Anh Vũ, RFI
Như thông lệ, cứ vào đầu năm, nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza lại tổ chức một cuộc bình chọn trao giải Wdechy cho "Địa điểm hấp dẫn nhất trong năm trước".
Lần này, dãy quán ăn của người Việt đã được nhật báo đưa vào danh sách tranh cử với 4 tụ điểm văn hóa khác của thủ đô Vacxava.
Có điều đặc biệt là những quán ăn này không phải là những nhà hàng sang trọng, chế biến các món đặc sản cầu kỳ, cao lương mỹ vị mà đó chỉ là một dãy hàng ăn mọc lên tự phát phục vụ nhu cầu của những người Việt buôn bán ở khu Chợ trời châu Âu nằm trong khu vực Sân vận động Mười năm ở Vacxava, nơi có rất đông người Việt Nam sinh sống bằng nghề buôn bán.
Trước đó, người Ba Lan vẫn nhìn vào khu chợ này như một khu buôn bán nhếch nhác. Có thể, người Ba Lan đến đây để mua bán vài thứ vật dụng cần thiết, nhưng ít ai để ý hay bước chân vào để thưởng thức các món ăn trong dãy hàng quán ăn, cũng tuềnh toàng chẳng kém gì cái khung cảnh chung của khu chợ.
Thế nhưng chỉ trong thời gian vài ba năm trở lại đây, những hàng quán với các món ăn bình dân của người Việt như phở, bún chả, bún bò hay nem, bánh cuốn, cơm rang…. bỗng dưng thu hút rất đông thực khách người Ba Lan đến thưởng thức. Không biết có phải do tiếng lành đồn xa về hương vị các món ăn thông thường của người Việt, hay cung cách phục vụ của các hàng quán mà khách ăn người Ba Lan nườm nượp rủ nhau đến ăn ở khu chợ này.
Dần dà, dãy hàng quán bình dân đó đã trở thành một tụ điểm quen thuộc của người dân thủ đô Vacxava. Theo như lời kể của chị Tô Vân Anh, một nhà nghiên cứu xã hội học tại Vacxava, khách của dãy hàng quán bình dân giờ đây đa phần là thanh niên đủ mọi giới và quốc tịch khác nhau, họ đến không chỉ để thưởng thức các món ăn Việt mà còn để gặp gỡ giao lưu với nhau về những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Các hoạt động đó đã thu hút được giới truyền thông Ba Lan và người ta đã không ngần ngại đánh giá nơi đay như là một địa điểm sinh họat có nhiều tính văn hóa. Chính vì thế đó là lý do để tờ nhật báo Gazeta Wyborcza đưa dãy hàng quán mà như tờ báo này mô tả là : "Trông tầm thường, mái che mảnh mai đan nhau, thế nhưng cả châu Âu không đâu có quán thứ hai như vậy" vào danh sách đề cử để tranh giải Wdechy cho mục "Địa điểm của năm 2009". Cũng xin lưu ý là 4 đối thủ "cạnh tranh" với các quán Việt là những địa điểm giải trí, văn hóa nổi tiếng khác ở thủ đô Vacxava.
Mùng 6 tháng hai tới sẽ có kết quả của cuộc dinh chọn thế nhưng riêng việc được đề cử để trở thành một ấn tượng nhất của một thủ đô cổ kính và giàu chất văn hóa như Vacxava thì cũng đã là một tin tốt lành, tạo điều kiện cho cộng đồng người iệt ở đây hòa nhập tốt hơn vào đời sống hàng ngày ở Ba Lan.
Có thể trích ra đây một đọan trích trong bài viết về khu quán ăn giữa chợ của tờ Gazeta Wyborcza với tựa đề "Ăn quán Việt đã trở thành quen lệ". Tờ báo này viết :
"Mới vài năm trước thôi, chỉ có độc người Việt buôn bán trên Sân vận động ăn tại các quán này. Ngày nay, các quán chật cứng dân thủ đô thèm của lạ. Tất cả là nhờ công của Lê Tuấn Nam, một thanh niên Việt Nam trẻ tuổi, được mệnh danh là người phụng sự quan hệ Ba lan Việt Nam nhiều hơn cả hai tòa đại sứ gộp lại.
Mấy năm trước, Lê Tuấn Nam tổ chức các cuộc dạo chơi bán chính thức cho bạn bè mình thăm Chợ Trời rồi dừng chân điểm cuối tại quán Việt Nam… Thế rồi nửa thủ đô đồn ầm lên về quán ăn Việt trên Sân vận động. Tụ họp bạn bè quanh món mì vằn thắn và nem Sài gòn nhân cua đã trở thành quen lệ với họ".
Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện qua điện thọai với Lê Tuấn Nam, anh đã kể về việc đưa bạn bè người Ba Lan tới đây khám phá ra các món ăn dân dã của Việt Nam.
Có điều là tháng sáu tới đây, khu Chợ trời cùng với những quán hàng ăn sẽ bị giải tỏa để nâng cấp Sân vận động 10 năm phục vụ cho giải bóng đá Euro 2012. Sẽ có không ít người tiếc, nhưng như người ta vẫn thường nói "hữu xạ tự nhiên hương", ở đâu thì quán Việt cũng sẽ được bạn bè tìm đến, chỉ miễn sao mình dành cho bạn sự đón tiếp chân tình, cởi mở mà thôi.