Trọng Nghĩa, RFI - 07/02/2010
Tương quan lực lượng Mỹ-Trung
Dưới tựa đề ngay trên trang bìa : ''Đối phó với Trung Quốc'', tuần báo Anh The Economist đã dành hồ sơ chính để phân tích về tình hình căng thẳng hẳn lên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là sau quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama bán cho Đài Loan 6 tỷ đô la vũ khí.
Nhận xét chung của tuần báo Anh Quốc là tình hình căng thẳng trở lại trong quan hệ Mỹ Trung trên hồ sơ Đài Loan là một điều được mọi người chờ đợi. Từ trước đến nay, Bắc Kinh đều phản ứng gay gắt, mỗi khi Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.
Thế nhưng thái độ cứng rắn hẳn lên lần này của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đã tạo ra một số lo ngại là cuộc đọ sức có thể đi quá trớn, gây hại cho sự ổn định của toàn thế giới. Cho dù vậy, Hoa Kỳ và Châu Âu không nên vì thế mà nhân nhượng Trung Quốc một cách quá đáng.
Công nhận vai trò cường quốc không đồng nghĩa với nhượng bộ
''Không nên lẫn lộn giữa việc nhượng bộ với việc dành chỗ cho một siêu cường quốc mới''. Đây là lời khuyên mà The Economist đưa ra cho Hoa Kỳ trong bài xã luận mở đầu hồ sơ về quan hệ Mỹ Trung.
Đối với tuần báo Anh, từ sáu chục năm nay, Đài Loan luôn luôn là điểm gây bất đồng nghiêm trọng nhất giữa Washington và Bắc Kinh. Do đó, có thể xem thái độ gay gắt của Trung Quốc sau quyết định của Hoa Kỳ bán 6 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan là chuyện thường tình. Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã đi xa hơn là những phản ứng chiếu lệ trước đây.
The Economist đặc biệt ghi nhận hai lời đe dọa của Bắc Kinh : một là sẽ trừng phạt các công ty Mỹ dính líu vào thương vụ bán vũ khí cho Đài Bắc, và hai là đình chỉ hợp tác với Hoa Kỳ trên các vấn đề quốc tế. Thế nhưng, do việc quyền lợi của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề nếu họ thực hiện các lời đe dọa kể trên, rất có thể là động thái của Bắc Kinh chỉ nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ không nên đáp ứng yêu cầu của Đài Loan muốn mua chiến đấu cơ hiện đại.
Cho dù vậy, The Economist nhận định : phản ứng hung hăng một cách bất thường của Trung Quốc lần này phản ánh ba chiều hướng đáng ngại liên quan đến Trung Quốc.
Trước hết là các khó khăn Trung Quốc đang gặp phải trong chính sách Đài Loan. Quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc đã cải thiện đáng kể từ ngày Tổng thống Mã Anh Cửu lên nắm quyền ở Đài Loan, thế nhưng Trung Quốc vẫn chưa thấy nhiều tiến bộ trong chính sách của họ là ''thống nhất lãnh thổ trong hòa bình''. Đa số người Đài Loan vẫn muốn vừa hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa duy trì độc lập. Chính sách Tây Tạng của Bắc Kinh cũng gặp nguy cơ thất bại, cố gắng mua chuộc người Tây Tạng bằng cách phát triển vùng này cho đến giờ vẫn có vẻ không thành công.
Xu hướng thứ hai là thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc hiện nay trên trường quốc tế. Theo The Economist, sau thành công trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh cuối năm 2008, Trung Quốc đã trở thành quyết đoán và không chấp nhận bị xem nhẹ, kể cả trên những hồ sơ không bị họ coi là thuộc ''vấn đề nội bộ'' của họ.
Đối với tuần báo Anh, tự mãn với cảm nhận rằng uy lực kinh tế của mình ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã tỏ thái độ cứng rắn trên mọi hồ sơ quốc tế. Họ đã đóng một vai trò trung tâm và không hữu ích chút nào trong cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, và hiện nay, họ có xu hướng muốn phá vỡ mối đồng thuận giữa các cường quốc trên hồ sơ hạt nhân Iran.
Trong khu vực, trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ, họ cũng gia tăng thái độ uy hiếp với các làng giềng Án Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Trong mọi hội nghị, các quan chức Trung Quốc cũng luôn luôn muốn có tiếng nói, và muốn mọi người phải chấp nhận ý kiến của họ. Điều này, theo The Economist, phản ánh một chiều hướng nguy hiểm thứ ba.
Đó là quan điểm cho rằng Trung Quốc có một mô hình tốt, không cần phải chạy theo để bắt kip phương Tây giầu có như họ từng suy nghĩ trước đây. Theo The Economist, một số người Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa chuyên chế độc đoán là một điều hay hơn là chế độ dân chủ.
Châu Âu cần hậu thuẫn Hoa Kỳ trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh
Trong tình hình đó, The Economist cho rằng phương Tây không nên mất tự tin mà chiều lòng Trung Quốc. Hoa Kỳ và Tổng thống Obama cần tỏ thái độ cứng rắn hơn đói với Bắc Kinh. Tăng cường năng lực răn đe quân sự của Đài Loan mà Trung Quốc tiếp tục uy hiếp bằng hàng trăm tên lửa, theo tuấn báo Anh, là phục vụ cho việc duy trì hòa bình.
Vì vậy, Tổng thống Mỹ cấn phải tiếp tục chính sách bán vũ khí cho Đài Loan và các chính quyền Châu Âu cần ủng hộ ông Obama trong hồ sơ này. Nếu một số công ty Mỹ, như Boeing chẳng hạn, bị mất thị trường Trung Quốc vì vấn đề chính trị, theo The Economist, thì các công ty châu Âu không nên tìm cách trám vào chỗ trống.
Bên cạnh đó, cũng theo The Economist, Phương Tây không nên rơi vào tình trạng lo ngại quá đáng để lao vào một cuộc đối đầu không cần thiết với Trung Quốc. Phương án tốt, theo tuần báo Anh, là tìm cách lôi kéo Trung Quốc vào cuộc đề cùng gánh vác công việc điều hành thế giới.
Kim Thúy, một gương mặt mới trên văn đàn Pháp ngữ
Về Việt Nam, tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur ở trang điểm sách đã giới thiệu chị Kim Thúy, một nữ văn sĩ người Canada gốc Việt, mà tác phẩm viết bằng tiếng Pháp vừa được nhà xuất bản Pháp Liane Lévy cho ra mắt độc giả. Dù viết bằng Pháp ngữ, nhưng quyển sách của Kim Thúy lại mang một tựa đề tiếng Việt : "Ru".
Tác giả là một người sinh năm 1968 ở Việt Nam, đã cùng gia đình vượt biên sau biến cố 30/04/1975, sống một thời gian trong trại tạm cư ở Malaysia, trước khi đến định cư tại vùng Québec (Canada) khi mới 10 tuổi.
"Ru" là quyển tự truyện trong đó tác giả kể lại cuộc đời sóng gió của mình. Theo Jérôme Garcin, nhà phê bình của tạp chí Le Nouvel Observateur, tập sách này giống như một chiếc bình sơn mài tuyệt đẹp của Việt Nam, đã bị vỡ tan trong một cuộc du hành dài. Nhà văn Kim Thúy là người đã tập hợp và giữ gìn các mảnh vỡ trong hơn ba chục năm.
Ngày nay, với một tâm trạng bình tĩnh khác thường, với tất cả sự khéo léo của một nghệ sĩ, chị đã lắp ráp lại các mảnh kỷ niệm đó mà không cấn chú ý đến trật tự của nguyên bản, chỉ pha thêm vào đó một số màu sắc, tươi vui hơn.
Trong tác phẩm ''Ru'', nhà văn đã không tìm kiềm sự thương hại, tô điểm lại sự ''bần cùng'', không để lộ thái độ hằn học, và coi thường trình tự thời gian. Ngay cả sự khổ đau cũng được chị xử lý một cách nhẹ nhàng. Đối với le Nouvel Observateur, "Ru" là một tác phẩm rất mới lạ.
Lao động nhập cư Trung Quốc gây bất bình tại Ấn Độ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lãnh vực xã hội, tuần báo Pháp Courrier International ở trang châu Á đã nêu bật sự kiện Công nhân Ấn Độ phẫn nộ vì công việc bị lao động Trung Quốc giành giật.
Trích dịch một bài báo trên tờ Outlook, xuất bản tại New Delhi, tạp chí Pháp nêu bật tình hình hiện nay như sau : ''Bất chấp một chính sách nhập cư rất khe khắt, càng lúc càng có thêm nhiều công nhân Trung Quốc đến lao động tại các công trường ở Ấn Độ. Hiện tượng này đã khiến giới công nhân Ấn Độ nổi giận vì họ ngày càng lo ngại cho công ăn việc làm của mình".
Theo ghi nhận của tờ Outlook, tại Ấn Độ, hiện có hàng ngàn công nhân Trung Quốc làm việc trên những công trường xây dựng do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Theo một số ước tính, số lượng công nhân Trung Quốc lên đến khoảng 25.000 người, và sự hiện diện đông đảo này đã gây nên tình trạng căng thẳng với những người lao động địa phương. Nhiều vụ bạo động mang tính chất bài ngoại đã nổ ra.
Điều khiến người Ấn Độ bất bình, đó là chênh lệch về lương bổng : công nhân bản xứ chỉ được lãnh khoảng 87 roupies (1,30 euro) một ngày, trong lúc lao động Trung Quốc lại được trả đến 1700 roupies (26,30 euro). Tình hình lại thêm tế nhị khi mà đa số các công nhân Trung Quốc lại là những lao động nhập cư trái phép.
Luật nhập cư của Ấn Độ rất khe khắt, không chấp nhận các lao động giản đơn, mà chỉ cho phép thuê muớn công nhân lành nghề. Thế nhưng tại một công trình xây dựng nhà máy thép mà tác giả bài báo đã có dịp đến thăm, đại đa số công nhân Trung Quốc đều làm những công việc đơn giản, không cần đến tay nghề gì cả.