Freitag, 4. Juni 2010

Tưởng nhớ Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền

Nguyễn An Quý

Ngày 9 tháng 6 năm 1988, tức một ngày sau khi Đức Tổng giám Mục Nguyễn Kim Điền qua đời tại bệnh viện Chợ rẩy Sài Gòn, giáo phận Huế mới nhận được tin Ngài chết. Khoảng 4 giờ chiều ngày 9 tháng 6, tôi đạp xe đạp trở về nhà sau khi đi thăm mộ mẹ tôi, nhân ngày giổ giáp năm của mẹ tôi. Khi đến dốc trước nhà thờ Phủ Cam, tôi nghe tiếng chuông báo tử từ nhà thờ Chánh tòa Phủ cam Huế ngân vang.

Lên khỏi dốc, tôi gặp vài người quen , thấy tôi, một bà già trong giáo xứ đã thốt lên lời buồn thảm: “Đức Cha Điền chết rồi anh ơi”, bà nói tiếp: “Chúa ôi, Ngài chết từ ngày hôm qua, mà nay mình mới biết”

Tôi cảm thấy lành lạnh trong người và tự hỏi, sao lại thế nhỉ? Mới nghe cha Nguyễn Kim Bính nói, Ngài được Nhà nước cho đi ngoại quốc để chữa bệnh kia mà. Đầu óc tôi quay cuồn trong nhiều ý nghĩ khá phức tạp về cái chết quá nhanh chóng đã đến với vị Giám mục khả kính của Tổng giáo phận Huế.

Tôi nhớ lại nhiều chuyện về Ngài, về cuộc đấu tranh quyết liệt với bạo quyền để đòi quyền của Giáo hội chưa thành.

Hình dung lại chuỗi ngày gian lao mà Ngài đã can đảm và bình tĩnh trong suốt 120 ngày, khi đối đầu với công an thành phố Huế, qua những cuộc hỏi cung, thẩm vấn mà chúng gọi là “làm việc” với Ngài. Hình dung lại mẫu người hiền hậu khi đứng trên tòa giảng tại nhà thờ Chánh toà Phủ Cam trong dịp lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1986, Ngài đã nhắc lại một đoạn trong thư luân lưu gởi Dân Chúa Giáo phận Huế vào năm 1985:

“Mai này, khi tôi bị bắt, tôi xin anh chị em đừng tin một lời tuyên bố nào, dù lời tuyên bố đó có mang chữ ký của tôi”. Khi nghe lời này, nhiều giáo dân hiện diện trong Thánh Lễ hôm đó đã khóc.

Hình dung lại mỗi độ lễ Giáng Sinh về, Ngài thường đến dâng Thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ Phủ cam. Ngôi Thánh đường Phủ cam tuy khá rộng lớn, nhưng giới trẻ không phải công giáo thường đến tham dự Thánh lễ đêm Giáng Sinh quá sức đông đảo, đến nổi chen nhau mà đứng. Bởi vậy, hằng năm trong Thánh Lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm, giáo xứ phải dành riêng gần cả một nửa phần chính của ngôi Thánh Đường, từ cửa chính vào, để dành riêng cho những người ngoài công giáo đến tham dự lễ Mừng Chúa Giáng Sinh.

Toàn bộ gia trưởng và thanh niên trong giáo xứ phải đảm trách công việc trật tự khá vất vả trong đêm Lễ Giáng Sinh. Giới trẻ cũng như nhiều người tại Huế rất mộ mến và thán phục Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền. Thán phục vì Ngài đã can đảm lên tiếng đòi Tự do tôn giáo dưới chế độ cộng sản trong thời điểm mà chẳng ai dám hé môi, mở miệng nói lời nào động chạm đến bác và đảng.

Ngài có biệt tài diễn thuyết khá linh động, giọng nói dễ lôi cuốn người nghe. Bởi vậy, mỗi khi Ngài trình bày một bài giảng, dù chỉ thuộc phạm vi tôn giáo, nhưng những người tham dự thường nghe một cách thgích thú, nghe không biết chán. Ngài thường trình bày câu chuyện với lời lẻ bình dân, giản dị, với giọng nói khi trầm khi bổng ăn khớp với từng câu văn diễn tả sự việc thật linh động.

Những bài giảng của Ngài không cầu kỳ, trình bày Lời Chúa theo Phúc âm, đi vào thực tế của cuộc sống, phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam đương thời, nên người nghe, kể cả những người ngoài công giáo, họ luôn say sưa, chăm chú mỗi khi nghe Ngài nói. Ngài diễn thuyết theo lối xuất khẩu thành văn với cách diễn đạt ngắn, gọn, mạch lạt, súc tích, từ khi khởi đầu cho đến lúc kết thúc bài giảng nên càng dễ thu hút người nghe.

Tôi nhớ lại tiếng chuông báo tử của Giáo đường Phủ cam kéo dài khá lâu, tiếp đến là tiếng chuông từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ngân vang. Cả hai tiếng chuông kéo dài đã nói lên nổi đau buồn của mọi tín hữu quanh khu vực Toà Tổng Giám mục Huế, trước sự ra đi của vị chủ chăn can trường. Tiếng chuông nghe nảo nuột làm sao, nhiều bà già trong giáo xứ Phủ Cam đã cùng nhau đến nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện cho Ngài, mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ Phủ Cam đều ngưng mọi hoạt động trong giây lát để cùng cầu nguyện và tưởng nhớ đến Ngài.

Nhân ngày tưởng niệm của Ngài, tôi xin được ghi lại vài nét về những ngày Tang Lễ của Ngài để nói lên sự kính trọng và lòng tiếc thương về Ngài, không những chỉ giáo dân mà cả những người thuộc các tôn giáo khác, nơi thành phố Huế.

Ngày 12 tháng 6 năm 1988, khi hay tin xe chở Quan tài của Ngài sẽ về đến Huế trong ngày. Khoảng 3 giờ chiều, nhiều thanh niên trong Giáo xứ Phủ Cam, những người có xe gắn máy đã đi vào tận Đà Nẳng để đón xe Quan tài của Ngài. Hơn 4 giờ chiều, toàn thể giáo dân Phủ cam, tập họp thành từng đoàn thể, để chuẩn bị đón Ngài trỏ về.

Đoàn đón rước được xếp thành hàng, đứng dọc theo hai bên đường từ Toà Giám mục đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường dài gần 2 cây số, gồm những giáo dân trong thành phố từ các giáo xứ Phủ cam, Gia hội, Dòng Chúa Cứu Thế, Tây Linh, Bãi Dâu và các vùng phụ cận. Giáo xứ Phủ Cam phụ trách lo phần vụ chôn cất Ngài, tôi được hân hạnh nằm trong Ban phụ trách đưa Quan tài của Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi đẩy xe tang của Giáo xứ đến tại khu vực trước mặt nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đợi, để đón linh cửu của Ngài.

Xe được thiết kế khá đẹp, gọi là xe cho có vẻ chút thôi, nó không có máy nổ, xe di chuyển được là nhờ sức của anh em chúng tôi phụ trách đẩy xe. Xe do một chuyên viên là người giáo dân trong giáo xứ, trước đây anh ta phục vụ trong ngành Quân cụ của QLVNCH, có sáng kiến tạo thành chiếc xe, để giáo xứ dùng vào việc phục vụ tống táng cho giáo dân trong giáo xứ., kể từ ngày con người nơi đây được “giải phóng” hết cả xe cộ khi cộng sản đến.

Gần 6 giờ chiều, chiếc xe chở Quan tài của Đức Tổng Giám mục từ Sài Gòn đến và dừng lại trước sân nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Nhiều giáo dân đã khóc thật to: “Đức Tổng bỏ chúng con rồi- Sao Ngài đi nhanh thế. Hết rồi Đức Tổng ơi!..”

Suốt chặng đường gian lao của Ngài trong nhiều năm cuối đời, Ngài luôn muốn gần gủi với đàn chiên của Ngài lắm. Nhất là trong những dịp Hành hương La Vang, Ngài muốn đến nơi đất Mẹ để tôn vinh Mẹ cũng như tìm gặp con chiên của Ngài, nhưng Nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhất quyết ngăn cản không cho Ngài đến La vang trong những dịp này. Tôi còn nhớ, có lần Ngài đã cải trang để đến La Vang vào dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời, khi Ngài đến gần ngả ba La Vang Thượng, tức cách Thánh địa La Vang vào khoảng 3 cây số thì công an nhận diện được ngài, và họ nhất quyết không cho Ngài đến La Vang.

Trong tình yêu mến của đàn chiên đối với vị Chủ chăn, Ban tổ chức Lễ Tang của Giáo phận đã muốn Ngài cùng rảo bước qua đoạn đường thân thương mà đàn chiên của Ngài đang đứng hai bên đường để chào đón Ngài từ Dòng Chúa Cứu Thế đến toà Giám mục Huế. Bởi vậy Ban tổ chức Lễ Tang đã cho di chuyển Quan tài từ xe hơi sang chiếc Xe Tang của Giáo xứ Chánh Toà.

Giáo xứ Chánh toà là nơi mà những ngày lễ trọng của Giáo hội hay của Giáo phận đều có mặt Ngài đến dâng Thánh lễ trong suốt 24 năm qua, kể từ năm 1964. Chúng tôi di chuyển Quan tài của Ngài qua xe Tang của Giáo xứ Phủ cam, và đưa Ngài về Toà Tổng Giám mục Huế. Trên đoạn đường dài gần 2 cây số, qua các đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi đẩy xe Tang đi chậm rải, khi xe Tang ngang qua thì mọi người đứng hai bên đường ở đó liền quỳ gối, chào bái Ngài, y như để hôn nhẫn Giám mục khi Ngài còn sống.

Tất cả những người có mặt đều chảy nước mắt, thật vô cùng cảm động trước cảnh mất đi một vị Chủ chăn khả kính, kiên cường. Quan tài của Ngài được quàn tại Toà Giám mục gần 20 tiếng đồng hồ để các tôn giáo bạn kính viếng, đến chiều ngày 13 thì linh cửu của ngài được di chuyển về nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam, để toàn thể Dân Chúa trong Giáo phận đến kính viếng cùng cử hành Thánh Lễ tạ ơn và cầu nguyện.

Không nghe động tĩnh gì về phía Nhà nước cộng sản tại Huế đối với lượng người quá sức đông đảo trong buổi đón rước Quan tài của vị chủ chăn trở về lại nơi Ngài coi sóc đàn chiên suốt 24 năm qua, cũng như những ngày Tang Lễ. Họ im lặng vì không đủ can đảm dùng biện pháp mạnh để ngăn cấm trước sự hiện diện của khối quần chúng quá đông đảo, nên nhiều công an chìm đã bám sát để theo dõi tình hình.

Chiều ngày 13 tháng 6 vào khoảng 4 giờ chiều, hàng chục ngàn giáo dân của nhiều giáo xứ đã tập trung để tham dự cuộc di quan của Ngài từ toà Tổng Giám mục Huế đến Nhà thờ Chánh toà Phủ Cam. Linh cửu của Ngài được quàn tại nhà thờ Phủ Cam đến sáng ngày 15 tháng 6 mới cử hành Thánh Lễ An Táng. Trong suốt thời gian 2 đêm và 1 ngày tại Thánh đường Phủ Cam.

Tất cả các giáo dân và linh mục của từng giáo xứ, các Dòng tu Nam Nữ thuộc Tổng Giáo phận Huế đều về tại Phủ Cam để dâng Thánh Lễ theo phiên của từng đơn vị như Giáo xứ, Dòng tu Nam Nữ. Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho vị chủ chăn liên tục suốt ngày đêm không khi nào ngừng nghỉ cho đến khi bắt đầu giờ Thánh lễ An Táng. Tuy đã chia phiên cho từng giáo xứ, từng tu viện, nhưng Thánh Lễ nào giáo dân cũng tham dự quá sức đông đảo, người đầy cả nhà thờ, có người phải đứng ở hành lang để cùng hiệp dâng Thánh Lễ.

Những giáo xứ ở xa, giáo dân dựng lều trại trong khuôn viên Thánh đường để chờ phiên dâng lễ và đợi đến khi chôn cất Ngài. Cảm động nhất là những vị trong nhóm Phật giáo Hướng thiện, nhiều vị đã quỳ hằng giờ trước Quan tài để nhìn khuôn mặt của Ngài với nổi cảm xúc đấy xót xa bằng nước mắt.

Tôi có người quen trong nhóm Phật giáo Hướng Thiện này nên mới biết tên gọi của nhóm, sau này khi gặp lại, anh ta nói: “nhóm của anh rất mộ mến và kính trọng Đức Cha Điền, nên khi nghe Ngài chết, mọi người trong nhóm đã khóc”.

Được biết, Nhóm Hướng thiện thường lui tới thăm viếng và chia sẻ những ưu tư về tự do tôn giáo với Ngài trong nhiều năm qua, nhất là trong thời gian Cố Tổng Giám mục bị bạo quyền cộng sản Việt Nam không chế.

Quan tài của Đức Tổng Giám mục, nơi phần mặt của Ngài, được đóng kín bằng một tấm kính, trên mặt kính là nắp hòm bằng gổ, nắp hòm gổ này ở phần mặt được di động để có thể đóng lại hay mở ra tùy ý. Trong nhiều giờ tại Thánh đường Phủ Cam , nắp hòm gỗ được mở ra để giáo dân thấy được mặt của Ngài khi kính viếng, trong suốt thời gian thân xác Ngài còn bên cạnh giáo dân trước khi vào lòng đất lạnh.

Thánh Lễ An Táng được cử hành vào sáng ngày 15 tháng 6 do Đức Hồng y Trịnh Văn Căn chủ tế cùng với nhiều Giám mục trong nước và toàn thể Linh mục đoàn thuộc Tổng giáo phận Huế đồng tế. Thi hài của Ngài được chôn tại cánh trái Cung Thánh trong nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam Huế.

Khó mà quên được những ngày Tang Lễ của Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, vừa long trọng khó tả do lòng mến mộ của mọi thành phần Dân Chúa trong toàn Giáo phận Huế, cũng như những ai biết về Ngài. Vừa đau buồn khôn nguôi vì thật sự, không những chỉ Giáo phận Huế mà cả Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã mất đi một vị Giám mục uy dũng đúng như lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã nói về Ngài.

Nhiều người thuộc các tôn giáo khác cũng kính trọng và mến mộ Ngài vì Ngài là chứng nhân của thời đại mà mọi tôn giáo đều bị bách hại. Ngài đã can đảm sống một cách hiên ngang trong sự hành hạ, sách nhiễu, khủng bố đủ mọi hình thức của Nhà nước cộng sản Việt Nam kể từ khi Ngài phát biểu trước Hội nghị do Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Huế vào năm 1977 về quyền bình đẳng và tự do của con người, về người công giáo bị Nhà nước coi là công dân hạng 2...

Nhà nước rất muốn bắt bỏ tù Ngài lắm. Thế nhưng lại không bắt giam tù được, vì thế cái chết của Ngài đã tạo nên nhiều nghi vấn trong lòng mọi giáo dân cũng như những ai thao thức khi nghĩ đến cuộc tranh đấu đầy cam go của ngài.

Nhớ ngày giỗ của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, liên tưởng đến cuộc đấu tranh đòi Tự do Dân chủ cho toàn Dân Việt Nam của những nhà tranh đấu trong nước, của Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền nơi đất Thần kinh Huế, đang gánh lấy những gian lao, đầy thử thách.

Tôi tin rằng, nơi Thiên Quốc với ước mơ của Ngài khi còn sống, Ngài đã thao thức cho một Việt Nam Tự do, chắc chắn Ngài sẽ xin Chúa: đoái thương cho đất nước Việt Nam, sớm thoát khỏi ách thống trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam.

Xin cho mọi người Dân trong nước bớt sợ hãi, để cùng nhau đứng lên đòi quyền sống, và tự do của con người. Xin cho đồng bào hải ngoại sát cánh , hăng say yểm trợ cuộc đấu tranh tại Quốc nội để giải thể chế độ cộng sản tùy theo điều kiện và khả năng của từng người.

Đã đến lúc, xin đồng bào hải ngoại đừng thờ ơ nữa, hãy tiếp sức với người trong nước để sớm giải thể chế độ cộng sản, có như thế mới mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn Dân Việt Nam.


Đọc thêm:

"Lời Chứng về cái chết của Đức TGM Nguyễn Kim Điền: Ðức TGM Philipphê đã tử đạo như thế nào?"