Đỗ Hiếu, RFA
2010-04-25 - Những chiến binh thuộc hai Miền Nam-Bắc, những người đã từng là đối thủ, kẻ thù của nhau trong suốt cuộc chiến, 35 năm sau họ nói gì?
Biến cố 34-4-1975 được xem là “một sự đổi đời” khiến hàng triệu người phải vượt thoát tìm tự do, trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông. Hàng triệu người khác bị cầm tù, bị xua đuổi khỏi thành thị, bị bần cùng hóa, bị tước đoạt quyền sống.
Đáp lời mời của Ban Việt Ngữ, hai cựu sĩ quan Không Quân và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, một cựu sĩ quan Quân Đội Nhân Dân và một cựu đảng viên Cộng Sản từng được cử du học Đông Âu, trình bày những suy nghĩ của mình đối với hiện tình đất nước, sau khi đã dứt tiếng súng từ 35 năm qua; hòa bình được vãn hồi, kinh tế đang phát triển, xã hội ổn định, tuy nhiên người dân Việt cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, được chính những chiến binh của hai miền Nam-Bắc nêu lên với RFA.
Tự do, dân chủ, độc lập?
Một quân nhân Không Quân miền Nam có gần 25 năm thâm niên công vụ, cựu tù nhân cải tạo với 7 năm tù, từ California, ông Nguyễn Thanh Liêm phân tích về tình hình đất nước:
“Về mặt chủ quyền: Giáp ranh biên giới Ải Nam Quan, Thác Bản Dốc và các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều bị Trung Quốc cướp mất. Trên Internet tố cáo Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận hối lộ trên trăm triệu đô la cho Trung Quốc khai thác Bô Xít tại Cao Nguyên.
Về mặt xã hội: Việt Nam đàn áp một cách khốc liệt các nhà tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, luôn cả các nhà tu hành đòi tự do tôn giáo, bắt cầm tù và tra tấn trong các nhà giam. Chưa có một chính phủ nào, luôn cả thời thực dân đế quốc đô hộ, cũng chưa bằng thời nay do cộng sản cai trị; không có luật pháp, chỉ có luật rừng do họ dựng nên để đè đầu người dân Việt Nam.
Cộng sản Việt Nam cho xuất khẩu lao động đem dân đi làm nô lệ cho quốc tế, hạ nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam, buôn bán phụ nữ làm vợ cho người Đài Loan, Đại Hàn, và có nhiều người phải làm vợ cho cả gia đình cha con và anh em. Trẻ em 8, 10 tuổi thì đưa sang Campuchia cho vào các động mãi dâm làm gái với khách thập phương.
Về giai cấp: Số đông dân chúng quá nghèo, thành phần giai cấp lãnh đạo thì quá giàu, một bữa tiệc gần cả trăm ngàn đô la, một chai rượu ngoại cả ngàn đô, nhà cao cửa rộng, như nhà của cựu Tổng Bí Thư Lê khả Phiêu đã phô bày trên Internet.
Lời nói của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” là một câu nói bất hủ muôn đời! Cộng Sản miền Bắc xâm lăng miền Nam, không xem dân miền Nam là tình ruột thịt anh em mà đối đãi như kẻ thù cần tiêu diệt. Đảng cộng sản phải giải tán, để cho nhân dân Việt Nam tự do bầu lấy một chính quyền do Dân, phục vụ Dân và lập quyền Dân.”
Thất vọng
Kế đó, một cựu sĩ quan Quân Đội Nhân Dân, nhiều năm chiến đấu ngoài mặt trận từng chứng kiến bao đồng đội gục ngã, hy sinh máu xương để thực hiện chiêu bài “Giải Phóng Miền Nam” do Hà Nội chủ trương, ông Vũ Cao Quận nói lên niềm tâm sự của mình, được gói gọn qua hai chữ “thất vọng”:
“Tôi lúc này như ngọn nến mong manh trước gió, tắt lúc nào chưa biết, những lời nói của tôi là điều tôi nói thật. Cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam đối với tôi, khi sắp sửa ra đi với các cụ rồi, tôi chỉ đau lòng là cuộc chiến đấu đó là “nồi da xáo thịt”, hai anh em xông vào bắn giết lẫn nhau. Một bên là người Mỹ cho kẹo cao su với khẩu AR 15, một bên là Tàu với Liên Xô cho một gói lương khô với khẩu AK 47, cứ thế mà hai thằng anh em ruột, cùng máu đỏ, da vàng, cùng bà mẹ Âu Cơ sinh ra, xông vào chém giết lẫn nhau.
Chúng tôi chẳng giải phóng Miền Nam làm gì, và Miền Nam cũng chẳng cần chúng tôi giải phóng. Cái chuyện đó đã qua lâu lắm rồi mà tôi thì già yếu quá, chỉ trả lời tóm tắt thế thôi.
Tôi chỉ thấy nỗi đau là cái giá hy sinh của đồng đội tôi, và kể cả các ông nữa, tôi không biết gọi như thế nào, là những người đồng đội, hai bên cùng vì Tổ quốc của mình mà bắn giết lẫn nhau. Đến bây giờ chỉ có điều là tôi thất vọng quá, có thế thôi, tôi sắp ra đi rồi, tôi không cần gì nữa, còn tôi thất vọng vì nó rồi, đồng đội của tôi chiến đấu chết nhiều quá. Những lời hô hào của họ thì đều đẹp đẽ cả, chẳng gây cho tôi một cái hy vọng gì cả, một chút hy vọng nào cả, tôi không chờ được nữa. Thế là công lao của tôi là công cóc rồi, không chờ được cái ngày ấy nữa đâu. Nhân dân ta thì vẫn khổ quá, không hy vọng gì cả.”
Đâu rồi lợi thế 35 năm?
Với cái nhìn của một nhà phân tích thời sự, bình luận chính trị, một cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, ông Đại Dương đưa ra nhận xét của ông về chính sách của Hà Nội, trong hơn 3 thập niên qua, cùng các hậu quả được thể hiện rõ, hôm nay:
Tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản đưa đất nước vào tình cảnh mà không một người Việt Nam yêu nước nào cảm thấy hài lòng, hãnh diện vì áp dụng chính sách bất dung và chọn lầm đồng minh. Hòa bình đến, nhưng, hy vọng về đất nước thanh bình, hết hận thù để cùng chung sức phát triển đã bị chính sách bất dung làm triệt tiêu có hệ thống các yếu tố góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Sách vở như chiếc túi khôn của loài người vốn tích lũy vô số kinh nghiệm bị đảng cộng sản Việt Nam đốt sạch nhằm cắt đứt sự liên hệ giữa thế hệ trẻ với sinh lực dân tộc. Chính sách bất dung dấy lên làn sóng vượt biên, thuyền nhân từ Bắc chí Nam đã vét cạn chất xám cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước phú cường.
Do đó, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phải dựa vào đồng minh để tồn tại đã khắc sâu những vết hằn đau đớn lên cơ thể Việt Nam. Việt Nam chọn Liên Xô làm đồng minh nên cho Mạc Tư Khoa toàn quyền sử dụng hải cảng Cam Ranh từ năm 1979 đến 2004. Áp dụng chính sách hợp-tác-hóa đã dẫn dân tộc đến bờ vực nạn đói năm 1985. Việt Nam xua quân vào Xứ Chùa Tháp năm 1979 đã kích thích Bắc Kinh mở cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt vào năm 1979.
Liên Xô tan rã, Hà Nội lại muối mặt cầu cạnh Bắc Kinh nên phải làm quà bằng các Hiệp định về biên giới và Vịnh Bắc Bộ. Từ đó, Việt Nam có một mô hình kinh tế tư bản man dại thời đại Karl Marx, cộng với kiểu kinh tế thân hữu đã bị thế giới ruồng bỏ. Vì áp dụng mô hình lạc hậu nên đến năm 2009, lợi tức bình quân chỉ có 1,000 USD. Từ 1963 đến 1995, Nam Hàn đã nâng lợi tức bình quân từ 100 lên tới 10,000 USD.
Việt Nam đang từng phút, từng giờ đứng trước mối đe dọa mọi mặt của người đồng minh “môi hở răng lạnh”. Chỉ có dân tộc Việt Nam đồng lòng mới giải tỏa được chứ không thể trông chờ vào nhà nước ù lì và bất lực.”
Thực chất của chế độ cộng sản
Một cựu đảng viên cộng sản, du học tại Ba Lan rồi trở về nước phục vụ, nay sinh sống tại thủ đô Vác Sa Va, tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi giới lao động Việt Nam ở hải ngoại, ông Trần Ngọc Thành giải thích vì sao ông rời bỏ hàng ngũ đảng cộng sản Việt Nam:
“Ra đi du học tại Ba Lan tôi mới bắt đầu hiểu thực chất của chế độ cộng sản là gì, tôi có rất nhiều anh chị em trực tiếp tham gia vào quân đội, có những người đã hy sinh, có những người hiện nay là thương binh. Sau này, ngày càng tìm hiểu thì tôi thấy đó là một cuộc nồi da xáo thịt của người Việt Nam đánh nhau. Người hưởng lợi chính là đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1945 thì họ cướp chính quyền tại Miền Bắc, khi đất nước chia thành hai miền sau hiệp định Geneve, họ lại bắt đầu phát động cuộc chiến tranh gọi là giải phóng Miền Nam, thực chất là họ muốn thu quyền lực về một mối, tôi rất thất vọng về chính quyền hiện nay.
Thật ra ý đồ của Hà Nội là thâu tóm tất cả chính quyền về tay người cộng sản, nhưng phải nhìn vào thực tế của đất nước, nhìn vào hạnh phúc của nhân dân mà phấn đấu. Thật ra từ năm 1975 đến nay, những người cầm quyền chỉ chăm chú vào quyền lợi của đảng cộng sản cũng như bản thân người cầm quyền, còn người dân vẫn là nô lệ trên đất nước mình. Cái nô lệ ở đây không chỉ nói riêng về kinh tế mà trên các mặt, người dân có quyền nói, biểu hiện chính kiến, cách nhìn của mình, nhưng dưới chế độ cộng sản họ bị nô dịch tất cả các mặt. Về kinh tế thì chính quyền cho cái gì thì dân được cái nấy, như việc hợp tác hóa, rồi sau này các chính sách khác về kinh tế là ngăn sông cấm chợ, cấm buôn bán, cải tạo công thương nghiệp, chỉ để phục vụ một nhóm nhỏ trong chính quyền.
Thật ra thì tôi không trả thẻ đảng mà tôi vất thẻ đảng, vì những người làm chủ đất nước hiện nay, thực sự chỉ là tôi tớ cho một số đảng viên cao cấp. Phần lớn người lao động hiện nay xuất thân từ nông thôn hay thành thị, từ trước tới nay bị phân biệt đối xử, về cả kinh tế lẫn mặt chính trị. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản, thay đổi chính trị tại Đông Âu là điều cần phải thay đổi để làm cho đất nước đi lên. Tôi thấy rằng, mục tiêu của chúng ta hiện nay là làm sao cho đại bộ phận người Việt Nam được no ấm.”
Qua những góp ý của các cựu chiến binh của hai miền Nam Bắc thì 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc Việt Nam vẫn chưa thực hiện được chủ trương “độc lập, tự do, hạnh phúc” được ghi trên quốc uy của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cũng là mục tiêu do đảng cộng sản đề ra, từ khi lên nắm chánh quyền hồi năm 1945.
35 năm sau khi hòa bình được vãn hồi, mặc dù được Hà Nội đã được kết nạp vào WTO, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhưng công luận vẫn cho là Việt Nam thiếu tự do, dân chủ, không có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, không có nhân quyền và nằm trong danh sách những quốc gia có thu nhập thấp kém trên thế giới và trong khu vực Châu Á.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Different-points-of-views-from-veterans-of-the-two-opposite-camps-before-1975-dhieu-04252010115617.html