Mặc Lâm, RFA
2010-04-01 - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đưa lên trang web của mình yêu cầu huyện Hữu Lũng chuẩn bị đón tiếp đoàn Đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”.
Người ta còn nhớ cổng thông tin điện tử của chính phủ trước đây từng copy một tin của báo Trung Quốc nói về việc tập trận của hải quân nước này để đăng nguyên văn nội dung của nó trên báo điện tử của chính phủ Việt Nam. Việc làm bất chấp hậu quả này đã khiến ông Đào Duy Quát phải mất ghế và cả ban bệ tờ báo chịu nhiều trách cứ của dư luận trong và ngoài nước.
Không riêng cổng thông tin của chính phủ bất cẩn mà nhiều trang web khác của các cơ quan chính quyền cũng không tránh được cách đăng tin, trích nguồn hay tệ hơn là đăng những thông báo có thể gây phẫn nộ cho người đọc vì sự bất cẩn lẫn thiếu kiến thức về thông tin đó.
Uất ức, giận dữ
Tình hình biển Đông ngày một nóng dần lên khiến người dân trong và ngoài nước hết sức chú tâm theo dõi các diễn biến liên tiếp quanh vụ chìm tàu, bắt cóc tàu đòi tiền chuộc do Trung Quốc gây ra mấy ngày nay đang khiến lòng dân sôi sục hơn các mối bất bình với gã khổng lồ phương Bắc.
Sự việc chưa kịp giải quyết thì mới đây nhất, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cho đăng trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh một thông báo ngắn ngủi nhưng có sức công phá lòng dân một cách ghê gớm, nguyên văn của thông báo này như sau:
Kính gửi:
Các Sở: Ngoại vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội; Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng.
Sau khi xem xét Tờ trình số 21/TTr-SNgV ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Sở Ngoại vụ về việc mời Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc nhân “Tiết Thanh minh”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có ý kiến như sau:
1. Nhất trí chương trình mời và đón tiếp Đoàn đại biểu Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đại biểu cựu binh Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Trung Quốc tại huyện Hữu Lũng theo đề xuất của Sở Ngoại vụ.
2. Giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối liên hệ mời, chịu trách nhiệm về công tác Lễ tân trong việc đón tiếp đại biểu Trung Quốc vào dự Lễ dâng hương;
3. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất tổ chức Lễ dâng hương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo để các Sở, ngành, đơn vị liên quan biết và thực hiện.
Trên đây là công văn của UBND tỉnh Lạng Sơn xuất hiện trên trang web điện tử của tỉnh.
Lời lẽ trong công văn chỉ thông báo một sự kiện nhưng kéo theo phía sau nó hằng chuỗi các sự việc có liên quan.
Có thể ngay lập tức, hầu hết người Việt sẽ cảm thấy nhục nhã, uất ức xen lẫn giận dữ. Câu hỏi mà người Việt đặt ra là các Liệt sĩ Trung Quốc này có công gì với Việt Nam và đáng được thành kính làm lễ tưởng niệm dâng hương như thế?
Thử đặt vấn đề rằng trong thời gian chiến tranh, những công nhân làm đường của Trung Quốc từng xuất hiện tại khu vực Lạng Sơn bị máy bay Mỹ đánh bom thì sao? Họ có phải là liệt sĩ như cách gọi của UBND tỉnh Lạng hay không, và nếu có ai đó cho rằng máu xương của họ đã đổ ra thì phải tưởng niệm như những người Việt Nam khác, vậy thì trong hoàn cảnh hiện nay, việc tưởng niệm họ có làm cho người dân tại Quãng Ngãi vừa có người chết vì tàu Trung Quốc an lòng hay không?
Trung Quốc mua chuộc?
Cách làm việc của UBND tỉnh Lạng Sơn khiến người dân có quyền nghĩ rằng cả Ủy Ban này đã bị Trung Quốc mua chuộc. Mua chuộc lớn nữa là khác vì với trình độ của một chủ tịch cấp tỉnh không thể không nhận biết được vấn đề một cách khái quát để đến nỗi đưa tay đặt bút ký vào một văn bản gây phẫn nộ cho người dân tại tỉnh nhà của ông ta như thế.
Người dân tỉnh Lạng Sơn có quyền đặt câu hỏi rằng không biết trong thời gian chiến tranh biên giới những người đang làm việc trong UBND tỉnh hiện nay đang công tác tại đâu? Tại Liên xô, Đông Đức hay một nước cộng sản nào khác, để đến nỗi họ quên bẵng máu xương người dân cùng chiến sĩ bộ đội Việt Nam đã đổ ra dưới gót chân của quân Trung Quốc? Trong số những cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Lạng Sơn có ai có thân nhân bị quân Trung Quốc hiếp dâm, chặt ngang người, quăng người sống xuống giếng cạn rồi lấp đất lên chôn sống họ hay không?
Những người dân có thân nhân bị chết trong chiến tranh biên giới có quyền hỏi rằng: Có ai trong số cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Lạng Sơn thấy đau lòng khi nhìn những tấm hình cón sót lại của thời chiến tranh biên giới ghi rõ ràng cảnh tang thương đổ nát sau khi quân Trung Quốc rút đi hay không?
Và còn nhiều câu hỏi tương tự như thế đang diễn ra trong lòng người dân khi biết đựơc trang web của UBND tỉnh lại đăng công khai những yêu cầu đối với huyện Hữu Lũng rất khó hiểu này.
Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai được xem bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngày 17 tháng 2 hàng năm đáng lẽ phải là ngày giỗ tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên toàn quốc để ghi nhớ lại nỗi phẫn hận của dân tộc trước cuộc chiến mà Trung Quốc phát động, thử hỏi Việt Nam có làm lễ giỗ long trọng cho họ như cách UBND tỉnh Lạng Sơn sắp sửa làm cho liệt sĩ Trung Quốc hay không?
Một nhà ngoại giao kỳ cựu với Trung Quốc chắc phải biết rõ cách hành xử quen thuộc của họ đối với Việt Nam như thế nào. Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi nghe tin này đã lên tiếng cho rằng:
Có thể UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng lỗi do thư ký đánh máy không ghi rõ là tưởng niệm liệt sĩ trong thời gian nào, lúc ấy câu chất vấn lại hướng về một hướng khác: những nén hương mà Ủy Ban này gọi là “dâng” cho những người Trung Quốc có làm cho oan hồn của những người Việt Nam đã chết đi ngay tại Lạng Sơn nổi giận hay không? Nếu trả lời được câu hỏi này thì UBND tỉnh Lạng Sơn xem như đang làm một việc phải đạo với cả hai đàng, tình đồng chí với Trung Quốc và tình nghĩa đồng đội, đồng bào với chính đất nước của mình.
Còn nếu chưa trả lời được thì người dân vẫn còn nghi ngờ tính chân thật của cả UBND tỉnh Lạng Sơn trong vụ này.
Dư luận lo ngại rằng Tiết Thanh Minh là ngày tảo mộ theo truyền thống Trung Quốc đã lan vào Việt Nam và bị đồng hóa sau đó. Liệu việc tảo mộ các liệt sĩ Trung Quốc hôm nay sẽ còn kéo dài bao lâu nữa và có bị đồng hóa bởi các quan chức Việt Nam sau này hay không?