Montag, 7. Juni 2010

Chống tham nhũng ở châu Âu

Quang Hưng (từ Paris)

(VOV) 06/06/2010 - Theo một cuộc điều tra do Uỷ ban châu Âu thực hiện mới đây, có tới 78% người dân châu Âu cho rằng nạn tham nhũng là vấn đề lớn của quốc gia mình

Ở nhiều quốc gia châu Âu, nạn tham nhũng từ lâu đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, gây hậu quả không nhỏ đối với đời sống kinh tế - xã hội của các nước. Một số nước đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực nữa trong cuộc chiến chống vấn nạn này.

Với sự trợ giúp của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp vừa qua đã phần nào bớt “nóng”, nhưng tính thời sự của nó thì vẫn còn nguyên vẹn. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng của Hy Lạp, các chuyên gia thường nhắc tới vấn nạn tham nhũng ở quốc gia này. Theo đánh giá của các chuyên gia châu Âu, nền kinh tế “đen” chiếm từ 30% đến 40% GDP của Hy Lạp, tương đương với khoảng 30 tỷ euro tiền thuế thất thoát mỗi năm. Còn theo ông Daniel Lebèque, Giám đốc tổ chức Minh bạch quốc tế chi nhánh tại Pháp, nạn tham nhũng tồn tại trong hầu hết các hoạt động của đời sống hàng ngày ở Hy Lạp, khiến cho 95% người dân Hy Lạp cảm thấy bất bình. Ông Daniel Lebèque nêu ví dụ: “Khoản tiền bình quân mà một người dân Hy Lạp phải bỏ ra cho một lần được nhập viện và điều trị là 1.500 euro. Đây là một khoản tiền lớn nếu so với thu nhập của người dân Hy Lạp. Có thể nói, tham nhũng là vấn đề rất lớn ở Hy Lạp và chính phủ nước này cần phải cam kết đấu tranh chống tham nhũng với sự ủng hộ của công luận Hy Lạp cũng như của các đối tác châu Âu.”

Trường hợp của Hy Lạp cho thấy nạn tham nhũng và phát triển kinh tế khó có thể đồng hành với nhau. Nạn tham nhũng cũng làm xói mòn lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của chính quyền và đến một lúc nào đó có thể gây ra sự bùng nổ về mặt xã hội. Nhưng Hy Lạp không phải là quốc gia duy nhất ở Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với nạn tham nhũng. Theo một cuộc điều tra do Uỷ ban châu Âu thực hiện mới đây, có tới 78% người dân châu Âu cho rằng nạn tham nhũng là vấn đề lớn của quốc gia mình; và hơn 50% người dân châu Âu nghĩ rằng nạn tham nhũng diễn ra phổ biến ở các nhà chính trị và công chức ở một số lĩnh vực như đấu thầu tài sản công hay cấp phép xây dựng.

Một điểm đáng lưu ý khi xem xét nạn tham nhũng ở EU là tình trạng tham nhũng diễn ra khác biệt ở từng nước. Trong khi các nước Bắc Âu như Đan Mạch được xếp hạng ở mức cao của thế giới về độ minh bạch (9,3/10 điểm năm 2009 theo thang xếp hạng của tổ chức Minh bạch quốc tế), thì nhiều nước khác lại ở mức thấp, như Hy Lạp 3,8/10 điểm hay Italia 4,3/10 điểm. Điểm đáng ghi nhận là 10 trong số 12 nước châu Âu đạt được thành những thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng trong những năm vừa qua lại là các nước thành viên mới của EU (như Ba Lan, Chypre, Romania, Czech, Slovenia, Estonia...). Ông Pierre Verluise, tiến sỹ địa chính trị, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) giải thích: “Các nước thành viên mới gia nhập EU xuất phát điểm từ thấp nên dễ dàng đạt được các tiến bộ dễ nhận thấy hơn so với một số nước thành viên EU đã ở mức cao, chẳng hạn như đã ở mức 9/10. Song cũng phải nói rằng, để đạt được những tiến bộ này, cần phải kể tới sức ép ngày càng lớn của quần chúng đối với chính quyền trong cuộc chiến chống tham nhũng, sự hỗ trợ của EU và những nỗ lực của chính quyền địa phương.”

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đạt được, công luận các quốc gia châu Âu vẫn đòi hỏi một nền hành chính công minh bạch hơn, ít tham nhũng hơn. Với tính chất phức tạp của nạn tham nhũng, cuộc chiến chống vấn nạn này ở châu Âu là một cuộc chiến lâu dài. Và trong cuộc chiến này, như khẳng định của ông Daniel Lebèque, báo chí đóng vai trò quan trọng: “Các công dân có quyền được biết về tình tham nhũng ở đất nước mình và họ thường tìm hiểu thông qua các phương tiện truyền thông. Chính vì thế, báo chí đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế trong cuộc chiến chống tham nhũng. Và cũng vì thế, báo chí cần có nhiều thẩm quyền và những quyền này phải được thừa nhận”.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả cần tập hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có thiện chí chính trị của chính quyền, sự nghiêm minh của luật pháp, sự hợp tác quốc tế và sự tham gia của các thành phần trong xã hội./.

Nguồn: http://vovnews.vn/Home/Chong-tham-nhung-o-chau-Au/20106/145841.vov