Freitag, 18. Juni 2010

Những lời thú nhận

Lữ Giang

Cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đến nay vẫn còn gây nhiều tranh luận trên báo chí cũng như trên mạng lưới toàn cầu.

Trong hai bài trước chúng tôi đã đứng trên tầm nhìn chiến lược để trình bày cho ông Hưng cũng như độc giả thấy Tổng Thống Thiệu lãnh đạo quốc gia nhưng không biết Đồng Minh làm gì và địch làm gì, cứ hành động theo suy nghĩ chủ quan của mình nên đã đưa miền Nam tới sụp đổ.

Trong bài này, chúng tôi sẽ nêu lên một số cố gắng của ông Hưng để biện hộ cho Tổng Thống Thiệu, và cho độc giả thấy các bằng chứng được ông Hưng đưa ra để biện minh lại là những lời thú nhận!

BIỆN MINH VỤ ĐẢO CHÁNH 1963

Ông Hưng kể lại rằng dạo đó (1963) ông Thiệu đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đóng tại Biên Hoà. Đại Tướng Dương Văn Minh kêu ông về Sài Gòn và yêu cầu ông tham gia đảo chánh. Tướng Minh nói rằng nếu ông Điệm còn làm Tổng Thống thì Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ cho quân đội. Ông Thiệu đồng ý với điều kiện không được hạ sát hai anh em ông Diệm-Nhu. Bà Thiệu có kể lại rằng khi ông Diệm từ nhà thờ Cha Tam gọi về Bộ Tổng Tham Mưu, chính ông Thiệu đã xin đi đón, “vì Sư đoàn 5 ở gần Chợ Lớn nhất”, nhưng ông Minh trả lời: “Mày khỏi phải đi, tao đã có người rồi.”

Vấn đề ông Thiệu tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963 đã được chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài, nhất là bài “Kẻ phản bội” được phổ biến ngày 12.10.2009 (xem motgoctroi.com). Chúng tôi không tin câu chuyện Tổng Thống Thiệu kể lại với ông Hưng nói trên là đúng sự thật vì các lý do sau đây:

Lý do thứ nhất: Tướng Dương Văn Minh biết rất rõ Đại Tá Thiệu là “con cưng” của ông Diệm và ông Nhu, rất được tin cậy và được đưa từ Huế về nắm Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa để bảo vệ thủ đô, tức bảo vệ chế độ, nên chẳng bao giờ dám hé môi về chuyện đảo chánh với ông Thiệu.

Không một báo cáo nào của CIA cho biết chính Tướng Minh đã thuyết phục Đại Tá Thiệu làm đảo chánh. Trái lại, trong bản tường trình để ngày 29.10.1963 đánh giá kế hoạch đảo chánh và lực lượng của mỗi bên, Hilsman, Phụ Tá Bộ Ngoại Giao về Viễn Đông Vụ, cho biết: “Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm. Tất cả ủng hộ đảo chánh” (FRUS, 1961 – 1963, Volume IV, tr. 475 - 476. Document 237).

Đại Tá Thiệu đã được CIA kết nạp khi đi du học ở Mỹ và khi về đã xin gia nhập Đảng Cần Lao để được ông Nhu tin tưởng và giao cho làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 rồi Sư Đoàn 5, và ông đã làm nội ứng cho CIA. Vây chỉ có CIA mới có thể ra lệnh cho Đại Tá Thiệu tham gia đảo chánh với nhiều hứa hẹn. Tướng Minh không bao giờ dám. Ông Thiệu tham quyền nên đã phản bội ông Diệm và phản bội tổ quốc.

Lý do thứ hai: Ông Thiệu cho rằng ông tham gia đảo chánh lật đổ ông Diệm vì sợ Mỹ giảm bớt viện trợ quân sự. Lý do này không thể biện minh được: Nếu mỗi lần Mỹ doạ giảm viện trợ là các tướng lãnh phải đứng lên lật đổ chính phủ thì còn gì là chủ quyền quốc gia, còn gì là đất nước?

Lý do thứ ba: Ông Thiệu dựa vào đâu để biết khi làm đảo chánh, tướng Minh sẽ hạ sát ông Diệm và ông Nhu, nên đã đặt điều kiện với tướng Minh là không được giết hai ông mới tham gia đảo chánh? Ông cũng không cho biết tướng Minh có chấp nhận điều kiện của ông hay không, nhưng khi ông đồng ý tham gia có nghĩa là tướng Minh đã chấp nhận. Thế thì tại sao khi tướng Minh giết hai ông, ông không có phản ứng nào?

Thật ra, việc giết ông Diệm và ông Nhu là do lệnh từ Washington. Không có lệnh từ Washington, chẳng ai dám đụng đến chân lông của ông Diệm và ông Nhu. Ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn năm 1963, được Tổng Thống Kennedy ra lệnh điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm trong việc giết ông Diệm và ông Nhu, ông ta đã cho biết như sau:

“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện.” (Joseph J. Trento, “The Secret History of the CIA”, Carrrol & Graf Publishers, New York, 2005, p. 334).

Tướng Minh chỉ là người thi hành lệnh của Harriman qua Cabot Lodge và Lucien Conein.

Tóm lại, những lời biện minh của ông Thiệu về việc tham gia cuộc đảo chánh năm 1963 là những lời chạy tội vùng về, không thể chấp nhận được.

CHUYỆN RÚT KHỎI QKII VÀ QKI

Đọc những đoạn ông Nguyễn Tiến Hưng viết về lệnh của Tổng Thống Thiệu rút quân khỏi Quân Khu II và Quân Khu I và đổ lỗi cho Tướng Phạm Văn Phú và Tướng Ngô Quang Trưởng, chúng tôi nhận thấy ông Hưng biết rất ít về quân sự, về các diễn biến đã xẩy vì không có kế hoạch rút quân được soạn thảo chu đáo, nhất là tình trạng hoảng loạn (panic) do lệnh của Tổng Thống Thiệu gây ra, v.v.

Chúng tôi xin nhắc lại, sau khi Mỹ giảm số quân viện cho QLVNCH xuống còn 700 triệu, Tổng Thống Thiệu đã quyết định chỉ giữ phần đất từ Tuy Hoà trở vào và giao cho Trung Tướng Đặng Văn Quang và Chuẩn Tướng Ted Sarong (một tướng chống du kích người Úc) lập kế hoạch hình thành một phòng tuyến mới từ Tuy Hoà đến Tây Ninh để phòng thủ. Kế hoạch này được Thổng Thống Thiệu gọi là chiến lược mới “Đầu bé đít to”. Sau đó, nhân khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh rút khỏi Quân Khu II rồi Quân Khu I, đưa quân về lập phòng tuyến ở Tuy Hoà. Cuộc rút quân không theo binh pháp nào nên đoàn quân bị tan rã, và miền Nam bị sụp đổ.

1.- Rút khỏi Quân Khu II

Ông Hưng cho biết Tổng Thống Thiệu cứ nhắc đi nhắc lại:

“Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột, và thứ hai, Bộ Tổng Tham Mưu ‘theo dõi và giám sát’ (suivre et surveiller) cuộc triệt thoái này.” (tr. 57).

Đây là một lối giải thích không thể chấp nhận được. Thứ nhất, Bộ Tổng Tham Mưu chẳng những đã theo dõi và giám sát việc rút quân trên đường số 7 mà còn yểm trợ tối đa, nhưng khi đoàn quân bị đặt vào tình trạng hoản loạn vì lệnh rút quân bất khả thi, BTTM cũng đành bó tay. Thứ hai, một khi đã rút quân về Tuy Hoà, cho dù thành công, cũng không thể trở lại Cao Nguyên được chứ đừng nói trở lại Ban Mê Thuột.

Lúc đó, VNCH có hai con đường chính để giao thông giữa Trung Phần và Cao Nguyên, đó là quốc lộ số 15 nối liền Bình Định với Pleiku và quốc lộ số 21 nối liền Nha Trang với Ban Mê Thuột.

- Trước khi đánh Ban Mê Thuột, Cộng quân đã cho Trung Đoàn 95-B phong tỏa con đường số 15, đóng chốt ở đèo An Khê và đèo Mang Yang, và Trung Đoàn 25 phong tỏa quốc lộ 21, đóng chốt ở đèo Chu Cúc.

- Tỉnh lộ 7 nối liền Tuy Hoà với Pleiku bị bỏ hoang từ 1954, được lệnh sửa lại để tháo chạy khỏi Pleiku. Trong cơn hoảng loạn, đoàn quân đã bị sư đoàn 320 của Cộng quân truy đuổi và tan rả. Sư đoàn này đã đóng chốt ở đèo Tu Na, Phú Bổn.

- Con đường từ Quảng Đức đến Ban Mê Thuột đã bị Sư Đoàn F-10 của Cộng quân phong tỏa sau khi truy đưổi tàn quân của Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 23 VNCH chạy khỏi Ban Mê Thuột.

Nhìn vào địa thế và tình trạng của Cao Nguyên như đã nói trên, không một nhà quân sự chuyên nghiệp nào dám nghĩ đến “di tản chiến thuật” từ Cao Nguyên về Tuy Hoà rồi quay lại tái chiếm Ban Mê Thuột.

Muốn trở lại Cao Nguyên hay tái chiếm Ban Mê Thuột, QLVNCH phải phá vỡ những cái chốt nói trên. Với lực lượng còn lại lúc đó, QLVNCH không thể làm chuyện đó được. Sư Đoàn Dù đã thất bại khi phá chốt Thường Đức ở nam Đà Nẵng năm 1974 và bị tổn thất đến 50%.

Tóm lại, lời biện minh nói trên của ông Thiệu chứng tỏ hoặc ông không có ý niệm chính xác về quân sự hoặc ông chỉ nói vòng vo để biện hộ cho quyết định sai lầm của mình mà thôi.

2.- Rút khỏi Quân Khu I

Trong chương 3, ông Hưng đã kể lại khá tỉ mỉ những tranh luận giữa Tổng Thống Thiệu và Tướng Ngô Quang Trưởng về việc giữ hay rút khỏi Quân Khu I. Ở đây, ông Hưng phải nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của Tổng Thống Thiệu là rút quân khỏi Quân Khu II và Quân Khu I để về lập phòng tuyến tại Tuy Hoà. Lệnh giữ ba “đầu cầu” (enclaves) (Huế, Đà Nẵng, Chu Lai) rồi lại chỉ giữ một “đầu cầu” (Đà Nẵng) chỉ là trò chơi gian trá của Tổng Thống Thiệu nhắm gài cho Tướng Trưởng phải chịu trách nhiệm khi xẩy ra sự thất bại trong việc rút quân.

Ở Huế, vì không còn vận chuyển bằng đường bộ được, ngày 25.3.1975 Tướng Tưởng quyết định cho Thủy Quân Lục Chiến rút ra cửa Thuận An, còn Sư Đoàn 1, Biệt Động Quân và Địa Phương Quân xuống cửa Tư Hiền. Tàu Hải Quân sẽ đến đón hai đoàn quân này. Tuy nhiên, trên đường tháo chạy, cả hai đoàn quân vừa bị pháo kích vừa bị địch truy đuổi, nên tan rả, chỉ khoảng 1/3 về tới Đà Nẵng.

Tình trạng Đà Nẵng lại trở nên rối loạn. Tổng Thống Thiệu không có một quyết định dứt khoát nào về việc giữ hay rút khỏi Đà Nẵng mà để cho Tướng Trưởng tùy nghi quyết định. Khi tình hình Đà Nẵng không còn kiểm soát được, Tướng Tưởng ra lệnh bỏ Đà Nẵng. Ngày 29.3.1975 Đà Nẵng bị thất thủ.

Thật ra, lệnh của ông Thiệu ra lệnh rút khỏi Quân Khu II hay Quân Khu I đều bất khả thi, và đã đẩy đoàn quân vào tình trạng hoảng loạn (panic). Khi đoàn quân đã bị đặt vào tình trạng hoảng loạn, không phải chỉ Tướng Phú hay Tướng Trưởng, bất cứ người cầm quân nào cũng không còn chỉ huy được.

NƯỚC ĐÃ ĐẾN TRÔN VẪN CHƯA BIẾT!

Ở Chương 11, ông Hưng kể lại sau khi từ chức, ông Thiệu đã cố vấn cho Tổng Thống Hương và Chủ Tịch Thượng Viện Lắm hai điểm, thứ nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cứ phải theo hiến pháp VNCH, và điểm thứ hai là chớ có trao quyền cho Tướng Minh. Ông Thiệu nói:

“Ông Minh rất nguy hiểm nên dù chức Thủ tướng thì cũng không nên đề cử, vì sau đó ông Minh sẽ vận động lên chức Tổng Thống rồi thành lập chính phủ liên hiệp với MTGP.” Bởi vậy “nên chọn Tướng Đôn làm Thủ tướng để ‘neutralizer’ (vô hiệu hoá) Tướng Minh.” (tr. 220 – 221).

Miền Nam sắp mất, Mỹ kéo ông Thiệu xuống và đưa Tướng Minh lên để đầu hàng, nhưng ông Thiệu không hay biết gì hết!

Tôi nhớ lại, hôm 29.3.1975, khi Đà Nẵng vừa thất thủ, tôi đã liên lạc với một tham vụ ngoại giao ở Toà Đại Sứ Mỹ, người thường liên lạc với tôi để xin tin tức, và hỏi ông tình trạng có còn cách nào cứu vãn được không. Ông nói: “Chỉ có B52 mới ngăn được đoàn quân của địch, nhưng B52 không còn”. Ông bảo tôi chuẩn bị đi.

Sáng hôm sau tôi vào Thượng Viện, người đầu tiên chận tôi lại là Thượng Nghị Sĩ La Thành Nghệ, một đại thương gia tại Sài Gòn. Ông kéo tôi vô phòng và hỏi: “Anh thấy tình hình như thế nào?” Tôi chỉ lặp lại lời viên tham vụ ngoại giao nói trên. Ông ta nói ngay: “Đúng rồi! Tôi thấy các ngân hàng và công ty Mỹ ở đây đã thu xếp để đi... Như vậy là Mỹ bỏ miền Nam rồi!”

Chiều hôm đó cậu Hoàng Kim Lân, con Thượng Nghị Sĩ Hoàng Kim Quy, đến năm nỉ tôi nói với ông già mua cho cậu ta một giấy thông hành để đi. Tôi vào nhà ông Hoàng Kim Quy ở góc đường Hàm Nghi và Công Lý. Tôi thấy ông đang thu dọn giấy tờ. Ông bảo tôi ngồi xuống và nói: “Chúng nó sắp vô rồi, chúng nó sẽ cướp của mình hết. Nhưng tôi quá già nên không thể đi được...”. Ông chỉ cái hộp biscuit trên bàn và nói: “Tôi lấy ra đây ít vàng và đem đi gởi, khi mình bị bắt còn có cái để ăn, không biết người ta có cướp của mình luôn không!” Tôi nói chuyện cho Hoàng Kim Lân đi, lúc đầu ông ta cự nự, nhưng sau ông cũng đồng ý và nói để ông lo liệu. Hai ngày sau ông cho tôi biết đã mua được Passport cho thằng Lân rồi. Tôi hỏi ông bao nhiêu, ông nói đưa cho Tướng Đặng Văn Quang hai triệu!

Thì ra đầu tháng 4/1975 các thương gia ở Sài Gòn đã biết Mỹ sắp bỏ miền Nam, nhưng đến ngày 21.4.1975, Tổng Thống Thiệu vẫn chưa biết gì hết, vẫn nói chuyện hoang đường!

NHÌN NHẬN BẢN CHẤT ÔNG THIỆU

Dầu sao, trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” trong nhiều đoạn, ông Hưng cũng đã thừa nhận một số bản chất của con người Nguyễn Văn Thiệu và chính những bản chất này đã khiến ông Thiệu làm mất nước.

Ông Hưng cho biết, về những quyết định quan trọng, ông Thiệu hay hỏi ý kiến những người khác, nhưng rồi suy nghĩ và làm quyết định một mình. Khi người cố vấn cho ông lại là người ông không tin thì ông lại làm quyết định ngược lại với lời cố vấn. Chính ông đã nói:

“Tôi luôn là người quyết định. Luôn luôn như vậy. Tôi có thể nghe người khác gợi ý một quyết định, nhưng rồi làm quyết định ngược lại.” (tr. 373).

Ở những đoạn tiếp theo, ông Hưng viết như sau:

"Tướng Viên cũng nhận xét rằng “ông Thiệu theo đường lối ‘đọc tài dân chủ’, võ ngoài dân chủ nhưng bên trong chi phối cả ngành lập pháp và tư pháp.” (tr. 376).

TT Thiệu thường suy gẫm rồi lo lắng, và lo lắng một mình. Thí dụ như sau Hiệp Định Paris thì ông hết sức lo lắng và đã nghĩ tới việc thu hẹp lãnh thổ nhưng trăn trở về hậu quả một quyết định như vậy... nên ông vẫn giữ kín, không bàn bạc với ai. Đến lúc nước tới chân rồi mới chạy, nhưng khi chạy thì đã trễ rồi” (tr. 377).

Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc sau này kể lại rằng TT Thiệu “Ít khi nào cho lệnh rõ ràng, trực tiếp. Ông ta hay gợi ý mơ hồ, như “anh liệu lấy mà làm.” Ra khỏi phòng rồi mình chẳng bao giờ rõ ông ta có đứng đàng sau những gì đã quyết định hay không.” (tr. 378).

Chúng tôi có thể tóm lược lại một số đặc tính của ông Thiệu như sau: Độc đoán nhưng thiếu hiểu biết và kinh nghiệm cả về chính trị lẫn quân sự, không có tầm nhìn chiến lược, lại làm việc thiếu khoa học, v.v.

Những hiện tượng này đều do người Pháp và người Mỹ để lại. Các nhà phân tích ngoại quốc đã nhận xét đúng: Trong chiến tranh Việt Nam, người Pháp và người Mỹ đã thay nhau lãnh đạo cả về chính trị lẫn quân sự, người Việt chỉ “ăn theo”, nên các nhà lãnh đạo miền Nam không có tầm nhìn chiến lược. Ông Thiệu đã lãnh đạo quốc gia mà như chỉ huy một đại đội đi hành quân!

Những người lãnh đạo Đảng CSVN như Đỗ Muời, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh... chắc chắn không có trình độ văn hoá cao hơn ông Thiệu, nhưng họ đã cầm quyền được 56 năm vì họ làm việc theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Các nước không cộng sản không theo nguyên tắc đó, nhưng theo một nguyên tắc mà người lãnh đạo nào cũng phải biết, đó là “Lãnh đạo không có nghĩa là mình luôn đúng. Lãnh đạo có nghĩa là lắng nghe các ý kiến và chọn ý kiến đúng nhất.” Ông Thiệu không biết nguyên tắc đó nên không biết dùng cái khôn của người khác. Ông đọc mọi báo cáo của các cấp trình lên, thảo luận và bàn hỏi với nhiều người, nhưng không chọn ý kiến đúng nhất mà quyết định theo những suy nghĩ chủ quan của mình.

Ông Thiệu lại là người thiếu tự tin, không tin vào những kết quả tốt do quyết định của mình đem lại, nên luôn tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác khi xẩy ra sự thất bại.

NHỮNG HỐI TIẾC VỚ VẨN

Về “mật ước” giữa Tổng Thống Nixon và Tổng Thống Thiệu, ông Hưng có nhận định:

“Giả như TT Thiệu có được những cố vấn hiểu biết rõ những diễn tiến hiến định của Hoa Kỳ (comstitutional process) là “Thượng Viện cố vấn và ưng thuận (advice and consent), và cả hai viện Quốc Hội mới có quyền về chiến tranh (war power) thì có thể ông đã hành động khác rồi, không chỉ tin tưởng vào cam kết của Tổng Thống Hoa Kỳ mà phải vận động Quốc Hội Mỹ trên căn bản những cam kết này. Nếu như Quốc Hội VNCH được biết và khai thác những văn kiện này với Quốc Hội Hoa Kỳ thì không thể nào họ có thể ngang nhiên cắt hết viện trợ cho VNCH một cách quá đơn giản như họ đã làm.” (tr. 378).

Ông Hưng đã ở Mỹ rất lâu nhưng lại không hiểu nhiều về cơ cấu chính trường Mỹ. Ở đất nước này, vận động hậu trường (lobby) mới là chính. Các “diễn tiến hiến định” mà ông nói đến chỉ là phần phụ. Tuy nhiên, trong vụ Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam, mọi cuộc vận động hậu trường đều vô ích, vì “ván đã đóng thuyền” và lịch sử đã sang trang.

Tôi nhớ vào đầu năn 1975, ông Thiệu có nhờ Thượng Viện VNCH lập một phái đoàn qua Mỹ vận động Quốc Hội Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền Nam. Phái đoàn này do Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Thành, Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện cầm đầu. Khi về, phái đoàn đã đến trình bày tại một cuộc họp giới hạn ở Dinh Độc Lập do Tướng Đặng Văn Quang chủ tọa. Tôi có được vào ngồi nghe. Phái đoàn trình bày đại khái rằng các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ khuyên ta nên tìm cách để tự tồn tại và chờ thời cơ. Trong hiện tại họ không thể làm gì được. Phải đợi khi tình hình đổi thay, họ mới có thể giúp.

Đây là những lời khuyên rất quan trọng, nhưng ông Thiệu chẳng quan tâm gì. Ông chỉ muốn biết có thêm viện trợ hay không mà thôi!

Ông Hưng có nhắc lại rằng trước khi lên chức Tổng Thống, ông Nixon đã tuyên bố:

“Cuộc chiến ở Việt Nam là một sự đương đầu – chẳng phải là giữa Việt Nam Cộng Hoà và Việt Cộng hay giữa Hoa Kỳ và Việt Cộng – mà chính là giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.”

Ông Hưng đặt câu hỏi: “Như vậy những thành công ở miền Nam cũng chỉ là để phục vụ cho chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng?” (tr. 301)

Câu hỏi của ông Hưng thật vớ vẩn! Đến hôm nay ông Hưng mới biết chuyện đó sao? Từ lâu, ai cũng biết Mỹ yểm trợ VNCH, yểm trợ Đài Loan và yểm trợ Nam Hàn để biến những nước này thành công cụ đối phó với Trung Cộng. Đây là chuyện hiển nhiên, không còn phải tranh luận. Vấn đề phải tranh luận là tại sao Mỹ không bỏ Đài Loan, không có Nam Hàn mà bỏ VNCH?

Ở Chương 15, ông Hưng cho rằng Kissinger “Cứ đổ cho miền Nam bất lực là xong chuyện”. Nhưng nếu ông Hưng đọc kỹ những bản phân tích về việc Tổng Thống Thiệu bất thần can thiệp và phá vỡ kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào năm 1971, gây tổn thất lớn cho quân đội Mỹ cũng như quân đội VNCH, ông Hưng mới thấy chính phủ Mỹ đã thất vọng về cách lãnh đạo của Tổng Thống Thiệu như thế nào. Đây là một kế hoạch đã được Quân Lực Hoa Kỳ và QLVNCH phối hợp thành lập rất công phu, nhưng ông Thiệu đã làm hỏng. Sự thiếu khả năng (incompetence) của nhà lãnh đạo VNCH mà Kissinger đã đề cập tới phát xuất từ vụ này.

Việc Tổng Thống Thiệu điều khiển cuộc chiến sau Hiệp Định Paris không theo binh pháp nào làm miền Nam bị sụp đổ một cách nhanh chóng đã chứng minh sự thiếu khả năng của ông Thiệu là thật sự chứ không phải do Kissinger “đổ cho”

Khi thấy VNCH không thể chận đứng được sự bành trướng của Trung Cộng, Hoa Kỳ quyết định xoá bàn rồi dùng CHXHCNVN thay thế VNCH. Đây là công việc đang được Hoa Kỳ tiến hành. Chính sách của nước lớn là như thế. Họ thấy điều gì có lợi cho nước họ là họ làm. Nước nhỏ “Khôn thì sống, bống thì chết”.

Để kết luận, chúng tôi xin nói với ông Hưng và những người còn mang tâm trạng như ông Hưng: Khi đa số các bí mật lịch sử đã được bạch hoá, giai đoạn ca tụng và bênh vực lãnh tụ đã hết. Chúng ta đang đi vào giai đoạn làm sáng tỏ lịch sử.

Ngày 15.6.2010
Lữ Giang