Trọng Thành, RFI
17 17:54 - Nâng giá nhân dân tệ không giải quyết thâm thủng mậu dịch của phương Tây đối với Trung Quốc và cũng không tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ và châu Âu.
Báo chí đã nói rất nhiều đến cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh chung quanh tỷ giá đồng nhân dân tệ nhưng câu hỏi Le Monde đặt ra hôm nay (17/4) là liệu việc nâng giá đơn vị tiền tệ có giải quyết được vấn đề nhập siêu của nhiều nước phương tây đối với Trung Quốc hay không ? Theo tờ báo thì câu trả lời là không. Vậy thì câu hỏi kế tiếp tờ báo nêu lên là tại sao Hoa Kỳ và châu Âu liên tục đòi Trung Quốc có chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn ?
Để đối phó với khủng hoảng và kích thích tăng trưởng Trung Quốc đã cột chặt đơn vị tiền tệ quốc gia với đồng đô la tính theo thời giá của mùa hè 2008, duy trì tỷ giá khoảng 6,83 nhân dân tệ đổi lấy 1 đô la Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng giá của đồng tiền Trung Quốc thấp hơn từ 30 đến 40% so với đô la và đây là một sự cố tình để Bắc Kinh kích thích khu vực xuất khẩu. Ghìm giá đồng tiền như vậy theo quan điểm của Washington tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng, đồng thời nó còn là động cơ khiến các tập đoàn của Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, tạo thêm thất nghiệp cho Hoa Kỳ, gây trở ngại cho tiến trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ.
Châu Âu không mạnh dạn lên tiếng bằng Hoa Kỳ nhưng cũng có cùng quan điểm với Washington.
Thế nhưng theo một số các chuyên gia được Le Monde trích dẫn, thì điều chỉnh tỷ giá hối đoái không phải là chiếc đũa thần cho phép phương Tây giải quyết các vấn đề vừa nêu. Thứ nhất là nâng giá nhân dân tệ sẽ không là động cơ khiến các hãng xưởng của Âu, Mỹ quay về xuất xứ. Giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Natixis ông Patrick Artus không tin rằng đây sẽ là yếu tố giúp châu Âu và Hoa Kỳ « tái công nghiệp hóa », và cũng không phải là giải pháp để mang lại công ăn việc làm cho người lao động của phương Tây. Một đồng yuan rẻ so với đô la và euro hiện đang có lợi cho rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Âu Mỹ đang hoạt động tại nước đông dân nhất địa cầu. Nếu Trung Quốc nâng giá đơn vị tiền tệ thì các hãng này sẽ tiếp tục di dời cơ sở đến những vùng đất như là Ấn Độ Việt Nam hay Bangladesh. Đó là những nơi mà đồng lương trả cho nhân viên còn thấp hơn cả ở Trung Quốc.
Ngược lại nếu nhân dân tệ tăng giá thì hàng Trung Quốc bán sang châu Âu và Hoa Kỳ sẽ đắt hơn, tức sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.
Về câu hỏi nâng giá đồng yuan có giúp Hoa Kỳ thu hẹp khoản nhập siêu với Trung Quốc hay không, thì theo một chuyên gia của ngân hàng Société Générale câu trả lời cũng là không. Từ 2005 đến 2008 Trung Quốc đã từng bước nâng giá nhân dân tệ so với đô la tổng cộng là 21%, thế nhưng thâm thủng mậu dịch của Mỹ đối với bạn hàng lớn nhất Á châu này vẫn bay bổng từ kỷ lục đến kỷ lục khác, đạt 227 tỷ đô la vào năm ngoái.
Có lẽ đây là lý do giải thích phần nào tranh cãi chung quanh tỷ giá đồng nhân dân tệ đã dịu lại trong thời gian gần đây.
Theo phân tích của Le Monde, Hoa Kỳ ngoài việc xoa dịu dư luận trong nước trên vấn đề thất ngiệp thì bản thân chính quyền Obama ý thức rằng đòi hỏi Bắc Kinh nâng giá đồng tiền không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tổn thương quan hệ Mỹ Trung. Trong khi đó thì nước Mỹ cũng đang rất cần đến Trung Quốc từ mặt tài chính đến chính trị.
Về phần mình, Bắc Kinh trước sau gì cũng phải tăng giá đồng yuan vì lợi ích của bản thân Trung Quốc : biện pháp này giúp Trung Quốc kềm hãm lạm phát, làm hạ nhiệt giá nguyên và nhiên liệu đồng thời giới hạn bớt sự lệ thuộc của nền kinh tế vào khu vực xuất khẩu.
Câu hỏi đặt ra là khi nào thì Trung Quốc nâng giá đồng tiền và sẽ tăng bao nhiêu phần trăm ? Chắc chắn một điều là Bắc Kinh sẽ không làm bất cứ điều gì dưới sức ép của quốc tế và nhất là của Hoa Kỳ
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20100417-nang-gia-nhan-dan-te-co-loi-cho-phuong-tay