Sonntag, 13. Juni 2010

Điều gì đang làm cho nhiều người Công Giáo trở về?

Tom Peterson
Người dịch: Thiên Phong

Bài của Andrea Kirk Assaf (Zenit), phỏng vấn Tom Peterson, người sáng lập phong trào vận động “Người Công Giáo, Hãy Về Nhà.”

Rôma, 04 tháng 5, 2010 – Mọi sự bắt đầu chỉ với một cuộc hoán cải, một khoảnh khắc trong đó linh hồn mở ra đón nhận tình thương và ân sủng của Thiên Chúa. Để rồi từ đó, Chúa Thánh Thần, Đấng hành động qua linh hồn ấy và qua các năng khiếu đặc biệt Chúa ban, đã nhân rộng sứ điệp hoán cải này tràn lan trên khắp thế giới, xuyên qua một công cuộc tông đồ Tái Loan Báo Tin Mừng, đem hàng trăm ngàn con chiên lạc, và thậm chí những người ngoài Công Giáo nữa, trở về với Giáo Hội.

Con người hoán cải nói trên là Tom Peterson, từng là một nhà điều hành quảng cáo. Anh đã dùng khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của mình để phục vụ Giáo Hội qua việc lập ra phong trào vận động “Người Công Giáo, Hãy Về Nhà” và website cùng tên.

Zenit đã trò chuyện về quá khứ, hiện tại và tương lai của phong trào này với người sáng lập và là chủ tịch của nó, nhân dịp anh viếng thăm Rôma để tham dự cuộc hội thảo “Truyền Thông Trong Giáo Hội: Căn Tính Và Đối Thoại” tổ chức tại Đại Học Thánh Giá.

- Zenit: Anh đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy như thế nào để khởi sự công cuộc tông đồ này?

- Peterson: Cách đây 13 năm tôi đi tĩnh tâm, và cuộc tĩnh tâm ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Một lần cầu nguyện trước Thánh Thể, tôi đã được ơn nhận biết Chúa. Trước kia tôi đã từng biết Ngài, nhưng do bao việc đời chi phối, tôi chỉ chăm chú vào chuyện làm ăn và thu tích các thứ. Tình thương và ân sủng Chúa đã mời gọi tôi trong cuộc tĩnh tâm ấy, tôi đã thưa “Vâng” với Ngài, và cả cuộc sống tôi đã thay đổi.

Chuyện là vậy. Tôi có một kinh nghiệm sâu sắc trước Thánh Thể, giống như cuộc hoán cải từ Saolê trở thành Phaolô vậy. Thực ra trước kia tôi cũng không bỏ lễ bao giờ, có điều là tôi chẳng chú ý mấy, tôi dự lễ mà tâm trí thì cứ nghĩ về công việc, về những chuyện đâu đâu; tan lễ là tôi phóng thật nhanh ra khỏi bãi đậu xe, đắm chìm trong những việc đời. Thế đấy, miệt mài từ thứ Hai đến thứ Bảy; còn Chúa Nhật thì tôi bỏ ra một tiếng để đi nhà thờ.

Tôi đã sống thờ ơ như vậy đó. Và khi vững mạnh hơn trong đức tin, tôi chợt nhận ra rằng còn có bao điều mình phải học.

- Zenit: Anh đã trải qua tiến trình thay đổi từ từ, hay là mọi việc xảy ra một cách nhanh chóng?

- Peterson: Rõ ràng là Đấng Mục Tử Tốt Lành vẫn luôn để mắt đến chúng ta, Ngài luôn hướng dẫn chúng ta, vì thế mọi sự đã diễn ra cả trước và sau cuộc tĩnh tâm nói trên của tôi. Nhưng sau cuộc tĩnh tâm ấy thì sự việc bắt đầu được đẩy nhanh hơn. “Được, lạy Chúa, con muốn làm theo ý Chúa, Chúa muốn con làm gì nào?” – khi tôi thưa với Chúa như vậy thì ước muốn đầu tiên của tôi là gần gũi các bí tích hơn, thường xuyên xưng tội và rước lễ, tôi cũng bắt đầu đọc Thánh Kinh nữa. Thế là tôi bắt đầu đi lễ hằng ngày. Vài tháng sau đó, tôi có hai giấc mơ. Trong một giấc mơ tôi gặp một đứa trẻ bị nhốt trong chiếc va-li và bị chèn một chiếc gối đến sắp ngạt thở. Tôi cố gỡ cánh tay của kẻ giữ chiếc gối, rồi ghi dấu thánh giá chúc lành cho đứa trẻ. Trong giấc mơ thứ hai, tôi thấy mình đang thực hiện một chương trình quảng cáo với nội dung loan báo Tin Mừng. Cả hai giấc mơ đã trở thành hiện thực: Trang mạng virtuemedia.org, công cuộc tông đồ bảo vệ sự sống của chúng tôi, đã được khai sinh sau buổi tối hôm ấy. Thiên Chúa đã gọi tôi vào công cuộc này, để bảo vệ các hài nhi và các gia đình, bảo vệ tính thiêng liêng của sự sống, bằng cách sản xuất các chương trình “quảng cáo” truyền đi trên cả nước, và nhiều trường hợp trên cả thế giới nữa. Những chương trình này nhằm giúp các cô gái mang thai và các gia đình sau khi phá thai, và nói cho người ta về tính thiêng liêng của sự sống.

Giấc mơ thứ hai được thực hiện khi Giáo Phận Phoenix mời tôi vào năm 1997. Họ bảo: “Để phục vụ cho công cuộc Tái Loan Báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn mời gọi các anh chị em Công Giáo thờ ơ trở về với Giáo Hội dịp mừng Năm Thánh 2000 sắp tới, anh có thể giúp chúng tôi trong chuyện này được chứ?” Tôi trả lời rằng dĩ nhiên là được, vì đó là giấc mơ của tôi, đó là tiếng Chúa gọi tôi trong kỳ tĩnh tâm, Ngài muốn tôi dùng các kỹ năng Ngài ban để phục vụ Giáo Hội chứ không phải phục vụ cho lợi ích của riêng mình.

Thế là vào năm 1997, chúng tôi thực hiện một phiên bản rất đơn giản của chương trình vận động “Catholics, Come Home.” Chúng tôi đã phát sóng trong hai tuần rưỡi tại Giáo Phận Phoenix, và thật kỳ diệu, 3.000 người đã trở về với Giáo Hội. Tính nhẩm các chi phí mình đã bỏ ra, tôi chợt thốt lên: “Chà, chỉ mất 10 đô la cho mỗi linh hồn; thật là một cuộc đầu tư kiếm lời ngoài sức tưởng tượng.” Đó là một chương trình nhỏ thôi, và giờ đây, sau nhiều năm, chúng tôi phục hồi nó và thiết kế lại thành một công cuộc tông đồ toàn thời gian, trung thành với giáo huấn của Hội Thánh. Chúng tôi có một ban cố vấn tuyệt vời, chúng tôi cũng có nhiều giáo sĩ và có những cố vấn trong giới kinh doanh, những tác giả Công Giáo, những diễn giả góp ý cho chúng tôi và giúp chúng tôi bảo đảm các chương trình của mình cung ứng các nội dung giáo huấn bổ ích.

Thế là chúng tôi lại phát sóng, dưới hình thức mới gồm có những đoạn phim “Epic” trình bày đời sống Giáo Hội trên khắp thế giới, những đoạn “Movie” kêu gọi người ta sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa Giêsu và trình bày về lòng thương xót của Ngài, những đoạn chứng từ của những người đã xa rời Giáo Hội vì nhiều lý do nhưng nay đã trở về. Và thế là các kết quả thậm chí ngoạn mục hơn nữa được ghi nhận. Chúng tôi phát sóng tại 12 giáo phận và tổng giáo phận rải khắp nước Mỹ - Chicago, Seattle..., rồi lại trở về Phoenix – và khi đúc kết con số thống kê với các giáo phận, chúng tôi ghi nhận có đến 200.000 người đã hoán cải hoặc bắt đầu đón nhận đức tin. Thật là một hồng ân lớn lao! Các thống kê sơ khởi cho thấy trung bình con số tăng trưởng của mỗi giáo phận là 11%.

- Zenit: Làm sao anh tính được con số những người Công Giáo trở lại và những người mới theo đạo trong các giáo phận nhờ ảnh hưởng của các chương trình này?

- Peterson: Chính các giáo phận làm công việc đó, và đôi khi họ nhờ các chuyên viên thống kê thực hiện để bảo đảm rằng tất cả các phân tích đều chính xác. Họ nghiên cứu các dữ liệu thống kê, thường là các con số tham dự “October Mass” (hằng năm, các nhà thờ ở Mỹ thường chọn một Chúa Nhật trong tháng 10 để thống kê số người đi lễ), và họ so sánh các con số ấy với những kết quả sau khi có chương trình “Catholics, Come Home.” Họ xem xét sự khác biệt sau khi có tính đến tất cả các yếu tố khác nữa có thể ảnh hưởng đến các con số. Và kết quả cho thấy tại Phoenix tỉ lệ gia tăng là 12%; tại Corpus Christi tăng 17,5% đối với các Thánh Lễ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Cho tới nay, tỉ lệ gia tăng trung bình trên khắp nước Mỹ là 11%, với tổng số tính được lên tới 200.000 người. Thật thú vị là chúng tôi nhận được các chứng từ từ khắp nơi gửi về, cho thấy rằng không chỉ những người Công Giáo lơ là trở về với đức tin, mà đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là những người ngoài Công Giáo (chẳng hạn những người Tin Lành và những người khác...) đang gia nhập Giáo Hội Công Giáo sau khi họ xem các chương trình của chúng tôi và được Chúa Thánh Thần tác động. Ví dụ, một thanh niên tên là Harrison đã ghi danh vào một Đại Học Tin Lành, nhưng anh không cảm thấy mình đủ sâu sắc trong đức tin, thế rồi khi anh vào website “Catholics, Come Home,” anh đã thốt lên: “Đây mới chính là điều tôi vẫn muốn kiếm tìm.” Một năm sau, anh gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và hiện nay anh theo học Đại Học Công Giáo Ave Maria ở tiểu bang Florida.

Một câu chuyện thú vị khác liên quan đến một người tên là Adrian ở Colorado. Anh ta sinh ra trong một gia đình Công Giáo, nhưng đã không được nuôi dưỡng trong đức tin. Anh bỏ đạo và trở thành một người vô thần. Vợ và các con anh cũng vô thần. Khi tình cờ vào trang web “Catholics, Come Home,” anh xem một chương trình “Epic” về lịch sử, về linh đạo và về những nét đẹp của Giáo Hội, anh đã được đánh động. Khi nghe lời kêu gọi “Chúng ta là người Công Giáo, chúng ta hãy trở về nhà mình,” anh nói: “Tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần chạm đến mình, và tôi muốn tìm hiểu thêm.” Một năm sau, anh trở về với Giáo Hội Công Giáo cùng với vợ con anh. Cả gia đình vừa được đón nhận vào Lễ Phục Sinh năm 2010 này. Anh chia sẻ: “Trước đây tôi vốn thường xúi người ta rời bỏ Giáo Hội, giờ đây tôi bắt đầu hướng dẫn cho người ta về đức tin Công Giáo và đưa họ trở về với Giáo Hội.”

- Zenit: Làm sao một người vô thần như anh ấy biết mà tìm đến với “Catholics, Come Home”?

- Peterson: Chúng tôi cũng đã tự hỏi như vậy. Chúng tôi có phát sóng các chương trình ở Colorado, nhựng không phát cho cộng đồng của anh ấy, vì thế rõ ràng là chính Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt khi anh ấy truy cập Internet hoặc có thể khi anh ấy đang ngồi ở một nhà hàng lúc đang có chương trình của chúng tôi chạy trên TV. Chúng tôi chưa tìm hiểu chính xác do duyên cớ nào mà anh ấy đến với chương trình. Cũng có thể là anh ấy gõ một từ khóa lên Google và rồi được dẫn đến website của chúng tôi. Chúng tôi không biết rõ cái duyên cớ cụ thể, nhưng chắc chắn đó là tác động của Chúa Thánh Thần chứ không phải do việc làm trực tiếp của chúng tôi.

- Zenit: Anh cũng phát chương trình trên các kênh truyền hình ‘đời’ nữa chứ?

- Peterson: Ồ, dĩ nhiên rồi. Thật sự là phần lớn thời gian các chương trình được phát trên các kênh truyền hình “đời”. Các số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy có đến một triệu người từ 80 quốc gia ngoài nước Mỹ đã xem các chương trình của chúng tôi trên website, gồm cả một số quốc gia ở Trung Đông. Thường thì chúng tôi kỳ vọng dân chúng ở Ý hay Ai-len xem các chương trình này, vì dầu sao họ cũng được tiếng là những nước Công Giáo, nhưng khi dân chúng ở Qatar hay những nước không thuộc truyền thống Công Giáo tìm đến trang web chúng tôi, thì đấy quả thật là điều bất ngờ thú vị. Mạng lưới Internet quả thật lợi hại khi nó truyền đi khắp thế giới một thông điệp, rồi một người bạn hay một người thân trong gia đình sau khi đã xem hay nghe về thông điệp ấy sẽ làm lan rộng nó ra bằng email hoặc bằng những công cụ tìm kiếm của Internet, hoặc qua mạng Facebook hay các “blogs,” kéo thêm nhiều người tiếp tục tìm đến với chúng tôi.

Nhưng chủ yếu qua các kênh truyền hình “đời” mà thông điệp về niềm hy vọng và về ơn cứu độ trong Đức Giêsu này đã được đại đa số người đón nhận. Chúng tôi thường phát sóng các chương trình trong sáu tuần lễ tại một giáo phận nào đó, và vì chúng tôi phát dồn dập cho nên trung bình người ta sẽ được xem chúng hai hay ba lần mỗi ngày. Chúng tôi có khoảng 25 chương trình “quảng cáo” khác nhau, có các chứng từ khác nhau, các “Movie” và các “Epic” dài ngắn khác nhau và bằng nhiều thứ tiếng. Đặc biệt, vào mỗi dịp cuối Mùa Vọng cho tới Tết dương lịch, hay vào Mùa Chay, chúng tôi phát các chương trình này thường xuyên tại một giáo phận nào đó. 98% dân chúng trong vùng phủ sóng của kênh truyền hình sẽ xem các chương trình của chúng tôi hai hay ba lần mỗi ngày, và khi đợt vận động kết thúc, nhiều âm vang về nó sẽ được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông “đời,” các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra trong các mỹ viện, các quán rượu, tại những nơi làm việc... Mọi người đã xem đi xem lại các chương trình, và bây giờ nó là đề tài cho các cuộc trò chuyện của họ. Quả là các chương trình của chúng tôi mở ra những cuộc đối thoại tích cực cho bất cứ ai – người Tin Lành, người Công Giáo, người Công Giáo đã xa nhà thờ lâu năm, người Hồi Giáo, người Do Thái giáo,vv.

Thật kỳ diệu là các nhóm đối tượng thăm dò trọng điểm và các cuộc kiểm tra bằng điện thoại của chúng tôi (trước khi phát sóng đại trà các chương trình) cho thấy là ban đầu người ta thường có một ấn tượng tiêu cực về đạo Công Giáo hay về Giáo Hội Công Giáo, dù họ là Tin Lành hay Công Giáo lơ là, hay Công Giáo đang hành đạo, hay là người không thuộc tôn giáo nào... Nhưng sau khi xem các chương trình ấy một lần, 76% số người được thăm dò trong nhóm trả lời rằng “Tôi nghĩ đó là một thông điệp rất tích cực, tôi thực sự thích lắm.” Thấy tỉ lệ ủng hộ cao như vậy, các chuyên viên thử nghiệm và phát hành phim ảnh Hollywood bảo chúng tôi rằng “Bạn đắc thời rồi đó. Hãy tới luôn đi!” Chúng tôi lại thăm dò tiếp bằng một câu hỏi nữa, có phần quan trọng hơn: “Quí vị đã xem các chương trình này, quí vị có xem xét khả năng quay về với Giáo Hội không?” (câu hỏi dành cho những người Công Giáo đã xa rời lâu năm) – hoặc: “Đã xem các chương trình này, quí vị có muốn tìm hiểu đức tin Công Giáo không?” (câu hỏi dành cho những người ngoài Công Giáo). Thật bất ngờ, 53% số người được hỏi trong cả hai nhóm trả lời rằng “Có!”

Vì thế, chúng tôi rút ra điều này: Khi chúng ta làm truyền thông một cách chuyên nghiệp, khi chúng ta sử dụng các khả năng Chúa ban cho mình để truyền đi thông điệp giống như cách các nhà quảng cáo “đời” vẫn làm, chúng ta có thể phục vụ đắc lực cho công cuộc Tái Loan Báo Tin Mừng mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tha thiết cổ vũ. Trong Thông Điệp Christi Fidelis Laici, ngài mời gọi chúng ta, những người giáo dân, hãy sống và phục vụ Giáo Hội qua nghề nghiệp của mình. Khi chúng ta kết hợp kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng nghề nghiệp Chúa ban với đức tin, lời cầu nguyện và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn sẽ nhận được những hoa trái tuyệt vời, như công cuộc tông đồ này và các kết quả của nó đang cho thấy.

- Zenit: Chuyến đi Rôma này, anh bị vây bủa bởi vô số yêu cầu phỏng vấn, và đồng thời anh cũng được “nối mạng” với rất nhiều tổ chức truyền thông quốc tế trong Giáo Hội; đâu là kết quả cụ thể anh thu được từ chuyến đi? Anh có cảm thấy rằng giờ đây có lẽ công cuộc của anh phải đảm nhận thêm một vai trò mới, để trình bày cách đơn sơ nhưng đầy cảm kích khuôn mặt tích cực của Giáo Hội giữa tất cả những chuyện tiêu cực mà dư luận đang xôn xao?

- Peterson: Chúa Giêsu gọi Thánh Kinh là “tin mừng.” Trong hành trình đức tin của chúng ta, Chúa Cha từ ái, Chúa Giêsu, và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta Tin Mừng. Nhưng thế gian thì muốn nói với chúng ta một câu chuyện khác. Thần dữ muốn làm chúng ta nản chí; nó kéo chúng ta tập chú vào những cái tiêu cực. Nó không muốn chúng ta nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, để chỉ lò mò trong bóng tối. Điều tôi học được trong chuyến đi này, đó là có rất nhiều tin mừng để chia sẻ. Và trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông “đời,” các thế lực sự dữ trong thế giới này muốn chúng ta chúi mũi vào những con người không sống theo tinh thần của Đức Kitô, thì chúng ta trong tư cách là Thân Thể Đức Kitô, là những người đã chịu Phép Rửa trong Giáo Hội Công Giáo, phải chia sẻ tin mừng cho thế giới. Khi chúng ta làm thế, các phép lạ sẽ xảy ra, và lòng người sẽ thay đổi.

Có câu nói rằng “khoảng cách dài nhất trên trần đời này là khoảng cách 45 cen-ti-mét từ bộ óc tới trái tim của người ta.” Khi tôi đến với khóa hội thảo này, tôi hơi bị ‘khớp” vì sự kiện này qui tụ những giáo sư khoa bảng thông thái từ khắp nơi trên thế giới đến đây đăng đàn. Còn tôi chỉ mang theo mình một sứ điệp rất đơn sơ, đó là “Chúa yêu bạn.” Và để chuyển trao sứ điệp ấy, có những cách thức đầy sáng tạo qua đó chúng ta có thể làm cho sứ điệp chạm đến công chúng. Chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu, Ngài đã ra khỏi Đền Thờ để đi đến với người ta những nơi mà họ có mặt. Họ ở đâu vậy? Họ đang xem truyền hình, họ đang lướt mạng Internet. Bằng các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể mang Phúc Âm hay Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho một thế giới đang cần niềm hy vọng và cần được chữa lành. Tra tay vào làm, chúng ta sẽ thấy hoa trái sinh sôi!

Tôi vẫn cứ ngạc nhiên thú vị hoài mỗi khi có người từ Tây Ban Nha, Đức và những nơi khác nữa trên thế giới liên lạc với tôi và bảo: “Này, chúng tôi muốn có các chương trình như thế trong cộng đồng của chúng tôi, anh có thể đưa chúng đến với chúng tôi được không?” Tôi vừa mừng vừa băn khoăn bởi vì người ta muốn xem các chương trình ấy trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, bằng tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, vv. Và chúng tôi phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu đó. Thực tế là chúng tôi không có nhiều nhân sự; khả năng cũng giới hạn. Nhưng Chúa sẽ liệu nếu Ngài muốn chúng tôi mở rộng công cuộc này. Và các kinh nghiệm rút được tại Mỹ sẽ là bài học quí báu để chúng tôi vận dụng vào các khung cảnh văn hóa khác. Để các chương trình thêm hiệu quả, chúng tôi sẽ ghi âm lời thuyết minh bằng ngôn ngữ địa phương, sẽ thay thế một số cảnh phim đặc thù tại nước Mỹ bằng những cảnh khác thích ứng hơn với mỗi quốc gia.

Chẳng hạn, các bạn ở Úc có thể muốn chúng tôi giới thiệu về Thánh Mary MacKillop, vị bổn mạng mới của họ, hoặc hình ảnh Đức Gioan Phaolô II đang ôm một chú kangaroo... Đó là những hình ảnh thân thương, gần gũi, có thể làm cho người Úc thốt lên: “Đây là gia đình Giáo Hội của mình!” Vâng, có những cảnh chúng tôi có thể thay đổi, để thông điệp được nồng nhiệt đón nhận ở các cộng đồng khác nhau.

- Zenit: Tương lai của cuộc vận động “Catholics, Come Home” sẽ như thế nào?

- Peterson: Chúng tôi vừa mới cập nhật trang web của mình hồi tháng 12, để làm cho nó năng động hơn và xác thực hơn. Chúng tôi đã sử dụng công nghệ web 2.0, giúp việc lướt web thoải mái hơn nhiều. Về nội dung, chúng tôi đưa vào thêm nhiều giáo huấn liên quan đến các vấn đề luân lý và xã hội rất sốt dẻo hiện nay mà người ta đang muốn tìm hiểu - chẳng hạn, các thông tin về vô sinh, các giáo huấn về ngừa thai, phá thai và về sự sống, giáo huấn về hôn nhân và gia đình, về sự tiêu hôn. Kết quả của sự cập nhật hồi tháng 12 này được thấy rõ ràng: lượng người truy cập tăng vọt, và trung bình người ta dành đến 6 phút hay nhiều hơn thế cho trang web, họ xem hơn bốn trang, nghĩa là so với tháng trước đó thì kết quả tăng gấp ba lần.

Công việc chúng tôi hiện đang làm, đó là áp dụng cùng một sách lược và công nghệ của catholicscomehome.org cho trang www.catolicosregresen.org, để các chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha và các phương ngữ khác nhau của ngôn ngữ này được thích ứng hơn cho mỗi nước. Ví dụ, ở Mỹ, trong “Epic” chúng tôi đã cắt một số cảnh và đưa vào một cảnh về Thứ Tư lễ Tro và một cảnh về Đức Bà Guadalupe. Các chứng từ bằng tiếng Tây Ban Nha nói về việc Đức Mẹ không ngừng kêu gọi chúng ta trở về với Con của Mẹ. Chúng tôi sử dụng những cách nói gần gũi trong lời thuyết minh. Ví dụ, một anh bạn nói tiếng Tây Ban Nha kể chuyện rằng anh ấy là thành viên của một đội bóng chày chuyên nghiệp; đội bóng của anh làm việc vào ngày Chúa Nhật, và anh đã lấy đó làm lý do để không đi lễ.

Các “quảng cáo” của chúng tôi bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan được phát sóng ở Chicago – “Epic” bằng tiếng Ba Lan cũng được phát sóng trên Đài PolSat ở Chicago với sự động viên tích cực của Đức Hồng Y George, Tổng Giáo Phận Chicago. Chúng tôi biết rằng hàng triệu người ở Ba Lan đã xem các “quảng cáo” của “Catholics, Come Home” bằng tiếng Ba Lan trong suốt Mùa Vọng và dịp Lễ Giáng Sinh, vì tín hiệu PolSat được truyền tới Ba Lan qua vệ tinh. Một anh bạn Ba Lan ở giáo xứ chúng tôi vừa mới về thăm gia đình bên Ba Lan kể rằng anh ấy đã xem các “quảng cáo” này trên kênh truyền hình “đời” ở đó. Thì ra Chúa Thánh Thần đã ‘quốc tế hóa’ chúng tôi cả trước khi chúng tôi có ý định ấy! Đây là một thành quả ngoài dự kiến, đúng là do Chúa ban cho.

- Zenit: Anh đã học được gì khi đặt bước vào cuộc phiêu lưu thánh thiêng này?

- Peterson: Điều chính yếu tôi nhận ra, đó là một thế giới tuyệt đẹp ẩn giấu đang có đó, rất thực. Là người Công Giáo, chúng ta được trao ban các ân huệ Thánh Thần qua Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, chúng ta còn lãnh nhận chính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể nữa, nhưng rất thường chúng ta bị cuốn trôi bởi bao sự đời. Thiên Chúa có một mục đích và một chương trình cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta có một chức năng độc đáo trong Thân Mình Đức Kitô. Khi chúng ta thưa “Vâng” với Chúa và thi hành thánh ý của Ngài qua đời sống bí tích, thì cái vảy sẽ rơi khỏi mắt ta, như điều đã xảy ra với Thánh Phaolô, và cái thế giới mới mẻ ẩn giấu kia tất sẽ hiện lộ. Đó là một thế giới tràn ngập bao sắc màu, có sự phiêu lưu, có niềm vui và an bình. Tôi đã nhận ra rõ ràng những gì mình bỏ nhỡ khi sống kiểu “người Công Giáo ngoài giờ” – giờ đây tôi hiểu tại sao người ta vui mừng đến thế. Chỉ cần chúng ta cất bước đến với Chúa, như người con đi hoang trở về, thì Chúa Cha từ ái sẽ chạy ào tới đón chúng ta, và phủ ngập chúng ta bằng các ân huệ của Ngài.

Vì thế, tôi khích lệ mọi người hãy thưa “Vâng” với Chúa, hãy bước tới với cuộc hòa giải tuyệt vời nơi Bí Tích Tha Tội, hãy bắt đầu đọc Thánh Kinh, và xin Chúa kéo mình đến gần Ngài hơn. Thiên Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta, và bạn sẽ có một cuộc phiêu lưu, bạn sẽ có một mục đích và một tiếng gọi trong đời sống. Bạn sẽ khám phá một thế giới mới, đầy hy vọng và bình an trong Chúa Giêsu.

dịch từ WHAT’S BRINGING SO MANY CATHOLICS HOME? của Andrea Kirk Assaf, đăng trong Zenit.org, 05.5.2010