Mittwoch, 28. April 2010

Vai trò của các tướng lãnh Thái Lan trong việc giải quyết khủng hoảng

Thụy My
Tướng Anupong Paochinda và cựu thủ tướng Somchai Wongsawat (Reuters)

Tại Thái Lan, mọi người đều hướng nhìn về phía quân đội, trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng thêm căng thẳng. Đó là tựa đề một bài báo chiếm hẳn một trang hôm nay trên Le Monde của đặc phái viên tờ báo tại Bangkok.


Bài báo nhận xét, trong khi chưa có được một thỏa hiệp giữa chính phủ và phe phản kháng, mối đe dọa về một cuộc nội chiến giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng luôn ám ảnh trong những bài xã luận trên báo chí và trong các cuộc đối thoại, thì mọi người đều trông cậy vào quân đội. Người Thái cho rằng một lối thoát cho cuộc khủng hoảng tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của quân đội Thái Lan, và cụ thể là tướng Anupong Paojinda, tổng tham mưu trưởng quân đội. Không ít người tin tưởng rằng tướng Anupong nắm trong tay mọi quyền lực, trong một đất nước mà quân đội đã từng làm đổ nhiều chính phủ bằng các vụ đảo chánh. Nhưng một số người khác lại cho rằng, vai trò của ông khá hạn chế.

Hôm thứ sáu tuần trước, tướng Anupong đã tuyên bố trên truyền hình, khi xuất hiện cùng lúc với thủ tướng Abhisit, là : « Sử dụng vũ lực không chấm dứt được các vấn đề hiện nay. Việc của quân đội lúc này là chăm lo cho dân, và không cho phép người Thái tấn công lẫn nhau ». Như thế có nghĩa, tướng Anupong sẽ không ra lệnh cho quân đội tấn công vào phe Áo Đỏ, đồng thời cũng không cho phép hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng biến Bangkok thành bãi chiến trường. Trước đó một hôm, khi trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, ông cũng đã cho biết đối với ông « Những người biểu tình không phải là các tên tội phạm. Họ đều là người Thái, và họ có quyền suy nghĩ khác với chúng tôi ».

Tướng Anupong: "Vai trò của quân đội không phải là sát hại dân Thái"

Sau khi phe Áo Đỏ tiến vào Bangkok ngày 14/3, tướng Anupong đã kêu gọi « một thỏa ước chính trị » nhưng không có kết quả. Chính phủ chấp nhận tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn một năm, nhưng phe Áo Đỏ đòi thủ tướng Abhisit phải rời chức vụ ngay lập tức và giải tán quốc hội. Mới đây phe biểu tình đề nghị bầu cử trong ba tháng tới, nhưng ông Abhisit bác bỏ. Tuy nhiên chính phủ đang chịu áp lực rất lớn của phe Áo Vàng, họ đe dọa sẽ tấn công phe Áo Đỏ nếu quân đội không can thiệp.

Một quan sát viên phương Tây nhận xét : « Lập trường kiên định của tướng Anupong là : Các vấn đề chính trị phải được giải quyết bằng chính trị, vai trò của quân đội không phải để giết dân Thái. Thái độ này thật là may mắn cho đất nước, nhưng cũng khá mong manh ». Chính tướng Anupong đang bị sức ép rất mạnh của phe Áo Vàng, vốn có chỗ dựa tận hoàng cung. Khi bác bỏ khả năng can thiệp bằng vũ lực, ông đã gây bất bình cho khá nhiều nhân vật có vai vế, và « Tướng Anupong đang đưa đầu vào rọ » - cũng nhà quan sát trên nhận định.

Đó là vì tướng Anupong còn phải thỏa hiệp được với các tướng lãnh khác của phía hoàng gia. Những nhân vật trong hậu trường này, đương chức hay đã về hưu, đang nắm một vai trò đáng kể. Đặc biệt là tướng Prem Tisulanonda, cựu thủ tướng trong thập niên 80, đang điều hành ban cố vấn của Quốc vương, mà các nhà phân tích cho là đang đóng vai trò chủ chốt.

"Xanh vỏ đỏ lòng", quân phục màu xanh nhưng lại thân với phe Áo Đỏ

Trong khi Quốc vương Bhumipol đã phải nhập viện từ tháng 9/2009, vị tướng này rất thân cận với Hoàng hậu Sikirit vốn bày tỏ dấu hiệu ủng hộ phe Áo Vàng. Mặt khác, tướng Anupong lại phải tranh thủ cho được các sĩ quan và binh sĩ được gọi là « Dưa hấu », vì họ « xanh vỏ đỏ lòng », có cảm tình với ông Thaksin. Một nhân vật khác trong bóng tối nữa là tướng Khattiya Sawasdipol, tức Seh Daeng, vốn đã bị xếp xó vì chống lại cấp trên và tỏ ra trung thành với ông Thaksin. Một nguồn tin phương Tây cho biết quân đội tin rằng ông Seh Daeng đang tham gia huấn luyện cho đơn vị an ninh của phe Áo Đỏ, và đang gầy dựng một lực lượng bán quân sự.

Quân đội Thái sau khi triển khai bảo vệ khu phố tài chính Silom, đã không tiến đến một sự can thiệp vũ trang, và ở phía nam nơi có một số cuộc nổi dậy cũng thế. Trong khi đó quân đội có sẵn 50.000 binh lính ngay trong khu vực Bangkok. Đại tá Teeranan Nandhakwang, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của quân đội nhận xét, quân đội có thể bao vây, thậm chí giải tán phe biểu tình, nhưng ông không tin là họ sẽ sử dụng vũ lực. Ngược lại, theo một nhà ngoại giao nước ngoài, « Tướng Anupong không chấp nhận một cuộc nội chiến giữa hai phe áo vàng và đỏ, nhưng ông phải nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng, trước khi phe Áo Vàng quyết định tiến công ».

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100427-vai-tro-cua-cac-tuong-lanh-thai-lan-trong-viec-giai-quyet-khung-hoang