Phạm Hồng Lam
Giữa tháng 9 2008, chủ tịch Hội đồng Giáo chủ về Văn hoá, tổng giám mục Gianfranco Ravasi, thông báo Rô-ma sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế từ mồng 4 tới 7 tháng 3 năm 2009 về đề tài “Tiến hoá sinh học: Những sự kiện và các lí thuyết. Một đánh giá phê bình `Sự Hình Thành Các Loài` sau 150 năm”. Sự Hình Thành Các Loài Qua Chọn Lọc Tự Nhiên (1859) là cuốn sách căn bản của Charles Darwin, trình bày về thuyết tiến hoá và động lực cạnh tranh sinh tồn của các loài.
Sau khi xuất hiện, tác phẩm này cũng đã tạo ra những hệ luỵ gây căng thẳng cho tương quan giữa Ki-tô giáo và Khoa học không kém trường hợp Ga-li-lê hơn 240 năm về trước. Cuộc hội thảo sẽ là lần gặp gỡ quốc tế thứ ba trong khuôn khổ dự án mang tên STOQ (Science, Theology and the Ontological Quest - Khoa học, Thần học và Câu hỏi về nguồn gốc), do một số đại học và viện nghiên cứu ở Rô-ma và Hoa-kì thực hiện từ năm 2003 dưới sự điều hợp của Hội đồng Giáo chủ về Văn hoá.
Đề tài quan trọng này cũng đã được giáo chủ Biển-đức XVI và nhóm cựu môn sinh của ngài thảo luận trong hai cuộc họp truyền thống mùa thu năm 2006 và 2007 tại Castel Ganfoldo. Kết quả hai kì hội luận đó đã được in thành sách nhan đề Tạo Dựng và Tiến Hoá, do một nhà xuất bản tại Augsburg, Đức phát hành năm 2007.
Chủ đích cuộc hội thảo
Ngoài nguyên do gần là kỉ niệm 150 năm ngày xuất hiện tác phẩm, còn có hai lí do sâu hơn.
Thứ nhất, là vì những luận bàn về thuyết Tiến hoá càng ngày càng bị biến thành những cuộc tranh luận gay gắt sặc mùi í thức thệ, không những nơi phía chủ trương Tiến hoá triệt để, mà ngay cả nơi ki-tô hữu. Tác phẩm của Darwin, một cuốn sách mang tinh thần và nội dung khoa học, vì thế, thường bị lợi dụng cho mưu đồ í thức hệ.
Lí do thứ hai, và đây cũng là mục tiêu của những cuộc hội thảo trong khuôn khổ STOQ, là tiếp tục khai triển nhịp cầu đối thoại thẳng thắn và hữu hiệu giữa Khoa học tự nhiên và Thần học, nhằm đưa ra ánh sáng những bất cập của hai phía và xoá đi những định kiến và ngạo mạn của hai bên, để làm hoà lại mối tương quan giữa Khoa học tự nhiên với Thần học / Giáo hội, mối tương quan vốn đã bắt đầu xấu đi kể từ khi thế giới bước vào thời Mới (cụ thể là từ biến cố Ga-li-lê trong thế kỉ 17, xem bài về Ga-li-lê, DĐGD số 76), và trở nên căng thẳng, đứt đoạn cho tới giữa thế kỉ 20. Vì thực ra, theo TGM Gianfranco Ravasi, giữa Khoa học tự nhiên và Thần học chẳng có “vạn lí trường thành của Trung-quốc cũng như bức màn sắt” nào giăng ngang cản lối, cả hai không chống nhau, nhưng đứng từ hai bình diện khác nhau để nhìn cùng một thực tại, vì thế chúng phải bổ túc cho nhau.
Thời Mới – cũng gọi là thời Khai sáng - được đánh dấu bằng sự vùng dậy của Lí trí và tiến bộ khoa học. Hai khả năng vạn năng này đã khiến một số đông nhà khoa học tin rằng, Thiên Chúa sẽ không còn chỗ đứng nào nữa với đà khám phá ra các quy luật tự nhiên. Các quy luật này rồi đây sẽ xua tan đi những vùng tối tôn giáo đây đó còn rớt lại nơi một số hang cùng ngõ hẻm của thế giới; chúng sẽ giải phóng nhân loại, trao trả lại cho họ chính vận mạng của mình. Trong cơn lên đồng của tiến bộ khoa học, người ta đã huyền thoại hoá trường hợp Ga-li-lê và biến ông thành một nạn nhân tử đạo bởi Giáo hội. Cũng trong cơn lên đồng tiến bộ đó, người ta đã chụp lấy những giả thiết khoa học của Darwin về nguồn gốc muôn loài và về cuộc “cạnh tranh sinh tồn” của chúng để minh chứng cho chủ trương Vô thần của họ. Vô thần tin rằng vũ trụ tự tồn, nghĩa là vũ trụ tự nó có, vô thuỷ vô chung, tất cả khởi đi từ vật chất, chứ chẳng Thiên Chúa nào tạo dựng nên nó cả!
Trường hợp Charles Darwin
Charles Darwin (1809 – 1882) là con của một gia đình khá giả, nhiều đời hành nghề bác sĩ ở Anh. Vì muốn con theo nghiệp mình, ông bố gửi cậu vào học i khoa ở Edinburg. Sau một thời gian ngắn, cậu bỏ học, lấy cớ là bị buồn nôn mỗi khi phải đụng tới xác chết. Không làm bác sĩ thì làm mục sư, ông bố chuyển cậu tới ngôi trường danh tiếng Cambridge. Nhưng suốt ba năm chán nản với thần học, cậu cho hay, chỉ thích đi lượm cây cỏ, bắt dun dế và cào cào châu chấu, và đặc biệt mê say với cuốn Thần học thiên nhiên (THTN) của nhà triết và thần học William Paley. Paley nguyên là cựu sinh viên xuất sắc của Cambridge, gần 30 năm trước cũng ở trong căn phòng mà Darwin hiện đang trọ. Giờ đây, Paley được Cambridge và cả nước Anh tôn thờ như một vị thánh. THTN là một cuốn sách nói về chương trình tạo dựng, mà sự phức tạp trong hài hoà kì diệu của nó chỉ có thể do một đấng tạo dựng đầy viễn kiến thiên tài nào đó nghĩ ra, và ta có thể nhận ra đấng ấy qua sự phong nhiêu và nét đẹp muôn màu của tạo dựng. THTN là bài ca về sự hiện hữu của Thiên Chúa phản ảnh qua muôn loài tạo vật. Paley đã đưa Thiên Chúa vào lịch sử qua hình ảnh một người thợ ráp đồng hồ. Quan sát bộ máy tế vi phức tạp nhưng hoà nhịp của các cơ phận nơi chiếc đồng hồ, ta biết chắc chắn phải có một người nào đó đã tạo ra nó và người đó hẳn phải là một thiên tài đầy viễn kiến. Tại sao muôn loài lại phong phú và mang nhiều vẻ đẹp đến như thế? Sau bao nhiêu năm quan sát thiên nhiên và tra khảo, Paley kết luận, đó là kết quả của một quá trình «thích ứng» của muôn vật với môi trường sống. Tư tưởng của THTN đã là ngôi sao dẫn chứng đầy đủ và vững chắc về sự hiện hữu Thiên Chúa toả sáng trên vòm trời nước Anh cho mãi tới giữa thế kỉ 19.
Darwin học được từ Paley sự mê say thiên nhiên và luận chứng «thích ứng», luận chứng mà về sau cậu đặt cho nó một tên mới: «tiến hoá». Gần 5 năm lênh đênh trên con tàu địa chất Beagle tới Nam Mĩ và băng qua các đại dương vòng khắp thế giới, cậu mục sư vừa ra trường 22 tuổi được dịp quan sát, chiêm ngưỡng và gom góp thoả thích những mẫu đất đá, thực vật và sinh vật để nghiên cứu. Và cậu cứ nặng đầu với câu hỏi: Tại sao cỏ cây, sinh vật muôn loài lại càng ngày càng phong phú và mang nhiều vẻ đẹp huyền diệu đến như thế? Tại sao các hành tinh lại vận hành quanh mặt trời, câu hỏi này đã được Newton, một đồng hương của Darwin, trả lời trước đó 150 năm. Vậy thì sự phát triển của muôn loài cũng phải có một quy luật tự tại nào đó chứ! 20 năm sau cuộc hải hành, Darwin cho rằng, ông đã tìm ra lời giải cho thao thức của mình, và đã trình bày nó ra trong Sự Hình Thành Các Loài Qua Chọn Lọc Tự Nhiên. Câu trả lời của ông: Muôn loài tự chúng phát triển, khởi đi từ đơn đến đa dạng, từ ít tới nhiều, từ sơ tới phức tạp... Chỉ trên một quần đảo ở Nam Mĩ có tới ba chủng chim Mai hoa (Grundfinken) với 13 loại có dạng mỏ khác nhau, phát xuất từ một gốc. Trên một số hòn đảo trong Ấn-độ dương, nơi quanh năm có những cơn gió dữ, nhiều loại côn trùng như ruồi, bọ và bươm bướm đã mất đi khả năng bay, vì nếu bay, sẽ bị gió thổi ra biển. Đôi cánh đã từ từ biến mất tuỳ theo cấp độ nơi các loại côn trùng. Darwin coi tất cả đó là kết quả của một quá trình “thích ứng” với môi trường thiên nhiên – mà ông gọi là “tiến hoá”. Nhưng “tiến hoá” của Darwin không mang tính hoà điệu như nơi Paley, mà trái lại ông cho rằng có những đột biến, và nhờ đặc tính này mà cái mới có cơ xuất hiện. Và đâu là động lực của tiến trình “thích ứng” hay “tiến hoá” đó? Theo Darwin, đó là do “cạnh tranh sinh tồn”, do sự “chọn lọc tự nhiên”: Chỉ có những loài có khả năng thích ứng nhất mới tồn tại, nẩy nở sinh sôi và mặc vào cho mình nét đẹp đa dạng.
Ngày nay nhìn lại, quan điểm “cạnh tranh sinh tồn” của Darwin đã hết được chú í, chỉ có thuyết Tiến hoá của ông tương đối khả dụng (Giáo chủ Gio-an Phao-lô II nói, Tiến hoá của Darwin đã trở nên “hơn là một giả thuyết”), nhờ được củng cố thêm nhiều kết quả nghiên cứu liên ngành. Mà ngày nay không chỉ có mỗi thuyết Tiến hoá của Darwin mà thôi. Nhiều nhà khoa học cũng đã đưa ra những thuyết Tiến hoá khác. Vì thế, khi đề cập tới lĩnh vực tiến hoá, ta phải nói tới những thuyết Tiến hoá, chứ đừng nghĩ chỉ có một.
Là một sinh vật trên trái đất, vẫn theo mạch suy tư của Darwin, loài người cũng không thoát ra ngoài quá trình “tiến hoá”. Darwin cho rằng, nguồn gốc xa xôi của loài người có thể là một loài dã nhân nào đó đã tuyệt chủng. (Lập luận người thoát thân từ khỉ thoạt tiên không phải do Darwin đưa ra, mà là do những người khác dựa vào một vài ghi chú riêng của ông suy diễn ra). Đây quả là một suy tư tế nhị. Phần vì thời đó chưa có bằng chứng, phần vì sợ đụng tới niềm tin tôn giáo, nên Darwin đã chỉ nêu lên như một giả thuyết. Trong tác phẩm nêu trên, khi suy nghĩ về nguồn gốc con người, Darwin chỉ ghi có một câu: “Ánh sáng sẽ chiếu toả lên nguồn gốc và lịch sử con người”. Ông thận trọng, không bước vào lãnh vực Sinh học để đưa ra một xác quyết dứt khoát về con người. Về điểm này, Darwin khác hẳn với Ga-li-lê trước đây, ông là người khiêm tốn, chừng mực và khôn ngoan, cố tránh mọi xung đột không cần thiết, nhưng không lùi bước trước quan điểm khoa học của mình.
Với những suy tư và lập luận khoa học như thế, tại sao Darwin lại bị coi là kẻ đã tạo ra rối loạn trong mối tương giao giữa Khoa học và Ki-tô giáo?
Darwin và xung đột giữa Tôn giáo và Khoa học
Trước khi đi sâu vào câu hỏi, cần có một bức tranh tổng thể về tương quan giữa Khoa học tự nhiên và Ki-tô giáo thời đó.
Trong thế kỉ 17, dù xẩy ra biến cố Ga-li-lê, mối dây giữa Ki-tô giáo và Khoa học vẫn chưa bị cắt đứt ngay. Nhưng thời kì này bắt đầu xuất hiện sự nghi kị từ cả hai phía. Ki-tô giáo là kẻ khai sinh ra Khoa học, nhưng bắt đầu từ đây, xem ra Giáo hội hết hứng thú hỗ trợ Khoa học. Sau công đồng Trento, Giáo hội càng ngày càng rút vào lãnh vực thiêng liêng, xa rời trần tục.
Bước sang thế kỉ 18- thế kỉ của Khai sáng-, các nhà khoa học từ từ ngã về hướng Vô thần hoặc Bất khả tri (Agnostismus: Chỉ coi thực tại vật chất mới là tri thức thật, còn những gì siêu nhiên thì không). Họ nhìn nhà nước chuyên chế và đồng minh gắn bó của nó là Giáo hội như những cơ chế đàn áp và dần quay ra chống lại. Một số khoa học gia đi theo thuyết Hữu thần (Deismus), nghĩa là họ tin có một thứ Thiên Chúa hoàn toàn trừu tượng nào đó, một thứ điền chỗ trống cho cái gì đó mà khoa học chưa biết. Vào cuối thế kỉ này, có một hoạt cảnh thật í nghĩa: Hoàng đế Napoleon cho mời nhà vật lí Laplace tới để giải thích về hình ảnh thế giới. Laplace đã trình bày cho Hoàng đế nghe về thế giới theo quan điểm khoa học thời đó. Laplace vừa trình bày xong, Hoàng đế đột nhiên hỏi : «Et Dieu?» Và Thiên Chúa ? Laplace liền đứng thẳng người, hiên ngang trả lời : «Dieu? Je n’ ai plus besoin de cette hypothèse!» Thiên Chúa ? Tôi chẳng cần gì tới cái giả thuyết ấy nữa.
Khoa học trong thế kỉ 19 còn vô đạo gấp đôi. Họ chẳng còn nhận biết Thiên Chúa ki-tô giáo nữa. Khoa học thế kỉ 19 không những tìm cách thoát ra khỏi sự bảo hộ của nhà nước và Giáo hội để được tự do nghiên cứu và học hỏi. Hơn nữa, họ còn coi Thiên Chúa là vật cản trên đường khám phá thế giới, mà theo họ, trước sau gì họ cũng sẽ tìm ra các định luật thiên nhiên để giải mã toàn bộ mọi hiện tượng trong đó. Vũ trụ đối với họ là một bộ máy tất định, vì thế không thể có chỗ cho Thiên Chúa với những phép lạ, những can thiệp bất thường của Người.
Thuyết Tiến hoá của Darwin xuất hiện trong bối cảnh vô đạo của Khoa học thế kỉ 19. Thuyết của ông cho thấy thiên nhiên đã và sẽ chuyển biến (tiến hoá) ra sao. Tuy nhiên, quy luật «tiến hoá» của ông bao gồm luôn cả loài người, nên đã bị những ki-tô hữu nặng truyền thống chống. Và đây cũng là điểm đi ngược lại câu chuyện tạo dựng trong Kinh Thánh. Cho tới đây, Darwin cũng giống như trường hợp Ga-li-lê. Nhưng tâm tánh Darwin không nóng vội và ngạo mạn như Ga-li-lê. Nhưng, như đã thấy trên, bối cảnh thế kỉ 19 dễ đưa tới xung đột lớn. Không phải xung đột tín ngưỡng giữa các giáo hội ki-tô giáo như vào thời Ga-li-lê . Mà giờ đây là chiến tranh công khai giữa một bên là Tôn giáo/Ki-tô giáo và bên kia là một nền Khoa học vô đạo và chống đạo. «Tôi chống tôn giáo, vì tôi theo khoa học», đó là câu nói sau này của Joseph Stalin, một cựu chủng sinh chào đời lúc Darwin còn sống.
Một khi Khoa học miệt thị Tôn giáo như thế, thì phản ứng ngược lại của phía bên kia cũng dễ hiểu, Chỉ cần một cớ thật nhỏ cũng đủ cho chiến tranh bùng vỡ. Những tấn công liên lỉ lên Tôn giáo của một số nhà khoa học khiến cho một số kẻ tin nghĩ ngay rằng, Darwin mang hậu í tấn công mình. Họ tri hô lên, có người bảo chúng ta xuất phát từ khỉ! Phản Kinh Thánh! Đặc biệt các tín đồ tin lành trung thành với Kinh Thánh, họ coi Kinh Thánh là tuyệt đối, đã dấy lên một trận chiến chống Darwin và thuyết của ông, kéo dài mãi cho tới nay.
Và dĩ nhiên phía bên kia cũng lợi dung dịp may lao vào trận. Họ dùng Darwin làm thành trì cho việc giải thích thế giới theo quan điểm vô thần của họ. Lối biện luận cộc cằn của những người tin lành bảo căn đã khiến cho niềm tin của những kẻ theo thuyết Tiến hoá trở nên dễ hơn. Nhưng thuyết Tiến hóa, trên thực tế, đâu có ăn nhập gì đâu tới câu hỏi, có hay không có Thiên Chúa. Nó chỉ mô tả những quy luật phát triển của thế giới sống động. Chỉ có vậy. Nó chẳng bàn chi tới câu hỏi quyết định, là tại sao lại có muôn loài, mà không phải là hư vô. Lại nữa, thuyết Tiến hoá cũng không thể trả lời câu hỏi, tại sao muôn loài trong thế giới lại ở trong một trật tự toàn hảo, mà không rơi vào hỗn loạn. Và nếu có những quy luật đưa trật tự tới hỗn loạn (“đột biến”), thì chúng phải ăn khớp với nhau ra làm sao, để cho sau một biến chuyển lâu dài, một con người với những nét tế vi như Darwin hay như quý độc giả đang đọc bài này, có thể xuất hiện. Và thuyết Tiến hoá cũng không tài nào giải thích nổi, tại sao thế giới trong giây lát tới đây sẽ không chìm vào hỗn loạn.
Cũng như mọi thuyết khoa học khác, thuyết Tiến hoá cũng chỉ mô tả được bằng quy luật những gì đang có và những gì mới biết được cho tới nay. Kinh nghiệm tới nay cho hay, những quy luật đó lúc này vẫn còn giá trị và hỗn loạn sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, ai dám quả quyết rằng, thông qua các điều kiện quá khứ, họ có thể tiên đoán tương lai được một trăm phần trăm, thì kẻ đó đang muốn trở thành thầy bói, chứ không phải là nhà khoa học. Người làm khoa học đứng đắn là người í thức được giới hạn phương pháp và giới hạn kiến thức đạt được.
Lẽ ra thuyết khoa học của Darwin không hẳn tạo ra xung đột. Nhà sử khoa học Ernst-Peter Fischer viết : «Chiều kích lớn lao của Thiên Chúa được tỏ lộ ra qua và trong cuộc tiến hoá. Nhờ đặc tính này, Người giúp cho cuộc sống do Người đã tạo nên được tiếp nối. Tư tưởng tiến hoá quan tâm tới Thiên Chúa, chứ không xua đuổi Người.» Trình thuật tạo dựng trong Kinh Thánh không phải là việc mô tả thế giới; nó cho biết thế giới mang í nghĩa gì, và thế giới này là do một Thiên Chúa tạo dựng nên, thế thôi. Thuyết Tiến hoá Darwin, trái lại, mô tả thế giới và sự phát triển của nó. Trong đó thiên nhiên không phải là một đại lượng cứng nhắc bất biến, nhưng nó biến chuyển năng động với thời gian. Trên căn bản, điểm này tương đồng với quan điểm ki-tô giáo.
Ki-tô giáo dạy rằng, Thiên Chúa đã trở thành người qua đức Giê-su Ki-tô, nghĩa là Thiên Chúa đã tự mình đi vào lịch sử và vẫn tiếp tục tác động lên nó dưới dạng Thánh Linh. Như vậy, theo cái nhìn ki-tô giáo, ngay cả đức tin cũng biến chuyển theo lịch sử. Thế thì tại sao tạo vật lại không thể biến chuyển theo lịch sử? Ki-tô giáo tin rằng, ngay từ đầu đã có một số hạt mầm xác tín rồi. Và những hạt mầm này dần dà lớn lên, trở nên sáng tỏ dần, sau một thời gian dài biến chuyển. Như thế, có sự phát triển của tín lí, nghĩa là, một số xác tín nào đó đã được một công đồng hay giáo chủ tới một lúc nào đó diễn đạt ra thành một công thức rõ ràng, sau bao nhiêu thế kỉ suy tư tìm hiểu về những nội dung đó. Đối với các tín hữu bảo căn bất luận từ phía nào, thì nhận định «biến chuyển theo lịch sử» này bị coi là rối đạo. Nhưng với Ki-tô giáo thì quan điểm đức tin biến chuyển theo lịch sử qua sự dẫn dắt của Thánh Linh là lí đương nhiên.
Như vậy, theo xác tín ki-tô giáo, nếu đức tin đã dần tiến tới chỗ trong sáng và nở hoa từ những luật lệ và quy tắc ban đầu, thì tại sao Thiên Chúa cũng không bằng cách đó trao cho tạo vật ngay từ đầu những luật lệ và quy tắc? Những luật lệ dẫn tạo vật thoát ra khỏi tình trạng hỗn mang ban đầu để đi tới chỗ thăng hoa về sau?
Như thế, thuyết Tiến hoá lẽ ra phải là một tiến bộ khoa học đáng mừng. Trong chừng mực là một thuyết khoa học, theo nhận định của hồng i Joseph Ratzinger, nay là đương kim Giáo chủ, thuyết đó không mâu thuẫn gì với Đức tin cả ; nó chỉ trở nên mâu thuẫn, khi người ta biến những yếu tố của nó trở thành «triết lí tổng quát» (philosophia universalis) hay dùng chúng làm chìa khoá duy nhất để quảng diễn toàn bộ thực tại, kể cả con người trong đó.
Bài học quá khứ
Ngày 31.10.1992 giáo chủ Gio-an Phao-lô II đã đọc bài diễn văn kết thúc cuộc nghiên cứu 10 năm dài của Viện Hàn lâm Giáo chủ Khoa học về trường hợp Ga-li-lê. Giáo chủ muốn làm sáng tỏ những bất cập và hiểu lầm đau đớn trong quá khứ để khép lại trang sử Ga-li-lê một cách công bình và sáng tỏ. Đó là bước đầu trong nỗ lực giao hòa mối tương giao giữa Ki-tô giáo và Khoa học. Dịp đó, Giáo chủ đã thẳng thắn nói ra sự bất cập về phía Giáo hội mình. Có lẽ cũng vì nhìn cuộc hội thảo sắp tới theo tinh thần này, người ta giờ đây yêu cầu Giáo hội nên xin lỗi Darwin, như giáo hội Anh giáo vừa làm! Tại sao Anh giáo lại xin lỗi, thật khó hiểu. Nhưng về phía Công giáo, chẳng có lí do gì để làm như thế. Giáo hội chưa bao giờ lên án thuyết của Darwin. Sách ông cũng chưa bao giờ bị Giáo hội đưa vào danh mục sách cấm.
Với giáo chủ Biển-đức XVI, công tác hàn gắn quan hệ Giáo hội – Khoa học lại càng cấp thiết, vì đây là một mặt trận quan trọng đối với ngài, vì ngài không ngừng đề cao Đức tin và Lí trí. Từ bài lên lớp ở đại học Regensburg cho tới tông thư Spe Salvi mới đây, giáo chủ Biển-đức không ngừng chứng minh cho mọi người thấy rằng: Đức tin và Lí trí không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Văn minh tây phương đang có vấn đề ở điểm này. Vận hội Giáo hội Âu châu một phần cũng đang tuỳ thuộc ở việc gỡ nút thắt này. Khoa học tây phương dị ứng với Đức tin, cho rằng, đâu có Tôn giáo ở đó hết Khoa học. Giáo hội và Giáo chủ thì khẳng định, một khi Khoa học không có Đức tin hướng dẫn, Khoa học sẽ như con tàu không người lái. Không thể có một nền Khoa học vô trách nhiệm. Không thể bảo, phận vụ của nhà khoa học là chế bom nguyên tử, còn việc sử dụng là trách nhiệm của người khác. Trong khi đòi cho mình toàn quyền tự do hành động, Khoa học có được phép vì thế xô con người vào rối loạn và đẩy họ vào bất hạnh hay không? Khoa học không chỉ làm việc với máy móc, nhưng chủ yếu với và cho con người; mà đã đụng tới con người, đương nhiên phải có chuyện luân lí đạo đức. Khoa học không thể đòi cho mình độc quyền Chân lí, như Ga-li-lê trước đây đã làm. Điểm này ngày nay đã rõ. Chân lí khoa học thường chỉ là phản ảnh một phần của tổng thể phức tạp. Và tổng thể luôn là cái gì nhiều hơn tổng số các thành phần của nó. Gia đình không chỉ là tập hợp của một đàn ông, một đàn bà và một số con trẻ, mà đó còn là một thực thể tình yêu. Cũng vậy, Giáo hội không chỉ là tổng số số tín hữu có tổ chức, mà đó còn là một nguồn suối ơn ích. Tình yêu hay ơn ích đó Khoa học đâu có thể cân đong đo đếm được. Hay nói một cách khiêm tốn như triết gia Karl Popper: Các mệnh đề khoa học chỉ là những phỏng đoán chưa bị thực tế đánh đổ đấy thôi, nghĩa là chúng có thể bị phản biện một lúc nào đó. Khoa học không có Đức tin hướng dẫn sẽ có nguy cơ dẫn con người xuống vực thẳm, như lịch sử đầy đau thương và kĩ thuật đầy rủi ro tai ương thời Hiện đại đã cho thấy.
Mà muốn cho lập luận của mình được khả tín, cần phải làm sáng tỏ và thanh toán đi những hiểu lầm và vướng mắc trong quá khứ. Và dĩ nhiên cũng cần phải học bài học của quá khứ. Trong bài diễn văn nói trên, giáo chủ Gio-an Phao-lô II nhân việc duyệt lại trường hợp Ga-li-lê đã nêu ra hai bài học cụ thể cho Giáo hội mình.
Thứ nhất, khi có một hình thức nghiên cứu hiện tượng thiên nhiên mới xuất hiện, ta cần phải xét duyệt lại cả tổng thể, để từ đó xác định lại biên giới, cách thức tiếp cận vấn đề, phương pháp và giới hạn các kết luận của mỗi ngành. Nói cách khác, cái mới bắt buộc mọi ngành phải í thức lại phạm vi và bản chất riêng của mình. Cụ thể : cuộc cách mạng vũ trụ quan của Kopernikus (trái đất xoay quanh mặt trời) đã buộc Giáo hội đặt lại vấn đề với các khoa học về Kinh Thánh; nỗ lực đó đã giúp cho các nhà chú giải về sau tạo ra được những hoa trái tốt đẹp.
Thứ hai, đây là bài học về khía cạnh mục vụ. Giáo hội có sứ vụ rao giảng những gì đúng với sự thật, đồng thời cũng không được nhắm mắt trước một sự kiện khoa học mới xem ra có hại cho sự thật đức tin. Thời Ga-li-lê, nhiều mục tử đã gặp khó khăn, vì những tưởng thuyết mặt trời quay quanh quả đất chính là giáo lí của Kinh Thánh. Lẽ ra lúc đó mình cần phải vượt qua những lối nghĩ thói quen và phát triển ra một đường lối sư phạm mới để tiếp tục hướng dẫn dân Chúa. Nói tắt lại, trong mọi trường hợp, người mục tử phải thật tỉnh táo, không hốt hoảng mà cũng đừng phán quyết vội vàng, kẻo lại có thể gây thêm tác hại. Lời Chúa chẳng sai, việc sai sót hay lầm lẫn thường là do nơi người quảng diễn, Ga-li-lê trước đây cũng đã nhận định như thế.
Hai bài học trên dẫn tới một nhiệm vụ cho các nhà thần học : Họ phải thường xuyên theo dõi các kết quả khoa học, để lượng định xem có nên thu nhận kết quả đó vào suy tư của mình hay có cần phải chú giải lại kinh sách không.
Phạm Hồng-Lam
Augsburg, ngày 15.10.08
Tham khảo và rút gọn từ các tài liệu:
- Gio-an Phao-lô II : Schmerzliches Mißverständnis im «Fall Galilei» überwunden (Diễn văn ngày 31.10.92)
- Gerhard Heberer: Charles Darwin. Sein Leben und sein Werk. Kosmos. Stuttgart 1959.
- Manfred Lütz : Gott. Eine kleine Geschichte des Größten. Pattloch, München 2007.
- Richard D. Precht : Wer bin ich – und wenn ja, wie viele ? Goldmann 2008
- Es gibt keine «Chinesische Mauer» zwischen Naturwissenschaften und Glauben. Bản tin Zenit, ngày 17.09.08
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=333&ia=5449