2010-04-13 -Đa nguyên - đa đảng là một vấn đề ‘nhạy cảm’ tại Việt Nam lâu nay. Nhiều cá nhân và tổ chức công khai lên tiếng đòi hỏi và cổ xúy cho dân chủ - nhân quyền đã bị bắt bớ, kết án tù.
Lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội hôm 9/4/2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Miến Điện tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ, có sự tham gia của các đảng phái
Tuy vậy, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mới hồi tuần rồi lên tiếng kêu gọi một nước khác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, là Miến Điện sắp tới cần tổ chức bầu cử công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái.
Những thành phần bị cấm đoán lâu nay trong nước đã có phản ứng trước tuyên bố đó của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Lời kêu gọi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với cương vị nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, được đưa ra trong phiên họp báo sau khi kết thúc kỳ họp thượng đỉnh thứ 16 Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, tại Hà Nội hôm thứ sáu tuần rồi.
Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nói hoàn toàn khác với những phát biểu lâu nay của các nhà lãnh đạo Việt Nam, luôn luôn đề cao vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản tại Việt Nam.
Chủ tịch quốc hội Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến công du Ấn Độ hồi tháng hai vừa qua, khi trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Express Ấn Độ về đa đảng với những tiếng nói khác nhau ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã nói rõ quan điểm Việt Nam chưa cần thiết đa đảng. Một đảng viên được cho là có tư tưởng tiến bộ muốn xóa bỏ chủ nghĩa Mác- Lê- nin, ông Đỗ Xuân Thọ, trong một cuộc trả lời biên tập viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự do hồi đầu tháng này, cũng không ủng hộ việc đa đảng, ông nói: Đa đảng là nội chiến ngay.
Như vậy, phát biểu của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có mâu thuẫn với tuyên bố của những vị lãnh đạo khác và của chính ông trước đây.
Một người trong nước lâu nay từng có những bài viết nói lên trăn trở về tình hình chính trị của đất nước, nhà giáo Nguyễn Thượng Long, có ý kiến về phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với bầu cử tại Miến Điện:
“Điều ông Dũng nói về Miến Điện đem so sánh với những gì mà ông Dũng, ông Mạnh, ông Triết và 15 ông trong Bộ Chính trị đối xử với nhân dân Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam như bị xúc phạm, bị các ông ấy coi khinh, coi rẻ quá.
Lý do ở trong nước họ luôn giáo huấn chúng tôi: đa nguyên - đa đảng là những gì xấu xa, sẽ dẫn đến thất bại, đưa đến hỗn loạn. Ngoài việc làm vừa lòng người ta, tôi thấy thủ tướng Việt Nam có những biểu hiện phức tạp về nội tâm. Còn trong Đảng thì như ông Trọng khi đi Ấn Độ phát biểu, Việt Nam chưa cần đa nguyên - đa đảng. Những điều đó làm chúng tôi rất suy nghĩ.
Cờ của các quốc gia thành viên khối ASEAN. AFP photo
Theo tôi đây cũng là cuộc đấu tranh nội tại trong cả đất nước, cả dân tộc chứ không phải riêng trong Bộ Chính Trị; tức tư tưởng hướng đến đa nguyên chính trị - đa đảng cầm quyền là điều mà cả trí thức, lão thành cách mạng, những người quan tâm thời cuộc rất chú ý. Không còn phải thời kỳ người ta nói thế nào thì nghe thế ấy.
Ngay trong nội bộ và trong cả một con người của họ cũng có phức tạp, không được nhất quán nên mới có chuyện ông Dũng nói một đằng, ông Trọng nói một nẻo; cho thấy khủng hoảng nhất định đối với giới lãnh đạo hiện nay.”
Người dân nghĩ gì?
Khối 8406, một tổ chức quần chúng ra đời cách đây bốn năm, với Tuyên ngôn Tự do Dân chủ kêu gọi cần phải có đa nguyên - đa đảng mới có thể đem lại các quyền tự do căn bản cho người dân. Trong thời gian hoạt động, nhóm từng lên tiếng tẩy chay bầu cử quốc hội theo hình thức ‘Đảng cử, dân bầu’ lâu nay tại Việt Nam.
Một thành viên đại diện lâm thời của Khối 8406, Linh mục Phan Văn Lợi, cho biết: Chúng tôi đã có kêu gọi toàn dân tẩy chay bầu cử năm 2007, và đang có kế hoạch kêu gọi tẩy chay bầu cử quốc hội năm 2011.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, một thành viên Khối 8406 từng bị đi tù nói lên quan điểm về phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng đối với vấn đề Miến Điện:
“Câu nói của ông Nguyễn Tấn Dũng nhằm xoa dịu một phần bức xúc của dân chúng Việt Nam hiện tại khi nhiều người hiểu được dân chủ là gì, tự do là gì và người ta hiểu được xã hội đa nguyên văn minh hơn xã hội độc đảng thế nào. Trước đây, ông Lý Quang Diệu đã nói không thể để một vài thành viên ngáng đường mà chúng ta phải chấp nhận, mà phải sẵn sàng loại trừ để Khối ASEAN lớn mạnh lên.
Năm nay Việt Nam đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên ASEAN nên phải xuôi theo tư tưởng tiến bộ trong khối; chứ thực ra họ không như thế đâu. Qua đi họ sẽ trở lại như cũ; điển hình là trước năm 2006 chính quyền Việt Nam nới lỏng tự do - dân chủ để được rút tên khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) và vào WTO; nhưng khi đạt được mục đích thì lộ nguyên hình của họ.”
Luật sư trẻ Huỳnh Văn Đông nói lên hành xử của Đảng Cộng sản đối với những tiếng nói đối lập rằng “Việt Nam có những qui định pháp luật cho phép công dân có quyền tự do: lập hội, tham gia đảng phái, tự do chính trị, tự do tín ngưỡng …; tuy nhiên về mặt thực tế những người bị bắt (có người được thả ra rồi vì chấp hành hành hình phạt trỡ về cộng đồng) không hề được nói vì tham gia hay thành lập tổ chức đó; tuy nhiên chúng ta có thể thấy rõ ràng bản chất nằm ở chỗ họ đã tham gia, hoặc tham gia thành lập tổ chức ngoài đảng phái đang ở Việt Nam là Đảng Cộng sản.”
Phát biểu kêu gọi Miến Điện bầu cử công bằng và đa đảng của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong cương vị thủ tướng của nước đang nắm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng tương tự như kêu gọi lâu nay của những quốc gia có truyền thống dân chủ khác trên thế giới đối với những chế độ chuyên chế. Điều đó chứng minh một xu hướng chung của nhân loại mà khi Việt Nam tham gia hội nhập cũng phải thuận theo.