Dienstag, 20. April 2010

Cần tăng giá trị cho hạt gạo

Nguyễn Thắng

(VOH) - Mới đây nhất, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong 2 năm 2009 và 2010, thông tin đã nhập khẩu gạo đủ cho nhu cầu năm 2010, và nếu có phát sinh thêm hợp đồng mới là dành cho chỉ tiêu của năm 2011. Kể từ cuối năm 2009 đến nay, Philippines đã ký hợp đồng nhập khẩu 2,45 triệu tấn gạo, trong đó gần 2 triệu tấn gạo đấu thầu có giá bình quân 600 USD/tấn từ các quốc gia xuất khẩu gạo, nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.


Hiện Chính phủ Philippines đã cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu thêm 160.000 tấn gạo với giá hiện nay, thấp hơn 150 USD/tấn so với những hợp đồng trứơc. Như vậy, thị trừơng xuất khẩu gạo của Việt Nam không phải lúc nào cũng sáng sủa về giá cả lẫn số lựơng. Các quốc gia đều mong muốn tự túc được lương thực, vì thế, ngành lúa gạo nước ta cần có những thay đổi để tăng giá trị cho hạt gạo.

Gạo xuất khẩu sang Philippines (ảnh chụp sáng 7-7-2009, tại bến phao 39 sông Nhà Bè, TP.HCM, trên tàu FEROI, trọng tải 31.000 tấn) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân- Tuổi Trẻ

Vì sao chúng ta cần tăng giá trị cho hạt gạo, đó là việc nhập khẩu gạo của một số quốc gia trên thế giới chỉ mang tính tạm thời, vì nhiều lý do như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiệt tai, chiến tranh, kỹ thuật sản xuất lạc hậu... làm giảm sản lượng lương thực, trong khi nhu cầu tiêu dùng không giảm nên phải bù đắp bằng nhập khẩu. Khi các quốc gia này khôi phục lại sản xuất thì nhu cầu nhập khẩu gạo tất nhiên cũng giảm theo.

Không những thế, khi một quốc gia phải nhập khẩu lương thực sẽ không được người dân nước đó đồng tình. Lấy ví dụ trường hợp Philippines, Hiệp hội Lương thực gạo quốc gia NFA trong năm 2009 được chính phủ giao đấu thầu nhập khẩu gạo trên 2 triệu tấn gạo các loại. Thời điểm này giá gạo cao, đôi khi gạo Thái Lan lên đến 1.000 USD/tấn, còn bình quân khoảng 600 USD/tấn. Thế nhưng đến nay, giá gạo đang giảm, bình quân chỉ còn khỏang 450 USD/tấn, đã khiến nhiều chính khách và dân chúng Philippines trách cứ chính phủ.

Thứ nhất là không ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp như cải thiện chất lượng lúa giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, đầu tư hệ thống tưới tiêu, cho vay vốn đầu tư sản xuất v.v. để giúp nông dân trong nước sản xuất lương thực, bảo đảm tự cung tự cấp lương thực. Theo dự kiến, đến năm 2013, Philippines sẽ ngừng nhập khẩu gạo do khả năng tự cân đối được lương thực, vì hiện nay chính phủ đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển nông nghiệp.

Thứ hai là vì sao không tạo việc làm cho nông dân địa phương, bởi khi Philippines tăng nhập khẩu gạo là giúp việc làm cho những nông dân Việt Nam, Thái Lan và một số quốc gia khác như Parkistan, Myanmar... Qua việc giá gạo nhập khẩu cao, thay vì giao cho Hiệp hội lương thực quốc gia NFA như dự kiến trước kia, hiện Chính phủ Philippines đã quyết định cho phép các doanh nghiệp tư nhận nước này nhập khẩu đợt đầu tiên 200.000 tấn trong số 800.000 tấn gạo.

Tại Việt Nam, với sản lựơng xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo/năm, giá trị hạt gạo nước ta không cao nên nông dân vẫn chưa thể giàu được. Bởi 1 ha lúa làm 3 vụ, nếu lúa được giá nông dân cũng chỉ lời tối đa 20 triệu đồng/ năm. Đó là khi giá lúa cao, còn những lúc giá lúa giảm thì nông dân lời chút đỉnh hoặc thua lỗ. Vì vậy, chỉ có con đừơng nâng cao giá trị hạt gạo bằng công nghệ chế biến mới tạo được sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo. Sắp đến giai đoạn, các doanh nghiệp lương thực không thể mãi chăm bẳm vào xuất khẩu gạo thô. Họ cần phải có những nghiên cứu về công nghệ, thị trừơng cho các sản phẩm chế biến từ gạo. Điều này cần có sự hỗ trợ của chính sách nhà nước.

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam để chúng ta ổn định sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, hơn thế nữa, một phần lúa gạo còn thừa vẫn sử dụng cho xuất khẩu nhưng khi đó, chúng ta không quá lệ thuộc vào những quốc gia nhập khẩu gạo./.

Nguyễn Thắng

Nguồn: http://www.voh.com.vn/News/NewsDetail.aspx?id=17533