phía Mỹ, cho dù bà Hillary Clinton có phê phán Trung Quốc về vấn đề tự do trên mạng và Obama cũng nói ông sẽ áp dụng thái độ cứng rắn với Bắc Kinh trên vấn đề tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ nhưng Mỹ sẽ không thể chuyển những lời lẽ cứng rắn ấy thành hành động. Chính phủ Mỹ biết rõ sự cảnh cáo công khai của Bắc kinh rất ít có tính nghiêm chỉnh.
Cũng trang mạng Tin tức Tham khảo nói trên trích lại tin từ tuần báo Mỹ Time số ra ngày 4-2. Đó là bài Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ lớn tới mức không thể đổ được (China and the U.S.: Too Big to Fail) của Jeffrey Wasserstrom, một chuyên gia vấn đề Trung Quốc. Bài báo viết: Bắc Kinh mạnh mẽ phê phán việc Tổng thống Obama dự định bán vũ khí cho Đài Loan và yêu cầu ông huỷ cuộc tiếp Đạt-lai Lạt-ma. Điều đó phải chăng chứng tỏ mối quan hệ Trung-Mỹ đã chuyển sang một thời kỳ làm cho mọi người rất lo lắng? Chúng ta nên ngăn chặn quan điểm đó.
Trước đây Trung Quốc từng tỏ thái độ tức giận khi các nhà lãnh đạo nước ngoài tiếp Đạt-lai Lạt-ma cũng như khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Hai phía Trung Quốc và Mỹ đều cần tránh khuếch đại mức độ thay đổi tình hình trật tự quốc tế, cũng cần tránh coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự phát triển vô cùng không bình thường.
Bắc Kinh quyết định duy trì tăng trưởng kinh tế cao và hiện đại hoá quân sự - điều đó khiến họ không thế xa rời các nước lớn trên thế giới. Tuy giờ đây Trung Quốc và Mỹ có những mâu thuẫn rất lớn nhưng chúng ta chớ nên để thực tế đó bịt mắt mà không nhìn thấy hai nước này đan xen nhau khăng khít như thế nào, không thấy sự tương tự giữa sự trỗi dậy của Mỹ đầu thế kỷ trước và của Trung Quốc đầu thế kỷ này. Dù họ thích hay không, dù họ chưa ý thức được việc đó, mối quan hệ giữa hai nước thực sự là “lớn tới mức không thể đổ được.
Báo Straits Times của Singapore viết: Trên thực tế cuộc tranh cãi mới đây giữa Trung Quốc với Mỹ cũng sẽ có kết cục như mọi cuộc tranh cãi trước kia, tức là sẽ bị dập tắt. So với 10 năm trước, ngày nay Washington và Bắc Kinh có quá nhiều lợi ích chung tới mức mối quan hệ hai nước sẽ không gặp trở ngại vì vấn đề Đài Loan.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin: các chuyên gia Trung Quốc cho rằng xu thế của xung đột Trung-Mỹ là trong nửa đầu năm nay sẽ thể hiện ra hết, trong nửa cuối năm sẽ có phục hồi; giữa hai nước sẽ không có khả năng xảy ra một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.
Nguyên Hải tổng hợp
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=45&sub=82&article=167954