Freitag, 16. April 2010

Kỷ niệm 50 năm bài thánh ca Kinh Hoà Bình của LM Kim Long

 VietCatholic News

“Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.

Ca khúc Kinh Hòa Bình, do linh mục nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc từ lời kinh của thánh Phanxicô Assisi, luôn sống động trong lòng phụng vụ của Giáo hội Việt Nam và mang lại lợi ích đức tin cho cộng đoàn dân Chúa.

Năm nay, mừng Năm Thánh Giáo hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm, cũng là năm ca khúc Kinh Hòa Bình tròn 50 tuổi. Nhân kỷ niệm này, Ủy ban Văn hóa đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các môn sinh của cha Kim Long tổ chức thánh lễ tạ ơn và đêm thánh ca có tên Ca Vang Suốt Đời vào lúc 17 giờ 30 ngày 15/4/2010 tại thánh đường giáo xứ Phú Trung, Sài Gòn.

Thánh lễ tạ ơn

Trước khi thánh lễ được cử hành để chúc mừng 50 năm bài thánh ca Kinh Hòa Bình ra đời và sinh nhật thứ 70 của linh mục Phêrô Kim Long, một đoàn rước từ nhà giáo lý đi vào nhà thờ rất trang trọng.

Lời giới thiệu đầu lễ của cha chánh xứ Giuse Maria Lê Quốc Thăng làm người dự được biết, hôm nay Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Ủy ban thánh nhạc chủ tế, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, chủ tịch Ủy ban phụng tự đồng tế, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Ủy ban Văn hóa đức tin giảng lễ; ngoài các Đức cha còn có Đức ông Đinh Đức Đạo và quí cha trong giáo phận Sài Gòn cùng đồng tế.

Ở phần bài giảng, sau khi nói nội dung chính trong bài Tin Mừng, Đức cha Giuse dẫn mọi người đi tìm câu trả lời: Tại sao bài thánh ca Kinh Hòa Bình lại trở thành bài hát phổ cập trong dân Chúa?

Câu trả lời được nhận định như sau: Sở dĩ bài hát này được phổ biến sâu rộng vì:

1. Có một NỘI DUNG rất thành công

- Nội dung bài hát là toát yếu của tám mối phúc thật; thấm đẫm nhiều niềm hạnh phúc và hứa hẹn đem bình an đến cho mọi người.

- Nội dung bài bát còn thấm đẫm niềm cậy trông, từ niềm cậy trông này dẫn đến một sự hiến thân trở thành khí cụ, một khí cụ làm cho nhiều nơi được đón nhận hạnh phúc của Đức Chúa Trời.

- Nội dung của Kinh Hòa Bình khởi nguồn từ Kinh Thánh thì mặc nhiên nói lên chân lý. Nếu ai có thiện chí trở thành sứ giả của hòa bình đi đến đâu cũng mang hòa bình và bình an ở đó.

- Nội dung của Kinh Hòa Bình có sức hấp dẫn vì phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thành phần dân Chúa đều có thể hát được.

2. Cội nguồn xuất phát của lời kinh này

- Theo tự điển Bản Kinh Tôn giáo thì vào năm 1912, lời kinh này đã được đăng bằng tiếng Pháp và được đọc trong thánh lễ. Năm 1915, bản kinh được gởi sang Đức cha Benedicto XV để trình với Ngài.

- Năm 1920, một linh mục dòng Phanxicô đã quá mến mộ lời kinh này nên khi in bản kinh cũng in hình thánh Phanxicô ở mặt sau. Thật ra, thánh Phanxicô sống vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 mà Kinh Hòa Bình lại có từ đầu thế kỷ 12 nên không thể là của thánh Phanxicô được nhưng “Bản Kinh thời danh này được gán cho thánh Phanxicô thành Assisi là tác giả. Dầu sao, tất cả những gì mà Kinh này diễn tả, người ta có thể thấy, được thể hiện trong đời sống của thánh nhân….”.

3. Kinh Hòa Bình là một quà tặng của Thiên Chúa

- Đức cha Philiphê Nguyễn Kim Điền đã có công dịch bản kinh sang tiếng Việt, cha Kim Long Phổ nhạc. Cha Kim Long cho biết, cha sáng tác bản nhạc này lúc 20 tuổi, trong lúc suy tư, bỗng dưng những nốt nhạc được hình thành. Rồi nó được phổ biến giữa thế chiến I và thế chiến II, tức là Kinh đã được cất lên giữa những cuộc chiến tranh tương tàn.

- Kinh Hòa Bình như là một món quà tặng của Thiên Chúa, một ca khúc có những giai điệu bình dị dễ nhớ. Dẫu là bằng những cảm xúc các nhân nhưng cha Kim Long đã trao tặng Hội Thánh một bài ca giúp nhiều tâm hồn vượt qua những sóng gió cuộc đời và những người khát khao hoàn thiện trong cách sống.

Kết thúc bài giảng, Đức cha Giuse đề nghị mọi người gọi Kinh Hòa Bình là một “ca khúc vàng” của một cha (Kim Long) “Rồng Vàng” và hôm nay mừng Kim Khánh của bài ca tức là “lễ vàng”. Tiếng vỗ tay vang dội thánh đường.

Đêm thánh ca “Ca vang suốt đời”

Có thể nói đêm thánh ca sau thánh lễ thật hoành tráng với những ca khúc hay được thể hiện với những dàn đồng ca qui tụ cả trăm người.

Nếu ca đoàn Sao Mai và Phát Hải thể hiện bài Ca Lên Đi 1, Khúc Hát Mùa Xuân và Mầu Nhiệm Tình Thương thì ca đoàn Vượt qua hát bài Vị Cứu Tinh; một số ca sĩ lên thể hiện giọng ca ngọt ngào như điểm xuyết thêm hay cho một buổi trình diễn thánh ca có tầm cỡ. Hay nhất là cha Kim Long đã đánh nhịp cho các ca đoàn cùng hợp xướng bài Kinh Hòa Bình, hay vì những giai điệu có lúc như nhảy nhót, có lúc như lướt đi trong niềm khao khát hoàn thiện của con người. Các ca đoàn còn thể hiện các ca khúc như Lưu danh thiên thu, Bài ca máu đỏ, Linh hồn tôi.

Xen kẽ những bài ca, cha tổng thư ký Ủy ban Văn hóa đức tin Giuse Trịnh Tín Ý đã phỏng vấn cha Kim Long về cảm xúc khi sáng tác bài ca ở tuổi 20 và thấy gì khi tác phẩm của mình vượt thời gian. Bên cạnh đó, sau 50 năm cha có cảm nhận gì mới mẻ hay muốn thay đổi gì đối với giai điệu của bài hát này không?

Cha Kim Long sau khi đã nói lên cảm xúc của mình thì cho rằng đây là bài hát có dấu ấn của thời gian nên không muốn thay đổi gì hết. Cha tổng thư ký đã cầu chúc cho cha Kim Long mãi mãi là người “dậy thì” trong làng nhạc và trong cảm hứng của cha.

Đúng vậy, hôm nay cha Kim Long tặng mỗi người tham dự một tập bài hát Bài Ca Suy Niệm mà cha mới sáng tác để kỷ niệm 70 tuổi đời, 53 năm viết thánh ca, 42 năm linh mục và 16 năm được chữa lành bệnh. Trong khi các môn sinh của cha cũng tặng mỗi người cuốn Nguồn gốc & suy tư về Kinh Hòa bình. Quả là một cuộc đời không ngừng cho Thánh Nhạc.

Một lời cảm ơn

Trước khi chương trình được khép lại bằng bài hát Ca Vang Suốt Đời, cha chánh xứ Phú Trung đã thay mặt các môn sinh và thân hữu, cùng cha Kim Long lên nói lời cảm ơn những người tham dự và bày tỏ niềm vui lớn đang nối kết mọi người bằng thánh ca. Một giáo dân đã bước lên choàng vào cổ cha một vòng hoa. Một vòng hoa như kết bằng những tấm lòng của những người yêu mến thánh nhạc và biết ơn những nhạc sĩ đã giúp họ ca tụng Chúa bằng giai điệu tuyệt vời của âm thanh.

Maria Vũ Loan

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/79215.htm
 
 
-------------------------------------------------------
Chú thích của TinHamburg:
 
Kinh Hòa Bình
 
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,
chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
đem ủi an đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dậy con:
tìm an ủi người, hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mếnnguùi, hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh Thánh Ái xin mở rộng lòng con,
xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
ơn an bình...”.

(Xuất hiện đầu thế kỷ 12 tại Normandie. Hai đoạn đầu và cuối -in nghiêng- do LM Kim Long thêm vào khi viết thành bài hát)

.....................
Bản tiếng Đức:
 
Mach mich zum Werkzeug deines Friedens

Herr, mache mich zum Werkzeug deines Friedens:
dass ich Liebe übe da, wo man sich hasst,
dass ich verzeihe da, wo man sich beleidigt,
dass ich verbinde da, wo Streit ist,
dass ich die Wahrheit sage, wo der Irrtum herrscht,
dass ich den Glauben bringe, wo der Zweifel drückt,
dass ich die Hoffnung wecke, wo Verzweiflung quält,
dass ich dein Licht anzünde, wo die Finsternis regiert,
dass ich Freude bringe, wo der Kummer wohnt.

Ach Herr, lass du mich trachten,
nicht, dass ich getröstet werde, sondern dass ich tröste,
nicht, dass ich verstanden werde, sondern dass ich verstehe,
nicht, dass ich geliebt werde, sondern dass ich liebe.

Denn wer da hingibt, der empfängt,
wer sich selbst vergisst, der findet,
wer verzeiht, dem wird verziehen,
und wer da stirbt, der erwacht zum ewigen Leben.

(Normandie, Anfang 12. Jahrhundert)

......................
Bản tiếng Pháp:

Seigneur, fais de moi un instrument de paix!

Seigneur, fais de moi un instrument de paix!

Là où est la haine, que je mette l'amour.
Là où est l'offense, que je mette le pardon.
Là où est la discorde, que je mette l'union.
Là où est l'erreur, que je mette la vérité.
Là où est le doute, que je mette la foi.
Là où est le désespoir, que je mette l'espérance.
Là où sont les ténèbres, que je mette votre lumière.
Là où est la tristesse, que je mette la joie.

Seigneur, que je ne cherche pas tant à être consolé qu'à consoler, à être compris qu'à comprendre, à être aimé qu'à aimer.

Car c'est en donnant qu'on reçoit,
c'est en s'oubliant qu'on se trouve,
c'est en pardonnant qu'on est pardonné,
c'est en mourant qu'on ressuscite à l'éternelle Vie.

.........................
Bản tiếng Anh:

Lord, make me an instrument of your peace

Lord, make me an instrument of your peace;

where there is hatred, let me sow love;
when there is injury, pardon;
where there is doubt, faith;
where there is despair, hope;
where there is darkness, light;
and where there is sadness, joy.

Grant that I may not so much seek
to be consoled as to console;
to be understood, as to understand,
to be loved as to love;

for it is in giving that we receive,
it is in pardoning that we are pardoned,
and it is in dying [to ourselves] that we are born to eternal life.