Samstag, 17. April 2010
Pakistan: Sửa Hiến pháp để chống tham nhũng
17/04/2010 - Quốc hội Pakistan đã thông qua việc sửa đổi một số điều trong Hiến pháp nhằm làm giảm nguy cơ tham nhũng phát sinh từ việc lạm dụng quyền hành của giới lãnh đạo. Quốc hội nước này cho biết, kể từ sau khi chuyển từ chế độ Tổng thống quân sự sang Tổng thống dân sự đến nay, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều cấp độ, gần đây nhất là cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống.
Chính vì thế, việc sửa đổi lần này nhằm hạn chế bớt quyền lực của giới lãnh đạo cao nhất, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ.
Quốc hội Pakistan đã thống nhất với đa số phiếu, quyết định sửa đổi Điều 18 trong Hiến pháp. Theo đó, sẽ cắt giảm đến mức tối đa quyền lực của người đứng đầu Nhà nước. Khi quyền lực bị hạn chế, không tập trung quá nhiều trong tay người đứng đầu, các nghị sĩ hy vọng sẽ ngăn chặn được phần nào những vụ nhận “tiền lại quả” vốn đã và đang xảy ra rất nhiều trong đời sống chính trị của Pakistan.
Việc sửa đổi Điều 18 trong Hiến pháp cũng cho phép sự can dự của hệ thống nghị viện trong giám sát quá trình điều hành đất nước của người đứng đầu. Các nghị sĩ đều cho rằng, việc này sẽ giúp làm trong sạch “dòng chảy chính trị” trên chính trường Pakistan. Tuy nhiên, vẫn có người hoài nghi về việc sửa đổi Hiến pháp này có đủ để làm trong sạch “tất cả các dòng chảy chính trị”, bởi tham nhũng, nhận hối lộ không chỉ diễn ra ở cấp cao nhất, mà nó diễn ra ở nhiều cấp khác nhau, từ T.Ư đến địa phương, mà những vụ xét xử liên quan đến tham nhũng trong thời gian qua là một minh chứng.
Một nghị sĩ trong Quốc hội Pakistan, sau khi bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp, đã nhận định: “Chắc chắn việc sửa đổi này sẽ phần nào dập tắt những cơ hội mong manh có thể được thừa hưởng từ sự ưu đãi đặc biệt trong mối liên quan chính trị - kinh tế”. Mặt khác, nghị sĩ này cũng khẳng định, việc sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn sẽ không làm giảm được lạm phát cũng như không giúp nền kinh tế Pakistan ổn định hơn. Vì thế, đòi hỏi phải có những biện pháp khắc phục khác, thông qua các chính sách vĩ mô kích thích nền kinh tế phát triển vững chắc.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào việc siết chặt quản lý để phòng, chống tham nhũng, nhận hối lộ, đặc biệt sau việc Tổng thống Asif Ali Zardari mới đây bị cáo buộc đã nhận những khoản tiền “lại quả” từ các hợp đồng công ích trong khoảng thời gian từ 1988 - 1990 (thời kỳ vợ của ông, bà Benazir Bhutto đang làm Thủ tướng). Kết quả điều tra cho thấy, số tiền này đã được vợ chồng ông Zardari chuyển vào cất giữ tại một tài khoản bí mật ở Thuỵ Sĩ. Chính vì thế, để phục vụ cho công tác điều tra, Toà án Tối cao Pakistan đã đề nghị ngành Tư pháp Thuỵ Sĩ trợ giúp điều tra vụ việc, đồng thời nhấn mạnh, nếu vụ việc không được giải quyết dứt điểm, hệ thống chính trị ở Pakistan sẽ rất khó ổn định, tội phạm tham nhũng sẽ rất khó mà bị tiêu diệt tận gốc.
Mặt khác, việc sửa đổi Điều 18 trong Hiến pháp lần này được coi là rất thiết thực, kết thúc kỷ nguyên “tập trung quyền lực trong tay lãnh đạo cao nhất”. Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2/2008 đến nay, Quốc hội Pakistan đã mất 2 năm trong một cuộc chiến giữa pháp lý và chính trị. Mọi việc bắt đầu khi Chánh án Toà án Tối cao Chaudhry và các cộng sự bị “hạ bệ” vào tháng 3/2007 vì đã quá nhiệt tình trong việc tham gia cáo buộc tham nhũng đối với giới cầm quyền. Việc cách chức ông Chánh án và cộng sự đã không nhận được sự đồng thuận của giới chính trị cũng như người dân.
Nhiều người còn khuyến cáo, muốn Pakistan tiếp tục phát triển thì trước hết phải khôi phục chức vụ cho ông Chaudhry và những cộng sự của mình. Để rồi, sau một thời gian tranh cãi, đến tháng 3/2009, việc khôi phục mới được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một “rào cản” lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Pakistan, đó là chưa xoá bỏ được điều khoản tập trung quyền lực quá nhiều vào tay Tổng thống, được bổ sung trong Hiến pháp dưới thời Tổng thống Musharraf.
Cách đây 9 tháng, khi Uỷ ban Cải cách Hiến pháp bắt đầu làm việc để nghiên cứu việc sửa đổi Hiến pháp nhằm siết chặt quản lý, tăng cường phòng chống tham nhũng, mọi người đều nghĩ rằng Tổng thống Zardari sẽ không bao giờ chịu từ bỏ quyền lực. Nhưng, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua, Tổng thống Pakistan đã tuyên bố, hoàn toàn chấp thuận theo quy định của Hiến pháp mới được sửa đổi, san sẻ cho Thủ tướng một số quyền lực quan trọng như quyền chỉ định những nhân vật chủ chốt trong Chính phủ hay quyền giải tán Quốc hội.
Nhật Anh
(Reuters, AFP)