(VnMedia) - Báo chí Trung Quốc đã nhanh chóng lên án việc Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan. Trong khi đó, các học giả đưa ra rất nhiều dự đoán về những động cơ khác nhau đằng sau hành động này. Tuy nhiên, hầu hết những dự đoán đó đều không chính xác, ví dụ như việc Mỹ phản đối xu thế ấm dần lên trong mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan.
Hiểu được lý do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan có thể sẽ không giúp giảm sự chống đối của Trung Quốc đối với Mỹ nhưng nó rất quan trọng để mọi người đánh giá lại mối quan hệ Mỹ-Trung ở tầm rộng hơn đồng thời dự đoán các quyết định chính sách trong tương lai của Mỹ.
Điều hoang đường 1: Mỹ phản đối xu thế ấm lên trong mối quan hệ giữa Vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đại lục và đang tìm cách gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ này bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan.
Sự thực, các quan chức Mỹ liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cải thiện mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Sự giải toả căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ giúp giảm nguy cơ về một cuộc xung động quân sự xảy ra giữa bên bởi nếu xảy ra một cuộc xung đột như thế thì Mỹ sẽ khó có thể tránh khỏi việc có liên quan.
Trong một cuộc họp báo công khai cùng với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu, Mỹ “hoan nghênh những bước đi mà Trung Quốc và Đài Loan thực hiện gần đây nhằm giải toả căng thẳng cũng như xây dựng mối quan hệ hoà bình giữa hai bờ Eo biển Đài Loan. Chính sách riêng của chúng tôi, dựa trên 3 thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc và Dự luật Quan hệ Đài Loan, ủng hộ việc phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều đó sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho khu vực và cho Mỹ."
Chính sách lâu dài của Mỹ là khuyến khích Trung Quốc và Đài Loan giải quyết những bất đồng, khác biệt bằng biện pháp hoà bình.
Điều hoang đường 2: Mỹ xem Đài Loan là vũ khí chính trị hiệu quả nhất để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Sự thực, Đài Loan không phải là lá bài để Mỹ chống Trung Quốc. Mỹ có một mối quan hệ quan trọng với Đài Loan và xét trong nhiều khía cạnh mối quan hệ đó tách biệt hoàn toàn với Bắc Kinh. Quan trọng hơn, Mỹ không tìm cách kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Kiềm chế là một chiến lược mà Mỹ đã theo đuổi nhằm chống lại Liên Xô và Trung Quốc cách đây nhiều thập kỷ khi ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ lúc đó là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Ngày nay, việc kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc sẽ là điều không thể dù Mỹ có muốn. Một phần của lý do đó là Mỹ sẽ chẳng có nước nào đứng cạnh bên ủng hộ trong cuộc chơi này. Hơn nữa, cách đây nhiều thập kỷ, Mỹ đã từ bỏ chính sách kiềm chế chống lại Trung Quốc vì nước này nhận ra rằng một chiến lược như thế sẽ không đem lại lợi ích gì cho Mỹ. Hơn nữa, Mỹ đã lựa chọn một chiến lược phù hợp hơn, đó là hợp tác với Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng và định hình chính sách cũng như cách cư xử của nước này. Mỹ có một mối quan hệ kinh tế và thương mại tốt đẹp với Trung Quốc. Mỹ còn ủng hộ mạnh mẽ cho việc Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mỹ cũng thực hiện các cuộc trao đổi quân sự với Trung Quốc và tìm cách mở rộng mối quan hệ sang các lĩnh vực khác.
Có những mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân Mỹ và Trung Quốc, trong đó có các cuộc trao đổi văn hóa và trao đổi sinh viên giữa hai nước. Gần đây, các Tổng thống Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một nước Trung Quốc giàu có và mạnh mẽ.
Điều hoang đường 3: Chính quyền của Tổng thống Obama không hài lòng với sự phát triển nói chung của mối quan hệ Mỹ-Trung trong năm qua.
Sự thực, Bắc Kinh và Washington đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong năm qua nhằm phá vỡ kiểu quan hệ song phương vốn thường rơi vào căng thẳng ngay trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ mới của một tổng thống Mỹ. Trong cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí theo đuổi một mối quan hệ “tích cực, hợp tác và toàn diện”. Hai nước đã tổ chức thành công vòng đầu tiên của một Cuộc đối thoại Kinh tế Chiến lược mới và trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Trung Quốc hồi tháng 11, hai nước đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh đến cam kết xây dựng mối quan hệ song phương sâu rộng hơn nữa.
Mỹ, Trung Quốc cũng đã cùng nhau hợp tác nhằm khuyến khích CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân. Ngoài ra, thỏa thuận đạt được tại cuộc họp về biến đổi khí hậu ở Copenhagen có sự góp phần không nhỏ của sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc không phải tồn tại trên tất cả các vấn đề nhưng ở đâu có sự trùng khớp lợi ích giữa hai nước thì ở đó sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đều thành công. Chính quyền của Tổng thống Obama hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong một lịch trình hợp tác bận rộn bao gồm các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. Bán vũ khí cho Đài Loan không phải là hành động trừng phạt Bắc Kinh về việc nước này đã không đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong việc sửa đổi một số chính sách cụ thể.
Điều hoang đường 4: Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã giảm và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là nhằm giúp ông Obama củng cố vị thế chính trị trong nước và giành được sự ủng hộ từ các tổ hợp công nghiệp quân sự cũng như các nghiệp đoàn lao động.
Sự thực, thời điểm Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan không có liên quan gì mấy đến tình hình chính trị nội địa. Các vấn đề chính trị của Tổng thống Obama phần lớn có liên quan đến các vấn đề trong nước hoặc sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Iran và Afghanistan, không liên quan gì đến Trung Quốc hoặc Đài Loan. Tổng thống Obama không thể củng cố được bất kỳ điều gì từ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Vì Trung Quốc luôn phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan nên không có thời gian nào là “tốt” để có thể đưa ra một quyết định như thế. Thực tế, Mỹ đã chọn thời điểm đầu năm 2010 để thông báo quyết định bán vũ khí cho Đài Loan với hy vọng có thể giảm thiểu phản ứng của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Obama đã quyết định không thông qua bất kỳ hợp đồng bán vũ khí nào cho Đài Loan trong thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là ông này có chuyến thăm đến Trung Quốc. Sau khi ông này trở về, sẽ cần một thời gian trôi qua trước khi hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan được đệ trình lên Quốc hội xem xét. Dù tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama như thế nào thì hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan vẫn cứ được tiến hành. Trung Quốc đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của tổ hợp công nghiệp quân sự đối với việc đưa ra quyết định của Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Điều hoang đường 5: Về mặt địa chiến lược, Mỹ xem Trung Quốc là một “tàu sân bay không thể chìm” và coi Đài Loan là một mỏ neo chiến lược quan trọng ở gần Trung Quốc đại lục trong khu vực Biển Thái Bình Dương. Điều đó sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Sự thực, tầm quan trọng về mặt địa chiến lược của Đài Loan đối với Mỹ là rất nhỏ. Mỹ không có kế hoạch sử dụng Đài Loan là một căn cứ để thực hiện các chiến dịch quân sự nhằm chống lại đại lục trong trường hợp có chiến tranh ở khu vực hai bờ eo biển Đài Loan. Ảnh hưởng chiến lược của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương được thể hiện ở nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có quan hệ liên minh, đối tác với nhiều quốc gia khu vực. Đài Loan không có tên trong mạng lưới quan hệ này.
Vậy sự thật đằng sau quyết định Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là gì?
Trước hết, mặc dù mối đe dọa về việc Đài Loan đòi độc lập khỏi Trung Quốc đã suy giảm kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền lãnh đạo vùng lãnh thổ này trong tháng 5 năm 2008 nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự nhằm đề phòng với Đài Loan. Một bộ phận quan trọng trong kế hoạch này là việc Trung Quốc triển khai các tên lửa đạn đạo và hạt nhân tầm ngắn hướng về Đài Loan. Theo Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, việc đó là một trở ngại đối với tiến trình đàm phán một hiệp định hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không thể tao ra một thế cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan nhưng lại có thể ngăn cản tình trạng bất cân bằng quá mức nghiêng về phía Trung Quốc. Xét về khía cạnh này, quyết định bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ là môt phần trong chính sách lớn hơn của nước này nhằm bảo đảm rằng sự bất đồng, mâu thuẫn giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết một cách hòa bình và theo một cách có thể chấp nhận được đối với người Đài Loan và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của hai nước Mỹ, Trung.
Thứ hai, luật quốc gia của Mỹ có Điều luật Quan hệ Đài Loan trong đó có quy định Mỹ sẽ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan cũng như duy trì năng lực của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc đối phó với bất kỳ thách thức nào đối với hòa bình và sự ổn định trên khu vực Eo biển Đài Loan. Như một quan chức Mỹ đã từng nói khi thông báo quyết định bán vũ khí cho Đài Loan lần này, “chúng tôi rất coi trọng trách nhiệm này".
Thứ ba, vũ khí của Mỹ được cung cấp cho Đài Loan không phải thông qua những nhà sản xuất vũ khí tham lam mà được bán theo yêu cầu của Đài Loan. Dựa vào yêu cầu của vùng lãnh thổ này, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Mỹ sẽ có sự đánh giá về nhu cầu an ninh của hòn đảo và đưa ra quyết định cuối cùng. Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đánh giá yêu cầu của Đài Loan thông qua việc xác định những mối đe dọa mà Đài Loan đang đối mặt. Nếu các công ty quốc phòng Mỹ có nhiều ảnh hưởng như nhiều người Trung Quốc tin thì những chiếc máy bay chiến đấu F-16 C/D mà hai đời nhà lãnh đạo Đài Loan là Trần Thủy Biển và Mã Anh Cửu luôn yêu cầu, coi là ưu tiên hàng đầu cho việc phòng vệ, đã được chính quyền Mỹ thông qua từ cách đây lâu rồi. Trong hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan mới được thông qua vừa rồi, Mỹ chỉ đáp ứng một phần trong các yêu cầu của Đài Loan. Ngoài việc không cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại, Mỹ cũng không cung cấp tàu ngầm cho Đài Loan mặc dù Tổng thống George W Bush năm 2001 đã từng thông qua việc này.
Thứ tư, Mỹ tin rằng điều khoản cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan vào thời điểm này là cần thiết nhằm phát tín hiệu cho giới lãnh đạo Đài Loan thấy rằng Mỹ vẫn là một nước ủng hộ vấn đề an ninh cho vùng lãnh thổ Đài Loan. Điều đó sẽ giúp Đài Loan tự tin và sẵn sàng tham gia đàm phán với Trung Quốc đại lục. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi Đài Loan cân nhắc việc có nên tham gia vào các cuộc thảo luận với Bắc Kinh về những vấn đề quân sự, chính trị nhạy cảm. Chính ông Mã Anh Cửu từng nói: “Việc mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được giải tỏa căng thẳng dựa rất nhiều vào việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan."
Cuối cùng, quyết định bán vũ khí cho Đài Loan cũng phát đi tín hiệu với phần còn lại của khu vực là Mỹ luôn giữ cam kết và các nước dựa vào Washington để duy trì hòa bình và sự ổn định có thể được tái bảo đảm rằng sự ủng hộ của Mỹ là đáng tin cậy và không bao giờ thay đổi.
Một điều có thể khẳng định chắc chắn là chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc và mong muốn hai nước tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=187298&catid=8