Dienstag, 6. April 2010

Mức lương ở Việt Nam thấp hơn các nước 40%

Đỗ Hiếu, RFA

Công nhân Petro Vietnam tháng 5/2008. AFP photo/Hoang Dinh Nam

2010-04-06 - Tiền Phong online mới đưa tin nói rằng “Lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn các nước 40%” nên lương công nhân không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhận xét này được nêu lên tại hội thảo quốc gia về “Tương lai của quan hệ lao động và việc sửa đổi bộ luật lao động và luật công đoàn” tổ chức tuần rồi tại Hà Nội.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, cùng các biện pháp có thể áp dụng hầu cải thiện đời sống của người lao động, Đỗ Hiếu có cuộc trao đổi vói bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên là cố vấn văn phòng thủ tướng chánh phủ Việt Nam.

Mức lương thực tế

Đỗ Hiếu: Báo chí mới nhắc lại trong một cuộc hội thảo là lương tối thiểu tại Việt Nam thấp hơn ở các nước khác 40%, bà có ý kiến gì về số liệu được đề cập tới, có ảnh hưởng đến một thành phần quan trọng trong xã hội Việt Nam, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: “Theo các nghiên cứu đưa ra thì đúng là trên danh nghĩa, tiền lương công chức Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên hệ thống tiền lương ở Việt Nam nó lại có một nét khác. Ngoài tiền lương, những người làm công còn có những thu nhập khác, bổ sung vào cho tiền lương, đấy là một hệ thống mà Việt Nam duy trì từ lâu nay.

Hiện nay, theo tôi hiểu, những người làm cải cách tiền lương đang cố gắng dần dần để đưa tất cả các loại thu nhập khác nhau vào tiền lương để tính thành mức lương cho hợp lý. Thế còn mức lương ở Việt Nam thấp hơn các nước khác trong khu vực có lẽ là do nền kinh tế Việt Nam phát triển thấp hơn so với các nước khác, nhất là năng suất lao động còn thấp hơn, tiền lương cũng khó có thể trả cao hơn được.”

Đỗ Hiếu: Như vậy, nhà nước có đặt vấn đề làm thế nào để tiền lương của công nhân, viên chức được nâng cao không?

Bà Phạm Chi Lan: Để cải thiện một cách cơ bản tiền lương của những người làm công ăn lương ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo, cũng như hệ thống tuyển dụng, cách sử dụng, đãi ngộ những người đó.

Làm sao cho những người làm việc ăn lương có được năng suất lao động cao hơn, có trình độ, năng lực đáp ứng với những yêu cầu công việc, và họ sẽ được trả lương một cách đích đáng. Từ đó, tôi nghĩ là khoảng cách đối với các nước trong khu vực sẽ được thu hẹp lại.”

Điều chỉnh để đôi bên cùng có lợi

Đỗ Hiếu: Thưa bà, báo chí trong nước cũng nói là luật công đoàn còn chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp không đóng phí công đoàn, tài chánh chưa công khai, minh bạch, cho nên bộ luật lao động, luật công đoàn phải sớm được sửa đổi, ý kiến bà về việc này ra sao?

Bà Phạm Chi Lan: “Theo tôi, hoạt động của công đoàn ở Việt Nam cũng còn có những hạn chế. Thực ra, hệ thống công đoàn mặc dù phát triển khá rộng ở các nơi, nhưng đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân thì nhiều khi chưa phát triển tới, nói cách khác là có những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn.

Kể cả những doanh nghiệp có công đoàn thì nhiều khi tổ chức công đoàn ở đó cũng chưa làm đúng với chức năng của họ, là đại diện cho người lao động có tiếng nói đối với giới chủ.

Vì vậy, có những quy định của luật pháp Việt Nam, đặc biệt là về quyền lợi của người lao động, chưa được tuân thủ đầy đủ. Tôi nghĩ điều này không những phải khắc phục, tức là làm sao cho luật công đoàn được tốt hơn và nói chung đối với các luật khác như: luật lao động, luật bảo hiểm, cũng phải tốt hơn. Muốn vậy thì các cơ quan nhà nước liên quan phải giám sát chặt chẽ việc thi hành các luật đó.

Mặt khác, trong các luật Việt Nam cũng còn chứa đựng những điều chưa thật hợp lý, vì vậy nó có thể làm cho tính tuân thủ pháp luật trong xã hội thấp đi, cho nên việc xem xét, sửa đổi, thường xuyên điều chỉnh các luật cho phù hợp với cuộc sống là chuyện cần thiết. Điều quan trọng là khi sửa đổi các luật này thì rất cần tham vấn các đối tượng liên quan.

Đối với luật công đoàn thì rất cần tham vấn với cả giới chủ, tức là những người đang thuê mướn thành phần làm việc, cũng như cần tham vấn cả người lao động, để các quy định được sát với thực tế cuộc sống, đảm bảo được lợi ích cả hai phía.

Nói chung thì đối với những người lao động ở Việt Nam, còn có rất nhiều điều cần phải cải thiện cho vị thế làm việc của họ trong quan hệ với giới chủ. Đối với giới chủ, cũng có những việc mà luật pháp phải xem xét để đảm bảo lợi ích của họ tốt hơn, từ đó động viên họ quan tâm một cách thực tế đối với người lao động.

Nói cho cùng thì những chủ doanh nghiệp là người tạo ra việc làm cho người lao động, đóng góp rất nhiều cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, cho nên nếu Việt Nam có hệ thống luật pháp tốt, khuyến khích được doanh nghiệp thì không những họ mở mang thêm công việc mà còn có thể tuyển dụng thêm người lao động, tạo thêm việc làm cho xã hội, và việc đối xử với lao động cũng sẽ tốt hơn.”

Đỗ Hiếu: Hướng về tương lai, với vai trò và tầm vóc ngày càng quan trọng hơn của Việt Nam trên chính trường quốc tế cũng như trong khu vực ASEAN, thì theo bà, đời sống của người lao động có thể được nâng cao hầu đáp ứng nhu cầu của họ một cách thiết thực và sung túc hơn không, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: “Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hết sức quan trọng, gia nhập WTO, tham gia khối ASEAN, là chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, cũng như những nỗ lực khác để nâng cao vị thế của Việt Nam. Tất cả những điều đó là nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam tốt hơn, có được tính ổn định, tính bền vững trong tăng trưởng.

Cuộc sống của người dân nói chung cũng như thu nhập của những người làm công ăn lương nói riêng, chỉ có thể được cải thiện dựa trên những nỗ lực của bản thân Việt Nam, làm sao cho nền kinh tế của mình phát triển bền vững, ổn định, làm cho kinh tế tốt đẹp lên thì cuộc sống mọi người mới có thể nâng lên được, đó là điều kiện cơ bản quan trọng nhất. Hội nhập quốc tế có thể góp phần vào việc đó, nhưng không phải là tất cả, bởi vì nỗ lực của Việt Nam trong sự hội nhập với quốc tế thành công còn quan trọng hơn”.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bà Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu độc lập về cuộc trao đổi dành cho RFA.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-minimum-salary-in-Vietnam-is-fourty-percent-lower-than-other-countries-DHieu-04062010111427.html