Đỗ Mạnh Tri
Chú thích
- Từ 'dân chủ' hiểu theo nghĩa thông thường, chỉ cách tổ chức chính trị, xã hội và kinh tế tại các nước Tây phương. Mô hình dân chủ phát xuất từ Tây phương và được thực hiện tại Tây phương trước khi thành mô hình chung cho thế giới hôm nay.
- Mô hình này tương ứng với một khái niệm về con người, về phẩm giá, nhiệm vụ và quyền lợi căn bản của con người, tóm lại, một lý tưởng dân chủ. Lý tưởng này không ngẫu nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài đầy biến động, khủng hoảng và mâu thuẫn.
- Giữa lý tưởng dân chủ và thực tại dân chủ luôn luôn có khoảng cách. Khoảng cách giữa khái niệm dân chủ và những hình thái dân chủ hiện hữu.
- Khoảng cách trên khiến các nước dân chủ phải luôn luôn thích ứng nhằm thỏa mãn những đòi hỏi dân chủ trong một xã hội luôn luôn biến đổi ; chính vì thế mà các xã hội dân chủ được cải tiến và phát triển.
- 'Dân chủ hóa' có hai nghĩa:
1) Tại các nước dân chủ : thích ứng và cải tiến chế độ dân chủ nhằm thực hiện nguyên tắc dân chủ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, trong mọi chế độ dân chủ, luật pháp bảo đảm tự do ngôn luận nhưng mọi thành phần trong xã hội không nhất thiết có những điều kiện tối thiểu (kỹ thuật, tài chánh..) cho phép thực hiện quyền tự do ngôn luận.
2) Tại các nước chưa có dân chủ, dân chủ hóa đơn thuần là đem chế độ dân chủ vào một xã hội không có truyền thống dân chủ, như người xưa nay đi bộ ngồi vào chiếc xe hơi. Dĩ nhiên, một hiến pháp dân chủ với những luật pháp dân chủ mới chỉ là bước đầu trên con đường dân chủ, một cái khung pháp lý, một thứ dân chủ trên giấy tờ.
Các nước Á đông đều cần dân chủ hóa theo nghĩa 2, vì mô hình dân chủ không có trong truyền thống Á đông. Nhưng tại các nước Á đông như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, chế độ cộng sản đã áp dụng mô hình mác xít và vận dụng truyền thống phi dân chủ của Á đông nhằm xóa bỏ dân chủ trước khi có dân chủ để thiết lập một chính sách toàn trị hà khắc, tinh vi hơn tất cả những thể chế độc tài từng có tại Á đông.
Vậy loại trừ chế độ toàn trị là điều kiện tiên quyết. Bao lâu còn chế độ đó, không có chuyện dân chủ hóa. Vì thế, trên nguyên tắc, có hai giai đoạn :
- bãi bỏ độc tài toàn trị (thực hiện điều kiện tiên quyết)
- dân chủ hóa (hết cộng sản, chưa có dân chủ, nhưng hết cộng sản, vấn đề dân chủ mới được đặt ra một cách thực tế)
Thực tế phức tạp hơn: hai giai đoạn cũng là hai khía cạnh của cuộc đấu tranh cho dân chủ, vì:
- những người dân chủ Việt Nam chỉ có thể đấu tranh chống độc tài một cách... dân chủ, phi bạo lực. Người mình đã chán ngấy bạo lực. Đặc biệt, cần tránh bạo lực trong ngôn ngữ.
- khi chế độ độc tài toàn trị đổ rồi, vẫn sẽ còn độc tài toàn trị; chẳng có chế độ nào biến mất trong một nháy mắt. Ấy là chưa nói tới khuynh hướng độc tài nơi những người không cộng sản.
- chế độ toàn trị tại Việt Nam chưa đổ, nhưng đang đổ; khi rút kinh nghiệm Đông Âu và khối Nga xô không nên quên sự kiện này. (Bức tường Bá linh dựng lên một đêm rồi bị đạp đổ một đêm. Bức tường Bá linh Việt Nam từ từ mọc lên lúc nào không ai hay, khi người ta nhìn ra nó thì nó đã sừng sững. Hiện nay nó sứt mẻ, xiêu vẹo.. khi nó biến chất, biến mất có lẽ cũng chẳng ai để ý. Nguy hiểm ở đó: nạn nhân chịu đựng số phận của mình tới mức đồng lõa với thủ phạm để tự hành hạ, xỉ vả mình).
Tại sao nói tới trách nhiệm người Công giáo Việt Nam?
Đề tài của bài tham luận này không bình thường và biểu lộ một tình trạng không bình thường. Công giáo, Phật giáo, Hòa hảo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, Lão giáo, Khổng giáo, hay gì gì đi nữa cũng đều là nạn nhân của một chế độ toàn trị như chưa từng có tại Việt Nam.
Ngay nói trách nhiệm của những người có tôn giáo cũng không ổn. Cộng sản bách hại tôn giáo, nhưng trong chế độ cộng sản, đâu chỉ có các tôn giáo bị bách hại. Cộng sản vô thần? Nhưng đâu chỉ có cộng sản mới vô thần ? Cộng sản duy vật ? Nhưng đâu chỉ có cộng sản mới duy vật! Cộng sản cấm tự do tôn giáo ? Nhưng dưới chế độ cộng sản, người dân không chỉ mất tự do tôn giáo! Mọi thứ tự do tối thiểu, căn bản đều mất cả. Có tôn giáo hay không có tôn giáo, duy vật hay duy tâm, vô thần, hữu thần, phiếm thần, và cả cộng sản, ông, bà, anh, chị... đều là nạn nhân của chế độ toàn trị.
Mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến đều có trách nhiệm chống trả như nhau. Thực tế, nhìn những nhà đối kháng trong nước ta thấy có đủ mọi thành phần dân tộc. Nguyễn Chí Thiện, đạo nào? Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ có tôn giáo không? Tôi có cảm tưởng hai ông này là những người cộng sản chính cống.
Không cần phải là người có tôn giáo mới phẫn nộ trước sự phá sản của đất nước do chế độ gây nên. Ngược lại, nên thận trọng khi đề cao vai trò của các tôn giáo vì tôn giáo cũng có thể là mê tín, dị đoan, quyền lực, cuồng tín, ngu dân.
Nhưng, như đã nói trên : không bình thường! Với tất cả sự dè dặt, ta vẫn phải bàn về trách nhiệm người công giáo trong việc dân chủ hóa đất nước. Trách nhiệm chẳng hạn, khi nói tới người công giáo Việt Nam, cũng là những trách cứ .
Đạo Công giáo vào Việt Nam đã gần 5 thế kỷ, người công giáo Việt Nam đã phải trả một giá rất đắt để có quyền sống đạo. Tuy nhiên, những hiểu lầm, những ngộ nhận thời xa xưa hình như vẫn chưa hết. Xin chỉ nêu ý kiến của hai bậc thức giả. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong bài Kẻ Thù Ta, viết: "Nếu các bạn Công Giáo Việt Nam đi theo đường hướng Công Giáo dân tộc và nguyện sống hài hòa với các thành phần khác của dân tộc thì không có lý do gì mà đất nước lại không dang rộng hai tay ra để đón quý vị vào lòng dân tộc".
Thật độ lượng! Nhưng thế nào là đường hướng Công giáo dân tộc? Chắc mọi thành phần dân tộc đều sống hài hòa với nhau, trừ thành phần Công giáo? Dù sao, người ta chỉ đón vào lòng dân tộc những ai bên ngoài dân tộc. Ông Nguyễn Khắc Viện trong cuốn Bàn và Luận (nxb Đà Nẵng, 1989), bài Bàn và luận về đạo Kitô, viết: "Tôi chỉ mong rằng Kitô giáo sẽ Việt Nam hóa để trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hóa dân tộc, chứ không như ngày nay vẫn còn là một "dị vật" trong cơ thể Việt Nam (xin dùng một danh từ y học – corps étranger). Tôi cũng không nghĩ rằng những luận điểm của Vatican II sẽ giúp cho quá trình ấy được nhiều, vì dù tiến bộ đến đâu, vẫn là sản phẩm của phương tây".
Dị vật, sản phẩm của phương Tây. Cũng như Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn hay dân chủ, nhân quyền và học thuyết Mác xít.
Thực tế
Ngoài đảng cộng sản, tại Việt Nam lúc này chỉ Công giáo có một cơ cấu chặt chẽ về tổ chức. Điều này chắc không ai phủ nhận. Điều đáng chú ý hơn: cơ cấu ấy gắn bó với một Đức Tin và một nếp sống đạo đặc thù. Đảng cộng sản có thể lũng đoạn, thậm chí phá hoại cơ cấu, không phá được lòng tin. (Coi miền Bắc sau 1954). Giáo hội Công giáo Việt Nam lại là thành phần của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Cộng đồng công giáo đã và đang là một lực lượng tinh thần nguy hiểm cho đảng cộng sản :
- tản cư 1954 : gần một triệu người vào Nam ; phần lớn là công giáo nhà quê và một số người thành thị.
- tị nạn 1975. Tị nạn 75 chứ không phải thuyền nhân 78. Một giám mục Phạm Ngọc Chi ở lại. Các giám mục Việt Nam chủ trương không chạy. Rất phiền cho Đảng cộng sản. (Đọc Nguyễn Khải : Thời Gian Của Người). Tgm Trịnh Như Khuê Hà Nội : nhất định không làm chính trị : không lên tiếng tán tụng sự nghiệp của đảng cộng sản. Giáo hội Miền Bắc trước cũng như sau 75 không phải là một giáo hội thầm lặng mà là một giáo hội kiên quyết làm thinh. Giáo hội miền Nam : Tgm Nguyễn Kim Điền năm 1975 sẵn sàng cộng tác xây dựng hòa bình, hàn gắn vết thương dân tộc nhưng đồng thời khẳng định tự do tôn giáo. Đc Điền chủ trương cộng tác thực. Và vì thế không thể cộng tác. Đảng hiểu cộng tác là phục tùng. Tgm Nguyễn Văn Bình : mềm dẻo vì sợ và mặc dầu được chính quyền đề cao, 'vẫn còn sợ' như ngài nói trước khi chết. Kết quả : Đảng không đồng hóa nổi Công giáo. Từ giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân : đảng không kết nạp vào Mặt trận Tổ quốc được. Trừ nhóm 'Công giáo Yêu nước '.
Công giáo Yêu nước là một thất bại của Đảng. Đảng muốn qua mấy ông linh mục yêu nước sai khiến Giáo hội Công giáo nhưng không thành công. Lời của Nguyễn Mạnh Hà: các ông có cái đầu, người ta cũng có cái đầu, tại sao cái đầu không nói chuyện với cái đầu mà lại đi nói chuyện với đầu gối! Vì đầu gối Công giáo Yêu nước, thành phần của Mặt trận Tổ quốc, vẫn chỉ vỏn vẹn có 4, 5 ông linh mục nên từ 1989, Đảng phải trực tiếp nói chuyện với Vatican và HĐGMVN.
Hiện nay
Đảng cộng sản đang trong tình trạng phân rã nghiêm trọng. Giáo hội Công giáo, vì sức mạnh sẵn có của mình, mang trách nhiệm lớn :
- giáo dân công giáo cũng như mọi người Việt Nam kể cả rất nhiều đảng viên đảng cộng sản đều muốn có tự do hơn, đều ít nhiều bất mãn và mong muốn có thay đổi thực sự. Nhưng chỉ có thay đổi thực sự, trong ôn hòa, nếu có một phong trào quần chúng rộng rải. (Lúc này trong nước có những người dân chủ nhưng chưa thực sự có phong trào dân chủ).
- Giáo hội Công giáo, vì nhiều lý do, không thể, và không nên đứng đầu nhưng có thể đi đầu, ít nhất cũng phải đi hàng đầu, trong tư thế thuần túy tôn giáo để giúp cho phong trào hình thành.
- Làm thế, Giáo hội Công giáo sẽ giúp cho chế độ cộng sản giải thể trong hòa bình. Chế độ cộng sản, không phải đảng cộng sản. Một Nguyễn Đan Quế, một Hà Sĩ Phu phản kháng là một Nguyễn Đan Quế, một Hà Sĩ Phu. Nhưng một Nguyễn Văn Lý phản kháng là có sự đồng tình của giáo dân Nguyệt Biều, An Truyền.
- Thực tại Việt Nam cũng như thực tại Giáo hội Công giáo cho thấy : người dân cũng như người giáo dân chờ trên, cùng lắm, có làm gì cũng e ngại người trên. Coi vụ Trà Cổ, Trà Kiệu. ( Dân chủ hóa trong một môi trường chưa có tinh thần dân chủ là thế : phải được phát động từ những người làm chủ. Chủ tịch, chủ tọa, chủ chăn. Hòa thương, Thương tọa... Tiến sĩ, Kỹ sư, Luật sư, Giáo sư... Người ta không chú ý tới tiếng nói bằng cái ghế, cái mũ, mảnh bằng. Khách quan nhận diện thực tại đó để tìm cách biến đổi thực tại đó là một chiều kích quan trọng của tiến trình dân chủ hóa).
- Ta thử tưởng tượng một sự lên tiếng, một thái độ của hàng giáo phẩm Việt Nam hay của một giám mục Việt Nam trước những áp bức, bất công, trước những hành vi chà đạp nhân phẩm của chính quyền Việt Nam. Một sự lên tiếng, một thái độ hoàn toàn phi chính trị và đứng từ quan điểm của Đức Tin Kitô giáo. Ảnh hưởng sẽ không nhỏ.
- Nhưng vì nhiều lý do không thể bàn tới trong khuôn khổ một tham luận ngắn, các giám mục thận trọng. Theo ý tôi, quá thận trọng, để khỏi nói là quá sợ hãi. Hình ảnh một Đc Điền cho thấy đâu là bổn phận của hàng giáo phẩm lúc này . Có thể nói cố Tgm Nguyễn Kim Điền là người đã có can đảm cầm đuốc đốt nhà để đánh thức, báo động những người trong nhà. Giữ nhà, giữ nhà Chúa được không nếu không bảo vệ con người, hình ảnh của Thiên Chúa ?
- Phải công nhận: sức ép của chính quyền rất mạnh. Chính quyền lại tìm đủ cách thao túng hàng giáo phẩm, khai thác một cách tinh vi những khác biệt, những bất đồng, những yếu kém, những chia rẽ nội bộ và tính cục bộ thường có nơi giáo sĩ cũng như nơi mọi thành phần dân tộc.
- Và cũng phải công nhận: sự hiện hữu của Giáo hội công giáo tại Việt Nam, với tất cả những yếu kém và thiếu sót của mình, đã và đang là một cơ may cho việc dân chủ hóa đất nước. Lúc này thì đảng cộng sản thấy rõ : không thể dẹp được Công giáo. Sau 54 ngoài Bắc và sau 75 trong Nam, người công giáo mất hết (trong đó có nhiều cái thật ra đáng mất), chỉ còn đức Tin Kitô giáo. Nhưng sức mạnh của Công giáo, trước hết vẫn là sức mạnh tâm linh, sức mạnh của một niềm tin. Niềm tin ấy tiếp tục thể hiện trong đời sống dân tộc qua nhiều cách sống của giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ, giáo phẩm (những nữ tu trong các nhà trẻ, những tu sĩ trong các trại cùi, những giáo dân trong môi trường xã hội.. ). Người công giáo trực diện với chế độ qua nhiều cách đối phó và đối kháng. Thiết tưởng cũng là một sức ép khá mạnh, khiến chính quyền phải nới tay. Vấn đề lúc này : có thể làm tốt hơn không, theo nghĩa mạnh mẽ và dứt khoát hơn ?
Như lm Nguyễn Văn Lý?
Khỏi đàm luận dài dài về chiến thuật, chiến lược, về con người lm Lý... Xin chỉ nhắc lại một điểm. Ông linh mục này, bằng lời nói việc làm đã thản nhiên nổi dậy phủ định chiếc dây thòng lọng đảng cộng sản buộc vào cổ dân. Chiếc dây thòng lọng ấy tùy nơi tùy lúc đảng nới lỏng hay buộc chặt. Cần dứt điểm với cái dây thòng lọng, một cách ôn hòa nhưng mãnh liệt, triệt để, toàn diện. Trực diện với độc tài toàn trị, thái độ đúng đắn là chống đối toàn diện. Nhân danh sự thật và phẩm giá con người, hai giá trị cốt yếu của lương tri và của đức Tin Kitô giáo. Đây là bổn phận bức thiết của người công giáo hiện nay, một bổn phận bao hàm đấu tranh chính trị, nhưng về căn bản thuộc lãnh vực tâm linh. Trên lãnh vực này có sự đồng thuận giữa mọi người công giáo và cũng chính trên lãnh vực này họ phải là men trong bột. Tuy nhiên, khi dấn thân vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế phương thức đấu tranh sẽ chẳng giống nhau, có khi còn chống đối nhau. Không có một mặt trận công giáo, không có một khối công giáo. Và không nên có.
Với tư cách là công dân, người công giáo có trách nhiệm như mọi công dân trong tiến trình dân chủ hóa. Nhưng với tư cách là người công giáo, họ có trách nhiệm đặc biệt trên bình diện tâm linh. Mặt trận dân chủ cho Việt Nam không thể vững chắc nếu không chú ý tới chiều kích văn hóa, tinh thần. Ở điểm này, người công giáo Việt Nam có thể, mà vì thế có bổn phận, góp phần rất độc đáo của mình.
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=66&ia=1675