Sonntag, 4. April 2010

Trung Quốc thao túng sông Mêkông, mặc kệ số phận các nước láng giềng

Thụy Mi, RFI

Trung Quốc đã thao túng sông Mêkông mà chẳng cần tham khảo các nước láng giềng. Mười lăm năm qua, dòng sông Mêkông huyền thoại đã bị biến thành một nhà máy điện khổng lồ. Việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện trên sông Mêkông có thể dẫn đến một cuộc xung đột quốc tế.

«Với bốn đập thủy điện đang hoạt động và bốn con đập nữa đang còn trong dự án, Trung Quốc đã thao túng sông Mêkông mà chẳng cần tham khảo các nước láng giềng, và lại càng không quan tâm đến việc họ có đồng ý hay không ». Trên đây là nhận xét của ông Carl Middleton, thuộc tổ chức International Rivers, được nhật báo Le Figaro trích dẫn.

Tờ Le Figaro dành hẳn một trang báo cho hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm nay tại Hua Hin, Thái Lan, giữa bốn quốc gia hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Tờ báo nhắc lại, dòng sông Mêkông dài đến 4.900 cây số, chảy qua sáu quốc gia, từ lâu vốn đầy bí ẩn với các nhà thám hiểm. Sông Mêkông có hơn 1.500 loài cá khác nhau, từ loại cá lóc khổng lồ, loại lươn dài đến hàng chục mét, cá đuối có gai độc nặng hơn nửa tấn…Thế mà dòng sông dài nhất Đông Nam Á hiện đang giãy chết, hệ thống sinh thái đang bị đảo lộn. Từ khi Trung Quốc nhúng tay vào, 60 triệu con người sống dựa vào dòng sông này hiện đang phải nhận lãnh bản án treo. Tờ báo nhắc lại, một báo cáo do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc và Viện Kỹ thuật Châu Á công bố vào tháng 5/2009 đã khẳng định, các đập thủy điện Trung Quốc có nguy cơ làm cho dòng sông Mêkông vốn giàu nguồn lợi thiên nhiên bị bức tử.

Một nhà sinh thái học nhận xét: « Do không có hiệp ước quốc tế nào quy định việc sử dụng các dòng sông xuyên biên giới, nên Trung Quốc đang nắm đằng chuôi, vì họ ở thượng nguồn. Họ có thể sử dụng tùy thích, và đương nhiên họ không bỏ qua cơ hội ».

Nay thì các nước Đông Nam Á đang muốn tính sổ với Bắc Kinh, lâu nay vẫn chối bỏ trách nhiệm, thậm chí còn khoe là các đập thủy điện của họ có tác dụng tích cực đối với môi trường. Lần này Trung Quốc đã chịu tham dự hội nghị, và do lo ngại bị phản kháng, nên đã chấp nhận cung cấp các dữ liệu về mực nước.

Đặc phái viên của Le Figaro đã đến một làng chài Thái ở Chiang Khong, dân làng bất lực nhìn dòng sông Mêkông đang dần cạn. Chỉ có một ngư dân già nua quăng lưới, trong thuyền của ông có mỗi một con cá bé tí, nhỏ đến nỗi ông chẳng dám cho xem. Ngư dân 71 tuổi này bực tức nói: «Không có nước thì làm sao có cá ! Hồi xưa, mực nước sông lên xuống tùy theo mùa, còn bây giờ thì tùy theo lượng nước mà người Trung Quốc cần». Bài xã luận trên tờ Bangkok Post cũng khẳng định: «Các đập thủy điện Trung Quốc giết chết dòng sông Mêkông». Montree Chantavong, một nhà sinh thái học thuộc hiệp hội Terra đưa ra một biểu đồ, để chứng minh việc Trung Quốc bí mật điều chỉnh lưu lượng nước theo nhu cầu lợi ích kinh tế của các nhà máy thủy điện. Từ hai mươi năm qua, ông theo dõi những dao động của mực nước dòng Mêkông tại Chiang Saen, một ngôi làng ở khu vực Tam giác vàng, nơi mà lượng nước lệ thuốc vào Trung Quốc đến 95%. Ông đặt câu hỏi: «Làm thế nào giải thích được hiện tượng ngay giữa mùa khô, chẳng có giọt nước mưa nào mà mực nước lại dâng cao, nếu không phải là do các đập thủy điện Trung Quốc xả nước?».

Ông Carl Middleton nhận xét, trong vòng 15 năm qua, dòng sông Mêkông huyền thoại đã bị biến thành một nhà máy điện khổng lồ. Các nhà sinh thái lo ngại không chỉ cho tương lai của các ngư dân, mà còn cho cuộc sống truyền thống trải dài theo dòng sông. Được tranh cãi nhiều nhất là hậu quả của nó trên các loài cá di cư, và các ruộng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – nơi tập trung hơn phân nửa sản lượng gạo của Việt Nam, nhưng lại bị lệ thuộc vào lượng nước từ các nhà máy thủy điện Trung Quốc. Còn tại Cam Bốt, người ta còn lo sợ trước nguy cơ nạn đói. Tất cả các thành phố lớn của Lào đều nằm bên sông, và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đang bị đe dọa do dòng chảy yếu và ô nhiễm.

Một nhà nghiên cứu về nghề nuôi cá ở sông Mêkông cho biết: «Từ khi đập thủy điện đầu tiên của Trung Quốc được xây dựng, nguồn cá trở nên khan hiếm, và kích cỡ trung bình giảm đi nhiều. Có 20% số loài cá đã bị tuyệt chủng». Theo giải thích của ông, khi nhà máy thủy điện xả nước; lượng nước từ đáy hồ chứa có nhiệt độ 10 đến 15 độ, quá lạnh so với các loài cá nhiệt đới của sông Mêkông. Một thành viên của hiệp hội bảo vệ các loại cá lóc thì khóc thương cho số phận của loài cá lóc khổng lồ pla beuk ở miền bắc Thái Lan, có thể nặng đến 350 ký và sống thọ đến nửa thế kỷ.

Nhiều dân làng sống ven dòng Mêkông đã quyết định biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok. Họ bức xúc với thái độ thiếu minh bạch, vô trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh. Cho dù Bắc Kinh vẫn từ chối tham gia Ủy ban sông Mêkông, nhà hoạt động Carl Middleton nhận xét, đây là một vấn đề cốt tử: «Việc xây dựng tràn lan các đập thủy điện trên sông Mêkông có thể dẫn đến một cuộc xung đột quốc tế». Theo ông, thật là ngược đời khi không thể nói chuyện về sông Mêkông nếu không có Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh không phải là thành viên. Và như thế, còn lâu mới có thể mơ đến việc thành lập một hệ thống đền bù cho những người dân sống ở hạ nguồn.