Thanh Phương, RFI
Nếu cuộc sống của người dân thường sau năm 1975 gặp rất nhiều cơ cực, thì đối với những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa lại càng nghiệt ngã hơn. Là người thương tật, không hề nhận được một sự giúp đỡ nào, lại bị phân biệt đối xử; họ đã phải hết sức vất vả để tồn tại được trong 35 năm qua. Thanh Phương phỏng vấn một số thương phế binh "chế độ cũ" và ông Nguyễn Quang Hạnh, Hội trưởng Hội Bạn của Thương Phế Binh VNCH.
Ông Nguyễn Văn Mười từ Cần Thơ, nói về tâm trạng của các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, 35 năm sau khi chiến tranh chấm dứt. Ông Nguyễn Văn Mười nguyên là trung sĩ, trung đội trưởng nghĩa quân, bị thương và giải ngũ năm 1968 và sau đó làm tổng thư ký làng phế binh đến năm 75, tức là cho đến khi các làng này bị giải tán, các thương phế binh phải tứ tán mỗi người một phương. Thật ra thì sau chiến tranh, cuộc sống các thương binh bên này hay bên kia đều cực khổ. Bên phía các thương binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, những khoản trợ cấp ít ỏi không đủ để bù đắp cho cuộc sống thiếu thốn của thân phận tàn phế. Nhưng về phía các thương phế binh VNCH, một số người cho tới nay vẫn còn bị phân biệt đối xử, tuy rằng với thời gian hoặc tùy theo địa phương, thái độ của chính quyền đối với họ có khác nhau.
Trường hợp của cựu trung úy Phạm Văn Hưng, ở Khánh Hoà, nguyên là trưởng "công-voa", bị thương ở mắt ngày 10/3/75 ở Daklak khi chở các chiến cụ lên đây, bị bắt làm tù binh và sau ngày 30/4, vẫn bị đưa đi cải tạo.
Còn đối với thương phế binh Phạm Văn Phú ở Vĩnh Long, bị mìn nổ cụt cả hai chân vào năm 1971 trong một trận đánh dữ dội tại Vĩnh Long, thì không gặp vấn đề gì với chính quyền địa phương, nhưng cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ, tuy rằng trong suốt nhiều năm trời, ông phải lết đi để kiếm ăn.
Về phần ông Nguyễn Trọng Đạt ở Ban Mê Thuột, nguyên là đại úy binh chủng nhảy dù, bị thủng đùi và gãy xương quai xanh ở Bình Long - An Lộc vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tuy là thương phế binh, ông cũng đã bị đưa đi học tập cải tạo trong 2 năm 8 tháng 23 ngày. Nhưng số phận nghiệt ngã đến nỗi, mặc dù hòa bình đã lập lại, nhưng cái nợ chiến tranh vẫn đeo bám ông Đạt. Cụ thể là vào năm 1988, ông lại bị cụt mất hai tay khi đào hố trồng càphê, đụng phải một viên đạn M79
Ông Đoàn Tiếng, tiểu đoàn 11 pháo binh, yểm trợ cho trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 bộ binh, bị thương ở trận Lam Sơn 719 Hạ Lào năm 1971, một con mắt bị mù, còn mắt kia bị mờ. Bị bắt làm tù binh, ông được đưa ra lao động cải tạo tại Yên Bái, đến khi gọi là « giải phóng » Quảng Trị thì được thả về quê, tức là được thả trưóc ngày 30/4, chứ không bị đi cải tạo. Nhưng sống ở đất Quảng Trị khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống của những thương phế binh như ông Đoàn Tiếng càng thêm khó khăn
Là Hội trưởng Hội Bạn của Thương Phế Binh VNCH từ gần 20 năm nay, ông Nguyễn Quang Hạnh, là người hiểu rất rõ tâm trạng của các thương phế binh này hơn ai hết. Trao đổi với RFI, ông Hạnh nhắc lại hoạt động của Hội trong 20 năm qua và tỏ ý hy vọng sẽ có người nối tiếp ông trong cương vị Hội trưởng.