Tấn công bất cứ nơi nào trong vòng 1h
Tờ New York Times vào cuối tuần trước cho biết chính quyền của Tổng thống Barrack Obama đang đổ tiền của vào việc phát triển các hệ thống vũ khí mới, bao gồm cả loại đầu đạn tên lửa thông thường với khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Để hiện thực hóa tham vọng trên, hôm 22/4, Không quân Mỹ đã phóng thử hai vũ khí thử nghiệm mới.
Mẫu máy bay không người lái X-37B
Vụ phóng đầu tiên diễn ra tại Căn cứ không quân Vandenberg đóng tại California và vụ thử thứ hai diễn ra tại Mũi Canaveral, Florida. Vụ phóng đầu thử nghiệm tính năng của một loại đầu đạn mới mang tên Phương tiện di chuyển áp dụng công nghệ gấp 5 lần âm thanh thế hệ 2 (HTV-2), bí danh Falcon. Loại đầu đạn này nằm dưới tầm kiểm soát của Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA). Sử dụng một động cơ của một tên lửa đạn đạo đã bị hủy bỏ, Falcon đã bay lên quỹ đạo Trái đất, tách khỏi tên lửa đẩy rồi trở lại với tốc độ lên tới 20.000km/h, gấp hơn 20 lần tốc độ âm thanh. Falcon dự kiến sẽ đâm xuống Thái Bình Dương, gần một bãi thử của Mỹ đặt ở vùng Kwajalein Atoll.
Vụ thử thứ hai liên quan tới chiếc máy bay không người lái X-37B. Lầu Năm Góc hoàn toàn kín tiếng về chương trình tuyệt mật này. Họ từ chối không cho biết chiếc máy bay, với hình dáng giống một tàu vũ trụ thu nhỏ, có quay trở lại Trái đất sau khi phóng thử hay không. Họ cũng không tiết lộ về việc chiếc máy bay đã mang theo gì hoặc nhiệm vụ của nó là gì.
Có những phỏng đoán cho rằng hai vũ khí mới kể trên là một phần đang được phát triển dưới chương trình Tấn công Toàn cầu Mau lẹ (Prompt Global Strike - PGS)
Thay thế vũ khí hạt nhân
PGS là một sáng kiến quân sự, đề xuất việc xây dựng một hệ thống có thể phóng các vũ khí thông thường tới bất kỳ đâu trên thế giới với tốc độ nhanh như một cuộc tấn công hạt nhân hiện nay.
Tinh thần của PGS thể hiện khá rõ qua tuyên bố của viên tướng Mỹ James Cartwright: “Ngày hôm nay, trừ phi sử dụng vũ khí hạt nhân, bạn phải mất nhiều ngày thậm chí nhiều tuần để quân đội có thể tổ chức một cuộc tấn công bằng các lực lượng thông thường. Mục tiêu của PGS là cung cấp khả năng tấn công nhanh, chính xác từ lãnh thổ Mỹ tới bất kỳ nơi nào trên thế giới trong trường hợp có xung đột hoặc xảy ra tình huống khẩn cấp”.
Mô hình đầu đạn Falcon trong chương trình PGS
Nguồn tin Nhà trắng cho biết tuần trước, Tổng thống Obama đã gật đầu với đề xuất của giới quân sự về việc triển khai trên đất Mỹ một loại tên lửa siêu âm có thể bắn tới mục tiêu với tốc độ Mach 5, tức khoảng 5.793km/h. Tốc độ này lớn hơn 6 lần quả tên lửa hành trình Tomahawk (885km/h) đã tới quá muộn để tiêu diệt Bin Laden khi ông trùm khủng bố xuất hiện tại một trại huấn luyện ở Afghanistan hồi năm 1998.
Vũ khí mới có thể được phóng lên từ trên không, trên bộ hoặc trên biển. Nó sẽ là loại vũ khí tầm xa và hoạt động trên độ cao lớn, khoảng 106km. Vũ khí siêu tốc sẽ nhận thông tin cập nhật từ vệ tinh trong quá trình bay tới mục tiêu. Do tốc độ lớn, vũ khí sẽ tạo nên lượng nhiệt năng khổng lồ, khiến nó phải được trang bị lá chắn nhiệt để khỏi chảy ra.
Tùy thuộc vào mục đích của cuộc tấn công, những loại đầu đạn khác nhau có thể được lựa chọn và lắp trên vũ khí PGS. Trong những giây cuối cùng trước khi chạm mục tiêu, các đầu đạn có thể chia ra thành hàng chục mảnh với đột sát thương khủng khiếp trên diện rộng. Hoặc đầu đạn sẽ chỉ làm một công việc đơn giản là đâm thẳng vào mục tiêu và dựa vào động năng lớn để phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Do là vũ khí tấn công chính xác, PGS sẽ mang lại những gì giới quân sự Mỹ cần, trong khi không gây tác động hủy diệt hàng loạt như vũ khí nguyên tử.
“Vũ khí thông thường với tầm bắn quốc tế sẽ giúp chúng tôi có thể giảm bớt vai trò của vũ khí nguyên tử” - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.
Âu lo
Việc phát triển PGS đã nhận được cả những lời ca ngợi lẫn chỉ trích. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng “các quốc gia trên thế giới sẽ khó chấp nhận một tình huống trong đó vũ khí nguyên tử biến mất, nhưng các loại vũ khí mới tiềm ẩn các yếu tố đe dọa không hề thua kém lại xuất hiện và nằm trong tay vài thành viên nhất định của cộng đồng quốc tế”.
Tướng Yuri Baluyevsky, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, phàn nàn rằng việc Mỹ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân không phải bởi người Mỹ yêu chuộng hòa bình mà vì “họ có thể giết bạn chỉ bằng việc sử dụng các vũ khí thông thường siêu chính xác”.
Ngay cả các nhà phân tích Mỹ cũng cảnh báo nguy cơ Nga và Trung Quốc có thể nhầm lẫn một cuộc tấn công siêu tốc với một cuộc tấn công nguyên tử. “Thời gian bay ngắn... khiến cho các bên có rất ít thời gian để đánh giá tình huống. Nó đặt sức ép khổng lồ lên cơ chế ra quyết định của một quốc gia và qua đó làm tăng lên nhiều khả năng xuất hiện tai nạn (nguyên tử)” - Pavel Podvig ở Đại học Stanford nhận xét.
Tuy nhiên giới quân sự Mỹ tin rằng một vũ khí như PGS là cần thiết với Mỹ. Được biết Nhà Trắng vừa đề nghị Quốc hội Mỹ cấp gần 250 triệu USD trong năm tới chỉ để dành riêng cho việc nghiên cứu các công nghệ giúp di chuyển siêu tốc. Một số trong đó sẽ giúp giảm sóng chấn động hình thành bởi những quả tên lửa di chuyển với tốc độ cao, qua đó sẽ giúp tăng tốc vũ khí PGS lớn hơn nữa.
Tường Linh
Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/131N20100426082111246T0/my-vu-khi-sieu-toc-loi-hai-hon-vu-khi-hat-nhan.htm