Mai Vân, RFI
Ngoài hồ sơ quan hệ Mỹ - Trung dưới lăng kính cuộc tiếp xúc hôm 18/02/2010 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma, Le Monde đã còn chú ý đến kế hoạch của Bắc Kinh, muốn đầu tư 10 tỷ đô la vào Bắc Triều Tiên, để củng cố chế độ và thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Dưới tựa đề ''Trung Quốc lao vào cứu giúp nền kinh tế Bắc Triều Tiên'', Le Monde nêu bật kế hoạch của Bắc Kinh, dự trù tung ra 10 tỷ đô la để tránh cho chế độ Bình Nhưỡng khỏi sụp đổ. Theo Brunot Philip, thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, đây là hệ quả chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên vừa qua của lãnh đạo Trung Quốc Vương Gia Thụy.
Chuyến đi rất kín đáo, không mấy được truyền thông Trung Quốc nhắc đến, nhưng có thể dẫn đến một kế hoạch đầu tư quy mô lớn nhằm vực dậy nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Theo bài báo, nếu báo giới Trung Quốc không đả động đến điều này, thì ngược lại, kế hoạch đã được truyền thông Hàn Quốc nêu bật.
Le Monde nhẩm tính: 10 tỷ đô la, đây một khoản tiền rất to lớn đối với Bắc Triều Tiên, tương đương với 1/4 GDP ước tính của quốc gia này. 60% khoản tài trợ sẽ do các ngân hàng và tập đoàn Trung Quốc cung cấp. Đó là những chi tiết được lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ông Vương Gia Thụy nêu lên tuần qua.
Theo nhật báo Pháp, nếu kế hoạch đầu tư này đươc thực hiện, thì nó minh hoạ cụ thể cho mối quan tâm của Bắc Kinh, muốn giữ một quan hệ kinh tế mạnh mẽ và chặt chẽ với Bình Nhưỡng, để có thể ảnh hưởng, gây sức ép buộc người láng giềng trở lại bàn đàm phán trên hồ sơ hạt nhân.
Bài báo cũng nhắc lại quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đã xấu đi hơn trong hai năm qua, từ khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Đó là một thái độ khiêu khích vì Bình Nhưỡng đã lờ đi sức ép của Bắc Kinh. Người láng giềng khó tính này đã đặt Trung Quốc vào thế khó xử, vì Bắc Kinh không thể bỏ rơì Bình Nhưỡng.
Đối với Le Monde, khả năng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, bán đảo Triều Tiên thống nhất là một viễn cảnh đầy ác mộng đối với Bắc Kinh vì nếu điều đó diễn ra, Trung Quốc sẽ phải gánh chiụ hậu quả nặng nề. Trước hết là việc người Bắc Triều Tiên ồ ạt chạy sang Trung Quốc, nhưng khó chịu hơn cả là khi ấy, Trung Quốc sẽ có chung biên giới với Hàn Quốc, nơi có tới 28.000 lính Mỹ đồn trú.
Vì các lý do đó, các nhà chiến lược Trung Quốc cần phải bảo đảm sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng. Hiện nay theo Le Monde, 80% hàng tiêu dùng của Bắc Triều Tiên, và 40% lương thực nước này sử dụng đều dựa vào Trung Quốc. Trong quan hệ với người láng giềng, theo kinh nghiệm của Bắc Kinh, lá bài kinh tế là vũ khí hữu hiệu nhất để gây sức ép.
Obama thách thức Trung Quốc
Sự kiện tổng thống Mỹ Obama tiếp đón Đức Đạt Lai lạt Ma hôm nay tại Nhà Trắng, bất chấp phản đối của Trung Quốc, là một sự kiện mà báo giới Pháp không thể bỏ qua, với những hàng tựa nổi bật trên trang nhất, kèm theo phần bình luận dài bên trang trong.
Xuất phát từ thực tế là cuộc tiếp xúc diễn ra trong lúc quan hệ Mỹ Trung đang căng thẳng sau một loạt sự cố, tờ Les Echos tóm lược nhận định chung trong hàng tựa trang nhất "Hiềm khích hai bên lên cao thêm'', tựa ở trang nhất, Le Figaro thì nhấn mạnh trên '' Thách thức của Obama đối với Trung Quốc'', trong lúc Le Monde ghi nhận : ''Barack Obama chọc giận Trung Quốc''.
Libération, trên trang nhất, đặt cuộc đón tiếp này trong một chuỗi sự kiện đang gây căng thẳng giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một Hoa Kỳ bị khủng hoảng : từ việc kiểm duyệt mạng Internet, nhân quyền, tỷ giá đồng Yuan, Đài Loan, Iran...
Quan sát thái độ Trung Quốc, tờ báo nhận thấy là chính quyền Bắc Kinh đang muốn ''thử sức'' tổng thống Obama, mà họ xem như là một người sẵn sàng nhượng bộ và nhượng bộ nhiều.
Trong bài nhận định bên trong, Libération trích lời một chuyên gia Mỹ Đại học Hopskin, cho là chính quyền Mỹ trong thời gian qua, đã cho Trung Quốc thấy mình giống như là người cầu cạnh, không khác gì là nói với họ rằng: ''chúng tôi cần anh hơn là anh cần tôi'.
Việc ông Obama từ chối không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma trước chuyến đi Trung Quốc tháng 10 năm ngoái, bị Bắc Kinh xem là một sự yếu đuối.
Đối với Liberation, với cuộc tiếp xúc hôm nay, tổng thống Obama đã nối lại với đường lối ngoại giao truyền thống : từ năm 1991, tất cả các tổng thống Mỹ đều có gặp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, ông George W Bush đã tiếp xúc đến 3 lần.
Căng thẳng Mỹ Trung chỉ là hình thức?
Nhìn về phiá Trung Quốc, Libération ghi nhận là Bắc KInh phản ứng rất mạnh mẽ nhưng hành động thực tế thì khác : nếu đã cao giọng trên hồ sơ vũ khí Đài Loan, Bắc Kinh có vẻ do dự trong việc thực hiện lời đe doạ trừng phạt các công ty Mỹ tham gia hợp đồng. Bắc Kinh cũng đã tuyên bố đình chỉ các cuộc tiếp xúc, trao đổi quân sự hai bên, nhưng vẫn chấp thuận cho hàng không mẫu hạm Nimitz ghé Hồng Kong.
Theo tờ báo, có lẽ Trung Quốc đang áp dụng một trong những nguyên tắc ngoại giao cố hữu mà cố thủ tướng Chu Ân Lai đề xuất : đó là thái độ chừng mực.
Tờ Le Figaro cũng so sánh những va chạm căng thẳng Mỹ Trung với một trò trên sân khấu bóng, một sự đối đầu dàn dựng, trên phông nền quyền lợi chung giữa hai bên đã được xác đînh rõ ràng.
Theo một chuyên gia Trung Quốc, hai bên nước không thể nào làm khác hơn : Tổng thống Obama, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ không thể làm ngơ trước sức ép các nhóm thế lực, còn chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng phải tỏ thái độ trấn an những thành phần trong Đảng Cộng sản cũng như trong dư luận, không hiểu tại sao Bắc Kinh lại phải tiếp tục gánh nợ cho Hoa Kỳ.
Thế nhưng, điều mà Le Figaro cho là đập mắt nhất đối các nhà ngoại giao, các chuyên gia, là thái độ của Bắc Kinh hiện nay, cao ngạo khác trước. Chẳng hạn như trong hồ sơ vũ khí Đài Loan, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trừng phạt các công ty Hoa Kỳ, điều chưa từng thấy từ trước đến nay. Theo tờ báo, thái độ hiện nay của Bắc Kinh khác hẳn với thời kỳ tiền thế vận hội 2008.
Theo Le Figaro, sở dĩ Trung Quốc đã thay đổi thái độ, đó là vì họ rất ý thức về sức mạnh của mình, không còn là nước đang vươn lên mà là quốc gia đã vươn lên rồi, sắp trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới nay mai, và đang nhắm vào vị trí của Hoa Kỳ.