Mittwoch, 21. April 2010

Đâu rồi lợi thế 35 năm?

Khánh An, RFA

2010-04-19 - Sắp đến 30 tháng 4 rồi, có rất nhiều chuyện để nói về 30 tháng 4. Nhiều người lớn hay nói về chiến tranh, nhắc lại những cái mà họ đã trải qua trong chiến tranh, nhưng với giới trẻ thì như thế nào?

Giới trẻ tụi mình thì mình nhìn về chiến tranh như thế nào? Mình nghĩ gì về chiến tranh? Và cái hiện tại của mình, những mối quan tâm hiện nay là gì? Vì vậy, chủ đề của ngày hôm nay sẽ là “Giới trẻ với ngày 30 tháng 4”.

Ngày 30 tháng 4

Trước khi bắt đầu chương trình, Khánh An sẽ mời các bạn lần lượt tự giới thiệu về bản thân mình. Trong này có những người đại diện cho thế hệ 7X, 8X, 9X. Mình sẽ mời thế hệ 7X trước.

Diệu: Chào các bạn. Mình là Diệu, đang ở bên Đức. Mình sinh tháng 7 năm 75, tức là sau 30 tháng 4 mấy tháng, tức là lúc 30 tháng 4 xảy ra, hồi đó mẹ mình mang bầu chạy loạn, sau đó 3 tháng thì mình ra đời. Mình bây giờ đang học thạc sĩ văn chương ở Đức, đồng thời mình cũng đi làm.

Khánh An: Cảm ơn chị Diệu. Bây giờ thì mời đại diện của thế hệ 8X.

Hoàng: Chào chị Diệu, chị Khánh An và mọi người. Mình là Hoàng, đang du học ở Pháp. Mình sinh năm 82, hiện đang là nghiên cứu sinh ở Pháp.

Khánh An: Và bây giờ thì mời Thìn, cũng là thế hệ 8X nhưng mà là cuối 8X. Mời Thìn.

Thìn: Vâng. Em xin giới thiệu em là Thìn. Em sinh năm 88. Em giờ đang học Viễn Thông ở Hà Nội và em cũng đang đi làm thêm ở Hà Nội.

Khánh An: Cảm ơn Thìn. Và đến thế hệ 9X.

Phương Anh: Em chào mọi người ạ. Em tên là Phương Anh. Em ở Thành phố Hồ Chí Minh, đang học cao đẳng Trường Đại Học Hoa Sen.

Khánh An: Và bây giờ thì bạn cuối cùng, bé út của chương trình.

Thảo: Vâng. Em xin chào mọi người. Em sinh tháng 2 năm 1991, tức là sau 30 tháng Tư 26 năm. Hiện nay, em đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao Đẳng Kinh Tế Công Nghiệp Hà Nội và ngành em học là kế toán.

Khánh An: Khánh An cảm ơn mọi người và rất vui được đón các bạn vào chương trình Cafe Wifi. Ngày hôm nay cũng sắp đến ngày 30 tháng 4 rồi, câu hỏi đầu tiên mà Khánh An đặt ra cho các bạn là các bạn nghĩ gì về Ngày 30 Tháng Tư?

Diệu: Khi mà nhắc tới 30 tháng 4 năm 75 thì câu hỏi của Khánh An đổ về đầu mình nhiều ý tưởng quá đi, không biết bắt đầu từ cái nào, nhưng mà có lẽ mình bắt đầu từ chuyện là, vì mình sinh sau 30-4-1975 có mấy tháng thôi, cho nên hậu quả, hệ quả của chiến tranh còn để lại trên thế hệ của mình khá là nặng nề, ví dụ như rất nhiều bạn bè của mình có tên nickname là bobo, không biết là Thảo với Thìn với mấy bạn thế hệ 7-8-9X về sau có biết bobo là cái gì không?

Đó là một loại hạt có ruột trắng và cứng, mình ăn bobo rất nhiều cho nên nhiều đứa tên "Bobo".

Thứ hai nữa trong gia đình mình, mình là một đứa nhỏ con nhứt, mà theo gene di truyền thì đúng ra không nhỏ như vậy đâu nhưng mà vì trực tiếp sau 30-4-75, bao nhiêu dinh dưỡng cho một đứa trẻ bình thường cũng không có đủ. Mình nhớ hồi còn nhỏ, các bạn biết trái bắp màu vàng mà bây giờ để cho heo cho lợn nó ăn đó, người ta xay bể bể ra xong rồi nấu cái đó lên ăn thay cho cơm. Mà một đứa nhỏ đúng ra phải được bú sữa mà bây giờ nó phải ăn bắp thì dinh dưỡng của không có đủ, cho nên thế hệ của tụi mình èo uột và rất là nhỏ con. Đó là ý tưởng đầu tiên.

Khánh An: Các bạn khác, khi các bạn nghe câu chuyện vừa rồi thì các bạn có cảm nghĩ như thế nào?

Thìn: Đối với em thì sinh ra trong thời hòa bình, nhưng mà ngày 30 tháng 4 đối với em vẫn rất tự hào. Em vẫn thích ngày 30 tháng 4 bởi vì thứ nhất nó là ngày nghỉ chị ạ, thứ hai đó là ngày mà Việt Nam hoàn toàn giải phóng và hai miền Nam Bắc được chung một nhà.

Hậu quả chiến tranh

Thảo: Thưa chị Khánh An, em muốn nói ạ.

Khánh An: Ừ, mời em, bé Thảo.

Thảo: Vâng. Trong 5 người thì em được sinh ra sau ngày 30 tháng 4 nhất, nhưng mà nhìn những người thân xung quanh em, ở quê em có rất nhiều người nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh, tuy em còn trẻ, em chưa biết được nhiều về cuộc sống chung quanh, nhưng em nghĩ hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, qua bao nhiêu thế hệ rồi mà con cháu của mọi người vẫn bị hậu quả của chiến tranh.

Khánh An: Hoàng thì Hoàng nghĩ như thế nào?

Hoàng: Em, tất nhiên, thế hệ của em ra đời thì chiến tranh đã lùi xa được bảy tám năm cho nên tụi em gần như không biết gì về chiến tranh. Ngày 30 tháng 4 trong tâm thức của em là một ngày nghỉ, nhưng em được sinh ra cũng không quá lâu sau chiến tranh, trong giai đoạn mọi người ăn bobo, nhà nhà ăn bobo…

Diệu: Thế ra Hoàng cũng có ăn bobo rồi hả?

Hoàng: Tất nhiên rồi chị. Tại vì chỗ em là vùng kinh tế mới mà. Sau khi chiến tranh xong thì đi về vùng kinh tế mới khổ lắm, rồi hợp tác xã nhưng lúc đó cũng không có đủ ruộng để cày đâu. Bạn Thìn vừa nói đó là ngày giải phóng thì tất nhiên rồi, trong tâm trí người Việt Nam mình ai cũng nói như vậy và em cũng nói như vậy, nhưng mà một điều rất lạ là năm ngoái em đi qua Berlin chơi thì gặp một anh mà bạn em giới thiệu là anh này ảnh đi Đức lâu rồi. Em nói là anh qua Đức trước giải phóng hay sau giải phóng? Mình vẫn coi cái đó như là cái mốc. Ảnh nói "Anh qua Đức trước 75 chứ không phải là trước giải phóng". Em cũng hơi bất ngờ.

Diệu: À, Khánh An.

Khánh An: Ừ, mời chị Diệu.

Diệu: Sẵn Hoàng nhắc chuyện đó, mình cũng kể cho mấy bạn nghe luôn. Mình cũng gặp trục trặc y như Hoàng vừa nói, tức là khi mình qua Đức để học thì hiển nhiên ở đây cũng có cộng đồng người Việt. Mình cũng rất nhiệt tình với những vấn đề, những hội thảo về văn hóa Việt Nam. Trong một buổi thuyết trình, mình cũng dùng cái từ đó, vì đối với mình đó là ngôn ngữ, là một cái mốc, cho nên mình nói là "sau giải phóng" thì khi chữ đó nói ra khỏi miệng mình bình thường, nhưng gương mặt của những người ở trong thính phòng nó căng lại.

Sau đó, có người nói với mình là ở đây, những người đang ngồi ở đây đa số là những người vì 30-4-75 mà đã bỏ Việt Nam ra đi. Hồi đó, mình gọi là đi vượt biên đó. Đối với họ, cái từ đó không có trong từ điển mà họ dùng là "biến cố 75" chớ không ai nói là "giải phóng". Và họ cũng đặt vấn đề luôn là, mà cái này mình nghe từ khi mình còn là sinh viên ở Sài Gòn đã có một anh sinh viên lớn hơn nói với mình là mình dùng cái từ "giải phóng" thì ai giải phóng mình khỏi cái người đã giải phóng cho mình?

Thống nhất?

Khánh An: Nhân chuyện chị Diệu với Hoàng vừa mới nói đến thì thực sự nếu như ở bên Mỹ này thì cũng vậy thôi. Đa số sẽ không đồng ý với chuyện đó. Trong ngôn ngữ mà trong nước hay dùng, đó là ngày 30 tháng 4 người ta hay gọi là "ngày giải phóng miền Nam", "ngày thống nhất", nhưng sau năm 75 trở đi cho đến giờ thì những người ở hải ngoại nhìn vào trong nước thì người ta không nghĩ rằng dân tộc Việt Nam được giải phóng. Đó là cái thứ nhất. Điều thứ hai có lẽ giới trẻ mình dễ nhìn thấy hơn, đó là có thực sự là thống nhất không? Mình đang muốn nói đến từ "thống nhất" ở nhiều khía cạnh khác nhau. Không biết là ý kiến các bạn trẻ như thế nào?

Hoàng: Theo ý em, thống nhất là đúng về mặt địa lý, bởi vì trước 30 tháng 4 nếu chị ở miền Nam chị đâu có thể nào vượt qua sông Bến Hải được. Nhưng mà cái thống nhất như chị vừa nói nó còn ở nhiều khía cạnh khác nữa, thống nhất về suy nghĩ, về niềm tin, về quan điểm, thì cái thống nhất về quan điểm nó được làm như thế nào? Tất nhiên, chiến tranh bao giờ cũng là tàn khốc hết, nhưng mà sau chiến tranh thì em thấy có quá nhiều người Việt Nam phải đi vào trại cải tạo, có lẽ là cũng để cho có một quan điểm thống nhất chăng? Để có một thế giới quan thống nhất chăng?

Em cảm thấy buồn về chuyện đấy, bởi vì em thấy rằng mình đã bỏ rất nhiều máu xương để mà thống nhất về mặt địa lý rồi, bây giờ lại tiếp tục bỏ tù để mà thống nhất về mặt quan điểm, mà liệu bỏ tù thì có thống nhất được về mặt quan điểm hay không? Cũng chính vì sự bỏ tù như thế cho nên mình có 2 triệu người phải đi ra nước ngoài.

Khánh An: Các bạn khác nghĩ như thế nào?

Thìn: Em nghĩ, từ thống nhất đấy, theo như hai anh chị vừa nói thì anh chị đều là người Nam cả, còn em là người Bắc và em là người thế hệ sau hơn nữa thì em nghĩ rằng từ thống nhất đấy nó cũng không đúng một phần, bởi vì ở miền Nam theo một cái xã hội khác và ở miền Bắc một xã hội khác. Nhưng em nghĩ rằng từ thống nhất này, theo em, nó đúng một mặt, nhất là nếu như theo triết học mà nói, năm đấy là về một xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội tuyệt vời.

Nếu như miền Bắc đã theo xã hội chủ nghĩa rồi mà miền Bắc thống nhất miền Nam vào để theo một xã hội xã hội chủ nghĩa thì là đều đúng, nhưng có cái là chính quyền sau này, đường lối mà đưa đất nước lên thống nhất để đi theo xã hội chủ nghĩa thì họ làm không đúng cách nên Việt Nam bây giờ mới không giàu mạnh lên được, đời sống nhân dân còn khó khăn, còn khổ cực nên là mọi người mới nghĩ rằng cái thống nhất đấy nó chưa thật sự đúng nghĩa. Theo em nghĩ là như vậy, bởi vì thực chất ngày xưa ở Sài Gòn, nó là Hòn Ngọc của Viễn Đông, nhưng mà sau khi giải phóng xong thì Hòn Ngọc Viễn Đông không còn ở Sài Gòn nữa mà đã chuyển sang Thái Lan, nên em nghĩ là từ thống nhất nó chưa được đúng nghĩa như chị vừa nói.

Khánh An: À, Phương Anh ơi, em là một thế hệ rất mới, em nhận xét về những điều vừa rồi như thế nào?

Phương Anh: Đối với em thì từ ngữ của mình vốn đã phong phú rồi, nếu một từ mà xét nhiều nghĩa thì nó sẽ có mặt khách quan và mặt trái ngược lại, không thể nào mà đúng hoàn toàn được tất cả mọi vấn đề hết. Em quen trong bạn bè của em, nói về 30 tháng 4, mấy bạn đều nói là ngày nghỉ, là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, còn ngoài ra có lẽ các bạn không biết gì hơn. Em nghĩ đó là một phần của những bạn mà em biết.

Còn có một số khác thường được ba mẹ kể nhiều về những ngày xưa thì họ rất là thích thú, như em lâu lâu em cũng có nghe ông bà kể ngày xưa làm sao làm sao, rồi gia đình vẫn ở lại đây khi mà thống nhất đất nước, sau hay là trước gì cũng vẫn ở miền Nam này, thì nghe nó còn thú vị. Còn em nói thiệt là học những giờ lịch sử trong trường thì những kiến thức mà tụi em nhận được thì học để chống chế là phần nhiều.

Hoàng: Em có ý kiến.

Khánh An: Mời Hoàng.

Hoàng: Em muốn nói một ý khác, tiếp theo ý của bạn Phương Anh. Mình nói về mình, mình cứ nhìn về chiến tranh nhiều, không biết có phải là cái thói quen của người Việt Nam hay không, khi mà nói về đất nước mình hỏi: tại sao đất nước mình nghèo vậy? Em qua bên này có nhiều bạn bè hỏi vậy đó, thì có rất nhiều người, thậm chí em thấy lãnh đạo của mình cũng nói như vậy nữa, là Việt Nam trải qua chiến tranh lâu quá, bị chiến tranh tàn phá dữ quá cho nên đất nước nghèo.

Nhưng chưa bao giờ em nghe nói rằng cái thế mạnh của Việt Nam là chúng tôi đã có hơn 30 năm hòa bình. Chưa bao giờ, chưa bao giờ nghe một ai nói như thế, mà toàn là nói chúng tôi đã có quá nhiều thời gian trong chiến tranh. Trong khi nếu mà chị ở bên Đức, chị biết rất rõ là nước Đức chỉ thống nhất từ năm 89 thôi, nếu mà nó than như mình thì nó phải than gấp 10 lần như vậy. Em muốn nói về cái nhìn của mình về chiến tranh, như vậy liệu nó đã là một cái nhìn lệch lạc hay không? Rõ ràng như vậy là mình không thấy cái tác dụng của 30 năm sau, mình đã làm cái giống gì? Em không biết ở ngoài Bắc nhưng mà không thể nào nói miền Nam bị chiến tranh tàn phá được bởi vì miền Nam trước 75 đã là khá hơn những nước lân cận rồi, cho nên anh không thể nào nói là tại miền Nam bị tàn phá dữ quá nên bây giờ kinh tế mới khó khăn như vậy. Không thể nói như vậy được, chị thấy không?

Em nghĩ là nên phải nói như thế này, chúng tôi có một lợi thế cực lớn là chúng tôi đã có hơn 30 năm hòa bình, chúng tôi có một lợi thế cực lớn là chúng tôi được thừa hưởng một Sài Gòn rất phồn thịnh, gần như bậc nhất Đông Nam Á. Chưa nghe ai nói chuyện đó hết! Mà cái điều em vừa nói, cái thói quen đó em nhớ là em đã được học ngay trong trường học những bài lịch sử họ nói cho học sinh mình như thế. Hồi trước lúc học thì em không nghĩ, nếu bây giờ mà được phép đặt câu hỏi thì em sẽ đặt câu hỏi với những giáo viên của em là "Đến bao giờ, cô cần bao nhiêu năm nữa, hoặc thầy cần bao nhiêu năm nữa để không thể nói là đất nước Việt Nam bị tàn phá vì chiến tranh nặng nề?"

Khánh An: Quý vị và các bạn quý mến, câu hỏi vừa rồi của Hoàng đã tạm khép lại chương trình Café Wifi ngày hôm nay. Kỳ tới, chúng ta sẽ lại tái ngộ trong chủ đề “Giới trẻ với ngày 30-4” với những tranh luận gay gắt của các bạn trẻ đại diện cho thế hệ 7X, 8X và 9X. Mời quý vị và các bạn đón nghe.