Donnerstag, 4. Februar 2010

Vấn đề nô lệ xưa và nay - Thân phận phụ nữ Việt Nam

Nguyễn Quý Đại

Lịch sử nô lệ

Lịch sử về nô lệ có trước thời trung cổ, đầu tiên ở đảo Sizilien miền Nam Ý (136-132 trước Công nguyên) nô lệ trao đổi với Đế Quốc La Mã có các danh từ “Eunus, Antiochos“…. Những cuộc chiến đẩm máu trong lịch sử thế giới thường xảy ra. Phe chiến thắng chiếm đoạt tài sản và sinh mạng kẻ bại trận, kể cả đàn bà, trẻ em đều bị bắt làm nô lệ. Giới quý tộc bỏ tiền mua người nghèo về phục vụ. Cách đây hơn 100 năm ở Việt Nam những Điạ chủ giàu có, muốn bảo vệ gia trang, mua hay mướn những người Thượng phục vụ, gác nhà….

Tác phẩm "Geschichte der Sklaverei" / History of Slave (Lịch sử nô lệ) tác giả Susanne Everett mô tả cuộc đời người nô lệ thời Trung cổ, từ Á sang Âu đã có phong trào mua bán nô lệ, các dịch vụ chở nô lệ bằng tàu buồm hay áp giải vượt sa mạc Sahara. Trung Hoa có hàng triệu cô gái bị bán làm nô lệ.

Giáo chủ Hồi Giáo Mohammed (570-†632) cầm đầu giáo quyền năm 630 đánh chiếm Mecca. Những người chống đối (Do Thái giáo, Thiên chúa giáo) đều bị tiêu diệt, hàng ngàn đàn ông bị chém đầu, đàn bà bị bắt bán làm nô lệ! Trận chiến thành Troy, Hy lạp (Greeks) xua quân đánh chiếm thành Troy cuả Thổ Nhĩ Kỳ tiếp thu chiến lợi phẩm và bắt những người đẹp như: Briseis, Tecmessa và Chryseis…

Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) từng có chợ nô lệ Sandal Bedesten, tiểu vương Mehmet xây cất từ năm 1461 tại Istanbul. Chợ nô lệ người Hoà Lan tổ chức ở New Amsterdam (ngày nay là New York). Những thương thuyền lớn người Anh, Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha mua người da đen, thổ dân ở Phi Châu (Neger) làm nô lệ, vì giống người nầy đời sống kém văn minh nhưng có sức mạnh.

Thị trường mua bán thời đó phần lớn ở Hoa Kỳ cần người làm việc tại các đồn điền, nông trại, trồng miá, hái bông vải, kéo xe, đào mỏ… Thương thuyền Âu Châu chở vũ khí, máy móc, rượu, hàng hoá biến chế rẻ tiền bán cho Phi Châu, và ngược lại mua “người“ từ Phi Châu bán cho Hoa Kỳ, và mua của Hoa Kỳ nguyên liệu hàng hóa, bông vải, đường, caffe …

Kiếp người nô lệ khổ đau, bị cưỡng ép lao động như trâu bò kéo cày, bị đánh đập, hành hạ, nếu chống lại chủ thì bị xiềng xích, đóng gông. Người bỏ tiền mua nô lệ dùng thỏi thép nung đỏ, đóng dấu trên lưng họ để nhận dạng nếu bỏ trốn.

Đức giáo Hoàng Greogor I (540-†604) đã từng kêu gọi Thế giới ngưng mua bán nô lệ, phải tôn trọng phẩm giá con người mà Thượng Đế đã tạo dựng, không phân biệt màu da sắc tộc… dù Đức Giáo Hoàng kêu gọi nhưng chưa đánh động được lương tâm của thế giới vì con người đầy tham vọng và quyền lực. Từ Thế kỷ 16 đến Thế kỷ 18 hơn 15 triệu người Phi Châu bị bắt bán làm nô lệ, dù ông William Lloyd Garrion từng đứng lên đòi giải phóng cho người da đen. Hiệp Hội chống lại chế độ nô lệ “Anti Slavery Society“ trên báo (The Genius of Universal Emancipation) đấu tranh giải phóng nô lệ.

Thế Kỷ thứ 18 đế quốc Anh chiến thắng Tây Ban Nha, Hiệp Ước Asiento năm 1713 Anh Quốc độc quyền mua bán nô lệ, mỗi năm 5,000 người ở Trung và Bắc Mỹ là các nước thuộc điạ của Tây Ban Nha.

Chấm dứt nô lệ ở Âu Châu

Trải qua những biến đổi lịch sử từ 01.01.1807 Anh Quốc cấm mua bán nô lệ, nếu thương thuyền vi phạm bị phạt tiền vạ 100 Bảng Anh và bỏ tù. Đại Hội Quốc Tế ở Wien / Vienna 1815 (Áo) các quốc gia phải bỏ chế độ nô lệ: Bồ Đồ Nha / Portugal năm 1817, Pháp và Hòa lan năm 1818. Ba Tây / Brasilien 1826 được độc lập và chấm dứt nô lệ. Ở Âu Châu năm 1820 việc buôn bán nô lệ cáo chung. Hiến pháp Đức ghi đìều 1 đoạn 1 “nhân phẩm con ngưòi bất khả xâm phạm“. Chỉ còn ở Hoa Kỳ kéo dài một thời gian, nội chiến Hoa Kỳ máu của những người nô lệ đổ nhiều và từ đó chế độ nô lệ cũng được giải phóng ở nhiều tiểu bang.

Năm 1860 Abraham Lincoln (1809 -†1865), được bầu làm Tổng Thống thứ 16 Hoa Kỳ, từ năm 1862 người nô lệ được giải phóng ở các thành phố phiá Đông, đến năm 1867 theo điều 13 Hiến Pháp Hoa Kỳ từ ngày 18.12.1865 chấm đứt chế độ nô lệ. Tổng thống Lincoln từng nói: “Vì không muốn làm một kẻ nô lệ nên tôi cũng sẽ không làm chủ nô lệ. Điều này diễn đạt ý tưởng của tôi về Dân Chủ. Bất cứ điều gì khác hơn thế, dù khác ít hay khác nhiều, đều chẳng phải là dân chủ.” Lần đầu tại New Orleans người nô lệ được tham gia bỏ phiếu. Năm 1965 mục sư Tin lành Martin Luther King (1929 -†1968) người nhận giải Nobel hòa bình năm 1964. tiếp tục đấu tranh cho sự bình đẳng của người da đen ở các tiểu bang Montgomery, Alabana …

Thời đại văn minh tiến bộ, chế độ nô lệ không còn phổ biến như xưa, Quyền lực không còn là phương tiện tuyệt đối bắt người làm nô lệ, nhưng thế lực đồng tiền vẫn là phương tiện vô biên cho đến nay. Dựa trên một số tài liệu, thì việc buôn người là một kỷ nghệ trị giá lên đến 40 tỉ đô la? Chợ nô lệ được trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, bọn gian thương khai thác triệt để, là món hàng không vốn, đắc giá nhất bởi vậy nạn buôn người và nô lệ vẫn tồn tại ở thế kỷ thứ 21.

Công Ước Genève ngày 25.09.1926 về việc ngăn cấm, phòng ngừa và trừng phạt mọi hình thức mua bán nô lệ. Từ trước đến nay thế giới đã có hàng chục Công ước, Hiệp định bổ túc cấm nạn mua bán, khai thác nô lệ trong các lãnh vực cưỡng bức trẻ em lao động, mại dâm vv… Thời đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật Bản đã bắt đàn bà Đại Hàn làm nô lệ sinh lý. Mặc dù chính phủ Nhật đã xin lỗi Đại Hàn, nhưng vết mực đen đau thương cho thân phận đàn bà Đại Hàn còn sống sót khó có thể phôi pha.

Theo tổ chức Quốc Tế Di Dân trụ sở tại Genève cho biết hàng năm có khoảng từ 250.000 đến 300.000 trẻ em đàn bà từ khối Sô Viết bị bán qua các nước Tây Âu. Quỹ Bảo Trợ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổng kết hàng năm trên thế giới đến 2 triệu trẻ em bị mua bán về tình dục, riêng các nước Á Châu (Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái lan và Việt Nam) người Việt chiếm một phân nửa? buôn bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ cho ngành mại dâm dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu muốn hạn chế, kiểm soát chặt chẻ ngăn chận buôn bán người, phải cần sự hợp tác của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nô lệ mới

Việt Nam trải qua nhiều khổ đau vì chiến tranh tàn phá. Năm 1945 gần triệu người miền Bắc chết đói, nhưng không có người Việt nào rời bỏ quê hương. Năm 1975 người ta vui mừng thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh đem lại thanh bình cho dân tộc. Niềm vui chưa trọn hàng trăm ngàn quan chức chế độ VNCH bị bắt tập trung cải tạo, những năm dài trên cao nguyên núi rừng từ Nam ra Bắc, đời sống trong các trại cải tạo đọa đày giống như người dưới thời nô lệ! Những tù nhân chính trị may mắn còn sống, từ năm 1990 được chính phủ Hoa Kỳ nhận qua chương trình H.O. (Humanitarian Operations), “tù nhân nô lệ” được giải phóng. Tổng Thống Lyndon Bainer Johnson (1908-†1973) năm 1965 nhắc lại thời kỳ còn nô lệ ở Hoa Kỳ “tự do chưa đủ… vết thương nô lệ từ trăm năm qua chưa thể lành được..“

Hòa bình hơn 3 thập niên, tưởng đất nước yên vui “đổi mới“ kinh tế phát triển thì xã hội phải văn minh, tốt đẹp hơn, nhưng nhìn lại thân phận đàn bà Việt Nam trở thành món hàng giải trí rẻ tiền cho thiên hạ. Dù với hình thức kết hôn, nhưng thực tế đàn bà VN bị bán cho những đàn ông ngoại quốc dốt nát, ít học, bệnh hoạn… nhiều bài báo đã viết về trường hợp nầy. Những đàn ông ở xứ họ không thể tìm ra vợ hoặc muốn tìm người giúp việc nên họ để dành tiền, vàng sang Việt Nam tìm đàn bà. Xã hội Trung Hoa còn ảnh hưởng phong kiến trọng Nam hơn Nữ, sinh con gái họ đã vức ra đường như con vật chả ai để ý tới (tuần báo Stern của Đức đã lên án và chụp hình hài nhi là con gái bị bỏ bên đường), gây ra nạn trai thừa gái thiếu, nên họ đổ xô đi tìm vợ VN

Thân phận đàn bà Việt Nam

Trường hợp rao bán phụ nữ Việt Nam trên Internet của ebay Taiwan gây dư luận về việc buôn người bất hợp pháp vi phạm nhân quyền, phẩm giá phụ nữ Việt Nam bị tổn thương. Tin này gây dư luận ở Đài Loan. Các Hội Nữ Quyền ở Mỹ, Úc và người Việt Nam tị nạn đều phản đối, nhưng Hội Phụ Nữ Việt Nam ở quốc nội vẫn im lặng?

Gia đình và xã Hội

Sài Gòn hiện nay là thành phố đông dân hơn 8 triệu người. Dù số thống kê chưa chính xác, nhưng người ta ước tính trong số 8 triệu người Sài Gòn có hơn 1 triệu người từ các vùng quê nghèo đến Sài Gòn mưu sinh. Trong số dân nhập cư này, đa phần là phụ nữ, họ vào Sài Gòn với giấc mơ đổi đời, nhiều người mưu sinh bằng những việc lương thiện, đánh đổi mồ hôi để kiếm ăn hàng ngày, cũng nhiều người bị đưa đẩy vào đường tội lỗi. Những tệ hại và khốn nạn với dịch vụ “chợ buôn người“ dưới dạng “lấy chồng ngoại quốc“. Ở Singapore mấy thiếu nữ Việt Nam ngồi trong những phòng kính để khách qua lại lựa chọn như một món hàng ở khu thương mãi.

Thân phận gái quê lên thành phố cũng nhiều đắng cay, vì nhẹ dạ bị dụ dỗ bán qua biên giới Trung Hoa, Campuchia, Lào, Thái… để làm việc. Nhưng thực tế phần lớn họ bị lừa, buộc nạn nhân phải làm việc trong các động mại dâm. Đời sống lặng lẽ như những chiếc bóng, những chiếc bóng chờ một ngày trôi qua khi màn đêm buông xuống ra đường sống kiếp phù du…

Hơn 100 ngàn phụ nữ Việt nam làm dâu xứ người, có bao nhiêu người hạnh phúc? ngôn ngữ phong tục là bức tường ngăn cách! nhiều cô bị bỏ đói, đánh đập, phục vụ sinh lý cho cả gia đình, sống bơ vơ xứ người phải bán mình như nàng Kiều! làm việc nhà từ sáng đến tối như người nô lệ. Chúng ta phải chạnh lòng và tủi nhục cho thân phận đàn bà Việt Nam xấu số, mời theo dõi phóng sự tại Đài loan:

http://www.youtube.com/watch?v=dV94AMrlA5w&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=Cs3J8WNKdOg

Một số phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc đã tự tử, hoặc bị đánh tới chết mà nhiều vụ được kể trên báo chí đã gây xúc động cho dư luận mấy năm qua. Theo một bản tin của báo Anh ngữ Korea Herald ngày 23 tháng 12 năm 2009, chỉ kể từ tháng 11, 2006 là thời gian cơ quan này được thành lập cho đến hết tháng 10, 2009 tin trên tường thuật, 40.4% các người gọi cầu cứu là phụ nữ Việt Nam (28,417 lần gọi). Các quốc gia trên thế giới xuất cảng máy móc, hàng hoá… Sau năm 1975 nhà cầm quyền Việt nam “xuất khẩu lao động“ sang các nước thuộc khối Xã Hội Chủ Nghiã Đông Âu để trả nợ chiến tranh. Nhưng chủ trương đó đến nay không ngừng mà còn tiếp tục xuất cảng người ra các vùng Đông Nam Á như Đại Hàn, Mã Lai, Nhật Bản, Singapore, Hồng kông, Nam Dương và cả các nước Á Rập…

Việt nam với tài nguyên giàu có “rừng vàng bể bạc“, không thiếu nhân tài, giới trẻ góp sức phát triển xây dựng một nước hùng mạnh, phú cường, không thua gì Nhật hay Đại Hàn, nhưng tiếc thay nhà nước không chú trọng đến việc khai thác nhân tài. Người Việt phải đi lao động xứ người thật khổ, làm những việc mà người bản xứ chê, bị kỳ thị, cô lập, đánh đập, trường hợp một số người lao động tại Mã Lai gặp khó khăn, không rành ngoại ngữ, họ lảnh lương không đúng hợp đồng, lý do là phía Việt Nam xuất khẩu lao động chỉ tìm cách đưa nhiều người sang để kiếm tiền, mà không chú ý tới các điều kiện lao động Theo Cục quản lý Lao động ngoài nước của CSVN, hiện có hơn 500 ngàn người Việt đang lao động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Ở một số nước mới có người Việt lao động bắt đầu từ năm 2005 như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn và Mã Lai thì ngoại tệ chủ yếu tập trung chuyển về những khu vực nông thôn. Đây là những thị trường “xuất cảng lao động” lớn của VN. Năm 2010 sẽ có đến 85.000 người chính thức đi lao động… Tâm sự của một công nhân làm việc ở Malaysia:

“Do là các công ty của mình ở nhà, cứ đưa đẩy người sang để mà lấy phần trăm, cứ đưa người sang ào ào nhưng công việc lại chẳng đâu vào đâu cả. Bức tranh lộn xộn về lao động xuất khẩu Việt Nam, không chỉ tại Malaysia mà còn ở nhiều nước khác, cho thấy sự phối hợp và quản lý của các cơ quan chủ quản là rất yếu, nếu không muốn nói tới tình trạng đem con bỏ chợ. Thế cho nên những người lao động Việt Nam, vỡ mộng làm giàu nơi xứ người, giờ đây không biết bấu víu vào đâu. … „

Ngoại tệ chuyển về VN hàng năm tăng liên tục và tăng rõ rệt trong 10 năm qua. Năm 2000 được 1 tỷ USD, năm 2001 tăng lên 1.5 tỷ USD, năm 2002 lên hơn 2 tỷ USD, năm 2003 2.6 tỷ USD, năm 2004 3.8 tỷ USD, năm 2005 lên gần 4 tỷ USD, năm 2006 nhảy vọt lên 5.2 tỷ USD, năm 2007 lên trên 6 tỷ USD và năm 2008 đạt kỷ lục 7.2 tỷ USD. cuối tháng 12 năm 2009 lượng kiều hối chuyển về VN chỉ được 6.283 tỉ USD, giảm 12,8% so với năm 2008.

Nhìn lại 19 năm qua, từ khi những đồng tiền đầu tiên của Việt kiều được gửi về VN qua đường chính thức kể từ năm 1991, đến nay con số này đã vượt quá 30 tỷ USD chiếm hơn 70% số vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài (FDI – Foreign Direct Investment) tính từ năm 1988 và cao gấp rưỡi nguồn vốn Viện Trợ Phát Triển Kinh Tế (ODA – Official Development Assistance) được giải ngân từ năm 1993. (Năm hết Tết đến tính sổ kiều hối với CSVN – Trần Việt Trình)

Đời sống Việt nam ngày nay đua theo vật chất, nguời có quyền lực thì giàu sang, các đại gia, công tử tiền tiêu không hết thành phố Hà Nội, Saigon không thiếu các loại xe đắt giá nhất thế giới như: Rolls Royce, Mercedes, BMW… người nghèo thì nghèo tận cùng xã hội, nghèo rớt mồng tơi! Thế hệ trẻ không nhìn thấy tương lại, nhiều gia đình muốn con mình ra nước ngoài làm việc, mong thu nhập cao hơn để giúp gia đình theo kinh tế thị trường… Bọn buôn người nhờ thế lực bao che, tổ chức đưa người ra nước ngoàì.

Tại các nước Đông Âu (trước kia thuộc khối xã hội chủ nghiã) đã từ bỏ thiên đường cộng sản, nhưng lề lối làm việc còn ảnh hưởng dưới thời cộng sản, kẻ hở luật pháp chưa được tôn trọng, nhiều đường giây buôn người. Nhiều người ở quê nhà tưởng sang xứ người dễ làm giàu, nhờ bản tính cần mẫn siêng năng! bán tài sản ruộng vườn để đủ tiền nợp cho các dịch vụ ra nước ngoài làm việc, đến Nga và từ đó sang Ba lan, Tiệp Khắc… hy vọng tìm đời sống như ước mơ. Đến nơi những gì hưá hẹn trở thành hư ảo, đứng trước hoàn cảnh nan giải tiến thối lưỡng nan, bị đem con bỏ chợ “hết xôi rồi việc“ tiền đã bỏ tuí bọn buôn người lẫn trốn… Nhiều người bơ vơ không giấy tờ hợp pháp phải sống chui rúc làm đủ các thứ việc, đồng lương bị bóc lột, trở thành nô lệ kêu trời không thấu. Mùa đông ở Âu Châu giá lạnh nhưng ở cảng Calais các khu rừng Téteghem, Grande Synthe, Angres bên Pháp có nhiều người Việt Nam sống bất hợp pháp chịu cảnh đói khổ mong tìm một nơi nương tựa có việc làm gởi tiền về trả nợ bên quê nhà ….

Theo loạt bài phóng sự “người rừng“ của ông Huỳnh Tân: "... Mùa đông năm nay khá lạnh đôi khi nhiệt độ -20 độ C. Chúng ta phải thông cảm nỗi khổ của những người lẫn trốn trong rừng vì đói lạnh, thiếu vệ sinh lo sợ bị ức hiếp … Họ là nạn nhân bị các tổ chức buôn người hứa hẹn tìm kiếm công ăn việc làm, với lương cao 5000€ hàng tháng, (chú thích: tiền lương nầy chỉ những người tốt nghiệp đại học làm lâu năm chưa trừ thuế, lao động VN không rành ngôn ngữ, không nghề nghiệp không có giấy phép làm việc, nếu người ta thuê làm lậu thuế tốt bụng lắm họ trả tối đa 5€ một giờ). Những người sống ở các khu rừng biên giới Pháp, chờ cơ hội để nhảy xe tải sang Anh tìm việc! Sau cơn khủng hoảng kinh tế không riêng gì ở Anh mà các quốc gia khác cũng không tránh được nạn thất nghiệp gia tăng. Nếu may mắn vào được nước Anh không phải dễ tìm được việc làm hợp pháp! Tương lai là những ngày dài đen tối, tâm sự của “người rừng“ được gởi gắm qua những dòng thơ buồn man mác, đọc hết bài thơ dài tôi không thể cầm được nước mắt:

Anh ra đi gánh nợ em mang
Lúc chia tay anh qúa vội vàng
Không cùng em tâm sự lời sau trước
Và nơi đây anh sống xa đất nước
Nỡ lòng nào không thương vợ nhớ con
Muốn quay về nhưng cách trở núi non
Đường xa lắm em ơi xa ngàn dặm………"

Thơ trích từ : “Người Việt chui lủi giữa rừng nước Pháp”của nhà báo Võ Trung Dung tại Paris.

Họ là nạn nhân có thể chết đói, chết lạnh giữa xã hội văn minh dư thừa vật chất!

Người Việt ở Campuchia

Nội chiến Kampuchia năm 1975, Khmer đỏ do Pol Pot lãnh đạo (thân Trung Quốc) chiến thắng, giết hàng triệu người vô tội phơi xương trắng ruộng đồng. Năm 1979 chính quyến CSVN đưa quân đội giúp Heng Samrin chống lại Pol Pot & đóng quân cho đến 1989. Trong thời gian trên nhiều người Việt được sự bảo trợ của quân đội sang lập nghiệp, tại Phnom Penh và các thành phố, làng mạc khác. Ngày nay nhiều du khách Tây Phương đến thăm Angkor kỳ quan thế giới tráng lệ. Xứ Chùa Tháp nhưng đời sống hổn độn, đạo đức suy đồi, ở đâu cũng có quán bia ôm, những động mại dâm ở Svay Pak là những em gái vị thành niên phần lớn người Việt Nam đến từ các tỉnh phiá nam. Tệ nạn mại dâm do tổ chức buôn người về vùng quê Việt Nam dụ dỗ con gái nhà nghèo sang Campuchia làm việc có nhiều tiền hơn, đến nơi bị bán trinh cho người Tàu và buộc làm việc tiếp khách mua vui, công việc kinh tởm, không đạo đức vi phạm nhân quyền. Trường hợp cô Sina Vann tên thật là Nguyễn Thị Bích, quê ở Cần Thơ. Năm mười ba tuổi, Nguyễn Thị Bích bị một bà hàng xóm gạt dẫn sang Kampuchia, bán vào động mãi dâm. Cô được tổ chức Somaly Mam Foundation cứu thoát… Tháng Mười năm 2009, Sina Vann đến Hoa Kỳ để nhận giải thưởng Frederick Douglas vì nổ lực tự phục hồi bản thân và quyết tâm chống nạn buôn người mà cô từng là nạn nhân.

Đần năm 2010 hãng AAP (Australian Assciated Press) cho biết tổ chức The Grey Mann trụ sở ở Brisbane đã cứu thoát được 2 em bé Việt Nam bị bắt làm nô lệ tình dục, không biết còn bao nhiêu trẻ em đang phải sống kiếp người nô lệ của điạ ngục trần gian. Chúng ta nếu có dịp trở về thăm Singapore, Indonesia, Malaysia phải chạnh lòng ngao ngán thấy những cô gái Việt Nam trẻ đẹp ăn mặc hở hang đứng đường làm nghề buôn hương bán phấn. Họ đến đây trong những hoàn cảnh khác nhau, tìm chồng ngoại quốc vì hoàn cảnh gia đình… nhiều cô tuổi vị thành niên bị bọn buôn người lừa dối, hứa hẹn giúp cho đi học nghề, nhưng thật ra đến nơi bị khống chế bởi bọn má mì và du đảng ép buộc làm nghề “đi khách“.

Nhìn lại lịch sử Việt nam qua các Triều đại các đấng nữ nhi như hai chị em Bà Trưng bà Triệu, Cô Giang, Cô Bắc đã làm vang danh lịch sử giống nòi. Ngày nay đàn bà Việt Nam phải bán thân khắp nơi làm nô lệ! Trẻ thơ Việt Nam bị đọa đày, ai là người quan tâm khi đang còn mãi mê, sa đoạ, vơ vét cho đầy túi tham hãy thức tỉnh nhân tâm giải phóng cho tuổi thơ Việt Nam! chấm dứt vi phạm nhân quyền… cựu Tổng thống George.W. Bush đã tuyên bố:

“Chúng ta phải chứng tỏ sức mạnh mới trong việc chống lại một tệ nạn cũ. Gần 2 thế kỷ sau khi dẹp bỏ nạn mua bán nô lệ, và hơn một thế kỷ sau khi chế độ nô lệ bị chính thức khai tử ở các cứ địa cuối cùng của nó, không thể để cho nạn mua bán người vì bất cứ mục đích nào nẩy nở trong thời đại của chúng ta”.

Là người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng như trong nước, chúng ta phải làm gì cho một dân tộc sớm thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu? chấm dứt trình trạng buôn người “nô lệ”.

Năm mới Canh Dần hy vọng ánh sáng đến đẩy lui bóng tối đang bao phủ quê hương nước Việt.

Tài liệu tham khảo:
"Geschichte der Sklaverei", tác giả Susanne Evertt, NxB Bechtermünz