Dienstag, 20. April 2010

Xác định tác động của tro núi lửa

BBC

Bản đồ các tuyến hàng không bị ảnh hưởng bởi tro núi lửa hôm 20/04

20 tháng 4, 2010 - Trong lúc hậu quả của đình trệ hàng không vì bụi tro núi lửa từ Iceland đang dần tác động đến giao thông và kinh tế Bấm cả châu Á, trong đó có Việt Nam, mời quý vị tìm hiểu bài của phóng viên Khoa học BBC, Victoria Gill:

Theo sau vụ núi lửa Eyjafjallajoekull phun trào tại Iceland, tới thời điểm này (chiều 20/04 giờ London), bụi tro núi lửa vẫn tiếp tục thổi về hướng nước Anh. 
Theo nhận định của cơ quan kiểm soát hàng không Anh – Nats – thì tình hình hiện tại đang ‘biến đổi nhanh chóng và năng động’.

Còn theo quy định hiện thời của Châu Âu thì mặc cho lượng tro bụi thấp đến mức độ nào đi chăng nữa thì không một chuyến bay thương mại nào được cất cánh khi bụi vẫn còn trên đường bay.

Tuyên bố từ Nats cho biết hiện vẫn chưa có một ‘ngưỡng’ nào quy định về nồng độ bụi tro núi lửa có thể chấp nhận được.

Nats cho biết bụi núi lửa quá nguy hiểm cho các động cơ máy bay khi các chuyến bay thương mại rủi ro tiếp xúc vào chúng. Nếu các hạt bụi núi lửa bị kẹt trong động cơ phản lực thì chúng sẽ tích tụ dần thành thủy tin thể, làm nghẽn và hư động cơ.

Do đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (IACO) – đơn vị đang điều hành hệ thống Kiểm soát núi lửa cho các đường bay quốc tế - đề xuất triển khai thực hiện vùng cấm bay nếu bụi núi lửa vẫn còn được tìm thấy trong không phận.

Chuyên gia tư vấn hàng không – ông Chris Yates – giải thích: “Quy định của ICAO gây ra việc cấm bay trên diện rộng mấy ngày qua được đúc kết từ kinh nghiệm của 80 vụ tai nạn từ năm 1980 đến 2000, cũng như việc nghiên cứu mô hình vi tính, và ‘phỏng đoán’.”

Tuy nhiên tình trạng tê liệt của hàng không Anh và Châu Âu như hiện nay là chưa có tiền lệ, do đó có thể phải thay đổi luật lệ quy định để giải tỏa vấn đề.

Ông Yates nói: “Rõ ràng là ngành hàng không đang cãi lại rằng chúng tôi quá cẩn trọng khi cấm bay như vậy.”

“Mặc dù có thể tìm thấy vùng không khí sạch trên trời nhưng điều đó không có nghĩa là không có các túi bụi tro ở nồng độ cao trên các tuyến đường bay khác nhau. Tôi thấy cẩn tắc vô áy náy vẫn tốt hơn.”

Dù vậy, Ủy hội châu Âu cũng đã can thiệp bằng cách tổ chức cuộc họp hôm thứ Sáu vừa qua quy tụ các chuyên gia kỹ thuật và an toàn để tìm xem có giải pháp khác hay không, ví dụ như lập ra một không phận cho phép các máy bay bay đường vòng qua cột tro.

Các nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh rằng bất cứ quyết định nào cũng phải được dựa trên cơ sở đánh giá khoa học về việc khi nào bay, và bay ở đâu thì an toàn.

Tro bụi hư hại

Ông John Maclennan, một chuyên gia khoa học về Trái đất của trường Đại học Cambridge cho đài BBC biết kích cỡ đường kính của các hạt bụi này giao động từ 10 đến 20 micro mét.

“Bụi từ núi lửa Eyjafjallajoekull chứa khá nhiều chất silic so với một vụ phun trào núi lửa ở Iceland. Thêm vào đó là việc núi lửa phun trào từ dưới một lớp băng, do đó đã gây ra hiện tượng bùng nổ mạnh, gây ra quá nhiều tro bụi mỏng và bay cao trong bầu khí quyển.”

Chính vì các hạt bụi này quá nhỏ, mỏng nên chúng có thể chui vào và làm nghẽn một kẽ hở hoặc một ống pô trong động cơ phản lực.

Tiến sĩ Colin Brown, giám đốc Viện Kỹ sư Cơ khí giải thích rằng tính chất của các hạt bụi này còn có nghĩa rằng chúng sẽ tan chảy khi gặp nhiệt độ cao.

Ông nói: “Các động cơ phản lực hiện đại vận hành tốt trong điều kiện nhiệt độ cao hơn cả nhiệt độ làm tan chảy các hạt bụi này. Đó là nhờ vào lượng không khí mát giữ cho các bộ phận kim loại trong động cơ không bị tan chảy tan. Nhưng nếu không khí mát bị tắt nghẽn thì các bộ phận kim loại sẽ bị chảy, kéo theo đó là động cơ.”

Lực lượng hàng không Phần Lan đã thông báo về việc động cơ của vài chiếc chiến đấu cơ của họ đã bị hư, sau khi thực hiện một vài chuyến luyện bay ngắn trên bầu trời bắc Phần Lan vào sáng thứ Năm 15/04 khi chưa có lệnh phong tỏa không phận.

Họ nói: “Sau khi hạ cánh và kiểm tra camera đặt bên trong động cơ, chúng tôi thấy bụi núi lửa đọng lại bên trong dàn khí của máy bay. Hình ảnh cho thấy lượng tro bụi mắc bên trong động cơ đã bị tan chảy trong điều kiện nhiệt độ cao.”

“Điều đó cho thấy thậm chí một chuyến bay ngắn trong vùng bụi núi lửa cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho động cơ máy bay.”

Theo dõi mây

Hiện tại, Văn phòng Khí tượng Thủy văn Anh đang dùng hình ảnh thu được từ vệ tinh và kết quả đo đạc của lidar (một loại ra-đa) từ mặt đất để đo lường các đám mây và dự báo đường đi của chúng.

Còn các khoa học gia thì lạc quan nhưng vẫn cẩn trọng về việc bụi tro núi lửa đã có thể ngừng phun.

Tiến sĩ John Murray, một nhà khoa học Trái đất của trường Đại học Mở ở Milton Keynes nói bụi tro đã “giảm đáng kể” và lớp băng đá xung quanh vùng trũng núi lửa cũng đã tan.

Ông nói: “Đây là lúc mà chúng ta chờ mong: những vụ bùng nổ hơi nước do bị mắc kẹt bên trong nham thạch núi lửa sẽ nguôi đi, và chuyển sang giai đoạn phun nham thạch.”

“Bụi tro có thể phun trở lại, nhưng có thể sẽ không mạnh và kéo dài như trước nữa”.

Còn Tiến sĩ Sue Loughlin từ Vụ Khảo sát Địa chất Anh thì cho rằng việc núi lửa giảm hoạt động không có nghĩa là ngừng hẳn.

“Vẫn còn trong đó các hoạt động địa chấn, nghĩa là việc núi lửa vẫn đang phun.” Bà cho BBC biết. Và theo thông báo của Văn phòng Khí tượng Thủy văn Iceland thì dư chấn có tăng mạnh hơn vào ngày Chủ Nhật 18/04 vừa rồi.

“Việc núi lửa đang dần im lặng là một quá trình khá bình thường giữa một đợt phun. Chúng tôi thường theo nguyên tắc là nếu không có hoạt động địa chấn nào trong vòng liên tục 3 tháng thì lúc đó núi lửa mới thật sự ngừng phun.”

Một mối lo ngại chính yếu nữa, theo Tiến sĩ Loughlin, là một núi lửa gần kề mang tên Katla cũng có thể phun.

Bà cho BBC biết: “Hai núi lửa này nằm sát bên nhau, và cứ 3 trong số 4 vụ phun núi lửa ở vùng Eyjafjallajoekull thì đã có núi Katla phun trong đấy.”

“Katla là núi lửa lớn hơn nhiều và còn bị phủ bởi một lớp băng lớn hơn nhiều. Nhiều người cho rằng lượng magma lớn trong lòng núi lửa này, lại nằm sát gần mặt đất có tiềm năng bùng nổ mạnh và thảy ra một lượng tro bụi rất lớn.”

Iceland có khoảng 130 núi lửa, trong đó có 18 núi đã phun kể từ khi thành lập nước này từ 900 trước công nguyên.
Hình chụp núi lửa của vệ tinh Nasa hôm 16/04 với sức phun tới 750 tấn tro bụi một giây

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một sự kiện như thế đã làm ảnh hưởng đến ngành hàng không. Các đợt phun trào núi lửa sắp tới có thể gây ra những đình trệ tương tự.

Hiện giờ, các cơ quan kiểm soát hàng không vẫn đang chờ kết luận bảo đảm bầu trời đã sạch tro núi lửa hoặc chờ tin tức về một giải pháp tức thời sẽ được đưa ra.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/04/100420_eyjafjallajoekull_science.shtml