Mai Vân / Tú Anh
Theo Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB - Asian Development Bank), Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay nhưng ngân hàng ADB kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy đề phòng lạm phát, nên quan tâm đến thành phần nghèo, nạn nhân của chính sách chạy theo tăng trưởng nhanh.
Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay từ Manila, thì kinh tế Á Châu đã hồi phục sinh lực trong năm nay sau khi bị trì trệ ở 5,2% trong năm 2009. Trung bình, châu lục này sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay 2010 và 7,3% trong năm tới 2011. Hai nền kinh tế tiếp tục phát triển với tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc được dự báo 9,6% và Ấn Độ 8,2% trong năm nay.
Đối với Ấn Độ, nguy cơ phải phòng ngừa là nạn lạm phát. Còn đối với Trung Quốc, ngân hàng ABD kêu gọi Bắc Kinh nên tập trung vào tiêu thụ nội địa để làm động cơ kích thích kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Nếu Trung Quốc vẫn ưu tiên xuất khẩu thì sẽ không tránh khỏi gây xung khắc thương mại với các đối tác.
Việt Nam được tiên đoán sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay nhưng ngân hàng BAD kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy đề phòng lạm phát, nên quan tâm đến thành phần nghèo, nạn nhân của chính sách chạy theo tăng trưởng nhanh. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khuyên Việt Nam là nên chú trọng đến ổn định kinh tế hơn là chạy theo tăng trưởng nhanh. Theo ADB, ổn định kinh tế vĩ mô cần thiết cho công cuộc phát triển bền vững hơn tăng trưởng nhanh chóng.
Theo đánh giá của Ngân hàng, nhờ những biện pháp đưa ra vào năm ngoái, đối phó với khủng hoảng toàn cầu, tăng trưởng Việt Nam sẽ là 6,5 % vào năm nay và 6,8 % vào năm 2011. Tăng trưởng Việt Nam năm qua chỉ là 5,32%. Tuy nhiên Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng nhắc lại là những biện pháp kích thích kinh tế đang dẫn đến xu hướng lạm phát gia tăng trở lại và việc đồng tiền Việt Nam bị giảm giá.
Nếu trong năm 2009, giá cả chỉ tăng 6, 88% trong toàn năm 2009, so với đỉnh cao 23% năm 2008, thì ngược lại trong quý đầu năm 2010, lạm phát đã lên 8,51%. Ngân hàng ADB dự báo nó sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, đạt tỷ lệ 10% trong năm 2010. Và trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại, kèm theo thâm thủng mậu dịch cũng đang tăng lên, Ngân hàng nhắc lại chính phủ Việt Nam đã phải hai lần phá giá đồng bạc vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 3, cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã nhấn mạnh là xu hướng Hà Nội phá giá đồng tiền để hổ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế gần đến Đại Hội Đảng làm cho lạm pháp tăng lên.
Ông Ayumi Konishi, giám đốc ADB Việt Nam cảnh báo là người dân nghèo sẽ khổ hơn nữa với lạm phát, và việc phá giá trước đồng tiền sẽ làm nản chí nhũng nhà đầu từ trực tiếp vào Việt Nam. Nhũng nguồn đầu tư trực tiếp này là động cơ tăng trưởng nhanh ở Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, hoạt động kinh tế chậm lại gây khó khăn cho chính quyền, đã đưa ra mục tiêu đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp trong vòng 10 năm. Hiện nay, với 1000 đôla thu nhập bình quân đầu người, Việt nam chỉ mới bước vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình.