Donnerstag, 22. April 2010

Bài hát chính thức của Triển lãm Thượng Hải bị tố cáo là ăn cắp của Nhật

RFI

Một sự kiện hi hữu: bài hát chính thức của Triển lãm Toàn cầu ở Thượng Hải bị tố cáo là một bài
hát ăn cắp. Nguời ta phát hiện bài hát này có âm điệu rất giống bài hát của nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác Nhật Bản Mayo Okamoto. Ban thư ký Triển lãm sau đó đã kín đáo liên lạc với văn phòng của ca sĩ này để sử dụng bài hát cho Triển lãm.

Một sự kiện hi hữu liên quan đến Triển lãm Toàn Cầu ở Thượng Hải chuẩn bị khai mạc vào cuối tuần tới đây đang gây bối rối cho ban tổ chức, đó là bài hát chính thức của Triển lãm bị tố cáo là một bài hát ăn cắp.

Tờ báo Nhật Bản Yomiuri, hôm nay, tường thuật lại sự kiện trong bài bình luận tựa đề: « Trung Quốc phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ».

Trước những lời tố cáo dồn dập từ Hồng Kông, Nhật Bản, các nhà tổ chức Triển lãm Toàn cầu năm 2010 ở Thượng Hải có vẻ không còn sự chọn lựa nào khác là ngưng sử dụng bài hát quảng cáo cho Triển lãm, mà người phản đối cho đây là bài hát ăn cắp.

Tờ Yomiuri giải thích là ban thư ký Triển lãm đã đi đến quyết định này, sau khi nguời ta phát hiện bài hát chính thức của Triển lãm có âm điệu rất giống bài hát của nữ ca sĩ đồng thời là nhạc sĩ sáng tác Nhật Bản Mayo Okamoto, có tựa là « Sono Mama no Kimi de Ite », tạm dịch « Hãy duy trì hướng đi của bạn ».

Theo tờ báo Nhật, ban thư ký này đã kêu gọi các nhà soạn nhạc sáng tác bài hát cho Triẻn lãm, và cuối cung đã chọn bài của một nhà sáng tác nổi tiếng ở Trung Quốc

Sau khi được phát ở Trung Quốc vào cuối tháng 3, bài hát đã giúp thu hút chú ý người dân về cuộc Triển lãm, một phần là vì được danh ca Trung Quốc hát lên.

Tuy nhiên, sau khi được tung ra thì người ta thấy xuất hiện trên mạng Internet nhiều thư phản đối cho đây là bài hát ăn cắp như nói trên. Vụ việc hầu như làm cho ban thư ký Triển lãm bối rối, và họ đã kín đáo liên lạc với văn phòng của ca sĩ Nhật Mayo Okamoto vào trung tuần tháng tư này, để được phép sử dụng bài hát cho Triển lãm. Theo tờ Yomiuri bà Okamoto đã tỏ ý chấp nhận, các nhà tổ chức có thể sử dụng lại bài hát nhưng lần này thì phải nêu đây là sáng tác của Mayo Okamoto.

Theo tờ báo, chi tiết việc sử dụng bài hát, thỏa thuận hai bên như thế nào sẽ được hoàn tất sau, nhưng rõ ràng là ban tổ chức Triển lãm phải tuân theo quy định quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ.

Nhân dịp này, tờ báo Nhật Bản nêu bật hiện tượng sao chép trái phép, trong lãnh vực phim ảnh, nhạc, trò chơi điện tử, cũng như hàng giả hiệu, đã trở thành một ngành phồn thịnh ở Trung Quốc. Trước yêu cầu của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc đã đưa một số quy định, có điều trên mặt thực tế thì hầu như không thực hiện gì cả. Những người kiện cáo, nếu được bồi thường thì cũng nhận được một khoản tiền rất ít ỏi. Cho nên khó thể chống lại hiện tượng giả mạo.

Tờ Yomiuri còn nêu một yếu tố khác giải thích việc sao chép trái phép, như trong lãnh vực âm nhạc, các nhà sáng tác không được đền bù đúng mức trên sáng tác của họ khiến họ không ngần ngại sao chép của người khác.

Nhưng tờ báo cũng hoan nghênh phản ứng của phía Trung Quốc trong vụ mới này ; xem đây là một cái lỗi, điều rất hiếm thấy tại Trung Quốc.

Trong phần kết luận, tờ Yomiuri đưa ra hai nhận xét là : Trung Quốc nhận thấy không thể làm ngơ trước các tiếng nói ngày càng nhiều chống lại việc sao chép trái phép, ăn cắp nhạc, bài hát .. vì dẫu sao cuộc triển lãm Thượng Hải là một sự kiện quốc tế, và lại đặt dưới chủ đề : « Thành phố tốt hơn, cuộc sống tốt hơn ». Qua sự kiện này rõ ràng là Trung Quốc cố gắng quảng cáo cho kinh tế cũng như tô điểm hinh ảnh của mình. Như thế thì Trung Quốc càng phải thật sự bảo vệ quyền sở hữu tri thức, làm cho hệ thống của mình phù hợp với phần còn lại của thế giới.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/node/18460